CHÂN THẬT VÀ THÀNH THẬT

NITOBE INAZO

Trích: “Võ Sĩ Đạo Linh Hồn Của Nhật Bản”/ Nitobe Inazo; Lê Ngọc Thảo dịch. - NXB Thời Đại, 2011

 

“Mọi vật trong thế gian đều bắt đầu từ thành thật và chấm dứt ở thành thật; Thành thật là căn nguyên của mọi vật, không có thành thật, sẽ không có gì cả”

Thiếu chân thật và thành thật, lễ nghĩa sẽ là diễn kịch và là trò hề. Masamune (lãnh chúa xứ Sendai, ND) nói: “Lễ nghĩa quá mức sẽ thành tâng bốc”. Một nhà thơ xưa (Sugawara Michizane, ND) đã vượt qua cả Polonius khi khuyên rằng: “Nếu lòng ngươi chân thật, không cần cầu nguyện, thần thánh cũng bảo hộ cho ngươi”. Sùng bái lòng thành thật, coi đó như một sức mạnh siêu việt sánh ngang với thượng đế, Khổng Tử đã diễn tả trong sách “Trung dung” rằng: “Mọi vật trong thế gian đều bắt đầu từ thành thật và chấm dứt ở thành thật; thành thật là căn nguyên của mọi vật, không có thành thật, sẽ không có gì cả”. Với tài hùng biện, Khổng Tử luận giải thành thật có tính chất lâu dài và phạm vi to lớn, có sức mạnh có thể gây biến đổi mà không cần hành động, và cho rằng chỉ cần thành thật thì sẽ đạt được mục đích mà không cần phải cố gắng. Chữ “thành” (thật thà) trong Hán tự, là kết hợp của chữ “ngôn” (lời nói) với chữ “thành” (xong việc) có chỗ giống với chữ Logos (hoạt động của lí trí được thực thể hóa qua lời nói, ND), mà phái Tân Platon chủ trương. Khổng Tử đã bay cao như thế đó trong chuyến bay tinh thần có tính phi phàm của mình.

Nói dối hoặc nói tránh được xem như đồng nghĩa với hèn nhát. Võ sĩ giữ địa vị cao trong xã hội, bị đòi hỏi phải có một tiêu chuẩn về thành thật cao hơn thương nhân và nông dân. Bushi no ichigon- “một lời nói của võ sĩ”, đúng là đồng nghĩa với từ Ritterwort trong tiếng Đức – là câu nói bảo đảm đầy đủ tính chân thật về nội dung. Lời nói của võ sĩ nặng như núi, những lời hứa chắc chắn được thực hiện nên không cần phải có giấy chứng. Viết giấy chứng là hành vi làm tổn thương tính uy nghiêm của võ sĩ. “Ni-gon” (hai lời, ND) có nghĩa nói dối. Có nhiều giai thoại cảm động kể chuyện những võ sĩ đã lấy cái chết để chuộc lỗi “ni-gon” của mình.

Chân thật được coi trọng như thế cho nên khác với phần đông tín đồ Cơ đốc đã không ngớt vi phạm lời chỉ bảo rõ ràng của Chúa rằng không được thề thốt, một samurai chính hiệu xem việc thề thốt là việc làm tổn thương danh dự của mình. Tôi thừa biết có võ sĩ đã thề trước thần linh hoặc trước thanh gươm của mình nhưng không bao giờ họ có những lời thề có vẻ đùa giỡn hoặc bất kính. Để cho lời thề có ý nghĩa nặng hơn, đôi lúc họ đã dùng máu để viết. Thế nhưng để giải thích chuyện này, tôi mong độc giả tham khảo chuyện Faust của Goethe.

Gần đây, nhà văn Mỹ (Dr. Peery, ND) đã viết trong sách “The Gist of Japan” (“Chân tướng của Nhật Bản”, p.86) của mình. “Nếu hỏi một người Nhật tầm thường điều nào tốt hơn, nói dối hay vô lễ, chắc chắn người đó sẽ không do dự trả lời rằng nói dối”. Điều này có phần đúng và cũng có phần không đúng. Đúng vì không phải chỉ có người Nhật tầm thường mà cả samurai chắc cũng trả lời như thế. Nhưng không đúng ở chỗ Dr. Peery đã dùng chữ falsehood (giả dối) để dịch chữ “uso”, chữ này không có ý nghĩa mạnh như thế. Trong tiếng Nhật, “uso” là tiếng được dùng chỉ một việc không phải là “makoto” (chân thật), hay không phải là “honto” (sự thật). Lowell nói rằng Wordsworth đã không thể phân biệt chân thật với sự thật. Người Nhật tầm thường giống với Woedsworth ở điểm này. Nếu hỏi một người Nhật hoặc một người Mỹ có chút ít học vấn rằng “Anh có ghét tôi không?” hoặc “Anh có đau bụng không?”. Chắc chắn người đó sẽ không do dự trả lời dối rằng “Tôi thích anh lắm” hoặc “Không sao cả, cám ơn anh”. Nếu vì lễ nghĩa mà phải hy sinh sự chân thật thì đúng đây chỉ là “hư lễ” (lễ nghĩa hình thức, ND) và lừa dối bằng những lời ngọt ngào.

Tôi thừa biết mình đang nói về quan niệm chân thật trong võ sĩ đạo, nhưng có lẽ không sao khi tôi có một vài lời về đạo đức của giới thương nghiệp Nhật Bản. Nhiều sách vở và báo chí ngoại quốc đã than phiền về đạo đức thương nghiệp của người Nhật. Đúng, đạo đức thương nghiệp lỏng lẻo là vết nhơ tồi tệ làm mất thể diện quốc gia. Nhưng trước khi nguyền rủa hoặc vội vã lên án toàn thể người Nhật, hãy bình tĩnh suy xét và nhờ đó chắc chắn sẽ có được sự an ủi trong tương lai.

Trong những nghề nghiệp lớn trên thế gian, không có khoảng cách nào lớn hơn khoảng cách giữa võ sĩ và thương nhân. Thương nhân bị định vị thấp nhất trong phân chia giai cấp sĩ nông công thương. Võ sĩ có thu nhập từ đất đai và có thể say sưa tự mình làm nông nghiệp nghiệp dư, nếu muốn. Nhưng chuyện gẩy bàn tính là buôn bán thì lại ghét. Chúng ta lãnh hội được sự khôn ngoan trong việc sắp đặt trật tự xã hội này. Montesquieu (tư tưởng gia người Pháp, 1689-1755, ND) đã nói rõ rằng việc cấm quí tộc làm thương nghiệp là chính sách xã hội rất tốt nhằm ngăn ngừa việc tập trung tài sản vào trong tay những người có quyền lực. Tách rời quyền lực với giàu sang giúp cho việc phân phối tài sản được đồng đều hơn. Giáo sư Dill, tác giả quyển “Xã hội La Mã trong thế kỷ sau cùng của đế quốc phía Tây”, cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho đế quốc La Mã suy vong là đã cho phép quí tộc làm thương nghiệp gây hậu quả tập trung tài sản và quyền lực vào tay thiểu số nguyên lão và gia đình của họ.

Thương nghiệp của Nhật trong thời phong kiến đã không phát triển cao đến mức độ có thể đạt được nếu được tự do hơn. Nghề này bị mọi người khinh rẻ nên rốt cuộc chỉ tập hợp được những người ít để ý đến những lời gièm pha của thiên hạ. Ở phương Tây có câu nói rằng “Gọi người đó là ăn trộm thì người đó sẽ ăn trộm”. Có định kiến không tốt trong cách gọi tên một nghề nào đó thì người theo nghề đó sẽ lần lần có những hành vi tương xứng với định kiến không tốt đó vì như Hugh Black (nhà thần học người Mỹ gốc Scotland, 1868-1953, ND) đã nói: “Lương tâm và dễ dàng rơi xuống đến giới hạn của tiêu chuẩn được mong mỏi, và đó là việc đương nhiên”. Không cần phải thêm rằng bất cứ công việc nào, thương nghiệp hay nghề nào khác sẽ không làm được nếu không có qui phạm đạo đức. Thương nhân Nhật Bản trong thời đại phong kiến cũng có qui phạm đạo đức trong cách xử sự với nhau, tuy vẫn còn ở trong trạng thái phôi thai, nếu không thì những chế độ căn bản như tổ chức đoàn thể cùng nghề, ngân hàng, sở giao dịch, bảo hiểm, ngân phiếu, hối đoái chẳng bao giờ phát triển được. Thế nhưng trong liên hệ đối với những người khác nghề, thương nhân có cách cư xử không tốt đúng như đã bị chỉ trích.

Trong tình trạng đó, khi quốc gia mở cửa buôn bán với ngoại quốc, chỉ có những thương nhân mạo hiểm hoặc thiếu tự trọng mới đua nhau ra cảng, trong khi đó những thương gia được tin cậy từ xưa đã từ chối mở chi nhánh buôn bán, mặc dầu đã được giới thẩm quyền yêu cầu nhiều lần. Vậy thì võ sĩ đạo đã bất lực trong việc ngăn chặn dòng chảy thương nghiệp thiếu danh dự này sao? Thử nhìn xem.

Những người hiểu rõ lịch sử Nhật Bản sẽ lưu ý rằng chế độ phong kiến đã bị bãi bỏ chỉ vài năm sau khi Nhật Bản mở cửa mậu dịch. Cùng lúc đó, samurai cũng bị mất bổng lộc (trong khoảng 1873-1876,ND), thay vào họ được cho quốc trái và được tự do dùng quốc trái đầu tư trong thương nghiệp. Bạn có thể hỏi rằng: “Tại sao những samurai này không đem sự thành thật mà họ hãnh diện vào trong những liên hệ sự nghiệp mới và quét sạch thói xấu từ trước đến nay trong thương nghiệp”. Phần lớn họ là những võ sĩ thanh cao và thẳng thắn. Trong lãnh vực công thương nghiệp mới không quen, họ đã không có đủ tài trí đương đầu với bọn thương nhân khôn ngoan trong việc thương lượng, cạnh tranh nên đã gây ra nhiều thất bại to lớn không hồi phục được. Vận mệnh của họ, kẻ có mắt nhìn, khóc mấy cũng không đủ, kẻ có lòng cảm động, có đồng tình đến mấy cũng không đủ. Một quốc gia công nghiệp như Mỹ, cũng có đến tám mươi phần trăm người làm kinh doanh bị thất bại nên chẳng có gì lạ khi chỉ có một trong một trăm samurai làm thương nghiệp thành công trong cái nghề mới này. Tóm lại, việc thử ứng dụng võ sĩ đạo vào trong công việc thương mại đã làm mất mát nhiều tài sản, và cần một khoảng thời gian dài mới có thể biết rõ được là bao nhiêu, nhưng người có óc quan sát sẽ hiểu ngay là con đường làm giàu không phải là con đường danh dự. Vậy họ khác nhau ở chỗ nào?

Lecky (sử gia người Ireland, 1838-1903, ND) liệt kê ba yếu tố thúc đẩy người ta phải thành thật là: Yếu tố kinh tế, yếu tố chính trị và yếu tố triết học. Yếu tố thứ nhất hoàn toàn không có trong võ sĩ đạo. Yếu tố thứ hai đã không phát triển được trong xã hội chính trị dưới chế độ phong kiến. Chân thật đã có được địa vị cao trong danh mục đạo đức quốc dân là nhờ ở tính triết học của nó, và như Lecky nói, và nhờ ở biểu hiện tối cao của nó. Với tất cả lòng thành kính đối với đạo đức thương nghiệp cao của dân tộc Anglo-Saxon, tôi đã hỏi lí do và được trả lời rằng: “Chân thật là chính sách tốt nhất”. Nghĩa là “chân thật sẽ được đền bù xứng đáng”. Vậy, đức tính này chính nó là thù lao phải không? Nếu đức tính “chân thật” đem đến nhiều tiền bạc hơn giả dối thì tôi sợ rằng võ sĩ đạo có lẽ đã chìm đắm trong giả dối!

Nếu võ sĩ đạo không chấp nhận nguyên lý “vật trả vật” thì những thương nhân khôn lanh sẽ nhanh nhẹn thừa nhận nguyên lý này. Lecky rất đúng khi nói rằng đức tính thành thật trở thành phổ biến nhờ thương nghiệp. Nietzsche cho rằng chân thật là đức tính non trẻ nhất, nói cách khác, chân thật là con nuôi của kỹ nghệ hiện tại. Không có mẹ nuôi, chân thật như là trẻ mồ côi cao quí chỉ có thể được nuôi dưỡng trong lòng của những người được giáo dục huấn luyện đầy đủ nhất. Lòng chân thật rất phổ thông trong samurai. Nhưng vì thiếu người mẹ nuôi là kỹ nghệ cận đại có tính bình dân và thực dụng cho nên đứa trẻ ngây thơ không quen việc đời này không trưởng thành được. Khi kỹ nghệ phát đạt, thành thật sẽ là đức tính vừa dễ, hay nói đúng hơn là đức tính có lợi khi thực hành. Hãy nghĩ đến việc – vào tháng 11 năm 1880, thủ tướng nước Đức, Bismarck đã phát huấn lệnh truyền tay đến các vị lãnh sự của đế quốc, cảnh cáo rằng “Thật đáng tiếc khi hàng hóa chất trong tàu Đức không có đủ độ tin cậy rõ ràng cả về chất lượng lẫn số lượng”. Nhưng nay, chúng ta tương đối ít có dịp nghe về sự bất cẩn hoặc sự thiếu thành thật của thương nhân Đức. Hai mươi năm qua, cuối cùng thương nhân Đức đã học được rằng thành thực đã được đền bù xứng đáng. Thương nhân Nhật cũng đã hiểu được điều này. Liên quan đến điều này, tôi xin giới thiệu với độc giả hai tác giả với hai quyển sách vừa xuất bản (Knapp với quyển “Feudal and Modern Japan”, ND) để có được nhận xét xác đáng. Đặc biệt về việc nói rằng thương nhân khi làm giấy mượn tiền đã ghi là sẽ xem trọng danh dự và thành thật, và đó là cách bảo đảm chắc chắn nhất. Trên giấy thường ghi là “Nếu chểnh mảng trong việc trả nợ, tôi sẽ không phản đối việc bị chế nhạo trước quần chúng”, hoặc là “Nếu tôi không trả lại được, hãy chửi tôi là đồ trâu bò”.

Đôi lúc tôi nghi ngờ không biết thành thật có động cơ nào cao hơn dũng khí hay không? Vì không có lời cảnh cáo tích cực nào đối với việc lập bằng chứng giả mạo nên nói dối không bị phạt như là một cái tội mà chỉ bị bài bác coi đó là sự yếu đuối, như một việc đáng xấu hổ. Đúng là khái niệm thành thật có liên quan mật thiết đến danh dự, và trong tiếng La tinh và tiếng Đức hai từ này có cùng ngữ nguyên với nhau. Đã đến lúc tôi cần phải khảo sát về “Danh dự” trong võ sĩ đạo.

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỨC TIN NHƯ SỰ TIN CẬY CHÂN THẬT
  2. NGHIỆP CÓ THỂ THAY ĐỔI ?
  3. TU HÀNH NHỮNG PHÁP TRỢ ĐẠO PHƯỚC TRÍ

Bài viết khác của tác giả

  1. LỄ NGHĨA

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG