STEPHEN R. COVEY
Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc-The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ
Nhiều năm trước đây khi còn đang nghiên cứu ở Hawaii, tôi thường rảo qua các kệ sách ở phía cuối một thư viện của trường đại học. Trong đó, có một cuốn sách ngay lập tức thu hút sự chú ý của tôi: khi lật giở vài trang, mắt tôi dừng lại ở một đoạn văn ngắn rất thú vị, đáng ngạc nhiên và đáng nhớ đến mức đoạn văn ấy đã vĩnh viễn đi vào cuộc đời tôi.
Một ý tưởng độc đáo được hiển hiện, chỉ với ba câu trong đoạn văn ấy:
Có một khoảng trống giữa tác nhân và sự phản ứng.
Trong khoảng trống ấy chúng ta có quyền tự do lựa chọn cách ứng xử.
Cách ứng xử đó thể hiện sự trưởng thành và niềm hạnh phúc của chúng ta.
Tôi không biết phải diễn tả tác động của ý tưởng đó đối với tôi như thế nào. Tôi đã chìm đắm, miên man suy nghĩ. Tôi rất thích sắc thái tự do toát ra từ ý tưởng, để vận dụng vào chính bản thân mình. Có một khoảng trống giữa những điều tác động đến tôi và phản ứng của tôi. Trong khoảng trống đó, tôi có quyền tự do lựa chọn cách ứng phó. Cách ứng phó này thể hiện sự trưởng thành và niềm hạnh phúc của tôi.
Càng suy ngẫm tôi càng nhận thấy rằng, cách ứng xử của tôi cũng có thể có tác động trở lại đối với tác nhân. Chính bản thân tôi cũng có thể trở thành một tác nhân.
Những suy nghĩ đó đã quay trở lại với tôi vào một buổi tối. Khi tôi đang ghi hình thì nhận một tin nhắn là Sandra chờ tôi ở đầu dây bên kia và cần nói chuyện.
“Anh đang làm gì thế?”, Sandra hỏi với giọng bồn chồn, sốt ruột. “Anh biết là tối nay chúng ta có khách tới ăn tối mà. Anh đang ở đâu đấy?”.
Tôi biết cô ấy rất lo lắng, trong khi tôi mải mê cả ngày ghi hình ở trên núi. Khi chúng tôi quay xong cảnh cuối cùng, đột ngột đạo diễn yêu cầu phải quay thêm cảnh mặt trời lặn, cho nên chúng tôi phải mất gần một tiếng đồng hồ nữa để chớp cho được khoảnh khắc đặc biệt này.
Mọi khó chịu dồn nén trong lòng, sau hàng loạt cảnh quay kéo dài, khiến tôi không tự chủ được nên trả lời cộc lốc: “Nghe này, Sandra, anh chẳng có lỗi gì cả bởi chính em là người lên kế hoạch cho bữa tối. Anh đâu thể làm gì, khi mọi thứ ở đây không tài nào nhanh hơn được. Em phải tự xoay xở để giải quyết mọi việc ở nhà, chứ anh không thể bỏ đi ngay bây giờ được. Anh còn phải làm việc. Khi nào có thể thì anh sẽ về”.
Tôi gác máy, quay về chỗ ghi hình. Bất chợt tôi nhận ra phản ứng của tôi với Sandra khá gay gắt. Sandra sốt ruột là hoàn toàn hợp lý, vì cô ấy đang rơi vào hoàn cảnh khó xử. Cô ấy đã trông chờ vào tôi nhưng tôi lại chẳng giúp gì cô ấy. Thay vì thông cảm, tôi lại chỉ nghĩ đến mình để rồi trả lời gắt gỏng, chắc chắn câu trả lời đó càng làm cho tình hình thêm tồi tệ.
Càng nghĩ về chuyện này, tôi càng nhận thấy hành động của mình quá đà. Đây không phải là cách tôi muốn đối xử với vợ mình. Giá mà tôi đã không làm như thế, giá mà tôi bình tĩnh, thông cảm, cân nhắc hơn; giá mà tôi đã nghĩ về tình yêu của tôi với cô ấy thay vì những căng thẳng công việc thì mọi chuyện chắc chắn đã khác.
Nhưng vấn đề là lúc đó tôi không hề nghĩ gì đến hậu quả. Thay vì hành động dựa trên những nguyên tắc tốt đẹp, tôi lại xuôi theo cảm xúc nhất thời của mình. Tâm trạng khó chịu và mệt mỏi lúc đó xâm chiếm đầu óc tôi mạnh mẽ đến nỗi tôi không còn kịp nhận ra được mình cần phải làm gì.
Trên đường lái xe về nhà, tâm trí tôi không còn vướng bận công việc nữa, thay vào đó là hình ảnh của Sandra. Sự giận dữ đã hoàn toàn biến mất, trong trái tim tôi ngập tràn tình yêu và sự cảm thông đối với cô ấy. Tôi chuẩn bị tinh thần để xin lỗi Sandra. Mọi việc được giải quyết ổn thỏa, quan hệ của chúng tôi ấm áp trở lại.
? Tạo ra “một điểm dừng”
Người ta rất dễ phản ứng nhất thời trước một việc gì đó. Bạn sẽ nhận thấy điều này trong cuộc sống của chính mình. Bạn thường bị chi phối bởi hoàn cảnh nhất thời. Điều này khiến bạn nói những điều mà bạn không chủ định, và làm những việc mà sau này bạn thấy hối hận. Bạn sẽ tự nhủ: “Ôi, giá mà mình kịp dừng lại và suy nghĩ một chút thôi thì đâu phải phản ứng đến mức như vậy!”.
Rõ ràng cuộc sống gia đình sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, nếu mọi người hành động dựa trên những giá trị bên trong thay vì phản ứng theo cảm xúc nhất thời. Tất cả những gì chúng ta cần là “một điểm dừng” – hay nói cách khác, chúng ta phải biết tạm dừng khi gặp phải vấn đề nào đó, trước khi tìm ra cách ứng xử hợp lý nhất.
Mỗi cá nhân đều có khả năng dừng lại đúng lúc. Bạn nên rèn luyện thói quen này ngay trong gia đình, để biết cách dừng ở đâu và có những ứng xử khôn ngoan hơn.