MỤC ĐÍCH PHỔ QUÁT CỦA ĐỜI SỐNG

KENTETSU TAKAMORI - DAIJI AKEHASHI - KENTARO ITO

Trích: Điều Gì Khiến Chúng Ta Hiện Hữu Trên Đời
Tác Giả: Kentetsu Takamori - Daiji Akehashi - Kentaro Ito
Dịch Giả: Nguyễn Văn Tiến
Nhà Xuất Bản Hồng Đức, Năm 2015
? Sự Đồng Nhất Của Niềm Tin
 
“Mọi người đều có mục đích riêng trong đời sống. Không thể có một mục đích phổ quát cho tất cả mọi người”.
 
Bất cứ người nào theo Thân Loan được nghe một lời tuyên xưng như thế đều lập tức nhớ đến cuộc tranh luận nổi tiếng mà Thân Loan từng khởi lên khi ngài là một đệ tử của sư Pháp Nhiên. Ngài bị chống đối bởi ba đệ tử đồng học. Soshinbo, Seikanbo và Nembutsubo. Sự bất đồng ý kiến của họ ngày nay được gọi là “Cuộc tranh luận về sự đồng nhất của niềm tin”.
THÂN LOAN THÁNH NHÂN 1173 – 1262
Ba đối thủ của ngài lập luận như sau: “Niềm tin của chúng ta không thể nào đồng nhất với niềm tin của thầy Pháp Nhiên. Nó phải khác biệt. Làm sao niềm tin của chúng ta có thể so sánh với của ngài, khi ngài được tuyên xưng là người thông giải Phật giáo trí thức nhất trong toàn cõi Nhật Bản?” Sự tôn kính sâu xa của họ đối với sư phụ là hiển nhiên, vậy mà Thân Loan tấn công ngay vào tiền đề ấy của họ. Ngài tuyên bố: “Niềm tin của thầy Pháp Nhiên và của tôi là hoàn toàn đồng nhất. Điều đó không phải là nói tôi ngang bằng với thầy về trí tuệ, học vấn, hoặc năng lực. Tôi chỉ nói riêng về niềm tin”. Lời phát biểu này gây ngạc nhiên cho cả ba người kia. Cuối cùng, họ quay sang công kích Thân Loan vì điều mà họ coi là không kính trọng sư phụ. Đối với họ, ngài là kẻ kênh kiệu, cần phải đặt lại đúng vào vị trí. Hiển nhiên là họ không thể nào quan niệm niềm tin tồn tại tách biệt khỏi những phẩm tính của con người như là tri thức, học vấn, và kinh nghiệm.
 
Tại sao lại nêu ra cuộc tranh luận này ở đây? Bởi vì, như chúng ta sẽ thấy, tuyên xưng rằng niềm tin của mỗi người là khác biệt thì cũng hệt như tuyên xưng rằng mỗi người đều có một mục đích khác biệt trong đời sống.
 
? Sự Đồng Nhất Của Mục Đích Trong Đời Sống
 
Từ “Niềm tin” dường như đối với những người không theo trường phái tôn giáo nào dường như chẳng liên quan gì tới bản thân họ; nhưng nếu bạn suy nghĩ về điều đó, có nhiều loại niềm tin, bên ngoài niềm tin vào một hữu thể tối thượng. Không tin vào điều gì, chúng ta khó có thể tiếp tục sống ổn thỏa, dù đó là những gì thuộc đời sống thế tục mà chúng ta đặt niềm tin vào, hoặc tiền bạc và của cải, hoặc danh vọng và địa vị. Trẻ em đặt niềm tin vào cha mẹ, vợ chồng đặt niềm tin vào nhau. Thực vậy, sống là có niềm tin.
 
Đối tượng và mức độ của niềm tin như thế chắc chắn biến thiên tùy từng cá nhân, lệ thuộc vào những nhân tố như là trí năng, giáo dục, kinh nghiệm,… Kết luận rằng niềm tin khác biệt đối với mọi người dường như là điều không thể tránh. Dễ dàng để lẫn lộn những đối tượng đa phức của một mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu tối hậu của đời sống, điều này có thể dẫn bất cứ ai tới giả thiết rằng mỗi người đều có một mục đích khác biệt trong đời sống.
 
Ý kiến của ba người bạn đồng học với Thân Loan có thể được quảng diễn như sau: “Mục đích trong đời sống của thầy Pháp Nhiên dĩ nhiên là khác biệt với mục đích của chúng ta. Ngài là học giả lớn nhất về Phật giáo trong toàn cõi Nhật Bản; làm sao chúng ta, với học vấn và hiểu biết thua kém, lại có thể có được cùng mục đích trong đời sống như ngài?”
 
Thân Loan không chấp nhận lối suy nghĩ này, và không sợ nói lên điều đó. Thực sự, ngài nói với các bạn đồng học, “Mục đích trong đời sống không có gì khác biệt giữa thầy Pháp Nhiên và tôi. Nói như thế không phải bảo rằng ngài và tôi ngang hàng nhau về tri thức, học vấn, kinh nghiệm, hoặc bất cứ thứ gì khác, nhưng chỉ để nói rằng mục đích của việc chúng ta đã được sinh ra làm người là đồng nhất”.
PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN 1133 – 1212
? Niềm Tin Vào Tự Lực Không Phải Là Phổ Quát
 
Lời của Pháp Nhiên về vấn đề này đã được bảo tồn. Quy chiếu về bản thân và về Thân Loan bằng những cái tên trước đây của họ, Genku và Zenshibo, đại sư nói như sau:
 
Niềm tin biến thiên là niềm tin vào tự lực; nói cách khác là bởi mỗi người đều có hiểu biết khác nhau, niềm tin của họ do đó cũng khác nhau. Nhưng niềm tin vào tha lực là tặng phẩm của Phật A Di Đà ban cho mọi người, thiện ác như nhau, và vì vậy niềm tin của Genku này và niềm tin của Zenshibo kia không hề có một mảy may khác biệt. Chúng là một và đồng nhất. Tôi không có niềm tin bởi sự khôn ngoan riêng của mình. Bất cứ ai mà niềm tin khác với niềm tin của tôi sẽ không thể đi tới cõi Tịnh độ là nơi tôi đang đi tới. Xin chớ có lầm lẫn nào ở đây.
 
Sự sáng tỏ trong lời tuyên bố của ngài là không có hàm hồ, chỉ có thể hiểu theo một cách. Những ai có niềm tin khác với niềm tin của ngài là chỉ có niềm tin vào tự lực vốn mang tính chất vô thường, đó là niềm tin dựa vào những hạt cát rời rã của tri thức, học vấn, kinh nghiệm, và những gì tương tự.
 
Thế giới chắc chắn là không bình đẳng. Người ta có người khôn hoặc kẻ ngốc, người thiện hoặc kẻ ác, người cao hoặc kẻ thấp, không có hai người nào giống hệt nhau; chúng ta cũng khác biệt vô hạn, chẳng hạn như về giáo dục, tài năng và kinh nghiệm. Niềm tin vào tự lực, vốn hình thành từ những xác tín dựa vào những thứ biến thiên như thế, không thể nào đồng nhất cho tất cả mọi người.
 
Ngày xưa, có một người từ ngôi làng trên núi và một người từ làng chài ở bờ biển, mỗi người đều lên đường xem cảnh sắc đô thị, ở cùng một quán trọ và sinh ra cãi cọ. Người thứ nhất nói, “Bây giờ anh hãy nghe tôi nói. Tôi nói rằng mặt trời mọc và lặn trong các rặng núi”. Người thứ hai đáp lại, không chịu thua một li, “Đừng có nói càn, mặt trời mọc và lặn trong biển. Tôi phải biết chứ. Tôi nhìn thấy nó mỗi ngày”. Người chủ quán trọ đi ngang qua và cười: “Cả hai người đều sai. Mặt trời mọc và lặn dưới các mái nhà!”
 
Mỗi người trong chúng ta nhận biết sự vật một cách khác nhau tùy theo cảnh huống riêng, đối với một kẻ giàu có, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên tường có thể như một lời nhắc nhở cất giữ tiền bạc an toàn trong ngân hàng, trong khi đối với một kẻ đang mắc nợ, nó có thể nhắc nhở rằng thời gian trôi qua và sắp đến hạn kỳ trả nợ. Cũng như vậy, niềm tin vào tự lực biến thiên tùy theo kinh nghiệm và những hoàn cảnh cá nhân của mọi người; tính đa phức và đặc trưng của niềm tin vào tự lực.
 
Theo lời sư Pháp Nhiên: “Niềm tin biến thiên là niềm tin vào tự lực; nói cách khác là bởi mỗi người có tri thức khác nhau, niềm tin của họ do đó cũng khác nhau”. Trong ngôn ngữ thông thường, “niềm tin” quy chiếu về niềm tin tự lực, vậy nên ý tưởng rằng niềm tin khác biệt đối với những con người khác biệt được lưu hành rộng rãi; không ai có thể hình dung một niềm tin đồng nhất cho tất cả mọi người. Theo cung cách đó, việc cho rằng không bao giờ có thể có một mục đích chung trong đời sống cho mọi người cũng tới một cách tự nhiên. Những kẻ tự kiêu tự mãn về điều tốt đẹp của mình dễ đi đến kết luận: “Mỗi người có niềm tin riêng; tất cả đều khác nhau và tất cả đều có giá trị”.
 
