TỔ GAMPOPA
Đức Gampopa còn có tên là Dagpo Lharje hay Sonam Rinchen, là đệ tử thượng thủ và là người truyền thừa chính của Jetsun Milarepa. Ngài được ví như mặt trời, so với Rechung người viết lại tiểu sử của Milarepa, được ví như mặt trăng. Đức Gampopa là người cha của truyền thống Kagyu, cội gốc và nền tảng của phái này. Hoạt động của Ngài về đạo pháp bắt đầu trong một đời trước, khi Ngài là một bồ tát có tên là Chandra Prabha Kumara hay “Ánh Trăng Trẻ Trung”, là một đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật đã nói trong Kinh Định Vương (Samadhiraja Sutra) rằng vào thời mạt pháp, hậu thân của Ánh Trăng Trẻ Trung sẽ truyền bá những giáo lý của kinh này, nó chính là thực nghĩa, là Đại Ấn (Mahamudra). Qua nguyện vọng bồ tát của mình và những ban phước gia bị của Phật Thích Ca, Ánh Trăng Trẻ Trung đã tái sanh ở Tây Tạng là đức Gampopa và sáng lập ra dòng Kagyu.
Tên Gampopa của Ngài còn ám chỉ Ngài như là sự tái sanh của vua Srong-Tsan-Gampo, vị vua Phật giáo đầu tiên của Tây Tạng, mất vào năm 650.
Gampopa (khoảng 1079 đến 1153) sanh ở miền trung Tây Tạng, là một y sĩ. Khi gia đình Ngài bị sụp đổ vì một nạn dịch, Ngài đã hứa với vợ mình trước khi chết rằng Ngài sẽ xuất gia và hiến đời mình cho Phật pháp. Được thọ giới năm 26 tuổi với pháp danh là Sonam Rinchen, Ngài bắt đầu tu hành trong truyền thống Kadampa của Atisha. Về sau Ngài gặp đại thiền giả Milarepa, người nối dòng từ Tilopa qua Naropa, đến Thầy Milarepa là Marpa, Đại Dịch giả và ngài là đệ tử thứ nhất nối pháp của Jetsun Milarepa. Về già ngài có nhiều đệ tử và xây ngôi chùa ở Gampo Dar làm trung tâm cho dòng Kagyu. Trong những đệ tử truyền dòng, đặc biệt có Karmapa đệ nhất, Dusum Khyenpa là đệ tử của Ngài, là người sáng lập dòng Karma Kagyu, tu viện chính là Tsurphu và nay đã đến đời Karmapa thứ 17.
Ngài đã viết các luận văn về Đại Ấn và những giáo lý Kagyu. Ngoài tác phẩm Vòng Hoa Quý Báu của Con Đường Tối Thượng, những tác phẩm chính khác là Sự Trang Hoàng Bằng Ngọc của Giải Thoát vàBốn Pháp của Gampopa.
Trong những tác phẩm của ngài, Gampopa nói rằng những người đời sau có niềm tin mãnh liệt vào ngài, nghiên cứu những bản văn trên cũng như được những lời dạy trực tiếp từ ngài. Ngài nói dầu những đệ tử tương lai không có dịp may gặp chính bản thân ngài, nhưng nếu có, ngài cũng sẽ không trao cho họ cái gì hơn những điều được nói trong các bản văn đó.
***********
(1) Nếu con có ít niềm tin và nhiều hiểu biết, điều này dẫn đến sự lầm lạc của thói lắm mồm.
(2) Nếu con có nhiều niềm tin và ít hiểu biết, điều này dẫn đến sự lầm lạc của nỗ lực mù quáng vu vơ, không có thực nghĩa.
(3) Nếu con có nhiều dũng mãnh mà không có những giáo huấn đầy đủ, điều này dẫn đến sự lầm lạc của lỗi lầm và lạc lối.
(4) Nếu con không trừ bỏ trước đó những tà kiến gán ghép thêm (4) nhờ nghe và tư duy về Pháp một cách sáng tỏ, điều này dẫn đến sự lầm lạc là con chỉ thiền định trong tối tăm mê muội.
(5) Nếu cái hiểu tươi mới về Pháp không được đưa ngay vào sự áp dụng trong thực hành, điều này dẫn đến sự lầm lạc là càng ngày càng trở nên một chuyên gia lý thuyết rỗng tuếch và khô cằn.
(6) Nếu tâm thức con không tu hành phương tiện – đại bi – điều này dẫn đến sự lầm lạc vào con đường của Tiểu thừa.
(7) Nếu tâm thức con không tu hành trí huệ – tánh Không – điều này dẫn đến sự lầm lạc vào con đường của sanh tử.
(8) Nếu tám mối quan tâm thế gian không được chinh phục, điều này dẫn đến sự lầm lạc là bất kỳ điều gì con làm đều trở thành một sự trang hoàng cho sanh tử.
(9) Nếu để cho những người ngưỡng mộ nhẹ dạ và tầm thường quan tâm tụ tập bên con, điều này dẫn đến sự lầm lạc bằng cách tự làm nô lệ cho sự tự phụ tự mãn và cho sự làm vui lòng người thế tục.
(10) Nếu con có những phẩm tính và thần lực lớn lao, nhưng với một tâm thức không kiên cố và không trưởng thành, điều này dẫn đến sự lầm lạc là trở thành một người phô trương những nghi lễ trong làng xóm.
Đây là Mười Lầm Lạc.
(Bản tiếng Việt: Những giáo huấn của Gampopa – Vòng Hoa Quý Báu của Con Đường Tối Thượng, Thiện Tri Thức, 2000)