LOẠI BỎ TẤM MÀN CHE MỜ BẢN THỂ

RUPERT SPIRA

Trích: "Biết Mình Là Cái Biết- Tinh Túy của Thiền"; Việt dịch: Minh Tuệ Đỗ Minh; 2022.

VỀ TÁC GIẢ
Rupert Spira sinh năm 1960 tại Anh Quốc. Từ thuở thiếu thời Rupert đã có sự quan tâm sâu sắc đến bản chất của Thực Tại. Ông trải qua hai mươi năm nghiên cứu giáo lý của Ouspensky, Krishnamurti, Rumi, Shankaracharya, Ramana Maharshi, Nisargadatta và Robert Adams, cho tới khi gặp được thầy của ông là Francis Lucille. Francis đã giới thiệu với Rupert giáo lý của Jean Klein, Parmenides và Krisnamenon, nhưng  quan trọng nhất là hướng dẫn cho Rupert đi thẳng vào bản chất thật sự của kinh nghiệm.

Ông hiện là một trong những vị thầy tâm linh có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng tâm linh ở phương Tây, chuyên giảng về pháp môn bất nhị (non-duality teaching), thường xuyên tổ chức những khóa tu tại Anh, Châu Âu và Hoa kỳ, cũng như những cuộc hội thảo online trên mạng internet.

Thông điệp quan trọng nhất Rupert thường hay nói trong những bài thuyết giảng của mình là: Sự khám phá quan trọng nhất trong đời người là hiểu rằng bản chất cốt lõi của chúng ta không có chung  những giới hạn và số phận của thân thể và  tâm trí này.

Ông hiện đang sống ở Oxford, Anh Quốc. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về Rupert Spira qua kênh youtube và website www.rupertspira.com.

****

Nhận thức “đang là chính mình” là một cánh cửa trong tâm trí qua đó chúng ta có thể đi vào để trở về nhà từ cuộc phiêu lưu nơi những kinh nghiệm.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang nhìn vào một bức tranh màu nước vẽ phong cảnh dưới một bầu trời đầy mây và một đám mây ở phía xa xa đã thu hút sự chú ý của bạn, đám mây đó đang đón những tia nắng mặt trời và chỉ mình nó đặc biệt sáng lên.

Khi nhìn bức tranh kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng đây chỉ là phần duy nhất của tờ giấy họa sĩ chưa quét lên màu nào. Nhìn từ khoảng cách xa thì mảng trắng đơn thuần này trông giống như một vật thể trong tranh, một đám mây, một vật thể giữa nhiều vật thể khác, nhưng nếu nhìn cận cảnh, bạn sẽ thấy được rằng ở đó không có mảng màu nào, chỉ là giấy trắng.

Nhận thức “đang là chính mình”, hay hiểu biết “Tôi là”, chỉ là mảng trắng nhỏ nhoi trong bức tranh của kinh nghiệm.
Nó có vẻ như là một đối tượng trong kinh nghiệm – một trong nhiều kinh nghiệm khác – những khi đến gần, bạn sẽ thấy rằng đó là một cánh cửa, một lối vào, cho bản thể cốt lõi của chúng ta, cái nền luôn luôn hiện hữu của tất cả mọi kinh nghiệm.

Tờ giấy dĩ nhiên không chỉ có mặt trong mảng trắng nhỏ của bầu trời, mà còn có mặt trong cả bức tranh, giống như bản thể của chúng ta không chỉ hiện hữu trong hiểu biết “Tôi là”, mà còn là cái nền hậu cảnh cho mọi kinh nghiệm. Vì lý do này mà chúng ta nói rằng, “Tôi (là) đang suy nghĩ”, “Tôi (là) đang đi”, “Tôi (là) đang thở”, “Tôi (là) đang ăn” v.v…. Bản thể hiện hữu của chúng ta bao trùm tất cả mọi kinh nghiệm. Tuy nhiện, giống như tờ giấy được nhìn thấy rõ nhất khi không có màu phủ lên nó, cũng vậy, bản thể cốt lõi của chúng ta được tiếp cận dễ dàng nhất lúc đầu qua cảm giác đơn giản “đang là chính mình” hay hiểu biết “Tôi là”.

