MỘT NGHÌN NĂM MỞ NƯỚC

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Trích: Ở Đời Vui Đạo; Nhà xuất bản Thiện Tri Thức – 2/2020

Lịch sử là thời gian của con người. Nó không chỉ là những con số. Lịch sử mang nơi nó những ước nguyện, những ý chí hành động, những thành tựu và cả những thất bại đớn đau của một thời đại. Đích xác, nó là một đoạn đường tiến hóa của con người. Thế nên nó là một loại năng lượng, một đà phóng luôn luôn trút vào hiện tại dư lực của mình. Nó luôn luôn trao tặng ý nghĩa của nó – cũng là một loại năng lượng – cho những ai biết tôn trọng nó, biết nối kết mình với nó.

Thăng Long của dân tộc Việt Nam, mà đại diện và người khai sáng là Lý Công Uẩn và Vạn Hạnh, đã được 1.000 năm tuổi. Đã có được bao nhiêu thủ đô của những quốc gia còn tồn tại trong thế giới này từng sống đến ngần ấy năm? Tokyo (140 năm), Washington (219 năm), London (gần 1.000 năm), Moscow (gần 700 năm), Berlin (555 năm)…

1.000 năm, con số định lượng ấy nói lên sức mạnh hùng hậu của một dân tộc. Khi đặt tên kinh đô là Thăng Long, Con Rồng Bay Lên, vua Lý Công Uẩn đã tin tưởng như thế nào về sinh mệnh dân tộc, đã hy vọng như thế nào về tiền đồ đất nước, đã dự phóng như thế nào về một nước Đại Việt của “con cháu muôn đời sau”.

Tại sao là con rồng? Rồng là một loài huyền thoại, không thể thấy được, biến hóa không cùng, nhưng tác dụng hậu quả của nó lại là trên trái đất: làm ra mưa nuôi sự sống muôn loài. Rồng là sức mạnh sống động của vật chất lẫn tinh thần. Thế nên với tư cách là một sinh vật vô hình, rồng là một ước mơ; và với tư cách là một hiện thực hữu hình, rồng là hoạt động, hành động.

Nhưng Lý Công Uẩn và Vạn Hạnh cũng nằm trong hy vọng và dự phóng của những đời trước đó. Từ việc thiền sư Định Không (730-808) đổi tên làng Diên Uẩn thành Cổ Pháp và làm 3 bài kệ trong đó có bài nói về “điềm Phật hưng long”. Định Không truyền cho Thông Thiện. Thông Thiện truyền cho Lê Quý An. Trưởng lão Lê Quý An (852-930) đã dặn dò đệ tử là Thiền Ông rằng “làng Cổ Pháp (nơi phát xuất đời Lý) có khí vượng đế vương, ắt có vua hiền ra đời để vun bồi chánh pháp của ta”. Thiền sư Vạn Hạnh là đệ tử của Thiền Ông, và ông đã thực hiện dự phóng của Thầy Tổ mình, nuôi dạy Lý Công Uẩn, cố vấn và ủng hộ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua đầu tiên của đời Lý.

Lịch sử là sự kế thừa những dự phóng, những mục tiêu của những thời đại trước đó, và chính trên những thành tựu của những đời trước mà một thời đại tiếp tục tiến lên. Đời Lý (1010-1225) và sau đó đời Trần (1225-1400) kế thừa, kéo dài gần 400 năm, đã thành lập được một nước Đại Việt, một quốc gia thực sự hoàn chỉnh với tất cả những lĩnh vực cần yếu của một quốc gia: thủ đô, chính trị, văn hóa, kinh tế, luật pháp, giáo dục, quân sự… Trước đó nhà Ngô (939-965) nhà Đinh (968-980) nhà Tiền Lê (980-1009) quá ngắn ngủi, với một kinh đô Hoa Lư mà Lý Công Uẩn cho là “không phải trung tâm của đất nước, muôn vật không hợp” đã chưa thành lập được một quốc gia thực sự và bền vững. Nhà Trần vinh quang như vậy cũng bởi vì đã kế thừa và phát triển dự phóng căn bản và những thành tựu của hơn 200 năm đời Lý, với những tài năng xuất chúng và những tính cách riêng của dòng họ mình.

Ở đây, chúng ta tìm hiểu phần nào dự phóng của đời Lý, bộc lộ trong Chiếu Dời Đô Của Lý Công Uẩn. Bài chiếu theo cách chấm câu đời nay chỉ có mười câu.

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô. Đâu phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng mình càn quấy tự dời độ. Làm như vậy là chọn nơi trung tâm, lo cho sự nghiệp lớn, tính toán cho con cháu muôn đời sau. Trên thì thuận mệnh trời, dưới theo ý nguyện của dân, thấy tiện lợi thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh Lê, theo ý riêng của mình, quên cả mệnh trời, không theo dấu vết Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi triều đại không bền, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, là đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện cho thế núi sông đã sẵn. Đất đai ở đây rộng mà bằng phẳng, vừa cao vừa sáng sủa, dân ở không khốn khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật cực kỳ tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước việt ra, đó là nơi thắng địa, thật là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là kinh đô bậc nhất muôn đời vua. Trẫm muốn nhân chỗ địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ sao?

“Lo cho sự nghiệp lớn lao tính toán cho con cháu muôn đời sau”. Chúng ta nhớ rằng bên cạnh Lý Công Uẩn là hai vị thầy gần gũi nhất là Vạn Hạnh và Đa Bảo, hai vị nối tiếp ngọn đèn của hai dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, thì sự nghiệp lớn lao vĩ đại này hẳn là sự hoàn thiện của người Việt và nước Việt. Công việc này cũng là công việc của Phật giáo (nói theo Phật giáo là “Tịnh Phật quốc độ thành tựu chúng sanh”), mà đời Lý và cả đời Trần đều gắn bó và xem là con đường cho cả thời đại. Đó là công việc lớn lao của từng cá nhân và toàn thể xã hội, làm cho chính mình càng ngày càng tiến hóa, càng ngày càng đúng hơn, tốt hơn và đẹp hơn. Đó là ý nghĩa ‘rồng bay lên’ của Thăng Long. Đó cũng là hướng tiến của lịch sử, không chỉ lịch sử của một quốc gia mà của toàn thể nhân loại.

“Vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Phong tục là nếp sống, cách sống, nghĩa là cuộc sống vật chất và tinh thần hàng ngày. Cuộc sống vật chất và tinh thần đó phải giàu có (phú) và rộng lớn (phụ). Nói theo hiện đại, xã hội ấy phải giàu có và rộng lớn về kinh tế và văn hóa. Chính là nhờ phong tục giàu có và rộng lớn mà vận nước lâu dài, và vận nước lâu dài để cho phong tục giàu có và rộng lớn. 278 năm sau, khi chiến thắng Nguyên Mông và trở lại Thăng Long, vua Trần Nhân Tông cũng nhìn đất nước trong cái nhìn đậm chất văn hóa như vậy:

Xã tắc hai lần phiền ngựa đã

Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Công việc vĩ đại này, dự phóng vĩ đại này bắt đầu bằng việc dời đô, khởi đầu một thời đại mới. Việc dời đô ấy “không phải theo ý riêng mình” mà là “trên thuận mệnh trời, dưới theo ý nguyện của dân”. ‘Mệnh trời’ hay ‘ý trời’ là từ của văn hóa chung Đông Á, mà chúng ta có thể dịch là ‘ý định thiêng liêng của vũ trụ’, ‘sự tiến bộ hướng thượng của toàn thể vũ trụ’. Cải thiên mệnh hay Thiên ý này là muốn cho con người “làm sáng cái đức sáng của mình, cải cách cho con người, ở yên nơi chỗ chí thiện”. Chúng ta nhớ vua Trần Nhân Tông cũng nói nhiều đến ‘tính sáng’ trong Cư Trần Lạc Đạo Phú. Thiên ý là “mỗi ngày đổi mới, càng ngày càng mới, ngày nào cũng mới” (hai câu này ở sách Đại Học, phần mở đầu)

Nói theo ngôn ngữ bây giờ là mỗi ngày đều tiến bộ cả vật chất lẫn tinh thần. Mỗi ngày đều văn minh hơn. Văn minh là chữ xưa đã có trong Kinh Dịch (văn: vẻ đẹp; minh: vẻ sáng). Ý trời, ý định thiêng liêng cao cả này cũng là ý người, ý dân. Hai ý định này hợp nhất nơi vua Lý Công Uẩn, nơi hành động của Lý Công Uẩn.

Ý muốn hoàn thiện mình, đồng thời làm cho những người khác hoàn thiện (tự giác giác tha, nói theo Phật giáo, hay Chân Thiện Mỹ hóa con người; nói theo ngôn ngữ chung hiện thời) là sức mạnh, động lực tạo ra sự thịnh vượng cả vật chất lẫn tinh thần của đời Lý và đời Trần sau đó. Không phải tình cờ mà hai thời đại ấy tạo ra nhiều nhân tài và danh nhân nhất ở mọi lĩnh vực, trong toàn bộ lịch sử Việt Nam.

Cũng chính vì vậy, hai thời đại bốn thế kỷ ấy đã xác định diện mạo, lý lịch, nhân cách của con người Việt Nam. Nói là xác định bởi vì nhân cách ấy đã được thử thách, đã vượt qua được những thời điểm thuận nghịch, thời chiến và thời bình, những mâu thuẫn với người ngoài (quân Nguyên Mông), những mâu thuẫn trong nước (nhà Trần chiếm ngôi nhà Lý) và những khó khăn nội tâm và ngoại cảnh khác để đưa đất nước đến một đỉnh cao của lịch sử. Bất cứ ở lĩnh vực nào, chính trị, kinh tế, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, quân sự, giáo dục… chúng ta đều có những hình mẫu để tự so sánh rồi tìm cách hoàn thiện hơn, phong phú hơn. Nói thế nghĩa là, những đức tính căn bản, những giá trị căn bản, cách sống căn bản, hướng đi căn bản của con người Việt Nam đã được xác định trong bốn thế kỷ ấy.

Với những nhân vật ấy, dân tộc Việt Nam đã có một hành trang căn bản trong cuộc trường chinh chinh phục những đỉnh cao của con người. Đó cũng là ý nghĩa của lịch sử, không chỉ riêng cho một dân tộc nào, mà cho tất cả nhân loại. Đỉnh cao đó là CON NGƯỜI. Những đức tính ấy, nói sơ lược là: một trí thông minh sâu và rộng vì không câu chấp hay lười biếng, một lòng từ bi không chỉ giới hạn nơi đình chùa, một sự công bằng (không chỉ công bằng giữa người khác với người khác, mà công bằng giữa chính mình với người khác), một niềm tin không lay chuyển vào tiềm năng có thể được hoàn thiện đến rốt ráo của mỗi con người, một tính cách anh hùng mà không thù hận nhỏ nhen, một ý chí chỉ muốn hài hòa không chỉ giữa con người với con người mà còn giữa con người với muôn vật, một sự kiên trì nhẫn nại vì sự chân thiện mỹ của chính mình và người khác, trung thực, chân chánh, thành tín, nhân nghĩa… những từ đã trở thành rất thông dụng trong ngôn ngữ chúng ta (chỉ trừ những ai muốn quên chúng). Đến ngày nay, nó vẫn là những lý tưởng cần phải phấn đấu tiếp tục của con người hiện đại.

Thế nên chúng ta không thể nào quên những nhân vật đã lập ra đời Lý. Không thể nào quên vì vẫn còn đó Thăng Long, vẫn còn đó đó hoa sen đời Lý tượng trưng cho Phật tánh của mỗi người là chùa Một Cột, vẫn còn đó Văn Miếu…, không thể nào quên những gì mà các vị vẫn còn đang gửi gắm, đang nói với chúng ta. Thế nên, 1.000 năm sau, khi thủ đô mặc dầu đã có tên khác nhưng vẫn là một Thăng Long, khi đất nước Việt Nam không những tồn tại mà còn mở rộng hơn nhiều so với đời Lý, bất cứ người Việt nào tự nhận là người Việt dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới vì bất cứ lý do gì thì cũng phải thấy mình ở trong dự phóng, trong ước mơ của những vị đã mở nước của đời Lý. Và chúng ta càng không thể quên hơn, những bỏ quên, những sai sót, những yếu đuối, những kém cỏi của chúng ta trong dự phóng suốt 1.000 năm ấy.

Chúng ta hãy mơ cùng với giấc mơ đời Lý, giấc mơ đã tạo ra lịch sử 1.000 năm và vẫn tiếp diễn để tạo ra lịch sử hiện đại. Chúng ta hãy sống cùng với dự phóng đời Lý, dự phóng Việt Nam mà mỗi người Việt Nam đều phải tham dự để là người Việt Nam. Chắc chắn dự phóng Việt Nam đó không ngăn ngại những dự phóng của cá nhân hay dòng họ, hay giáo phái như lịch sử đã chứng tỏ. Chúng ta hãy mơ và sống dự phóng ấy, mở rộng dự phóng ấy, và hãy như đời Lý, “ước mơ có nghĩa là hành động” để chúng ta trở thành Nhân Loại.

Chính là nghe được, hiểu được, tự so sánh được, sống được và phát huy được những lời gửi gắm ấy, những dự phóng ấy mà chúng ta tạo ra lịch sử hiện đại. Mỗi chúng ta cần biết soi lại mình vào tấm gương Thăng Long để biết phát huy, nâng cấp cao hơn và cao hơn nữa, đó là chúng ta nối kết, kế thừa và phát triển Việt Nam.

Cho nên ngày nào chúng ta còn lo cho sự nghiệp vĩ đại là sự hoàn thiện về mọi mặt của đất nước – dĩ nhiên trong đó phải có cá nhân chúng ta – ngày đó chúng ta đang trở thành người Việt Nam. Như những nhân vật ngày xưa đã trở thành người Việt Nam vậy. Những người đó có thể có tên hay không có tên, có thể vô danh như trong câu thơ của Trần Nhân Tông: “Người lính già đầu bạc. Mãi mãi kể nguyên phong”. Tất cả họ đã trở thành người Việt Nam, nghĩa là tất cả họ đã trở thành lịch sử Việt Nam. Tất cả họ chính là lịch sử Việt Nam.

Lịch sử luôn luôn đi tìm ý nghĩa tối hậu của mình. Ý nghĩa tối hậu của lịch sử là “đến như vậy và đi như vậy”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MÙA XUÂN QUA CÁI NHÌN CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG
  2. MÙA XUÂN – BỐN MÙA CUỘC SỐNG
  3. MÙA XUÂN CỦA HIỆN TẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU