LẮNG NGHE NHỮNG Ý KIẾN PHẢN ĐỐI

LEE HARTLEY CARTER

Trích: Thuyết Phục Bằng Thấu Cảm-Khi Sự Thật Không Thể Lay Chuyền Lòng Người; Nguyễn Văn Minh dịch; NXB. Thế Giới; phuongnambook

Những kẻ ngu muội chả bao giờ chịu hiểu, chỉ muốn thể hiện.

– TỤC NGỮ

Nếu chương trước là để đảm bảo rằng bạn có một tâm thế thấu cảm trước khi thuyết phục ai đó, thì chương này sẽ đun sôi tâm thế đó. Bởi vì, chúng ta sẽ nói về những kẻ gièm pha, căm ghét, thích quậy phá bạn trong chương này. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ yêu cầu bạn duy trì một tâm thế thấu cảm. Trong thực tế, đó là điều rất cần thiết. Chúng ta dễ dàng thấu cảm với những người cùng quan điểm. Nhưng chúng ta lại gặp khó khăn ở khả năng thấu cảm với những người có điểm đối lập.

Đây là nơi bạn có thể bắt đầu cảm nhận chính mình. Điều này thể hiện khá rõ khi tôi trình bày các phản hồi của khách hàng cho giám đốc điều hành của một thương hiệu. Trong nhiều trường hợp, sản phẩm đó không phải là phát minh của các CEO, và được những người khác sản xuất và phân phối, nhưng các CEO vẫn phải nhận những phản hồi tiêu cực như thể tôi vừa nói với họ rằng mái tóc của họ trông thật khủng khiếp và ngớ ngẩn – trong khi mái tóc đó là sản phẩm của thợ cắt tóc. Thật đau lòng. Dường như rất đơn giản để chỉ cần hỏi, “Được rồi, vậy hãy bắt đầu với những gì họ nghĩ về tôi?”. Nhưng bạn hãy đoán xem? Nó thấm sâu hơn, và gây tổn thương hơn bạn nghĩ nhiều, và hầu hết mọi người đều hành động rất sai lầm khi phải nhận những phản hồi tiêu cực.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là điều này vẫn nằm trong một nhóm mà bạn đã biết trong chương 3. Bạn không thể vứt bỏ ý kiến và giá trị của họ chỉ vì vào lúc này họ không có cùng ý kiến và giá trị giống bạn. Trong suốt quá trình này, chúng ta phải tiếp tục cố gắng để hiểu người khác và phải rất dũng cảm đấy.

Emile Bruneau, một nhà thần kinh học nhận thức tại Đại học Pennsylvania, và là một chuyên gia về sự thấu cảm, đã nhận thấy rằng sẽ rất khó để thấu cảm với người mà bạn có xu hướng không cùng quan điểm. Trong bài viết “The Brains Empathy Gap – Khoảng cách thấu cảm của não bộ”, đăng trên chí The New York Times Magazine, Bruneau giải thích: “Khi tìm hiểu một kẻ thù, tâm trí tạo ra một khoảng cách thấu cảm. Nó ngăn chặn việc chúng ta đặt mình vào tâm thế của kẻ thù”. Nếu không thích người sắp phải thuyết phục, một cách vô thức, chúng ta có xu hướng kìm nén cảm xúc thấu cảm với người đó. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực để đồng cảm được với họ. Và sự nỗ lực đó không đến một cách tự nhiên.

Gần đây, một người bạn của tôi đã bất đồng dữ dội với người cha bảy mươi hai tuổi của cô ấy vì cô muốn các ngày lễ truyền thống có thêm gia đình bên chồng, những người có đức tin khác biệt. Mọi thứ trở nên hơi xấu xí hơn khi cô con gái tám tuổi tham gia vào, “Ông có cách sống khác và điều đó không sai. Bố cũng có cách sống khác và điều đó cũng không sai. Mẹ đang cố gắng làm cho mọi người vui vẻ và điều đó càng không sai. Nhưng mọi người khác biệt và mọi người đều được phép có những cảm xúc khác nhau”.

Tất cả đều cười vì cô bé hoàn toàn đúng. Thay vì chia sẻ với nhau về những điều quan trọng đối với mỗi người và lý do của nó, họ lại cố tìm cho ra ai đúng ai sai, và đó luôn là một cách thất bại. Một khi chấp nhận chia sẻ, họ thấy người ông sẵn sàng buông bỏ một vài thứ, việc đó đã tạo không gian cho những gì người con rể coi trọng, và mọi sự được giải quyết êm đẹp. Cuối cùng tất cả mọi người cảm thấy họ được nhìn nhận, được lắng nghe và được tôn trọng.

Trong chương này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách giao tiếp, kết nối và, dĩ nhiên là thuyết phục (một số) người ghét bạn thay đổi suy nghĩ, trong khi vẫn tôn trọng các giá trị cốt lõi và những khác biệt của họ.

Chúng ta có thể thu hẹp nhiều khoảng cách tại đất nước chúng ta hơn hiện nay nếu chúng ta đến với người khác bằng mục tiêu kết nối và cùng giáo dục, chứ không phải kiểu, “Tôi sẽ dạy cho người này thấy rằng anh ta sai và tôi đúng”. Cách tiếp cận đó không bao giờ hiệu quả. Nó đi ngược lại với hệ thần kinh sinh học của chúng ta và khoét sâu hơn những bất đồng.

Nhưng hãy nhớ điều này: Những đề xuất của tôi trong chương này không dễ dàng cho bất cứ ai. Lắng nghe những chỉ trích sẽ kích hoạt cảm xúc phòng vệ. Và lắng nghe những quan điểm đối nghịch cũng vậy. Vì mục tiêu mà bạn đã xác định trong phần một, tôi sẽ yêu cầu bạn không đơn giản chỉ cao hơn mà phải xuyên qua nó. Và tôi sẽ cung cấp cho bạn một số kỹ thuật hữu ích để bám sát mục tiêu và duy trì khả năng tiếp nhận ngay cả khi phải đối mặt với một cuộc tấn công. Bởi vì thuyết phục là sự thúc đẩy việc kết nối. Chúng ta phải nhớ rằng, bất kể người đối diện là ai thì tất cả chúng ta đều có nhiều điểm chung hơn ta nghĩ.

—–???—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHẤP NHẬN PHẢN HỒI
  2. LÀM CHO CÂU CHUYỆN TRỞ NÊN SỐNG ĐỘNG
  3. CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU