LUÔN KHIÊM NHƯỜNG TRONG GIAO TIẾP

NHIỀU TÁC GIẢ

      Khó mà tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường.

  • Herri Frederic Amiel

Hơn 2000 năm trước, quốc vương Ai Cập Aktau đã khuyên người con trai của mình: “Khiêm tốn một chút, nó sẽ giúp con cầu được ước thấy”. Trong công việc cũng như cuộc sống, khi bạn gặp phải khó khăn, đừng quên thỉnh giáo người khác bằng thái độ khiêm tốn.

Khi bạn thỉnh giáo người khác, nó cho thấy bạn rất tôn trọng, khâm phục người đó, đồng thời thể hiện mong muốn nhận được sự giúp đỡ của người khác. Đối với đối phương, đó là một cảm giác tự hào, kể cả họ có ác cảm với bạn đi chăng nữa, chỉ cần bạn có thái độ thỉnh giáo chân thành, họ cũng sẽ đặt mỗi ác cảm đó sang một bên mà chỉ bảo cho bạn bằng kinh nghiệm của bản thân. Rất nhiều người từng có trải nghiệm như sau, ở nơi làm việc, nếu một đồng nghiệp trẻ có việc cần đến sự giúp đỡ của bạn, dù lúc đó bạn có bận đến thế nào, hay chưa nghĩ ra hướng xử lý ra sao, bạn vẫn có thể nhiệt tình và cố gắng tìm cách giải quyết cho họ, trong lòng còn cảm thấy đôi chút hãnh diện. Bởi vì khi ai đó cần đến sự chỉ giáo của bạn, điều đó chứng tỏ bạn có một vị thế nào đó hơn người, bạn giỏi hơn họ, bạn nhận được sự coi trọng của họ!

Một bạn trẻ kể với tôi rằng, lần nào cậu nhờ ai đó giúp đỡ hoặc hỏi han việc gì, người khác không những không nhiệt tình giúp đỡ mà còn ngó lơ, không thèm đếm xỉa đến cậu. Cậu rất băn khoăn, không hiểu vì sao lại như vậy. Trong trường hợp này, nhiều khi chưa chắc người khác cố ý không giúp bạn, có thể do cách hỏi của bạn có vấn đề. Lần sau khi hỏi về một vấn đề nào đó, bạn thử thay đổi cách nói xem sao. Ví dụ:

Trước kia:

  • Tóm lại nên làm thế nào thì ổn nhỉ?
  • Anh biết vì sao lại thế không?
  • Qua đây giúp tôi một tay!

Sửa thành:

  • Cho mình hỏi một chút, cái này nên làm thế nào thì tốt hơn nhỉ?
  • Anh làm ơn giải thích hộ em một chút.
  • Anh ơi, giúp em một tay với!

So sánh hai cách nói như trên, cách nói thứ nhất ngắn gọn hơn, nhưng hiệu quả sẽ không tốt bằng, khiến người nghe có cảm giác như bị ra lệnh. Cách nói thứ hai mang ngữ điệu khiêm tốn, có ý đặt bản thân ở vị trí thấp hơn và mong nhận được sự giúp đỡ từ đối phương. Trong thực tế, tôi đã từng thử nghiệm phương thức trên mỗi khi có việc cần nhờ. Chỉ cần trong câu nói của mình có thêm những từ như “Có thể chỉ cho mình một chút được không”, “Như vậy có được không anh?” “Xin hỏi..”, “Làm ơn…” là đã nhận được phản ứng hết sức nhiệt tình từ đối phương. bởi vì bạn đã “thỉnh giáo”, coi đối phương là chuyên gia, là thầy, tất nhiên họ sẽ cảm thấy thoải mái và tận tình giúp đỡ bạn.

Trong tình huống cụ thể, chúng ta cần phải lưu ý một số điểm. Đầu tiên, thái độ phải thành khẩn và cầu thị. Thứ hai, trước khi cần đến sự trợ giúp, hãy cố gắng suy nghĩ thật kỹ và tìm cách tự giải quyết, không được hễ có chuyện là chạy đi nhờ người khác xử lý. Khi tự hiểu ra được một ít vấn đề rồi, nếu nhận được sự trợ giúp của người khác, bạn sẽ càng dễ dàng giải quyết hơn. Còn một điểm nữa cần chú ý, đó là sau khi được người khác giúp đỡ, bạn phải biết nói lời cảm ơn. Tuyệt đối không được nhờ hoặc đòi hỏi người khác giải quyết toàn bộ công việc, càng không được chưa hiểu chuyện gì vẫn giả vờ hiểu. Cùng một vấn đề, nếu bạn hỏi đối phương quá nhiều sẽ làm họ nghĩ rằng bạn không chịu nghiêm túc lắng nghe.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ HẠNH PHÚC MÀ CHÚNG TA BỎ SÓT
  2. GIÁ TRỊ CỦA THỬ THÁCH
  3. TRÍ HUỆ VUI VẺ

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG