MỌI SỰ BẠN GẶP LÀ CHÍNH CUỘC ĐỜI BẠN

ĐẠO NGUYÊN

Trích: Bạn Nấu Ăn Cuộc Đời Bạn Như Thế Nào – Từ Thiền Nấu Bếp Đến Giác Ngộ; NXB Thiện Tri Thức.

Như đã nói ở trước, một Đại Tâm nghĩa là không nghiêng lệch và mở trống. Đó là tâm không dập khuôn một giá trị cố định vào mọi sự, cũng không quyết định những sự vật chỉ bằng cảm giác hay tình cảm. Điều này không có nghĩa chúng ta trở nên như cây cỏ, không biết, không hiểu gì. Chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa của Đại Tâm.

Sawaki Roshi thường nói rằng bạn không thể trao đổi thậm chí một cái đánh rắm với người khác, bạn phải sống đời sống của chính bạn. Đây là một diễn đạt đầy kiểu khôi hài của Sawaki Roshi, nhưng nó diễn tả rõ ràng làm sao chân lý của đời sống. Không cách gì mượn một cái đánh rắm từ người khác dù chúng ta muốn có thêm một cái nhỏ. Tính chất tuyệt đối này là không thể trao đổi buôn bán với người khác là tinh túy của đời sống chúng ta! Có lẽ điều này hoàn toàn rõ ràng, nhưng chúng ta đã quá quen với thế giới cho và nhận đến độ chúng ta giả định rằng chỉ bình thường khi buôn bán với người khác và chúng ta không thấy cái đời sống trong đó chẳng có buôn bán giao dịch nào cả. Chẳng hạn, phần đông người bây giờ sống trong một xã hội nghĩ rằng hầu như bất cứ vấn đề gì cũng có thể được giải quyết bằng tiền. Thực ra tôi tự hỏi nhiều hay ít người chúng ta tin điều đó là thật. Ý tưởng này, cùng với sự kiện chúng ta đã làm “tiền” thành đơn vị để trao đổi, khiến người ta nghĩ nó có giá trị tuyệt đối. Thế nên tất cả đời sống chúng ta bận rộn với việc kiếm tiền và cho là tự nhiên khi chiến đấu cho sự giàu có và địa vị thậm chí bằng lừa dối, gạt gẫm và giết lẫn nhau.

Đây là điểm rẽ giữa cách sống Phật giáo và cái chúng ta thường gọi là cách sống của thế giới: một là một thế giới của tiền bạc trong đó chúng ta buôn bán và thỏa thuận với những người khác, trong khi cái kia là một thế giới trong đó buôn bán là không thích hợp và không thể, và đây là thế giới tuyệt đối của Tự Ngã.

Chúng ta có thân thể khác nhau, nên mỗi cử chỉ cũng khác nhau. Trong bất kỳ sự kiện nào, đây là thế giới trong đó sự buôn bán hay trao đổi thì không thể. Đó là thế giới trong đó mỗi chúng ta phải chỉ nương dựa vào chính mình.

Qua thế giới thứ hai, chúng ta có ngôn ngữ để có thể thông tin, liên lạc.

Bởi vì chúng ta có thể thông tin liên lạc với nhau qua ngôn ngữ, chúng ta có thể nói rằng con người tham dự vào một “thế giới thông tin”. Loại buôn bán, trao đổi qua lại, mua và bán, lời và lỗ tôi đã đề cập ở trước đang hoạt động trong thế giới này.

Chính ở đây mà một loại ảo tưởng hay sai lầm sanh khởi. Chúng ta thông tin liên lạc với nhau khi sử dụng cái đầu chỉ theo một cách bề mặt, dù tôi e rằng chúng ta phải nhường quá nhiều ý nghĩa cho thế giới thông tin này qua ngôn ngữ. Chúng ta đi đến chỗ giả định rằng, chúng ta là tất cả những thành viên của thế giới này, cái thế giới phát triển chỉ trong tâm chúng ta. Điều này không gì khác hơn là một ảo tưởng, dù ảo tưởng này đã trở nên phổ biến đến nỗi bây giờ nó là cảm thức chung.

Như đã nói ở chương mở đầu, quan niệm chung về sự sanh ra là chúng ta đến trên sân khấu của một thế giới đã hiện hữu nơi con người liên lạc với nhau bằng ngôn ngữ và có thêm một diễn viên. Bằng loại lý luận này, chết không gì khác hơn rời bỏ sân khấu loài người. Như vậy, “đời sống” được xem là mọi biến cố kẹp giữa sanh ra và chết. Sự “trình diễn” này của buôn bán và trao đổi hay thành công và thất bại, là cái mà hầu hết mọi người xem là “đời sống”.

Trong thế giới thông tin, tiền là đơn vị tiêu chuẩn của trao đổi, được xem là giá trị cao nhất. Tất cả mọi xã hội tiên tiến về vật chất ngày nay đều dựa trên niềm tin rằng tiền có thể giải quyết mọi vấn đề. Người ta điên cuồng cố gắng thoát khỏi nghèo, cố gắng làm giàu.

