RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW
Trích “Bài Giảng Cuối Cùng”
Randy Pausch & Jeffrey Zaslow, Dịch bởi Vũ Duy Mẫn; Nhà Xuất Bản Trẻ, 2009
Randy Pausch (1960 – 2008) là giáo sư bộ môn Khoa học Máy tính. Tương tác Người – Máy và bộ môn Thiết kế tại Đại học Carnegie Mellon. Từ năm 1988 – 1997, ông dạy tại Đại học Virginia. Là một nhà giáo và nhà nghiên cứu nhận được nhiều giải thưởng, ông đã cộng tác với Adobe, Google, Electronic Arts, Walt Disney Imagineering và khởi xướng đề án Alice.
Khi được mời thuyết trình tại đại học Carnegie Mellon vào tháng 09/2007 “Bài Giảng Cuối Cùng”, Randy Pausch vừa bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
—-?—-
Con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào mùa hè năm 1969, khi tôi được tám tuổi. Với sự kiện đó, tôi đã biết hầu như mọi thứ đều là có thể. Tất cả chúng ta, trên toàn trái đất, đã được phép để mơ những ước mơ lớn.
Tôi đang đi cắm trại vào mùa hè năm đó, và sau khi môđun mặt trăng hạ cánh, tất cả chúng tôi được đưa đến nhà chính của trại, ở đó có một chiếc tivi. Các phi hành gia đã phải chuẩn bị khá lâu trước khi leo xuống thang và bước đi trên bề mặt của mặt trăng. Tôi hiểu. Họ có rất nhiều thiết bị, rất nhiều chi tiết cần phải được chú ý. Tôi kiên nhẫn chờ.
Nhưng những người quản trại cứ nhìn đồng hồ. Đã quá 11 giờ đêm. Cuối cùng, trong khi những quyết định thông minh được thực hiện trên mặt trăng, thì một quyết định ngu xuẩn đã được thực hiện ở đây, trên trái đất. Vì quá khuya, tất cả trẻ con chúng tôi phải trở về lều để ngủ.
Tôi hết sức bực mình với những người điều hành trại. Ý nghĩ trong đầu tôi lúc đó là: “Loài người đã rời khỏi hành tinh của chúng ta và lần đầu tiên đặt chân lên một thế giới mới, còn các ông thì lại nghĩ tới chuyện đi ngủ?”
Khi trở về nhà vài tuần sau, tôi được biết cha tôi đã chụp một bức ảnh từ tivi lúc Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng. Ông đã giữ lại thời khắc đó cho tôi, biết rằng nó sẽ giúp khơi gợi trong tôi những ước mơ lớn. Chúng tôi vẫn giữ bức ảnh này trong một cuốn album.
Tôi hiểu những lý lẽ về hàng tỷ đôla chi cho việc đưa người lên mặt trăng có thể được sử dụng để chống đói nghèo trên trái đất. Nhưng, hãy xem, tôi là một nhà khoa học, tôi nhìn nhận cảm hứng là công cụ đích thực để làm nên những điều tốt đẹp.
Khi bạn dùng tiền để chống đói nghèo, có thể nó có giá trị lớn, nhưng khá thông thường, bạn đang làm việc trong các giới hạn chật hẹp. Khi bạn đưa người lên mặt trăng, bạn gây cảm hứng cho tất cả mọi người hướng tới cái tối đa của tiềm năng con người, đó là cách để cuối cùng chúng ta sẽ tìm được lời giải cho những vấn đề lớn nhất.
Hãy tự cho phép mình mơ ước. Hãy khích lệ những ước mơ của cả con cái các bạn. Điều đó có nghĩa là, thỉnh thoảng, cũng phải để chúng thức khuya hơn giờ đi ngủ của chúng.