HH. DALAI LAMA XIV
HOWARD C. CUTLER
Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Người dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2020
Khả năng thay đổi góc nhìn, khả năng nhìn các vấn đề của mình “từ một góc độ khác”, được nuôi dưỡng bởi đặc tính mềm dẻo của tâm trí. Lợi ích tối hậu của tâm trí mềm dẻo là nó cho phép chúng ta ôm lấy tất cả cuộc sống – trở nên hoàn toàn sống động và nhân bản. Một buổi chiều nọ, sau một ngày nói chuyện dài tại Tucson, Đạt Lai Lạt Ma thả bước về khách sạn. Trong khi ngài chậm rãi đi về phòng mình, những đám mây mưa màu đỏ tươi vần vũ khắp trời, hút lấy những tia sáng muộn màng của buổi chiều và làm cho dãy núi Catalina nổi bật hẳn lên, toàn bộ khung cảnh là một bức tranh mênh mông đầy sắc tía. Hiệu quả thật tuyệt vời. Không khí ấm nóng, tràn ngập hương cây cỏ vùng sa mạc, mùi ngải đắng, hơi ẩm thấp, gió nhẹ không ngớt thổi, hứa hẹn một trận bão bất kham của vùng Sonora. Đạt Lai Lạt Ma dừng bước. Nhiều lần ngài lặng lẽ quan sát chân trời, thu vào tầm mắt toàn bộ cảnh quan, cuối cùng thì nhận xét về vẻ đẹp của bối cảnh. Ngài lại bước đi, nhưng được vài bước thì dừng lại, cúi xuống để xem xét một nụ oải hương nhỏ xíu trên một cây con. Ngài nhẹ nhàng chạm tay vào nó, ghi nhận hình thức tinh tế của nó, và hỏi lớn về tên của cây. Tôi bị ấn tượng bởi sự linh động của tâm trí ngài. Ý thức của ngài hình như di chuyển rất dễ dàng từ việc nắm bắt toàn bộ cảnh quan đến việc tập trung vào một nụ hoa duy nhất, thưởng thức đồng thời cái toàn thể của môi trường lẫn cái chi tiết bé nhỏ nhất. Một khả năng bao hàm tất cả mọi phương diện và toàn bộ quang phổ của cuộc sống.
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có thể phát triển một sự linh động tâm trí như vậy. Nó hình thành trực tiếp, ít ra là một phần, qua những nỗ lực của chúng ta nhằm trải rộng góc nhìn và quyết tâm thử những quan điểm mới. Kết quả cuối cùng là một sự ý thức đồng thời về toàn thể bức tranh lẫn từng cảnh huống cá biệt. Cái nhìn kép này, một cái nhìn đồng thời về “Đại Thế Giới” lẫn “Tiểu Thế Giới” của riêng ta, có thể đóng vai trò một bảng phân loại, giúp chúng ta tách biệt những gì là quan trọng trong đời sống và những gì không quan trọng.
Trong trường hợp của tôi, phải mất một lúc nhẹ nhàng dạo bước bên cạnh Đạt Lai Lạt Ma, trong quá trình đàm đạo, tôi mới bắt đầu phá vỡ cái nhìn hạn hẹp của tôi. Tự bản tính và do huấn luyện, tôi luôn có xu hướng đối diện với vấn đề từ quan điểm những năng động cá nhân – các tiến trình tâm lý xảy ra thuần túy bên trong địa hạt tâm trí. Các nhãn quan xã hội hay chính trị chưa bao giờ khiến tôi quan tâm cả. Trong một cuộc thảo luận với Đạt Lai Lạt Ma, tôi bắt đầu hỏi ngài về tầm quan trọng của việc đạt tới một nhãn quan rộng lớn hơn. Sau khi đã làm vài cốc cà phê, cuộc chuyện trò bắt đầu trở nên sinh động và tôi bắt đầu nói về khả năng dịch chuyển góc nhìn như một tiến trình bên trong, một cuộc đeo đuổi trong cô độc, chỉ dựa vào quyết định có ý thức của cá nhân nhằm có được một tầm nhìn khác.
Ngay giữa diễn từ hùng hồn của tôi, Đạt Lai Lạt Ma đột ngột xen vào để nhắc tôi: “Khi anh nói về việc chấp nhận một nhãn quan rộng hơn, điều này bao gồm cả việc hợp tác với người khác nữa. Khi anh gặp những khủng hoảng có tính toàn cầu chẳng hạn, như vấn đề thuộc môi trường hay cấu trúc kinh tế hiện đại, điều này đòi hỏi một sự cố gắng được điều phối của nhiều người, với một cảm thức trách nhiệm và dấn thân. Điều này còn bao hàm rộng hơn là một vấn đề thuộc cá nhân hay con người.”
Tôi khó chịu vì ngài đang lôi kéo tới chủ đề thể giới trong khi tôi cố gắng tập trung vào chủ đề cá nhân (và thái độ này, tôi phải ngượng ngùng thú nhận rằng, lại gặp ngay ở chính chủ đề mở rộng tầm nhìn).
“Nhưng trong tuần này,” tôi nhấn mạnh, “trong các cuộc thảo luận của chúng ta cũng như những buổi diễn thuyết, ngài đã nói rất nhiều về tầm quan trọng của việc tạo ra thay đổi cá nhân từ bên trong, thông qua sự biến đổi bên trong mà. Chẳng hạn, ngài đã nói về tầm quan trọng của việc phát triển lòng thương xót, một trái tìm nồng ấm, về chuyện chiến thắng tức giận và ghen ghét, chăm lo phát triển sự kiên nhẫn và khoan dung… ˆ
“Đúng rồi. Dĩ nhiên là sự thay đổi phải xảy đến từ bên trong mỗi cá nhân. Nhưng khi anh tìm giải pháp cho những vấn đề phổ quát, anh cần có khả năng tiếp cận các vấn đề ấy từ quan điểm của cá nhân cũng như ở bình diện rộng của xã hội. Vậy, khi anh nói về sự uyển chuyển, về việc có một quan điểm rộng lớn hơn v.v…, thì điều này đòi hỏi một khả năng giải quyết vấn đề từ những cấp độ khác nhau, từ mức độ cá nhân đến cộng đồng và phổ quát.
“Bây giờ, lấy thí dụ, ở cuộc nói chuyện tại trường đại học vào một tối kia, tôi đã nói về nhu cầu làm giảm sự giận dữ và oán ghét thông qua việc vun trồng lòng kiên nhẫn và khoan dung. Giảm thiểu lòng oán ghét cũng giống như giải giáp bên trong vậy. Nhưng, như tôi cũng nói đến trong buổi nói chuyện đó, việc giải giáp bên trong phải đi đôi với giải giáp ở bên ngoài. Tôi nghĩ điều đó là rất quan trọng. May mắn thay, ít nhất là hiện giờ, thì không còn mối đe dọa thảm sát hạt nhân nữa. Vậy, tôi nghĩ đây là một thời điểm tốt, một sự khởi đầu rất tốt đẹp – chúng ta không nên bỏ qua cơ hội này! Bây giờ tôi nghĩ chúng ta phải tăng cường sức mạnh đích thực của hòa bình. Hòa bình thực sự, chứ không chỉ là sự vắng mặt bạo lực hay chiến tranh. Sự vắng mặt chiến tranh cũng có thể được tạo ra bởi vũ khí, như vũ khí hạt nhân. Nhưng sự vắng mặt chiến tranh không phải là hòa bình đích thực và trường tồn của thế giới. Hòa bình phải phát triển trên sự tin tưởng lẫn nhau. Và vì vũ khí là chướng ngại lớn nhất cho sự phát triển mối tin cậy lẫn nhau, tôi nghĩ bây giờ đã đến lúc vạch ra làm thế nào để dứt bỏ những vũ khí ấy. Điều đó rất quan trọng. Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm được điều này ngay sau đêm nay. Tôi nghĩ cách thực tế từng bước một. Nhưng dù sao đi nữa, tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm cho thật rõ ràng mục tiêu tối hậu của mình. Cả thế giới phải được giải giáp. Vậy, trên một bình diện chúng ta nên hành động hướng đến việc phát triển sự bình an bên trong, nhưng đồng thời điều rất quan trọng là hành động để hướng đến sự giải giáp và hòa bình bên ngoài nữa, bằng cách góp phần nhỏ nhoi của mình vào bất cứ điều gì có thể làm được. Đó là trách nhiệm của chúng ta.”