MỘT CÁNH HOA BỤT

NHẬT CHIÊU

Trích từ: “Ba Nghìn Thế Giới Thơm”.


Về tác giả Nhật Chiêu

Nhật Chiêu (tên đầy đủ là Phan Nhật Chiêu) sinh năm 1951 tại Sài Gòn, là nhà văn, nhà giáo, dịch giả, học giả có uy tín. Ông là ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình dịch thuật – Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa VII. Uy tín nghề nghiệp của Nhật Chiêu còn được khẳng định qua hàng loạt các công trình có giá trị như: Văn học Nhật Bản (Biên khảo), Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung)…
Xuất hiện trên văn đàn từ khoảng 2006, Nhật Chiêu nhanh chóng được xem là một hiện tượng của văn xuôi đương đại với các truyện ngắn Mưa mặt nạNgười ăn gió và quả chuông bay đi…  Ngoài ra, với vai trò là nhà văn, ông còn được biết tới qua những tác phẩm như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt – Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)… Nhật Chiêu cũng thường xuyên được mời làm diễn giả ở các tọa đàm văn chương. Các buổi nói chuyện của ông luôn luôn thu hút khán giả vì những ý tưởng mới mẻ và sự thú vị trong cách thể hiện.
Với mục đích nhằm giúp cho giảng viên, sinh viên, học viên Cao học khoa Ngữ văn được bồi dưỡng kiến thức và tập huấn nâng cao năng lực tiếp nhận và giảng dạy về truyện tuyệt ngắn, phát triển năng lực nghề nghiệp thông qua hoạt động nghiên cứu, trao đổi chuyên môn. Ngày 15/01/2021, tại Hội trường 14/8, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nhà văn, nhà nghiên cứu tài hoa Nhật Chiêu sẽ nói về truyện tuyệt ngắn (còn gọi: truyện siêu ngắn, truyện cực ngắn, truyện nắm tay…). Đây là cơ hội để các bạn sinh viên, học viên Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, các thầy cô giáo phổ thông, các nhà nghiên cứu quan tâm đến tác giả Nhật Chiêu và truyện tuyệt ngắn cùng gặp gỡ, trao đổi. Cùng đón chờ sự kiện để giao lưu và bồi đắp tri thức!

Không như nụ cười (Warau ni mo)
Không như giọt lệ (Naku ni mo nizaru)
Cành hoa Bụt ơi! (Kana!)
_Ransatsu

Hoa Bụt, trong như tính của mình, hiện hữu ở đây không cần nụ cười hay giọt lệ. Hoa chỉ hiện hữu, không cần hành động. Do đó, nhà thơ không gán hoa cho một nụ cười nào, một giọt lệ nào.

Hoa chỉ nở, không cần động lực nào trong việc nở. Còn như muốn cười hay muốn khóc, cần phải có một động lực nào đó, một động lực xui ta dấn thân vào bi kịch. Hoa không thích có bi kịch.

Hoa Bụt, người Nhật gọi là “mukuge” (mộc cẩn). Hoa Bụt ở Việt Nam cũng gọi là bông cẩn, hay hồng cẩn. Ca dao đã từng hát về hoa này:

Ân tình mới đó mau phai
Giống như bông Cẩn nở mai tàn chiều.

Hoa nào cũng sớm nở tối tàn, nhưng bông cẩn thường làm rào giậu, đã trở thành thân quen với nhiều người, với kẻ ca hát về nỗi đau của tàn phai kia. Và chẳng phải riêng con người vô danh ấy, một hiền nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng xao xuyến về một cành hoa Bụt trong giây phút u huyền nào đó ở am mây trắng.

Hoa trung huyễn xuất Phật trung thân,
Mộ lạc triêu khai, cựu cánh tân
Sắc tức thị không, không thị sắc;
Nhất chi hoán đắc kỷ phiên xuân.

(“Hồng cẩn thi”, Bạch Vân Âm thi tập)

Thử dịch:

Một cành hư huyễn, Bụt ơi
Sơm thơm chiều rụng, cựu rồi lại tân
Không là sắc, sắc là không
Mấy xuân đổi được cành hồng ở đây?

Tuy làm thơ bằng chữ Hán, gọi hoa là Bụt là hồng cẩn, nhưng có lẽ Tuyết Giang phu tử nhớ đến tên Bụt của hoa nên ngay từ câu đầu bài tứ tuyệt đã nhắc đến Phật: “Phật trung thân”.

Bông cẩn hay hoa Bụt, tên gì cũng như thế, hoa không như nụ cười cũng không như giọt lệ. Hoa đi vào tự tính của hoa, trung tâm của hoa. Hoa là trái tim từ trong ra ngoài: “Vết nhơ chẳng bén, Bụt làm lòng …” (Nguyễn Trãi).

Không như con người, hoa không biết đến ngoại vi. Mà cười hay khóc thường chỉ là ngoại vi trong đời sống con người. Con người tạo nên bi kịch bằng những ngoại vi đó.

Chỉ khi nào ngưng vọng động, con người mới đi vào trung tâm của mình, giống như một bông hoa. Giống như một cành hoa Bụt. Và sẽ hát ca như Tuyết Giang phu tử: Một cành như huyễn, Bụt ơi…

Hoặc là ca hát như Shiki:
Trong cỏ xanh (Kusa mura ya)
Cành hoa không biết (mo Shiranu hana no)
Nở ra trắng ngần (saki.)

Cái tên chỉ là ngoại vi. Trong tự tính, mọi sự đều vô danh. Còn tên là còn chia biệt. Vô danh là cái khiêm tốn vô cùng của toàn thể, là cái khiêm tốn vô cùng của tâm thức. Krishnamurti gọi là “Tâm thức vô danh”.

Shiki không biết tên của đoá hoa, nhưng chính đoá hoa có tự biết tên mình đâu, nó mang tâm thức vô danh mà vào đời, nằm khiêm tốn trong cỏ. Trong hoa kia: một màu trắng, nhỏ bé, tầm thường. Nhưng không phải là “Thượng đế chán những vương quốc bao la, nhưng không hề chán những bông hoa bé nhỏ” như lời thơ Tagore hay sao?

Trong vội vã, người ta bỏ quên những bông hoa bên đường, có tên và không tên. Người ta đi tìm những vương quốc. Đến bao giờ chán chê tất cả, lại về với hoa:

Đưa tay chạm rồi (Te wo kateta)
Bỏ đi không hái (Ugiyuku)
Cành hoa Bụt ơi! (Kana!)
_Sampu

Định hái rồi nhưng lại ngừng. Mang cái đẹp của hoa trong tâm hồn, nhà thơ Sampu tiếp tục cuộc hành trình. Cả cái ngừng đúng lúc đó cũng đẹp. Khi hái, có một động lực vị kỷ – còn ngừng thì không. Khi ngừng, không còn một động lực nào diễn ra nữa. Tâm hồn thanh thản, an vui.

Như thể đồng tình với Sampu, thi hào Tagore lại hát: “Đừng nấn ná hái hoa cầm giữ, cứ lên đường, vì ngàn hoa sẽ nở khắp lối ta đi”.

Những bông hoa bên đường thì vẫn đứng đấy, dâng cuộc đời cho kẻ nào cần:

Nở bên đường (Michinobe no)
Một cành hoa Bụt (Wa uma ni)
Đưa mình ngựa ăn. (Kuwarekeri)

_Basho

Trong bài thơ, có sự dịu dàng của hoa, sự hồn nhiên của ngựa pha lẫn cái hỗn tục và siêu phàm của Basho. Nhà thơ đang ngồi trên lưng ngựa sau khi vượt qua dòng sông. Ôi vào một ngày mưa. Ông nhìn thấy con ngựa của mình nhai một cài hoa Bụt, cũng như nhìn thấy mưa rơi và sông nước trôi đi. Ông nhìn thấy thiên nhiên như nó là. Con ngựa của Basho không hái hoa, nó chỉ hân nhiên nhai một cành hoa Bụt.

Con nai rừng (Saoshika no)
Nhai rồi nhổ vội (Kuikoboshikeri)
Những cành đinh hương (No hana.)