Nếu bị nội dung của bức tranh làm hấp dẫn, chúng ta chỉ thấy cây cối, cánh đồng, muông thú, bầu trời, nhưng khi thư giãn chú ý, chúng ta sẽ nhìn thấy trang giấy. Thực ra thì chúng ta luôn luôn đang nhìn trang giấy nhưng không nhận ra điều đó, do quá tập trung vào những gì đang có mặt trong tranh. Tương tự, khi bị lôi cuốn bởi nội dung của kinh nghiệm, chúng ta có vẻ như mất liên lạc với bản thể của mình và do đó bị mất kết nối với bình an và hỷ lạc vốn đã có sẵn bên trong. Bản thể bị kinh nghiệm trói buộc quá chặt đến nỗi nó đã bỏ qua và lãng quên chính nó.

Nó không còn chiếu sáng rõ ràng như bản chất thật sự của nó, vốn mở rộng, không bị giới hạn, an lạc và đầy đủ vô điều kiện nữa, mà đã bị tô màu và bị giới hạn bởi suy tư, cảm xúc, cảm giác, cùng tri giác. Hiểu biết “Tôi là” đã trở thà h “Tôi (là) mệt”, “Tôi (là) cô đơn”, “Tôi (là) buồn” v.v…
Kinh nghiệm đã che mờ bản thể. Tất cả những gì cần làm là hãy để cho bản thể nhận biết chiếu sáng lên những kinh nghiệm.
***
Trong một bức tranh màu nước đẹp, lớp sơn không che kín hoàn toàn trang giấy, nó chỉ phủ một phần trang giấy với những lớp sơn lót, để trang giấy trắng chiếu qua những “tông” màu tối, và làm cho bức tranh sáng lên. Tương tự, không có một kinh nghiệm nào che mờ hoàn toàn bản thể cốt lõi của chúng ta. Những kinh nghiệm giống như lớp sơn lót trong bức tranh màu nước nằm phía trên bản thể, có thể làm mờ một phần bức tranh nhưng không bao giờ che lấp hoàn toàn bức tranh cả.

Đây là lý do tại sao nhận thức “đang là chính mình” vẫn luôn luôn có mặt ngay cả trong những kinh nghiệm đen tối nhất. Chẳng hạn như khi chúng ta cảm thấy “Tôi (là) bị suy sụp”, thì “Tôi là” vẫn đang chiếu sáng ở đó. Như Albert Camus từng nói. “Trong những nỗi buồn sâu thẳm của mùa đông, cuối cùng tôi biết được rằng, vẫn nằm đó bên trong tôi, một mùa hè bất tử”.

Giống như trang giấy trắng làm cho nhiều nét cọ khác nhau trở nên nhất quán trong bức tranh, cũng vậy, bản thể nhận biết đưa những yếu tố khác nhau của kinh nghiệm hợp nhất về một mối. Nếu không có tính “một” (nhất thể) của bản thể vốn bao trùm mọi kinh nghiệm, tự thân những kinh nghiệm sẽ là một mớ hỗn loạn của những suy tư, cảm xúc, cảm giác, tri giác bị phân mảnh. Tính “một” của bản thể chiếu sáng trong tâm trí của mọi người như là nhận thức “đang là chính mình” hay hiểu biết “Tôi là”, giống như một lối vào, chỉ đường cho những ai đang bị lạc mất trong những kinh nghiệm biết cách quay về với bản thể cốt lõi của mình và kết nối với phúc lạc vốn đã có sẵn nơi bản thể đó.
***
Hãy nhận biết kinh nghiệm “đang là chính mình” hay hiểu biết “Tôi là”. Cảm giác “đang là chính mình”, hay hiểu biết “Tôi là”, có vẻ như là một kinh nghiệm trong tâm trí, nhưng thực ra đó là “sự vắng mặt” trong bức tranh cắt dán đa thể, đa màu của những kinh nghiệm khách thể. Nó là cánh cổng dẫn vào bản thể cốt lõi, không bị giới hạn của chúng ta, giống như một cái lỗ nơi tờ giấy có vẻ như “ở trong tờ giấy”, nhưng thực ra nó chính là một cánh cổng mở vào không gian bao la, trong đó chính bản thân tờ giấy cũng đang được chứa bên trong không gian bao la đó.

Cảm nhận “đang là chính mình”, hay hiểu biết “Tôi là”, giúp chúng ta có thể tiếp cận trực tiếp với thực tại của cái biết thuần khiết “nằm phía sau” hay “đã có trước” tâm trí. Nó là ngưỡng cửa đi vào sự hiện hữu của Thượng Đế. Lời đề nghị về việc chúng ta trở nên nhận biết đến cảm nhận “đang là chính mình”, hay hiểu biết “Tôi là” hàm ý rằng, chúng ta vẫn chưa nhận biết được bản thể của mình nhưng có thể sẽ trở nên nhận biết được nó. Dù nói như vậy, nhưng thực sự thì chúng ta luôn luôn nhận biết được bản thể của chính mình, giống như mặt trời vẫn luôn luôn chiếu sáng chính nó. Vì lý do này mà tất cả mọi người đều có nhận thức “đang là chính mình”, mặc dù sự hiểu biết này thường bị những kinh nghiệm có tính đối tượng làm mờ đi.

Sẽ chính xác hơn khi đề nghị rằng, chúng ta hãy để cho nhận thức “đang là chính mình” hay hiểu biết “Tôi là” đưa chúng ta về lại với bản thể, tách ra khỏi sự phiêu lưu nơi những kinh nghiệm. Con đường-không-có-đường (đường-vô-lộ – the pathless path) từ bản thể đến bản thể là tinh túy của thiền và là trái tim của cầu nguyện. Đó là điều mà Plotinus muốn ám chỉ khi nói, “đây là chuyến bay từ một mình đến một mình” (the flight of the alone to the alone).
***
Chúng ta có thể nói rằng thiền có hai loại: một loại trong đó chúng ta hướng chú ý của mình ra khỏi những nội dung của kinh nghiệm, còn loại kia chúng ta hướng về những nội dung đó.

Cách thứ nhất gọi là “con đường hướng về bên trong” (inward-facing path), cách này giúp nhận ra sự khác biệt giữa bản thể và những đối tượng của kinh nghiệm. Đây là con đường phủ định (negation), loại trừ (exclusion) và loại bỏ (elimination): Tôi không phải là cái này, Tôi không phải là cái này (not this, not this – neti neti) Thuật ngữ thần học gọi là Via Negativa (Qua Sự Phủ Định), Truyền thống Zen gọi là Cái Chết Lớn (Great Death).

Cách thứ hai là “con đường hướng ra bên ngoài” (outward-facing path), con đường mở rộng (openness), bao gồm tất cả (inclusion) và cho phép mọi thứ xảy ra (allowing). Tôi là cái này, là cái này. Đây là con đường trong đó sự chia cách giữa bản thể và bất cứ người nào, bất cứ vật gì được tan biến. Nó là con đường của Tình yêu vô điều kiện, gọi là Via Positiva (Qua Sự Khẳng Định). Truyền thống Zen gọi là Sự Tái Sinh Vĩ Đại (Great Rebirth).

Thường thì bước đầu mọi người nên đi theo con đường-hướng-về-bên trong trước, vì phần lớn chúng ta bị thất lạc quá lâu trong nội dung của kinh nghiệm đến nỗi hầu như hoàn toàn bỏ qua hay quên mất bản thể của chính mình. Đau khổ là cái giá mà chúng ta phải trả cho sự quên lãng này. Đó là tiếng gọi từ bản thể đến bản thể, nói rằng, “Hãy quay lại. Trở lại với ta, Ta là cái mà người đang tìm kiếm, nhưng người đã tìm ta sai hướng rồi.”

Sự tách ra giữa bản thể và kinh nghiệm là con-đường-hướng-về-bên-trong, trong đó bản thể, trong hầu hết trường hợp thì từ từ, thỉnh thoảng thì bất ngờ, bị tước bỏ những phẩm chất mà nó đã nhận được từ kinh nghiệm, để an nhiên hiển lộ bản chất yên lặng, tĩnh mặc, bình an vốn có của nó.

Con đường này là phương tiện qua đó chúng ta nhận ra bản chất vốn an lạc và đủ đầy vô điều kiện của bản thể hiện hữu. Đó là phương thuốc chữa lành đau khổ, là con đường trực tiếp dẫn đến hạnh phúc và an lạc.
Còn con-đường-hướng-ra-bên-ngoài là phương tiện qua đó chúng ta nhận ra rằng, bản thể của chúng ta cùng có chung với mọi người, mọi vật. Đó là liều thuốc dành cho mọi xung đột và là phương cách qua đó lòng tốt, sự hòa hợp và công bằng được phục hồi giữa con người với nhau trong cộng đồng nhân loại.

***

Kinh nghiệm tự nó vốn không phải là vấn đề. Chỉ khi chúng ta nhận lầm bản thể của mình như một thực thể tách biệt, có sự tồn tại độc lập thì lúc đó vấn đề mới nảy sinh. Trạng thái mở rộng tiếp nhận đã biến thành sự đối kháng, chống cự. Khi cho phép bản thể của mình bị giới hạn bởi suy tư, cảm xúc, hoạt động và những mối quan hệ, chúng ta đã đánh mất sự liên lạc với bản chất chân thật của mình, và thay vào đó có vẻ như đã trở thành một cái ngã hay bản ngã giới hạn, tạm thời. Với niềm tin như thế, đau khổ tất sẽ phát sinh.

Sau mọi cố gắng trong gần cả cuộc đời để tìm cách xoa dịu khổ đau qua những gì nhận được từ những đối tượng, chất liệu, trạng thái tâm, hoạt động, quan hệ, cuối cùng chúng ta sẽ hiểu rằng nếu tin mình là một cá thể tách biệt thì đó chính là nguyên nhân duy nhất gây ra đau khổ.

Như Đứa Con Hoang (Prodigal Son) cuối cùng quay về để giáp mặt với người cha, cũng vậy, chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi “Tôi thật sự là ai?“ để tìm hiểu về con người mà chúng ta có vẻ như đang là. Tôi muốn ám chỉ điều gì khi Tôi nói “Tôi?” Thay vì bị cuốn vào những màn kịch xảy ra trong đời, chúng ta bắt đầu quan tâm sâu sắc đến việc chúng ta là ai. Chúng ta thấy rõ rằng đau khổ của chúng ta sẽ không chấm dứt nếu câu hỏi này chưa được giải quyết. Đến một lúc nào đó, mối quan tâm về “Tôi” sẽ làm mờ tất cả mọi quan tâm khác. Điều đó giống như đang rơi vào tình yêu với chân lý hay thực tại.

Chúng ta giống như đang bị tước bỏ đi những giới hạn đã nhận được từ những kinh nghiệm, và bản chất cốt lõi, bất giảm sẽ được hiển lộ ra. Những kinh nghiệm không còn che mờ bản thể; mà chính bản thể đang chiếu sáng lên chúng. Giống như không có gì xảy ra với John Smith khi đóng vai Vua Lear, cũng vậy, chẳng có gì xảy ra với bản thể cốt lõi của chúng ta cả. Bản thể trước đây không trở nên vô minh, cũng như bây giờ không trở thành giác ngộ.

Nói rằng một con người trở nên giác ngộ cũng giống như nói rằng mặt trời mọc lên vào buổi sáng. Đó là một cách nói nhượng bộ tốt nhất với những biểu hiện hình tướng bên ngoài nhưng thường rất dễ gây hiểu lầm. Mặt trời luôn luôn ở cùng một nơi, chiếu sáng với cùng một độ sáng. Tương tự, bản thể cốt lõi của chúng ta không bao giờ trải qua bất cứ thay đổi hay tiến hóa nào. Nó luôn luôn chiếu sáng với cùng độ chói sáng như nhau. Chỉ đơn giản là trước đây nó đã bị che đi và bây giờ được hiển lộ.

***

Giống như John Smith đóng vai nhân vật Vua Lear để trải nghiệm những vai trò của người chồng, người cha và một vị hoàng đế, cũng vậy, chúng ta tự do khoác vào những hoạt động của suy nghĩ, cảm xúc, để có thể tham gia vào những màn kịch của kinh nghiệm. Nhưng cũng như John Smith chưa bao giờ thực sự trở thành Vua Lear, chúng ta chưa bao giờ trở thành một cái ngã hay một cá nhân tách biệt.

Khi đã đánh mất bản thể nơi kinh nghiệm và bỏ qua phúc lạc vốn có của mình, chúng ta lại dấn thân đi tìm kiếm chúng trong thế giới bên ngoài, mà không nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta thật sự khao khát là phải thoát ra khỏi những giới hạn mà chúng ta đã nhận được từ những kinh nghiệm, để trở về lại với bản chất chân thật của chính mình.

Những gì mà chúng ta có được trong đời liên quan đến kiến thức, đối tượng, hoạt động hay những mối quan hệ chẳng thêm vào cho bản thể của chúng ta bất kỳ điều gì; những gì chúng ta đã mất đi cũng không lấy đi được thứ gì từ bản thể đó. Chỉ khi quay lại để khảo sát bản chất của bản thể thì lúc đó chúng ta mới thấy đường về lại với phúc lạc đã có sẵn bên trong.

Sau cái nhìn thoáng đầu tiên về bản chất thật của mình, chúng ta sẽ thấy rằng những thói quen cũ của suy tư và cảm xúc, trong hầu hết mọi trường hợp, sẽ hiện đi hiện lại để tiếp tục làm nhiệm vụ che mờ của nó, vì thế chúng ta sẽ phải trở về với bản thể thường xuyên, và rồi theo thời gian, chúng ta mới bắt đầu có thể sống an trú vững vàng với bản thể đó.

Chúng ta không còn thăm tới thăm lui nữa, mà sẽ sống an định ở đó. Và như John Smith cuối cùng cũng học được cách đóng vai Vua Lear mà không tự đánh mất mình trong vai diễn đó, chúng ta sẽ có khả năng tham gia trọn vẹn với những kinh nghiệm nhưng không cho phép chúng che lấp mất bản chất thật sự của chính mình và niềm vui đã sẵn có nơi bản thể ấy.

Như Lão Tử đã từng nói: “Người nào biết được bản chất thật sự của mình sẽ không bao giờ mất kết nối với phúc lạc sẵn có bên trong, dù cho họ có đi bao xa hay làm bất cứ việc gì” (Đạo Đức Kinh, Chương XXVI)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI BIẾT ĐƯỢC CỞI TRÓI
  2. CÁI BIẾT BỊ BỎ QUÊN
  3. CÁI BIẾT KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT TRONG THIỀN TỨ NIỆM XỨ

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁI BIẾT ĐƯỢC CỞI TRÓI
  2. CÁI BIẾT BỊ BỎ QUÊN
  3. BẢN CHẤT CỦA TÁNH BIẾT

Bài viết mới

  1. NĂNG LỰC SÁNG TẠO
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. ĐI QUA ĐỪNG CÓ ĐỐT CẦU, ĐỂ NGÀY CẦN ĐẾN CÓ CẦU MÀ ĐI