LAMA SURYA DAS
Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức
Nếu bạn biết thế nào là một mình sợ hãi giữa biển khơi trong bóng đêm, bạn sẽ hình dung ra mọi chúng sinh khác đang trải qua điều gì. Tôi đã thực sự chèo thuyền qua một đại dương. Những người khác cũng trải qua các chướng ngại chẳng kém.
– Toni Murden (người phụ nữ đầu tiên một mình chèo thuyền qua Đại Tây Dương)
Chướng ngại và thách thức! Cuộc sống chẳng phải đầy những thứ ấy sao? Có những khi, cứ như thể thách thức lớn nhất về tâm linh chúng ta phải dõi mặt là tìm ra sự liên quan giữa các thách thức trên hành trình tu tập và bài học tâm linh mình cần học. Chẳng hạn, hãy nhìn vào những gì Lois, một nhà thiết kế ba mươi sáu tuổi, đang trải qua lúc này. Lois cảm thấy hai năm vừa qua trong cuộc đời cô hoàn toàn như địa ngục. Đầu tiên xảy ra chuyện cha cô bị đau tim và phải phẫu thuật. Có một thời gian, tưởng như ông đang khoẻ hơn, nhưng đúng lúc ông có vẻ đang hồi phục thì bị viêm phổi và qua đời. Lois, vốn rất thân thiết với cha, cảm thấy suy sụp. Cô nói, cha cô luôn khiến cô cảm thấy được bảo và và yêu thương; dù Lois có làm gì, ông cũng là người giúp đỡ và cổ vũ số một. Sau khi ông mất, Lois cảm thấy như cô đã mất đi “vùng an toàn” của mình, và nhanh chóng rơi vào chứng trầm cảm nghiêm trọng. Tất cả những gì cô muốn làm là rút khỏi thế gian, ẩn trong căn hộ của mình.
Đúng là hoạ vô đơn chí, ngay thời điểm ấy công ty của Lois có sự xáo trộn. Cấp trên trực tiếp của cô bị cho nghỉ, thế vào đó là một phụ nữ trẻ. Lois không quen biết gì người phụ nữ này, còn bà ta chẳng thể chịu đựng lấy một chút trạng thái cảm xúc mỏng manh của Lois. Thực thế, bà ta nóng lòng muốn thay thế tất cả các nhân viên cũ bằng những người không gắn bó với hệ thống quản trị trước đó. Lois đột nhiên thấy mình chịu áp lực khủng khiếp.
Lois nghĩ rằng tâm trạng chao đảo giữa trầm cảm và giận dữ của cô chẳng thể tệ hơn được nữa. Rồi bạn trai của Lois muốn chấm dứt mối quan hệ với cô. Anh nói, anh cảm thấy Lois đã chuyển sự lệ thuộc vào cha lên anh, và anh không thể đảm đương được; anh cũng nói không chịu nổi thái độ tiêu cực của cô, rằng ở cô chẳng còn chút gì “vui”.
Thứ gì có thể tệ hơn nữa?. Lois hỏi vài người bạn, cảm thấy hoàn toàn kiệt sức, thực sự kiệt sức, đến mức cô khó khăn lắm mới ra khỏi giường được. Đầu tiên, Lois cho đó là sự mệt mỏi bởi trầm cảm, nhưng mọi thứ nhanh chóng trở nên rõ ràng: sự mệt mỏi này khác hơn – sâu hơn, khó xử lý hơn bất kỳ thứ gì cô từng trải qua trước đó. Một điều đơn giản như đi bộ ra góc phố mua tờ báo cũng làm cô cảm thấy bị rút hết sức lực. Tới bác sĩ, cô được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên. Khi cô thử xin nghỉ phép ở công ty, họ dọa đuổi việc cô. Đến giờ thì cô đã được chấp thuận nghỉ bệnh hai tháng. Điều ấy cũng hữu ích, nhưng Lois biết chỉ là vấn đề thời gian, rồi cô sẽ lại phải quay về chỗ làm, và không chắc có thể tiếp tục được không.
Ngay lúc này, Lois đang sợ hãi. Trong vòng dưới một năm, cô đã chịu nhiều mất mát lớn, cái nọ tiếp ngay cái kia. Nếu tôi nói chuyện với Lois và bảo cô rằng những gì cô đang trải qua là một kinh nghiệm quý giá, có lẽ cô sẽ phản đối. Ai lại muốn nghe rằng đau khổ mà mình đang trải qua là một bài học quý giá? Tuần trước, tôi đứng dưới mưa trên một xa lộ, bên chiếc xe bị hỏng trong khi đã trễ một cuộc hẹn; chắc tôi sẽ nổi điên nếu có ai thò đầu ra khỏi cửa một chiếc xe băng qua và hét lên: “Một bài học đấy!”. Dầu vậy, tôi đã học được rằng tất cả các thử thách và khổ cực của cuộc sống đưa đến cho chúng ta những cơ hội lớn cho sự học hỏi tâm linh, sự trưởng thành và những gắn kết có ý nghĩa.
Tôi biết có những người có đủ sự sáng suốt để tìm và phát hiện những bài học trong các vất vả khó nhọc của họ. Chuck, một người bán hàng bốn mươi lăm tuổi, nói ông chưa từng dành thời gian để hiểu xem mình đang làm gì sai trong mối quan hệ với mọi người, thế rồi việc kinh doanh thất bại, vợ ông và những đứa con tuổi thanh thiếu niên ngừng nói chuyện với ông. Vốn là người luôn tự hào về cách nhìn nhận cuộc sống đầy thực dụng, Chuck đã buộc mình phải nhìn vào thực tế -vào các hình thái nhân- quả gắn kết qua lại với nhau. Mọi người ông biết đều đang giận dữ với ông, bởi vậy ông không tránh khỏi rút ra một kết luận logic rằng mình đang làm điều gì đó khiến mọi người xung quanh xa lánh. Do đó, ông có thể học, thay đổi, trưởng thành từ những khó khăn. Đây là cách ông hoà giải với những người thân yêu của mình.
Deidra, bốn mươi tuổi, đã thoát được chứng chán ăn mà cô phải chịu dựng từ hồi thiếu niên và đầu những năm hai mươi tuổi. Cô kể, điều tệ nhất ở chán ăn là nó làm cô cảm thấy tách rời khỏi những người xung quanh. Trong những năm phải vật lộn nhiều nhất, Deidra dành phần lớn năng lượng tinh thần của mình để che giấu bệnh tật, cố gắng làm ra vẻ như đang ăn uống bình thường. Cô nói, thật là một kinh nghiệm khủng khiếp khi bị chứng chán ăn hành hạ. Dẫu vậy, cô biết ơn vì những gì nó đã dạy cho cô.
Deidra nói, chứng biếng ăn khiến cô nhận thức không chỉ tình trạng dễ tổn thương của mình, mà của cả mọi người xung quanh. Việc xử trí các vấn đề cảm xúc của bản thân dã cho cô lòng trắc ẩn và cảm thông lớn hơn với những vấn để cảm xúc của người khác. Sự cảm nhận về nỗi khổ của mọi người đã thấm vào nhận thức, vào mối quan hệ và trải nghiệm của cô về chính cuộc sống. Cô sẽ chẳng trở thành người như hôm nay nếu đã không biết việc chống chọi với một căn bệnh tai ác là như thế nào.
Cách đây chưa lâu, tôi đọc một đoạn trên trang bình luận của tờ Thời báo New York. James Stockdale trích dẫn Alekxandr Solzhenitsyn:
“Và chỉ khi nằm đó, trải qua thời gian lê thê trong tù, tôi mới cảm nhận trong mình những khuấy động đầu tiên của điều thiện. Dần dần, tôi hiểu ra rằng, ranh giới phân chia tốt và xấu không phải giữa các vị thế xã hội, không phải giữa các giai cấp, mà ngay trong con người – và trong mọi trái tim… Đó là lý do tại sao tôi quay lại những năm tháng tù đày và nói, đôi lúc khiến những người quanh tôi kinh ngạc: “Cám ơn mày, nhà tù!”.
Bài viết của Stockdale nhắc tôi nhớ tới những câu chuyện được nghe kể bởi nhiều lạt ma Tây Tạng. Một trong số họ là lạt ma Norlha, giảng dạy ở thành phố New York cũng như ở trung tâm an cư ba năm của Kalu Rinpoche tại Wappinger Falls, New York. Tôi gặp lạt ma Norlha lần đầu ở Darjeeling dầu những năm 1970, khi ấy chúng tôi cùng sống ở một tu viện nhỏ bên sườn núi, và thỉnh thoảng ông lại kể lại những gì dã trải qua.
Ông nhiều lần nói với tôi rằng những năm tháng tù đày là một trong những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời ông.
Mọi thứ khi ấy đã bị tước mất khỏi ông. Ông nhận ra, không có quá khứ nào để quay về, không có tương lai nào để trông mong. Tất cả những gì có thể nương tựa là khoảnh khắc hiện tại và chân lý vĩnh hằng của Phật pháp – vốn luôn đúng dù ở đó hay bất kỳ nơi nào khác. Ông nhận ra, ông có thể tiếp tục thực hành tâm linh bằng cách ngồi trong góc xà lim. Tôi nhớ ông nói: “Tôi chẳng có gì khác để làm hay để bận tâm, bởi lẽ mọi thứ đã bị tước đoạt”. Điều này với tôi lúc nào cũng như một bài học lớn, nhắc chúng ta nhớ rằng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu nhớ tới những ý nguyện và khát vọng cao nhất của mình, chúng ta có thể hướng tâm về Phật pháp. Trong cuốn sách kinh điển Tâm đao (A Path with Heart), Jack Kornfield viết:
“Trong khó khăn, chúng ta có thể thấy được sức mạnh thật sự từ hành trì của mình. Ở những thời điểm ấy, trí huệ đã tu dưỡng cũng như chiều sâu của tình yêu và khoan dung là chỗ trông mong chính của chúng ta. Thiền định trong những thời điểm như vậy giống như xoa dầu giảm đau vào những chỗ đau. Sức mạnh to lớn của tham lam, căm ghét, sợ hãi và ngu dốt mà chúng ta gặp phải có thể được khuất phục bởi sức mạnh to lớn không kém của tâm trí.
Sức mạnh ấy đến từ chỗ biết rằng sự đau khổ mà mỗi chúng ta phải chịu đựng là một phần của sự đau khổ lớn hơn mà mọi chúng sinh đều trải qua. Nó không chỉ là đau khổ “của chúng ta”, mà nó là đau khổ nói chung, và nhận thức ấy đánh thức lòng trắc ẩn chung. Đức Phật thường nhắc nhở đệ tử rằng ai cũng sẽ trải qua bệnh tật, những khó khăn không lường trước, tuổi già, và cái chết. Chúng ta đều trải qua mất mát. Đây là một sự thật – một “thực tế cuộc sống” thật sự. Ta sẽ đều có nhiều bài học về mất mát và đau khổ, không ai là ngoại lệ. Mọi tôn giáo, mọi truyền thống tâm linh đều đào sâu bản chất và nguyên nhân nỗi khổ của con người. Có lần ngồi trong một nhà hàng, tôi nghe một bé gái đáng yêu, chắc không quá năm tuổi, hỏi người phụ nữ đi cùng bé: “Margaret, sao Thượng để lại để điều xấu xảy ra?”. Margaret đáp bằng cách nói rằng, đây là câu hỏi đã quấy nhiễu cô suốt cả đời”.