Hoa Bụt, đinh hương và vô số cỏ cây hoa trái của mặt đất này dâng mình cho chúng sinh theo phát nguyện của Đức Địa Tạng Bồ tát: “Vị Đại sĩ này, bằng định lực, làm cho tất cả trái hạt phong phú. Tại sao? Vì vị Đại sĩ này đã qua vô số kiếp, nơi vô số Phật, phát nguyện cực kỳ tinh tiến và kiên cố; do năng lực của nguyện ấy, để hoá độ chúng sinh. Ngài giữ gìn tất cả đất đai và mầm sống cho chúng sinh tuỳ ý hưởng dụng. Chính năng lực của Ngài đã làm cho cả cõi đất to lớn này cỏ cây rau lá sinh trưởng tốt tươi …” (Lời dịch của hoà thượng Trí Quang).

Địa Tạng là kho đất, là bản thân sự sống của trái đất. Hoa, thú hay con người đều là con cái của đất, linh hồn của đất.

Chừng nào con ngựa, con nai hay con người còn lang thang trên mặt đất đầy hoa, mặt đất đầy thơ cùng với những Basho, Issa, Tagore, Nguyễn Du … chừng đó hạnh nguyện của Địa Tạng Bồ tát vẫn còn sáng chói.

Và cành hoa Bụt vẫn còn nở. Vừa hư huyễn vừa rất thực. Vừa vô thường vừa vĩnh cửu. Đó là Phật tính của hoa.

Cửa nhà yên ngủ (Kawa-0t0 ya)
Một cành Bụt nở (Mukuge Saku to wa)
Tiếng sông nước rền (Mada okizu)
_Hokushi

Một cành hoa Bụt nở dưới trời tinh mơ. Sau cánh cửa, con người còn ngủ say. Trong u tịch, chỉ có hoa nở và sông nước reo. Có gì tương quan giữa hoa nở và nhà thơ tỉnh thức? Có gì tương quan trong màu trắng của hoa Bụt và thanh âm của dòng sông (xuyên âm:  kawa-oto)?

Cũng như giữa cơn mưa tạnh và mùi hương của cánh tường vi:

Mưa tạnh rồi (Ame harete)
Cành tường vi ấy (Shibaraku bara no)
Một thoáng hương trôi (Nioi kana)
_Kyoshi

Sau cơn mưa, thế giới trở nên thơm tho vì một cành tường vi cũng như sự rung động của đôi cánh mỏng chuồn chuồn có thể lôi cuốn về bão tố.

Thế giới này là thế giới của hoa. Quan sát một đoá hoa thì có thể hiểu quy luật của thế giới: màu sắc và hương thơm, niềm im lặng và sự rung động, nở và tàn:

Đời này đời sau (Daidai no)
Một cành hoa Bụt (Bimbogaki no)
Nở bên giậu rào (Mukuge kana)
_Issa

Thế giới này đời đời nở và tàn. Như hoa. Thế giới luân hồi như hoa, đẹp đẽ tươi thắm như hoa và bị sâu bọ gặm nhấm như hoa.

Một thế giới điêu tàn được Buson miêu tả:

Cỏ bạc yếu gầy (Ibara oi)
Tường vi héo hắt (Susuki yase hagi)
Đinh hương mờ phai. (Obotsukana)

Thế giới ấy cũng được nhà thơ Anh William Blake thể hiện qua hình tượng “Đoá hồng đau yếu” (The Sick Rose):

Hoa hồng ơi, em đau!
Loài sâu vô hình nào
Bay qua đêm tối
Qua gió bão gào,
Đến lòng em đỏ chói

Một niềm vui khát khao
Và tình y ám tối
Xui đời em hư hao.

Thơ Blake thường chạm vào cái u huyền mà ta vẫn thấy trong thơ Basho, nhưng thay vì “loài sâu vô hình” (the invisible worm) có phần trừu tượng của Blake, Basho và thơ haiku chuộng những hình ảnh cụ thể hơn như “con sâu ăn mòn hạt dẻ”, chẳng hạn: Con sâu lặng yên – ăn mòn hạt dẻ – trong đêm trăng huyền.

Hay như bóng tối của một cụm liễu:

Cây liễu buông (Unohana ya)
Trên hoa u trắng (Kuraki yanagi no)
Một bóng tối buồn (Oyobi goshi)
_Basho

Cũng như bông Bụt, hoa u cũng thường được trồng làm rào giậu ở Nhật. Đó là loài hoa trắng nhỏ, lá dài, màu trắng như tuyết của nó làm sáng lên phong cảnh vườn quê. Ở đây, nó dường như bị chôn vùi dưới bộ ngực u tối của cụm liễu. Nếu màu trắng rạng ngời của hoa u không thể toả sáng, ấy là hoa đang chết.

Trong bóng đêm, hoa u có thể trở thành những chiếc lồng đèn nhỏ xíu hướng dẫn ai đó bước thẳng đến cửa nhà:

Dẫn lối lên thềm nhà (Unohana no)
Nhờ hoa u trắng (Taema tatakan)
Gõ cổng trong đêm (Yami no mon)
_Kyorai

Màu trắng hoa u đẹp đẽ và thuần khiết đến nỗi nhà thơ Hôrô chỉ muốn một mình hoa hiện hữu trước mắt mình trong một niềm hoan lạc ngất ngây. Trời đã tối, nhưng Hôrô vẫn không thấp đèn lồng để cho hoa u bên bờ rào còn được màu trắng nguyên sơ:

Đừng soi lồng đèn (Shishoku Shite)
E hoa u trắng (Kaki no u no hana)
Bên rào ố hoen (Kurôsuna)

Màu trắng hoa u còn dễ dàng làm hiện lên cái hoang vu u tịch ở nơi chốn vắng bóng con người:

Trong hoang vu (Unohana no)
Thảo am đổ nát (Naki ni kuzureshi)
Giữa ngàn hoa u. (Iori kana)
_Chora

Màu trắng hoa u còn là màu của quý phái, phong lưu. Basho và môn đồ của mình là Sora đã dùng hoa u trắng làm đẹp trang y khi quá quan nơi cửa ải tiến vào phương bắc:

Nón cài hoa u (Unohana wo)
mà qua cửa ải (Kazashi ni seki no)
như người phong lưu (Hageri kana)
_Sora

Basho kể: “ nơi này nhiều thi nhân đã từng đi qua, và còn để lại nhiều bài thơ cho đời. Giờ đây chính tôi đang lãng du giữa rừng cây xanh lá, nghe gió thu hiu hắt bên tai và nhìn thấy màu thu rập rờn trước mắt. Hai bên đường, cơ man nào là hoa u trắng đang tưng từng nở rộ, pha lẫn với bao nhiêu là cỏ bạc sáng ngời, tưởng chừng như mặt đất đang trải tuyết đầu mùa. Nghe nói người xưa khi qua cửa ải này, đều vận y trang đẹp nhất.”

Với thầy trò Basho, không có y trang nào đẹp hơn hoa u, không có y trang nào đẹp hơn thiên nhiên. Các nhà thơ này đội hoa u trên đầu và mang xương bồ trên đôi dép rơm:

Trên đôi dép rơm (Ayame kusa)
Xương bồ xanh biếc (Ashi ni musuban)
Huy hoàng bước chân (Waraji no o)
_Basho

Ở Sendai, Basho được một hoạ sĩ tặng cho đôi dép rơm mà quai dép nhuộm màu xanh của lá xương bồ. Mỗi bước đi dường như nở hoa xanh biếc.

Màu hồng hoa Bụt, màu trắng hoa u và màu xanh xương bồ đi theo các nhà thơ, đi theo Địa Tạng Bồ tát vào cuộc viễn du vô tận, nơi con người sống với nhau như sương và móc (Ngã nhân tự lộ diệc tự sương – Tuệ Trung Thượng Sĩ), như lá và hoa, như cành và nhánh …, “nơi con người thật sự là hoa của đất, là hoa của đời”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THẾ GIỚI NHƯ TÔI THẤY
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI

Bài viết khác của tác giả

  1. THÂN NÀY LÀ PHẬT, CÕI NÀY LÀ HOA
  2. LỜI NÓI ĐẦU – BA TRĂM NGHÌN THẾ GIỚI THƠM

Bài viết mới

  1. CÂN BẰNG CƠ THỂ VÀ TÂM TRÍ
  2. TÂM HỒN HAY YẾU TÍNH THI CA
  3. NĂNG LỰC SÁNG TẠO