KARAMPA RANGJUNG DORJE THỨ BA
Trích: Sáu Yoga của Naropa; Dịch: Garma C. C. Chang và Glenn H. Mullin; NXB Thiện Tri Thức.
(1)
Trong Mạn đà la con thấy Guru, bổn tôn và các Thánh,
Trong mọi lúc mọi phương con thấy chư Phật và chư Bồ tát,
Với thành tâm sâu xa con cầu nguyện tất cả các ngài;
Ban phước cho những ước nguyện của con.
(2)
Những nghiệp thiện của thân và tâm
Và những công đức của tất cả chúng sanh
Là những dòng suối sạch trong từ Núi Tuyết.
Nguyện chúng tự do đổ về biển cả
Của bốn thân của Phật quả bao la.
(3)
Qua mọi đời tương lai của con
Nguyện con không nghe những từ
Như “khổ đau” và “tội lỗi”
Nguyện con luôn luôn
Chia xẻ niềm vui và cái tốt đẹp
Trong đại dương Pháp bao la.
(4)
Nguyện con luôn luôn có rảnh rang, lòng tin, chuyên cần và trí tuệ,
Gặp những Guru và nhận những giáo huấn cốt lõi của các ngài.
Trong thực hành nguyện con không bao giờ gặp
Những trở ngại mà luôn luôn
Hưởng thụ Pháp trong những đời tương lai.
(5)
Nguyện Tỉnh Giác phân biệt và thiêng liêng
Giải thoát con khỏi vô minh;
Nguyện những Giáo Huấn cốt lõi phá tan mọi nghi ngờ bóng tối.
Qua ánh sáng của thiền định
Nguyện con thấy ra Chân Lý lộ bày,
Và đốt lên ánh sáng của Ba Trí Huệ.
(6)
Nền tảng là Hai Chân Lý (nhị đế)
Vượt khỏi những kiến chấp có, không;
Con đường là sự chuẩn bị tâm linh
Xa lìa tăng và giảm;
Quả là Hai Lợi Lạc, tự giác giác tha
Siêu vượt khỏi sanh tử và Niết bàn.
Nguyện con luôn luôn gặp được những giáo pháp
Chân chánh này suốt những đời vị lai.
(7)
Tinh túy Tâm rỗng rang và sáng chói
Cuội nguồn đích thực của Hai trong Một.
Đại Ấn kim cương cắt đứt thường tịnh hóa
Vô minh và nhiễm ô, những mê lầm thoáng chốc.
Nguyện con đạt đến Pháp thân vô cấu
Quả của tịnh hóa, thường hiển lộ.
(8)
Cái Thấy của Đại Ấn là không thêm chút gì
Vào bản tánh của Tâm.
Chánh niệm với cái Thấy này, không xao lãng là Thiền Định.
Thường trực ở trong đó là Hạnh tối thượng.
Nguyện con xác quyết an trụ trong cái Thấy, Thiền Định và Hạnh này,
(9)
Mọi hình tướng chỉ là những biểu hiện của tự tâm
Tâm vốn vô tâm và trống không trong bản chất.
Dù trống không nhưng không đoạn diệt,
Mà biểu lộ tất cả mọi sự.
Nguyện con luôn luôn quán sát Chân Lý này
Và đạt được cái Thấy xác quyết.
(10)
Vì mê, những tự-biểu lộ vốn trống không
Chúng ta lầm cho là những đối tượng có thực và ở bên ngoài;
Chúng ta chấp lấy tánh tự giác
Mà cho là ngã
Do hai cái chấp (ngã và pháp) này,
Con người lang thang trong sanh tử.
Ôi, nguyện con cắt đứt
Sự mù tối căn bản này.
(11)
“Không có gì thực sự có!”, vì ngay cả
Phật cũng không thấy có gì.
“Tất cả chẳng phải là không!”, vì niết bàn
Và sanh tử vẫn hiện hữu.
Trung đạo kỳ diệu này của Hai trong Một
Thì không thuận cũng không nghịch.
Ôi nguyện con chứng ngộ tự tâm
Thoát khỏi mọi phân biệt.
(12)
Không ai có thể diễn tả Nó bằng cách nói “Nó là cái này”.
Không ai có thể bác bỏ Nó bằng cách nói “Nó không phải là cái này”.
Cái không này của thật pháp
Siêu vượt khỏi lãnh vực của thức –
Nguyện con hiểu ngộ nó
Với sự xác tính sâu xa.
(13)
Mê mờ Cái Này, người ta lang thang trong sanh tử;
Thấy được Cái Này, không có giác ngộ nào khác.
Trong chân lý rốt ráo không có đây và kia.
Nguyện con chứng ngộ pháp tánh –
Nghĩa và nguồn của tất cả hiện hữu.
(14)
Hình tướng biểu lộ là tâm;
Tánh không cũng là tâm.
Giác ngộ là tâm.
Mê mờ cũng là tâm
Khởi diệt của các pháp.
Cũng chỉ có trong tâm.
Nguyện con hiểu rằng mọi sự
Duy chỉ là tâm.
(15)
Không nhiễm ô bởi ý định thực hành hay nỗ lực,
Xa lìa khỏi ảnh hưởng thế gian và những phóng dật,
Nguyện con an trụ thong dong trong trạng thái tự nhiên của tâm
Và khéo học điểm vi diệu của tu tâm.
(16)
Mạnh và yếu, tỏ và mờ
Những sóng tư tưởng chìm lặng mất;
Dòng tâm nhẹ nhàng chảy không hề bị quấy động,
Xa lìa cấu nhiễm của hôn trầm phóng dật.
Nguyện con đi vào đại dương chánh định thường trụ bất động.
(17)
Thường quán sát cái Tâm không thể quán
Thấy rõ ràng Chân lý không thể thấy.
Nguyện đoạn trừ những nghi ngờ thấy có thấy không.
Nguyện con nhìn thấy xác quyết Bản lai diện mục.
(18)
Khi quán sát ngoại vật, con chỉ tìm thấy tâm mình;
Khi quán sát tâm, con chỉ tìm thấy tánh không;
Khi quán sát cả tâm và vật,
Con thoát khỏi hai chấp ngã-pháp.
Nguyện con chứng ngộ tự tánh của tâm tỏa sáng.
(19)
Vì Cái Ấy siêu việt tâm thức,
Nó được gọi là Đại Ấn;
Vì Cái Ấy thoát khỏi những cực đoan,
Nó được gọi là trung đạo vĩ đại;
Vì Cái Ấy bao trùm tất cả,
Nó được gọi là Đại Toàn Thiện;
Nguyện con luôn hiểu rằng
Biết cái một là biết tất cả.
(20)
Vì không bám luyến, Đại Lạc tương tục sanh khởi.
Thoát khỏi bám chấp, Ánh Sáng thành rạng rỡ
Thấu thoát những ngăn ngại và bóng mờ
Nguyện con hành không ngừng sự thực hành không cố gắng này,
Nó tự do mà tự duy trì, không dính dáng gì đến tư tưởng.
(21)
Tham cầu kinh nghiệm thiền định tự tan biến về phần nó;
Vọng niệm và ác niệm tự tịnh hóa trong Pháp Giới
Tâm bình thường trong đó không có lấy, bỏ, được, mất;
Nguyện con chứng ngộ Pháp tánh
Vốn xa lìa mọi hý luận, tạo dựng.
(22)
Không biết tự tánh của mình
Là một với tánh của Phật,
Chúng sanh không ngừng lang thang trong sanh tử.
Đối với tất cả chúng sanh trói buộc trong khổ đau phiền não,
Nguyện con luôn luôn xót thương chân thật
Bằng lòng đại bi không thể chịu đựng.
(23)
Khi lòng bi này sanh khởi,
Tánh không vĩ đại cũng sáng rỡ hiện bày.
Con Đường tối thượng sáng tỏ Hai trong Một này,
Nguyện con ngày đêm không lìa bỏ.
(24)
Nguyện con sử dụng nhãn và những thông
Có được từ thiền định,
Để thành tựu những chúng sanh,
Và phụng sự tất cả chư Phật và cõi của các ngài.
Nguyện con làm tròn đại nguyện của các bậc Giác Ngộ,
Và nhanh chóng đạt đến Phật quả tối thượng và toàn hảo.
(25)
Vĩ đại thay năng lực của mọi công đức trong vũ trụ,
Vĩ đại thay năng lực của lòng bi của chư Phật, Bồ tát.
Với sự nâng đỡ của thần lực vĩ đại này,
Và được ánh sáng của Pháp hướng dẫn
Nguyện mọi nguyện lành của con và của chúng sanh
Được dễ dàng thành tựu.