? Một Niềm Tin Đích Thực Là Phổ Quát
 
Tuy nhiên, ở đây Pháp Nhiên tuyên xưng sự tồn tại thực sự của một niềm tin phổ quát thực. Ngài tuyên bố, “Niềm tin vào tha lực là tặng phẩm của Phật A Di Đà ban cho mọi người, thiện ác như nhau, và vì vậy niềm tin của Genku này và niềm tin của Zenshibo kia không hề có một mảy may khác biệt. Chúng là một và đồng nhất”.
 
“Niềm tin vào tha lực” là niềm tin mà toàn nhân loại có thể san sẻ như nhau. Nó được ban bố một cách phóng khoáng bởi đức Phật A Di Đà, không phân biệt trí thông minh hoặc năng lực, học vấn hoặc kinh nghiệm, đạo đức hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào khác. Đó là lý do tại sao đối với sư Pháp Nhiên, không thể có những dị biệt trong niềm tin nhận được qua tấm lòng từ bi bao trùm chúng sinh của đức Phật A Di Đà; cả hai niềm tin của Pháp Nhiên và Thân Loan đều là niềm tin vào tha lực, và như vậy chúng “hoàn toàn không có mảy may dị biệt. Chúng là một và đồng nhất”. Có thể so sánh như sau, nếu đài truyền hình là đồng nhất, thì chương trình nhận được trên mọi máy truyền hình của người xem, dù máy có kích cỡ lớn hay nhỏ, cũ hay mới, chương trình đó vẫn là đồng nhất.
 
Đó là lý do tại sao, khi nói về sự hứng khởi của niềm tin vào tha lực, chúng ta phải dùng những lối diễn tả như là “đạt được”, “tiếp nhận”, và những từ đại loại như thế: bởi niềm tin này là một tặng phẩm từ A Di Đà.
 
Ở đoạn cuối của lời phát biểu, sư Pháp Nhiên làm nó hoàn toàn sáng tỏ, ngài nói, “Niềm tin của tôi là niềm tin vào tha lực, nó không dính líu gì tới trí tuệ, học vấn, hoặc bất cứ thứ gì như thế. Bất cứ ai có niềm tin khác với niềm tin của tôi sẽ không thể tới cõi Tịnh độ là nơi tôi đang đi tới. Xin hãy đoan chắc rằng các người thấu hiểu sự dị biệt giữa hai niềm tin này”.
 
Vậy là, chúng ta thấy rằng tất cả do niềm tin tiếp nhận từ A Di Đà mà cội nguồn của mọi khổ đau bị cắt đứt và chúng ta hoàn tất mục đích của đời sống, hoan hỷ rằng đã được sinh ra làm người. Thân Loan, người đã có dũng khí bênh vực quan điểm này với những bạn cùng học, và do đó làm hiển lộ bản chất của thế giới với niềm tin vào tha lực, còn viết như sau:
 
Cư sĩ, thánh tăng, kẻ xấu ác, tất cả đều được A Di Đà cứu độ như nhau, giống như mọi giọt nước quy về biển cả, đều trở thành một vị.
 
Những giọt nước của muôn sông chảy vào biển và trở nên có một vị duy nhất; vị mặn này của biển khắp nơi đều giống nhau. Cũng trong cung cách như vậy, những người có được niềm tin vào tha lực ( tức là “được cứu độ bởi A Di Đà như nhau”) tất cả đều đạt được mục đích duy nhất của đời sống. Họ có thể tài năng hoặc bất tài, mạnh khỏe hoặc khuyết tật, giàu hoặc nghèo, thuộc bất cứ chủng tộc nào hoặc nghề nghiệp nào – cũng không hề có bất cứ dị biệt nào. Tất cả đều san sẻ bình đẳng trong cùng một niềm hoan hỷ.
 
Thân Loan không thể nào làm sáng tỏ hơn nữa khi cho chúng ta thấy rằng mục đích của đời sống quả thực là đồng nhất cho mọi người ở khắp nơi.
Tác Giả: Kentetsu Takamori – Daiji Akehashi – Kentaro Ito

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC THIẾT KẾ VÀO CUỘC SỐNG
  3. SỐNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH