NUÔI DƯỠNG TINH THẦN CÙNG THẮNG

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Suy nghĩ cùng thắng có nghĩa là bạn cố gắng đem lại sự hài lòng cho mọi thành viên gia  đình.  Bạn luôn mong muốn điều  tốt nhất cho mọi người.

Là bố mẹ, bạn biết có đôi lúc con cái bạn muốn làm những việc chẳng ích lợi gì cho chúng. Những đứa trẻ chưa từng trải  có xu hướng hành động theo những điều chúng muốn, chứ

không phải những điều chúng cần. Những người chăm sóc chúng thường trưởng thành hơn, từng trải hơn, khôn ngoan hơn, và sẵn sàng chú tâm vào những điều cần làm hơn là những điều muốn làm. Vì vậy, họ thường đưa ra những quyết định trái với ý muốn lũ trẻ, thoạt nhìn giống với xu hướng “thắng – thua”.

Nhưng làm cha làm mẹ không phải là để ủng hộ, đáp ứng mọi ý thích và ham muốn nhất thời của bọn trẻ. Làm cha mẹ là đưa ra những quyết định thực sự mang lại kết quả cùng thắng, cho dù bọn trẻ cảm thấy thế nào vào lúc đó.

Hãy luôn ghi nhớ, làm cha mẹ về cơ bản là một công việc “không dễ chịu”, đòi hỏi cha mẹ phải có sự trưởng thành và quyết tâm cao độ để điều chỉnh những mong muốn của mình một cách thích hợp. Hãy nhớ, những thứ làm bọn trẻ  hạnh  phúc không hề đối lập với những thứ làm bọn trẻ thấy không vui hay khó chịu. Ví dụ, thiếu không khí là một việc khó chịu. “Không khí” trong gia đình – mà bạn với tư cách làm  cha mẹ phải cung cấp – là sự thấu hiểu, động viên, tình yêu  và  tính  kiên định. Không có chúng, bọn trẻ sẽ không hạnh  phúc.  Nhưng có “không khí” như thế, cũng không hẳn làm bọn trẻ hạnh phúc. Vì vậy bố mẹ phải điều chỉnh những mong  muốn của mình một cách thích hợp.

Frederick Herzberg đã giới thiệu ý tưởng về sự hài lòng/không hài lòng này trong “lý thuyết về động  lực  thanh tẩy”, với những gợi ý dành cho các bậc làm cha mẹ:

  1. Đừng hy vọng nhận được nhiều lời khen ngợi hay đánh giá cao từ bọn trẻ. Nếu có, đó chỉ những thứ trang trí, như kem trên bánh. Đừng kỳ vọng vào nó.
  2. Hãy vui vẻ và xóa bỏ càng nhiều những điều khó chịu càng tốt.
  3. Đừng định nghĩa những điều sẽ làm bọn trẻ hài lòng. Đơn giản là bạn không thể ép buộc được các quá trình tự nhiên.

Là bố mẹ, bạn sẽ phải đối mặt với đủ thứ giọng điệu, lời lẽ thể hiện sự không hài lòng từ bọn trẻ. Nhưng nhớ, tất cả những gì bạn làm để cung cấp một nền tảng cơ bản cho hạnh phúc và an toàn của chúng, không phải lúc nào cũng được nói ra.

Vấn đề mấu chốt ở đây là mối quan hệ. Mọi người thường cho phép bạn làm những điều mà họ cần, chứ không phải những điều họ muốn, nếu họ tin tưởng và biết rằng bạn quan tâm họ một cách chân thành. Vì vậy, nếu bạn phát huy tinh thần cùng thắng bất cứ khi nào có thể, bọn trẻ sẽ có được nền tảng để hiểu và chấp nhận những quyết định mà thoạt đầu đối với chúng là thắng-thua. Sau đây là những cách giúp bạn thực hiện:

Bạn có thể để chúng thắng trong những chuyện nhỏ. Khi bọn trẻ còn bé, 90% là chuyện nhỏ. Trong gia đình của chính tôi, nếu bọn trẻ muốn làm một cái xích đu trong phòng, đi ra ngoài chơi, nghịch bẩn, hay để một cái pháo  đài  phòng  thủ trong nhà vài tuần liền, tôi sẽ cho phép chúng làm những điều đó. Nói chung, bạn hãy phân biệt giữa những vấn đề thuộc về nguyên tắc và những vấn đề thuộc về sở thích, và bạn chỉ đưa  ra quan điểm của mình đối với những vấn đề nào thực sự quan trọng mà thôi.

Bạn có thể bàn bạc với bọn trẻ trong những chuyện lớn. Bằng cách này, bọn trẻ sẽ biết bạn luôn suy nghĩ về lợi ích của chúng, bạn không định tạo nên cái tôi ích kỷ của bạn. Bạn nên ghi nhận những điều chúng nói. Càng nhiều càng tốt, hãy cho chúng tham gia và cùng tìm ra giải pháp. Chúng có thể có  những ý tưởng tốt hơn bạn. Bằng cách bàn bạc, bạn có thể hợp lực và tạo ra một giải pháp mới tốt hơn giải pháp do mỗi người tự đưa ra.

Bạn thực hiện từng bước để cân bằng việc cạnh tranh. Có một lần tôi đi xem cháu gái chơi trong một trận bóng đá. Nó là một cầu thủ cừ, tất cả chúng tôi đều thấy rất hứng thú vì đây là trận đấu quyết định giữa hai đội bóng hàng đầu đến từ hai thành phố. Bố mẹ của cả hai bên thực sự bị cuốn hút, khi các cầu thủ chuyền bóng qua lại trong một trận đấu gay cấn. Cuối cùng, trận đấu kết thúc với tỉ số hòa – đối với huấn luyện viên, kết quả như thế là tồi tệ chẳng kém gì thua cuộc. Sau khi trận đấu kết thúc, cầu thủ hai đội làm một việc mang tính thủ tục là hô lên: “Trận đấu hay, trận đấu hay” khi họ bắt tay nhau. Nhưng tinh thần của đội cháu gái tôi không tốt lắm. Bạn có thể thấy điều đó trên khuôn mặt của chúng. Huấn luyện viên đến an ủi, nhưng chúng biết ông ấy cũng rất thất vọng. Chúng

cúi đầu đi qua sân cỏ, khi đi ngang qua khu vực các cha mẹ, tôi đã hét lớn một cách cuồng nhiệt, “Ổn rồi, các bạn nhỏ! Trận đấu hay đó! Các cháu đã đặt ra năm mục tiêu: cố gắng hết mình, có được niềm vui, phối hợp với nhau như một đội, học hỏi và chiến thắng. Các cháu đã hoàn thành được bốn mục tiêu rưỡi rồi. Như vậy là chín mươi phần trăm! Thật tuyệt! Chúc mừng các cháu!”.

Mắt chúng sáng hẳn lên, không  lâu sau đó, các cầu thủ và cha mẹ ăn mừng cho bốn mục tiêu rưỡi mà bọn trẻ vừa đạt được.

?Một nữ sinh viên đã chia sẻ câu chuyện sau:

Khi còn là một sinh viên năm thứ hai, tôi đủ cao để bắt  đầu chơi cho đội bóng rổ của trường và chơi khá tốt so với tuổi của mình. Bạn tôi, Pam, cũng sinh viên năm thứ hai, cũng được đưa lên chơi trong đội bóng.

Tôi có những cú bỏ nhỏ khá tốt khi ở khoảng cách ba mét. Tôi thực hiện được bốn đến năm cú bỏ nhỏ trong một trận đấu và tôi bắt đầu được chú ý. Rõ ràng Pam không thích tôi nổi tiếng hơn, và vô tình hoặc cố ý, Pam giữ bóng không ném cho tôi. Bất kể là tôi gần bóng thế nào, cô ấy cũng không trao bóng cho tôi.

Vào một buổi tối, sau một trận đấu tồi tệ mà Pam giữ bóng không chuyền cho tôi hầu như suốt trận, chưa bao giờ tôi cảm thấy tức giận đến vậy. Tôi đã nói chuyện hàng giờ với bố, kể lại mọi thứ, bộc lộ sự tức giận của tôi về Pam, một người-bạn-đã-biến-thành-kẻ-thù, một kẻ xuẩn ngốc. Sau một cuộc trao đổi dài, bố bảo tôi giải pháp tốt nhất là hãy ném bóng cho Pam bất cứ khi nào tôi có bóng. Bất cứ khi nào. Tôi đã nghĩ đó là một đề nghị ngây ngô. Bố nói với tôi điều đó sẽ có tác dụng, tôi hãy lại ở trong bếp suy nghĩ thêm. Nhưng tôi không nghĩ gì cả. Tôi dẹp nó sang một bên như là một lời khuyên ngớ ngẩn của ông bố tôi.

Trong trận đấu tiếp theo, tôi đã có một kế hoạch bí mật là sẽ phá hỏng trận đấu của Pam. Trong lần ném bóng đầu tiên, tôi nghe thấy tiếng bố từ đám đông. Ông có giọng nói rất vang, mặc dù tôi không để ý mọi thứ xung quanh trong khi chơi bóng, nhưng tôi vẫn nghe thấy giọng của bố. Vào đúng lúc tôi có bóng, ông nói lớn: “Chuyền bóng cho cô ấy!”. Tôi do dự trong một giây, sau đó làm điều tôi biết là đúng. Mặc dù tôi ở vị trí có thể ném bóng vào rổ, nhưng tôi nhìn thấy Pam và chuyền ngay bóng cho cô. Pam thoáng ngạc nhiên, rồi nhanh chóng xoay người và ném bóng vào rổ, ghi hai điểm.

Khi chạy về để chơi phòng ngự, tôi cảm thấy có điều gì đó mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây: niềm vui thích trước thành công của một người khác. Thậm chí còn hơn thế nữa, tôi nhận ra điều đó giúp chúng tôi vượt lên trong trận đấu. Chúng tôi nắm trong tay cơ hội chiến thắng. Tôi tiếp tục chuyền bóng cho Pam bất cứ khi nào có bóng trong hiệp đấu đầu tiên. Bất cứ khi nào. Trong hiệp hai tôi cũng làm giống như vậy, chỉ ghi điểm khi tôi được chỉ định hay khi tôi đứng ngay trước rổ.

Chúng tôi đã thắng trận đấu đó, và cả trong những trận tiếp theo, Pam bắt đầu chuyền bóng cho tôi nhiều như tôi chuyền cho cô ấy. Việc phối hợp giữa chúng tôi ngày càng ăn ý hơn, và tình bạn của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi thắng phần lớn các trận đấu trong năm, trở thành một bộ đôi huyền thoại ở một thị trấn nhỏ. Một tờ báo địa phương thậm chí còn viết một bài báo khen ngợi khả năng chuyền bóng của chúng tôi, có vẻ như chúng tôi đọc được suy nghĩ của nhau, cảm nhận được vị trí di chuyển của nhau trên sân. Khi tôi ghi điểm, tôi cảm nhận được niềm vui mừng thực sự của Pam dành cho tôi. Và khi Pam ghi được nhiều điểm hơn tôi, trong lòng tôi thực sự vẫn cảm thấy thoải mái.

Ngay cả trong một tình huống thắng-thua, như trong thể thao, vẫn có những việc bạn nên làm để giúp tạo ra một tinh thần cùng thắng, nhấn mạnh mục đích cuối cùng là thắng-thắng. Trong gia đình mình, chúng tôi phát hiện sẽ có nhiều thời gian vui vẻ bên nhau hơn, nếu chúng tôi là một “đội bóng”.

?Sandra:

Con cái trong gia đình tôi thuộc mọi lứa tuổi, từ em bé mới sinh đến tuổi thiếu niên, để tìm được một hoạt động mà tất cả cùng tham gia là rất khó. Thỉnh thoảng chúng tôi chơi bowling. Phần thắng luôn thuộc về người lớn hơn, khỏe hơn và chơi giỏi hơn.

Chúng tôi mong muốn đem lại chiến thắng cho tất cả mọi người, cuối cùng đã tìm ra một cách. Thay vì cộng  điểm  cho từng người, người nào có nhiều điểm nhất sẽ thắng, chúng tôi cộng điểm chung của tất cả mọi người. Chúng tôi đặt ra  một  mục tiêu nhất định về một lượng điểm cần phải đạt được để cả gia đình chiến thắng. Nếu đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ đi ăn kem mút, hay uống bia tươi hay ăn bánh chuối như là phần thưởng. Thay vì cảm thấy không vui khi ai đó có một cú đánh lăn đổ bóng, chúng tôi luôn cổ vũ lẫn nhau để có được điểm số theo mục tiêu đề ra.

Đó là giải pháp tổng lực, theo tinh thần “thắng-thắng” cho cả gia đình. Thay vì có người thắng kẻ thua, chúng tôi mong muốn mỗi người sẽ cố gắng hết sức mình. Chúng tôi có một mục tiêu chung. Thêm một điểm là sẽ thêm khả năng được đi ăn pizza hay ăn kem, thay vì phải về nhà.

Chúng tôi cũng nhận thấy khi cho một đứa trẻ tham gia vào việc hướng dẫn một đứa khác, sự tị nạnh giữa chúng sẽ được xóa bỏ. Cả hai đứa sẽ vui thích, trân trọng thành quả đạt được của đứa kia vì cả hai đều được tham gia.

?Sandra:

Sean và David chỉ cách nhau mười tám tháng tuổi. Thỉnh thoảng chúng cạnh tranh, tị nạnh. Khi David học đọc, Sean thường chế nhạo và làm thằng bé khóc. Khi David đọc từng chữ một cách chậm chạp, ngắc ngứ, “Mary… đi… đến … cửa….hàng”, Sean sẽ bò ra từ chỗ trốn của mình và nhại lại giọng đọc ấy,  “Mary…  đi… đến… cửa…hàng”, trêu tức và chế nhạo cho tới khi thằng bé bật khóc.

Tôi nói, “Sean! David đang cố gắng tập đọc. Con cũng đã từng phải học đọc. Ban đầu bao giờ cũng khó. Đừng trêu chọc em nữa. Trời ạ, nó là em trai của con mà! Đừng làm em khóc, để em yên đi con”.

Việc này tiếp diễn trong một thời gian cho tới khi tôi tìm được một giải pháp tốt hơn. Chúng tôi đưa Sean ra một chỗ và nói chuyện với nó. “Sean, con lớn  hơn  David,  và  con  đã  biết đọc rồi. Con có thể dạy David đọc được không? Điều đó sẽ rất tuyệt. Ngồi với em mỗi ngày nửa tiếng và xem con có thể giúp em tốt hơn bố mẹ không”.

Sean nghĩ vềchuyện đó và đồng ý. Sau vài hôm, cậu bé dắt David đến trước chúng tôi và tuyên bố: “Bố mẹ hãy nghe David đọc nè. Hàng ngày con đều dạy em, và em bây giờ đọc khá tốt rồi”. David mở sách ra, bắt đầu đọc: “Mary… đi … đến… cửa…hàng”, vẫn chậm chạp như một vài ngày trước đây.

Chúng tôi nói: “Xin chúc mừng con, Sean! Con vừa dạy em con biết đọc rồi”. Sean rạng rỡ và rất tự hào. David cũng vui, khi biết anh trai khen nó đọc tốt. Đó là một chiến thắng cho cả hai đứa. Sean đã trở thành “thầy giáo”, đưa học sinh của mình đến trình diện với chúng tôi xác nhận thành quả. David đã trở thành “học sinh”, tự hào về những gì bé đạt được.

Có rất nhiều cách để tạo ra những tình huống cùng thắng, thậm chí đối với những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất. Tôi nhớ lại bữa tiệc sinh nhật của con gái tôi, bé đang trải qua giai đoạn mong muốn sở hữu đồ chơi trước khi sẵn sàng chia sẻ. Những người làm bố mẹ như chúng ta cần hiểu được tâm lý này, để có thể giúp con cái có được cách hành xử cùng thắng.

“Tại sao lại khóc? Ồ, xem này, Johnnie trông buồn quá. Con có biết tại sao em buồn không? Con có nghĩ đó là vì con lấy món đồ chơi của em không? Đây là đồ chơi của con. Chúng thuộc về con. Chúng ta có thể làm gì để khiến Johnnie cảm thấy vui và con cũng thấy thoải mái không? Con có muốn chia sẻ không? Đấy là một ý kiến hay đấy chứ! Như vậy cả hai con sẽ đều thấy vui”.

?Sandra:

Tôi còn nhớ cô con gái 2 tuổi của tôi tỏ vẻ giận dỗi, lo lắng khi tôi dành thời gian để chăm sóc  em trai  của nó. Cuối cùng tôi nói: “Tại sao con không chạy đi chọn một cuốn sách con thích đem lại đây, để mẹ đọc cho con nghe trong khi mẹ bế em nhỉ? Em bé còn nhỏ, nó chỉ ăn rồi ngủ thôi, con và mẹ sẽ có nhiều thời gian ở bên nhau”. Vấn đề được giải quyết êm thắm.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI
  2. NẾP SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – TỰ TRUYỆN GANDHI
  3. CÁ NHÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP