LỄ NGHĨA

NITOBE INAZO

Trích: Võ Sĩ Đạo, Linh Hồn Của Nhật Bản; Nitobe Inazo/ Lê Ngọc Thảo dịch; NXB Thời Đại; 2011
???
Một ẩn sĩ thiền tông (Sen no Rikyu 1522-91,ND) đã nghiên cứu và tạo ra cách thức cho nghệ thuật uống trà trong thời mà chiến tranh và những lời đồn đại về chiến tranh luôn xảy ra không ngớt.
Sự thật ấy đủ để chứng tỏ nghệ thuật này không phải chỉ để tiêu khiển. Trước khi bước vào không gian yên tĩnh quanh phòng uống trà, những người sẽ ngồi sắp hàng trong tiệc trà phải tháo bỏ qua bên những thanh kiếm họ mang theo, cùng với việc đó họ cũng sẽ dứt bỏ tính hung bạo trong chiến trường, trò hèn mọn trong chính trị, để tìm tình bằng hữu và hòa bình ở nơi uống trà này.
Cha-no-yu là một nghệ thuật hơn là một nghi thức, là thơ ca có âm điệu, là động tác nhịp nhàng, cha-no-yu chính là phương pháp thực hành việc tu dưỡng tinh thần. Giá trị lớn lao nhất của cha-no-yu nằm ở điểm sau cùng này. Thế nhưng trong đám người theo “trà đạo” có nhiều người chỉ chú tâm vào những chi tiết khác không quan trọng. Dẫu thế, điều này không có nghĩa là bản chất của “trà đạo” không có tính cách tinh thần.
Cha-no-yu (trà đạo Nhật Bản)

Cha-no-yu (trà đạo Nhật Bản)

Cho dầu lễ nghĩa chỉ tạo vẻ tao nhã cho động tác, nhưng học tập và ứng dụng được sẽ có ý nghĩa rất lớn và chức năng của nó không chỉ dừng lại ở đây. Động cơ của lễ nghĩa là nhân ái và khiêm nhường. Lễ nghĩa là biểu hiện tao nhã của sự cảm thông, có từ lòng tử tế thông hiểu tình cảm của người khác. Lễ nghĩa đòi hỏi phải buồn với người đang buồn và phải vui với người đang vui. Yêu cầu có tính cách giáo huấn này, khi được rút lại thành chi tiết nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, sẽ biểu hiện qua những hành vi nhỏ ít được ai chú ý, hoặc nếu bị chú ý thì đó cũng chỉ là hành vi “hết sức buồn cười” như một phụ nữ truyền đạo đã từng sống ở Nhật hai mươi năm nói với tôi. Tỉ dụ trong ngày nắng chang chang, chị đi ra đường mà quên đem dù che nắng; tình cờ có một người Nhật quen đi qua; khi chị chào người đó, người đó trước tiên sẽ giở mũ ra chào lại chị. Chuyện đến đây còn có vẻ tự nhiên; nhưng chuyện “hết sức buồn cười” là trong suốt thời gian người đó đứng nói chuyện với chị, người đó xếp dù lại và cũng đứng trong nắng chang chang cùng với chị. Sao lại ngớ ngẩn thế! Vâng, đúng là ngớ ngẩn. Dĩ nhiên hành động này thật ngớ ngẩn nếu không phải là: “ Chị đứng trong nắng; tôi cảm thông với chị; tôi muốn che cho chị nếu cây dù của tôi đủ rộng, hay nếu chị là người thật quen thân của tôi; nhưng vì tôi không thể che được cho chị nên ít ra tôi cũng muốn được chia sẻ cái khổ của chị”. Những hành động nhỏ kiểu này, không, đôi lúc còn buồn cười hơn nữa kìa, không phải chỉ là cử chỉ hay thói quen mà có cảm giác lo lắng đến sự an vui của người khác, được thể hiện qua hành động.
Tôi xin đưa thêm một trường hợp “hết sức buồn cười” của thói quen chiếu theo tiêu chuẩn lễ phép của chúng tôi. Nhiều người viết chỉ quan sát bề ngoài, đơn thuần cho rằng người Nhật có thói quen cái gì cũng nghĩ ngược ngạo. Người ngoại quốc nào khi tiếp cận với thói quen đều thú nhận rằng họ cảm thấy lúng túng không biết phải trả lời như thế nào cho hợp lẽ. Ở Mỹ khi anh biếu một vật gì, anh thường hết lòng ca ngợi vật đó trước mặt người nhận, nhưng ở Nhật chúng tôi sẽ nói vật mình biếu chỉ có giá trị thấp kém hay hèn mọn. Người Mỹ nghĩ như thế này: “Đây là món quà xinh đẹp: nếu nó không xinh đẹp thì tôi nào dám tặng anh; vì nếu tặng anh một vật không xinh đẹp thì hóa ra tôi đã khinh thường anh”. Ngược lại với điều đó, người Nhật như thế này: “Anh là người thật tốt. Món quà nào dẫu có xinh đẹp đến mấy cũng không xứng đáng để được anh nhận. Xin anh nhận món quà này như là một biểu hiện của lòng chân thành của tôi chứ không phải là ở giá trị của nó. Món quà này dẫu có xinh đẹp đến mấy nhưng bảo rằng xứng đáng với anh thì hóa ra tôi đã xem thường anh”. So sánh hai ý tưởng này, chúng ta sẽ thấy cả hai ý tưởng cùng qui về một chỗ và cùng giống nhau. Không có bên nào là “hết sức buồn cười” cả. Người Mỹ nói về giá trị vật chất của vật biếu và người Nhật nói về tinh thần của mình trong khi biếu.
Lễ nghĩa ngày Tết của người Việt

Lễ nghĩa ngày Tết của người Việt

Ý thức lễ nghĩa của người Nhật hiện ra ở mỗi hành vi nhỏ nhặt nên nếu chỉ lấy ra chi tiết ít quan trọng nhất và xem đó như là hành vi điển hình để phê phán về bản chất của lễ nghĩa thì đúng đây là lí luận ngược đời. Ăn uống hay giữ đúng lễ ăn uống, việc nào quan trọng hơn. Thánh nhân Trung Quốc (Mạnh Tử) trả lời như sau: “Nếu so sánh người coi việc ăn uống là quan trọng, với một người coi thường lễ nghĩa, thì ta chỉ có thể nói là việc ăn uống là quan trọng hơn”. Nói rằng kim loại nặng hơn lông hồng, nhưng đây có nghĩa là câu nói có được khi so sánh một mảnh nhỏ kim loại với một thùng đầy lông hồng hay không? Lấy một miếng gỗ to cỡ bàn chân đặt lên đỉnh tháp, chắc không có ai nói miếng gỗ cao hơn đỉnh tháp. “Việc nói thật và việc giữ gìn lễ nghĩa, việc nào quan trọng hơn?”. Nếu được hỏi như thế, người ta cho rằng người Nhật sẽ có câu trả lời trái hẳn với người Mỹ. Tôi xin khất lời bình luận lại ở chương sau khi nói về lòng thành.
???

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA SÂU SẮC CỦA NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN
  2. TẾT VIỆT NAM, TẾT DI LẶC
  3. TẾT AN BÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. CHÂN THẬT VÀ THÀNH THẬT

Bài viết mới

  1. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  2. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG