MỤC ĐÍCH SỐNG

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bạn đang nghịch gì với đời mình?

Nguyên tác: What are you doing with your life?

Tác giả: J. Krishnamurti

Việt dịch: Huỳnh Hiếu Thuận

NXB Hồng Đức, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News, 2018

Tham vọng và tính cạnh tranh có thật sự thiết yếu cho cuộc sống hiện đại?

Bạn phản ứng ra sao trước những vấn nạn xã hội, trước đói nghèo, tham nhũng, bạo lực?

Mối liên hệ giữa bạn với cha mẹ và thầy cô được dựa trên nền tảng nào? Sự tuân phục? Sự nổi loạn? Hay sự thấu hiểu?

Đối với bạn, tình yêu và hôn nhân có ý nghĩa như thế nào?

Bạn đối diện làm sao với những vấn đề tâm lý của mình, chẳng hạn như sự buồn chán, lòng ganh ghét, nỗi phiền muộn…?

Suy nghĩ của J. Krishnamurti (1895 – 1986) về những vấn đề trong cuộc sống của các bạn trẻ là những ý kiến đóng góp độc đáo và chân thực nhất cho tư tưởng giáo dục thế kỷ 21. Những điều mà ông cố gắng truyền tải không can dự gì đến triết lý cuộc đời, chúng là nghệ thuật khám phá thế giới cả bên ngoài lẫn những suy nghĩ và hành vi bên trong mỗi chúng ta; là sự hiểu biết về tâm trí và trái tim, cũng như về tính toàn thể, vẹn tròn của cuộc sống.

Mục đích sống - Jiddu Krishnamurti

MỤC ĐÍCH CỦA CUỘC SỐNG LÀ GÌ?

Sự sống là ý nghĩa của cuộc đời, nhưng chúng ta có thực sự sống không, và cuộc sống có thật đáng sống không khi vẫn còn đó nỗi sợ hãi; và trong toàn bộ đời sống, chúng ta được đào luyện với khả năng bắt chước, sao chép? Liệu sự sống có hiện hữu trong việc theo gót uy quyền? Liệu bạn có đang sống thật không khi chỉ theo đuôi ai đó, ngay cả khi người đó là bậc thánh nhân vĩ đại, là một chính khách xuất chúng hay là vị học giả lỗi lạc?

Nếu quan sát bản thân một cách kỹ càng, bạn sẽ thấy rằng thực ra chúng ta chẳng làm gì ngoài việc theo sau người khác; và cái quá trình theo gót này ta gọi là “sống”; sau tất cả, vào thời điểm sự sống kết thúc bạn sẽ tự hỏi: “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”. Với bạn, cuộc sống hiện giờ chẳng có chút nghĩa lý gì; ý nghĩa của cuộc đời chỉ có thể trở nên rõ ràng khi bạn có thể tự giải thoát khỏi uy quyền. Và điều ấy là hết sức khó khăn.

Thật sự thì thế nào gọi là tự do khỏi uy quyền? Bạn có thể phá vỡ một luật lệ và đó chưa phải là tự do khỏi uy quyền. Chỉ khi bạn thấu hiểu toàn bộ diễn trình mà trong đó, tâm trí tạo dựng uy quyền; không khác gì cách mỗi người trong chúng ta vì luôn phân vân nên muốn được bảo đảm rằng mình đang sống một đời đúng đắn; thì trong sự thông hiểu đó chúng ta tìm được tự do. Vì muốn được dạy cái nên làm mà chúng ta bị lợi dụng bởi những “bậc thầy” về tinh thần cũng như khoa học. Chúng ta không tài nào biết được ý nghĩa cuộc sống chừng nào chúng ta còn sao chép, bắt chước và hùa theo kẻ khác.

Làm thế nào mà một người có thể hiểu ý nghĩa của cuộc sống trong khi tất cả những gì họ tìm kiếm là thành công? Đó là cuộc sống của chúng ta đấy: chúng ta muốn thành công, muốn được an toàn tuyệt đối ở bên trong lẫn bên ngoài, muốn nghe ai đó bảo rằng ta đang làm điều đúng đắn, rằng ta đang đi trên lộ trình dẫn đến sự cứu rỗi linh hồn… Toàn bộ cuộc sống của ta được dẫn dắt bởi truyền thống, ngay từ ngày hôm qua hay từ hàng ngàn năm trước, chúng ta quen với chuyện biến mỗi kinh nghiệm tích lũy được thành uy lực nhằm đạt được thành quả. Vì vậy, chúng ta không biết ý nghĩa thật sự của cuộc sống; chúng ta chỉ biết nỗi sợ hãi – sợ người ngoài bàn tán, sợ cái chết, sợ thất bại, sợ đặt lòng tin nhầm chỗ, sợ cả chuyện làm việc tốt. Tâm trí chúng ta bối rối vì vướng kẹt trong lý thuyết, đến nỗi ta không diễn tả được ý nghĩa của cuộc sống đối với chính mình.

Cuộc sống là một điều gi đó rất phi thường. Khi một người hỏi rằng: “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”, anh ta chỉ tim kiếm một định nghĩa và tất cả những gì anh ta biết được là định nghĩa, tức những từ ngữ đơn thuần. Anh ta không thấm nhuần được ý nghĩa sâu sắc cũng như sự phong phú không tưởng và sự nhạy cảm trước cái đẹp, cùng tính chất bao la của đời sống.

Chúng ta không tài nào biết được ý nghĩa cuộc sống chừng nào chúng ta còn sao chép, bắt chước và hùa theo kẻ khác.

CUỘC SỐNG LÀ GÌ?

Trước khi bàn về mục đích của cuộc sống, chúng ta cần giải nghĩa xem “cuộc sống” là gì và “mục đích” là gì, không đơn thuần theo ngữ nghĩa trong từ điển, mà theo đúng ý nghĩa được ta trao gửi vào ngôn từ. Cuộc sống bao hàm các hành động thường nhật, ý nghĩ thường nhật, cảm nhận thường nhật, phải không nào? Nó cũng bao hàm những khó khăn, đau đớn, lo âu, dối trá, những thói quen của nhân viên văn phòng, của giới kinh doanh, của công chức,… Toàn bộ chúng là cuộc sống, đúng không? Khi nói đến cuộc sống, chúng ta không chỉ nói về một lớp ý thức duy nhất, mà là nói về toàn bộ quá trình tồn tại, bao hàm các mối tương quan của chúng ta với vạn vật, con người và ý tưởng. Chúng ta gọi đó là cuộc sống, nó tuyệt nhiên không phải là một thứ trừu tượng.

Vậy, nếu đó là cuộc sống mà ta đang nói tới, thì liệu nó có mục đích chăng? Hay vì chúng ta không hiểu nổi các phương cách của sự sống – những nỗi đau đớn, sợ hãi, ước vọng, lòng tham – cũng như không hiểu nỗi các hành vi thường nhật hiện hữu nên ta cứ hướng về một mục đích, xa xôi hay gần gũi, trong tương lai hay ngay lúc này. Ta muốn được dẫn dắt bởi mục đích mỗi ngày cho đến cuối đời, đó rõ ràng là cách ta nghĩ về mục đích sống. Nhưng nếu bạn hiểu được mình cần sống ra sao, chỉ riêng sống với sự thuần túy cũng đã rất trọn vẹn rồi, phải không nào?

Nếu tôi cứ dựa theo ý kiến, mong muốn, sở thích riêng mà quyết định về mục đích cuộc đời mình, thì cái mục đích sinh ra từ ham muốn đó chắc chắn không phải là mục đích sống đúng đắn. Thế thì

ĐÂU LÀ MỤC TIÊU CỦA CUỘC SỐNG?

252-Mục đích sống

Điều quan trọng không phải là đi tìm mục tiêu cuộc sống mà là hiểu được sự rối loạn khi bạn vướng kẹt vào nỗi khổ sở, sợ hãi, và tất cả những cảm xúc khác.

“Ý nghĩa cuộc sống là gì?”

“Mục đích cuộc sống là gì?”

Tại sao bạn lại hỏi những câu như vậy? Phải chăng là vì bạn vẫn cảm thấy rối loạn và đầy phân vân; do không chắc chắn lắm về bản thân mình mà bạn cần tìm đến một điều gì khác thật chắc chắn để dựa dẫm vào. Chẳng hạn như một mục đích sống nhất định hay một mục tiêu cuộc đời thật rõ ràng.

Điều quan trọng không phải là đi tìm mục tiêu cuộc sống mà là hiểu được sự rối loạn khi bạn vướng kẹt vào nỗi khổ sở, sợ hãi, và tất cả những cảm xúc khác. Chúng ta không hề tìm hiểu về sự rối loạn nhưng lại cứ nỗ lực để thoát khỏi nó. Thực tế mà nói thì chuyện con người cần quan tâm đến nhiều nhất không phải là việc tim cho ra mục đích sống; chúng ta cần chú tâm nhiều hơn vào việc thấu hiểu về tình trạng rối loạn và phiền muộn của mình mới phải. Điều gì quan trọng hơn, tìm cho ra mục đích của cuộc đời hay là giải phóng tâm trí khỏi những quy tắc của chính nó trước khi tự vấn về mục đích sống? Có lẽ nếu tâm trí được tự do thì ta sẽ thấy sự tự do ấy đã là mục đích rồi; sau tất cả, chỉ trong tự do người ta mới khám phá ra được mọi chân lý trên đời.

Vậy nên, điều kiện tiên quyết ở đây là sự tự do, chứ không phải việc tìm kiếm mục đich của cuộc sống.

HÃY HIỂU, ĐỪNG TRỐN CHẠY KHỎI SỰ GIÀY VÒ THƯỜNG NHẬT

Để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống, chúng ta phải hiểu về những khoảnh khắc mà mình bị giày vò bởi sự phức tạp của đời sống thường nhật, chúng ta đâu thể trốn chạy khỏi chúng mãi. Xã hội mà ta thuộc về nên được hiểu thấu đáo bởi từng cá nhân sinh sống trong đó; không phải chỉ bởi một số triết gia, nhà giáo, hay bậc tôn sư nào đấy. Lối sống của chúng ta cần được chuyển hóa và thay đổi toàn diện. Đó là điều ta cần phải làm, ngoài việc đó ra không còn gì khác quan trọng hơn.

CHÚNG TA SỐNG VÌ LẼ GÌ?

“Chúng ta sống nhưng không biết tại sao mình sống. Đối với nhiều người, cuộc sống dường như chẳng có ý nghĩa gì. Ông có thể cho chúng tôi biết đâu là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống này không?”

Thế tại sao bạn lại hỏi tôi điều này? Tại sao bạn lại yêu cầu được biết về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống? Bạn có hàm ý gì khi nói đến cuộc sống? Sự sống chẳng phải tự nó đã có mục đích và ý nghĩa riêng rồi sao? Tại sao chúng ta còn muốn nhiều hơn vậy? Có lẽ vì chúng ta quá bất mãn với cuộc sống của mình, cái cuộc sống trống rỗng, nhạt nhòa, chán chường, đơn điệu với vài hoạt động lặp đi lặp lại mãi. Rồi ta cho rằng cuộc sống hẳn phải có một ý nghĩa tràn đầy hơn, thế nên bạn đặt câu hỏi này. Chắc chắn một người có đời sống phong phú sẽ không thấy rối loạn, sẽ nhìn nhận mọi thứ như chúng là, và bằng lòng với những gì mình có. Vì đã thông suốt nên người ấy cũng không băn khoăn về mục đích của cuộc sống mà với họ, chính sự sống là khởi đầu và cũng là kết thúc. Đó lại là cái khó của chúng ta, cuộc sống ta trống rỗng nên ta muốn tìm một mục đích sống và phấn đấu vì nó; đó đơn thuần là hành vi trí óc thiếu tính thực tế. Khi mục đích sống được theo đuổi bởi một tâm trí ngu ngốc, ngờ nghệch và một trái tim rỗng không thì mục đích đó khó tránh khỏi trở nên rỗng tuếch. Vậy ta cần phải làm phong phú thêm cho cuộc sống của mình, không phải với tiền bạc hay những thứ tương tự, mà với sự giàu có của tâm hồn. Khi bạn quyết định rằng mục đích của sự sống là để được hạnh phúc, là tìm thấy Thượng đế thì chắc hẳn mong muốn ấy là một sự đào thoát khỏi cuộc sống, còn vị Thượng đế của bạn thành ra một điều được biết đến. Đó chỉ là ý niệm, và khi bạn xây từng bậc thang dẫn lối đến điều được gọi là Thượng đế, thì chắc chắn đó không phải là Thượng đế. Ta chỉ hiểu được thực tại thông qua sự sống; việc đeo đuổi mục đích sống chứng tỏ rằng bạn đang trốn chạy và không hiểu gì về cuộc sống cả. Cuộc sống là mối tương quan và là hành động trong mối tương quan; khi ta không hiểu về mối tương quan, hay khi mối tương quan trở nên rối loạn thì ta phải tìm kiếm cho mình một ý nghĩa tràn đầy hơn.

252-Mục đích sống

Chắc chắn một người có đời sống phong phú sẽ không thấy rối loạn, sẽ nhìn nhận mọi thứ như chúng là, và bằng lòng với những gì mình có. Vì đã thông suốt nên người ấy cũng không băn khoăn về mục đích của cuộc sống mà với họ, chính sự sống là khởi đầu và cũng là kết thúc.

Tại sao cuộc sống của chúng ta lại trống rỗng đến vậy? Tại sao chúng ta thấy mình cô đơn và tuyệt vọng? Chúng ta không bao giờ tự thừa nhận rằng cuộc sống này là tất cả những gì ta biết được, do đó nó nên được hiểu một cách đầy đủ và toàn diện nhất. Chúng ta thích chạy ra xa khỏi chính mình hơn, và đó là lý do ta tìm mục đích sống bên ngoài các mối tương quan. Một khi chúng ta bắt đầu hiểu về hành động, hiểu về mối tương quan giữa mình với mọi người, với tài sản, với các niềm tin và ý tưởng, thì ta sẽ thấy sự tương quan đó tự nó đã là đủ. Cũng giống như trong tình yêu, bạn không phải đi tìm và cũng chưa chắc bạn tìm là sẽ thấy. Tình yêu không thể được vun trồng, bạn sẽ tim thấy tình yêu ngay trong mối tương quan, không phải ở bên ngoài nó. Chính vì không có được tình yêu, ta mới muốn tìm mục đích sống. Khi tình yêu thương vô tận đã hiện hữu rồi thì ta không cần tìm kiếm Thượng đế nữa vì chính tình yêu này là Thượng đế. Do tâm trí ta đầy ắp những lời máy móc và huyễn hoặc mà cuộc sống ta trống rỗng, rồi ta gắng gượng đi tìm một mục đích vượt quá chính mình. Nếu muốn tìm được mục đích sống, ta phải hiểu rõ về bản thân, thế nhưng theo một cách có ý thức hay vô thức, ta luôn tránh đối mặt với bản chất sự việc và vì thế ta cầu xin Thượng đế giúp ta điều không tưởng. Chỉ những ai chưa biết đến tình yêu thương mới đặt ra câu hỏi về mục đích cuộc sống. Và tình yêu thương chỉ có thể được tìm thấy thông qua hành động, trong các mối tương quan.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG
  2. THANH NIÊN TRƯỚC Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
  3. SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  2. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH
  3. NGƯỜI TA CÓ THỂ ĐI XA TỚI ĐÂU

Bài viết mới

  1. CHỮA LÀNH TINH THẦN
  2. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  3. BA LOẠI HÀNH ĐỘNG