MỘT TRÁI TIM TRỌN VẸN

JACK KORNFIELD

Trích: Tâm Đạo-Hành Trình Tâm Linh-Những Nguy Cơ Và Triển Vọng; Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn & Lưu Văn Hy; NXB. Thời Đại

Giả sử bạn coi tình xóm giềng là đền thờ của mình – bạn sẽ hành xử với nó như thế nào, và nghĩa vụ tôn giáo của bạn ở đó là gì?

Toàn bộ việc thực hành tâm linh là vấn đề quan hệ với chính chúng ta, với người khác, với các hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng ta có thể kết hợp với tinh thần khôn ngoan, từ tâm, và linh hoạt, hoặc chúng ta có thể cam chịu cuộc sống đầy lo sợ, gây hấn, và lừa lọc. Dù chúng ta có thích nó hay không, chúng ta luôn có quan hệ, luôn gắn liền nhau.

Các luật chi phối những mối quan hệ khôn ngoan trong hoạt động chính trị, hôn nhân, hay công việc cũng là những luật chi phối đời sống nội tâm. Mỗi lĩnh lực này đòi hỏi khả năng tận tuy và kiên định, khả năng tạo một tư thế. Trong mỗi mối quan hệ này chúng ta sẽ gặp những con người nham hiểm và những sự cám dỗ, chúng ta lại được yêu cầu để xác định chúng và nhảy múa với những khó khăn của chúng ta. Mỗi lĩnh vực có những chu trình của nó và chúng ta phải trung thực với chính mình.

Để mở rộng khả năng thực hành, chúng ta phải học để ý thức đưa tinh thần cảnh giác và lòng trìu mến vào từng hành động. Albert Einstein, một trong những nhà thông thái thời hiện đại, đã mô tả đời sống tâm linh như thế này:

Con người là thành phần của cái tổng thể được gọi là “vũ trụ”, thành phần được giới hạn trong thời gian và không gian. Họ trải nghiệm bản thân, tư tưởng và tình cảm của mình, để là cái gì đó khác với người khác – một loại ảo giác của ý thức. Ảo giác này là một loại ngục tù cho chúng ta, giới hạn chúng ta vào những khát vọng và tình cảm riêng tư với vài người gần chúng ta nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thoát mình khỏi ngục tù ấy bằng cách mở rộng phạm vi hiểu biết và yêu thương của chúng ta để bao quát muôn loài và toàn bộ thiên nhiên theo vẻ đẹp của nó.

Mở rộng việc thực hành tâm linh của chúng ta thật sự là quá trình mở lòng mình ra, quá trính mở rộng phạm vi hiểu biết và yêu thương để dần dần bao quát toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Việc chúng ta có mặt ở đây, năm này, ngày này, là sự thực hành tâm linh. Sự thực hành này thường thấy nơi các tăng ni của phương Đông hay các tu sĩ của phương Tây trong các tu viện hay ngôi chùa; ngày nay, tu viện hay ngôi chùa được mở rộng để bao quát cả thế giới này để dù chúng ta không là tăng ni hay tu sĩ, chúng ta vẫn có thể đi tìm đời sống tâm linh đích thực và sâu xa giữa đời. Hay theo tinh thần của Mẹ Teresa khi mẹ nói với các tình nguyện viên, “Giờ chị em đã biết nhìn Đức Kitô nơi người nghèo của Ấn Độ, chị em hãy về nhà và phục vụ ngài trong gia đình của chị em, phục vụ ngài trên đường phố, phục vụ ngài trong xóm giềng của mình”. Nghĩa là chúng ta là một gia đình.

Khi lòng chúng ta không còn bị chia cắt, bất cứ điều gì chúng ta gặp đều là sự thực hành của chúng ta. Không còn sự khác nhau giữa ngồi thiền hay hoạt động. Chúng giống như khi ta hít vào và thở ra, hai khía cạnh bất khả phần của sự sống. Truyền thống Thiền dạy rõ rằng:

Trong việc thực hành tâm linh chỉ có hai điều bạn ngồi và bạn quét khu vườn. Bất kể khu vườn lớn cỡ nào.

Tinh thần phục vụ không cần dựa vào các lý tưởng, vào việc tìm cách chỉnh sửa hết mọi sai trái trên thế gian. Khi chúng ta đã tiếp xúc khu vườn nội tâm của chúng ta, chúng ta sẽ khoan dung với tất cả.

—–?☀️?—–

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NGUỒN SÁNG CỦA BẢN THÂN TA
  2. TỰ DO – ĐỨC PHẬT VẪN ĐANG THUYẾT PHÁP
  3. TÔI ĐÃ YÊU THƯƠNG ĐỦ CHƯA? TÔI ĐÃ SỐNG TRỌN VẸN CHƯA?

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