Đây là một thế giới trong đó mọi sự đã được xác định. Cái gì là may mắn hay bất hạnh, tốt và xấu, thành công và thất bại được tiền chế sẵn và gán cho những giá trị. Bởi vì thế giới của ngôn ngữ đã được phát triển bằng tâm thức phân biệt của chúng ta, chừng nào chúng ta còn thấy mình chỉ là một thành viên của thế giới trao đổi này, thì tự nhiên là chúng ta tiêu dùng cuộc đời mình chạy theo hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Mặc dù sự kiện suy nghĩ theo cách này là phổ biến, căn bản nó là một sai lầm, một ảo tưởng.

Sai lầm là dù chỉ một thông tin trên bề mặt hoặc thiên lệch giữa người ta, chúng ta ném tất cả cuộc đời mình vào đó, không thấy chúng ta không gì khác hơn là những thành viên của thế giới ấy. Phật pháp sửa chữa cái thấy thế giới sai lầm này và phát hiện một lãnh vực hoàn toàn khác. Tiêu điểm giáo lý Phật giáo nhắm vào Tự Ngã tuyệt đối của chúng ta và nhấn mạnh lớn nhất vào phẩm tính độc nhất và tươi mới của đời sống.

Cái gì là phẩm tính sinh động và tươi mới của đời sống của Tự Ngã tuyệt đối này? Một điều chúng ta có thể chắc chắn là chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra nó trong thế giới buôn bán và trao đổi với những người khác. Chân Ngã không dính dáng gì với “những người khác”; nó là một Tự Ngã sống hoàn toàn trong chính nó. Thế giới như được kinh nghiệm là thế giới mà chỉ Tự Ngã, chỉ bạn, có thể kinh nghiệm.

Khi nhìn vào cái tách, bạn thấy nó bằng đôi mắt bạn, từ góc độ của bạn, và với cái nhìn thấy của bạn, trong khi tôi thấy nó với đôi mắt của tôi, từ góc độ của tôi và với năng lực nhìn thấy của tôi. Không có khả năng cho sự trao đổi thậm chí các cách nhìn tách biệt vào một cái tách. Không có kinh nghiệm cá nhân nào của bạn giống như của người khác. Cũng thế, cách suy nghĩ của bạn bị giới hạn phải khác với của bất kỳ ai khác.

Khi bạn sanh ra, thế giới của bạn sanh ra với bạn, và khi bạn chết, toàn thể thế giới của bạn chết theo. Chân Ngã của bạn bao gồm toàn thể thế giới bạn đang sống trong đó, và trong thế giới này không thể có sự trao đổi.

Mặc dù sự kiện rằng chúng ta có một tâm có thể phân biệt, dù chúng ta có thể truyền thông với nhau cách tổng quát bằng ngôn ngữ, nhưng không phải Tự Ngã toàn thể hay chân thật chỉ sống trong thế giới được quan niệm trong đầu chúng ta. Ngược lại, chúng ta phải hiểu rằng tâm sản sanh ý tưởng của chúng ta chỉ là một phương diện của đời sống toàn bộ của chúng ta. Dù vào một thời điểm đặc biệt hay ở một cấp độ đặc biệt, có vẻ chúng ta có thể truyền thông qua ngôn ngữ, chúng ta chỉ làm được trong một cảm thức giới hạn. Những phương diện này của kinh nghiệm chúng ta xảy ra qua trung gian của ngôn ngữ thì những kinh nghiệm này cũng là hoàn toàn cá nhân. Phật pháp phát lộ cho chúng ta tính tuyệt đối của đời sống: bạn và toàn thể thế giới bạn đang sống cùng tạo thành cái mà tôi đã gọi là đời sống của Tự Ngã.

Bất kể chúng ta tìm thấy mình ở nơi nào, chỉ có Tự Ngã, luôn luôn là Tự Ngã. Do đó, có thành ngữ yuiga dokuson, “Trên trời dưới đất chỉ mình ta là đáng tôn quý.”

“Thế giới” không phải là thực thể nào đó hiện hữu cách biệt với chúng ta; “thế giới” là nơi chúng ta hành hoạt. Cũng thế, đời sống của Chân Ngã không phải là thực thể nào đó tách lìa với hành hoạt và làm việc của chúng ta. Mọi sự chúng ta gặp là đời sống chúng ta.

Sự bàn luận của chúng ta là một con đường dài từ cách nhìn thấy chính mình và thế giới của chúng ta theo cách nhị nguyên, bình thường. Tuy nhiên, không đi qua sự tiến bộ này thì không thể hiểu sự bàn luận về Phật pháp hay Giáo Huấn Điển Tọa. Khi chúng ta đổi từ cái thấy đời sống chúng ta theo cách thông thường qua nhìn thấy mọi sự từ viễn cảnh của Phật pháp, ý nghĩa của những hoạt động hàng ngày của chúng ta sẽ thay đổi.

Trước tôi đã nói rằng vai trò điển tọa là sửa soạn những bữa ăn cho đại chúng. Nếu chúng ta thấy công việc nấu nướng này theo nghĩa bình thường, như chỉ một chức vụ trong xã hội, bấy giờ điển tọa chỉ là một đầu bếp bình thường. Hay, trong một bối cảnh rộng lớn hơn, nếu sanh vào thế giới để giữ một vai trò không quan trọng hơn chỉ xuất hiện trên sân khấu như một thành viên của xã hội, bấy giờ ý nghĩa của đời sống dừng lại ở đó. Tuy nhiên, chức năng điển tọa diễn đạt Phật pháp là sống phẩm tính linh hoạt và năng động của đời sống như là Tự Ngã toàn thể trong bất cứ tình huống nào xảy ra. Chừng nào Tự Ngã này đồng nhất với thế giới của nó, khi chúng ta hành hoạt trong vai trò điển tọa, bấy giờ công việc này trở thành đời sống của Tự Ngã. Đồng thời, đây là đạo tràng nơi chúng ta thực hành sống Tự Ngã đầy khắp vũ trụ.

Chính xác bởi vì công việc này là một trong những cơ hội tốt nhất cho thực hành, có nói trong Tri Sự Thanh Quy rằng Quy Sơn Linh Hựu, Vô Trước Văn Hỷ, Giáp Sơn Thiện Hội và những đạo sư vĩ đại khác đều thực hành công việc ấy, và qua đó họ đã chứng Đạo. Nếu người đảm đương chức vụ điển tọa với thái độ của một người nấu bếp bình thường không hiểu sự chuyển đổi nghĩa của đời sống hàng ngày của mình, thì chỉ bị ràng buộc vào khó nhọc và nản lòng liên tục. Thế nên Đạo Nguyên đã viết ngay từ đầu bản văn:

“Từ thời xưa, trong những cộng đồng thực hành Phật giáo, có sáu ban được lập ra để trong coi những công việc của đại chúng. Những nhà sư giữ ban đều là đệ tử Phật và đều tiến hành những hoạt động của Phật qua ban của mình. Trong những ban này có ban điển tọa, có trách nhiệm chuẩn bị bữa ăn cho đại chúng.

“Có nói trong Thiền Uyển Thanh Quy rằng ‘chức năng của điển tọa là quản lý những bữa cơm cho các nhà sư.

“Công việc này luôn luôn được đảm nhiệm bởi những vị thầy đã an trụ trong Đạo và bởi những vị khác đã phát tâm Bồ tát. Một thực hành như vậy đòi hỏi thi triển tất cả năng lực của ông. Nếu một người được giao phó công việc này thiếu một tinh thần như vậy, bấy giờ ông sẽ chịu đựng những khổ nhọc không cần thiết và không có giá trị trong việc theo đuổi đường Đạo.

Thiền Uyển Thanh Quy cũng nói, ‘Hãy đặt tâm Bồ đề của ông vào công việc, nỗ lực liên tục để phục vụ những bữa ăn đa dạng thích hợp với nhu cầu và thời điểm, và nó sẽ cho phép mọi người thực hành với thân và tâm của họ với chướng ngại nhỏ nhất.”

“Truyền qua các thời đại, nhiều vị thầy tổ lớn, như Quy Sơn và Động Sơn, đã phục vụ như là điển tọa. Dù công việc chỉ là sửa soạn những bữa ăn, tinh thần của nó khác với công việc bình thường của một người làm bếp hay phụ bếp.”

Tôi tự hỏi ngày nay có nhiều người khổ đau không vì họ tự cảm thấy nghèo hay bất hạnh, hay có một mặc cảm tự ti vì nghĩ họ thuộc về giai cấp thấp của xã hội. Đối với tôi, điều này là ngu xuẩn, bởi vì họ chỉ nghĩ họ chỉ là một thành viên của xã hội. Sống Chân Ngã là vứt bỏ những ý tưởng cao hay thấp, thành công hay thất bại này, và học thấy mọi sự chúng ta gặp là đời sống chúng ta, là Chân Ngã chúng ta. Thành ngữ “Trên trời dưới đất chỉ mình ta là đáng tôn quý”, dù thường được ám chỉ là câu nói của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không giới hạn riêng cho ngài. Nó áp dụng cho mỗi người chúng ta.

Khi chúng ta không tự thấy mình chỉ là những răng cưa trong bánh xe xã hội, và thức tỉnh với Chân Ngã trong một cảm thức toàn thể, bấy giờ nghĩa của đời sống hàng ngày của chúng ta thay đổi, chuyển hóa. Không cần phải so sánh chính mình với những người quanh ta, cũng không tự đặt mình vào những hoàn cảnh đáng sợ và đau đớn. Đúng ra, cốt yếu là chăm sóc tốt nhất cho thế giới này trong đó chúng ta sống Tự Ngã toàn thể của chúng ta. Đây là tinh thần nền tảng suốt trong Giáo Huấn Điển Tọa.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ MỘT ĐAM MÊ ĐỜI SỐNG
  2. TÁM TỈNH GIÁC CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
  3. NÉM ĐỜI SỐNG BẠN VÀO CHỖ Ở CỦA PHẬT

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP