NGHE, NGHE RỒI LẠI NGHE

DAVID GUY POWERS

Trích: Sống Đời Đáng Sống – Nguyên tác: Live A New Life; Nguyễn Hiến Lê lược dịch; Nhà xuất bản Đồng Tháp

Bác sĩ Thomas Shanahan, nha y danh tiếng ở Nữu Ước, một hôm cầm ống điện thoại lên nghe và ngạc nhiên thấy ở đầu dây có người dọa đánh mình. Một người phụ tá của ông nhổ răng cho một bà nọ. Mặt bà đó sưng vù lên và ông chồng nóng tính sắp tới đập vào mặt bác sĩ cho nó cũng sưng lên ngang với mặt bà vợ. Quả nhiên, ít phút sau, một người vào hạng lực sĩ gạt đường, xông vào phòng riêng của bác sĩ để la lối om sòm cho hả giận. Bác sĩ Shanahan kiên nhẫn nghe, không cãi lấy nửa tiếng, để ông ta nói hoài nói hủy, chán thì thôi. Sau cùng người đó bực mình quá, la:

Ông không có một lời nào để tự bào chữa à? Ông ngó cái gì đó?

Bác sĩ đáp:

Ngó chiếc răng lung lay kia của ông, chắc nó làm ông khó chịu ít nhiều, phải không?

Người đó ngập ngừng:

À phải. Muốn lại nhờ bác sĩ coi giùm coi.

Nào, để tôi coi. May ra thì chữa được.

Thế là người đó ngồi vô ghế cho bác sĩ xem răng. Cơn giận đã tiêu tan hết chỉ vì bác sĩ đã để cho ông ta nói và chăm chú nghe ông ta nói. Thành thử chủ ý tới để gây sự về cái hàm răng của bà vợ rút cục lại là để chữa cái răng của mình.

Muốn được lòng người thì phải có thiện cảm tìm hiểu người. Như vậy tránh được nhiều sự rắc rối. Aristote gọi đức đó là đức “cảm thông”. Các nhà tâm lý học hiện nay đã thí nghiệm mà chứng thực được sức mạnh của đức đó.

Bác sĩ Shanahan đã dùng tinh thần cảm thông để tiếp người khách nóng nảy. Ông biết rằng phải quạt cái lửa giận trong lòng ra, lại biết rằng chiếc răng lung lay làm cho người đó khó chịu. Cho nên ông tự đặt mình vào địa vị người đó, giúp người đó giải quyết được nỗi bực mình của họ.

Phương pháp luyện tinh thần cảm thông là một phương pháp rất dễ; bạn có thể dùng ngay bây giờ được. Phương pháp đó là nghe. Để cho người ta nói, nói nữa đi. Và khi người ta hết nói rồi thì làm theo cách của thống đốc Al Smith: Tỏ cho người ta thấy rõ rằng mình đã nghe. Khi ai đề nghị cái gì với ông, ông ráng hiểu rõ đề nghị đến nỗi có thể lập lại đề nghị đó được, rồi ông mới quyết định. Dù quyết định của ông là từ chối thì người ta nghe cũng vui lòng vì đã được ông chăm chú nghe. Tổng thống McKinley cũng có cái tài đó, lắm lúc mất nhiều thời gian nhưng ông cũng không ngại. Ông Grover Cleveland cũng chịu khó nghe cử tri của mình bày tỏ quan điểm.

Ông Charles L. Eidlitz cũng theo phương pháp đó. Ông là một nhà hòa giải khéo léo. Trong vụ hòa giải nào cũng vậy, ông khuyến khích cả hai bên trong lòng có cái gì thì cứ tuôn ra hết. Không khi nào ông ngắt lời ai cả, dù người đó có lý hay không.

Ông biết rằng cả hai bên thèm khát thiện cảm. Có thiện cảm với ai không nhất định phải nhận người có lý, chỉ cần tỏ ra rằng mình có thể hiểu thái độ của người đó. Nhận ra rằng lý lẽ của người đó đáng cho ta nghe, nếu người đó bực mình thì xoa dịu người ta một chút.

Điều quan trọng là cho hai bên được hưởng lợi, nhưng điều quan trọng hơn nữa là cho họ cảm thấy rằng họ được hưởng lợi. Sau cùng, để cho hai bên nói hết rồi, ông nói họ còn muốn thêm gì nữa không, lúc đó ông mới quyết định. Tóm lại, phương pháp của ông là nghe, nghe, rồi lại nghe.

Bạn có thể tin chắc rằng thói quen nín tiếng vừa khôn ngoan mà vừa cao cả.

Thành thực nghe là bước đầu để hiểu. Điều đó rất đúng, nhất là khi ý kiến mình khác ý kiến người. Trong trường hợp ấy, mình cũng phải gắng sức nghe người ta nói cho hết. Như vậy thái độ của ta làm cho người trọng và hai bên có chỗ để tìm hiểu nhau. Tổng thống Roosevelt cũng theo phương pháp đó khi giao thiệp với tổng trưởng Cordell Hull. Ông Cordell Hull nói: “Khi ý kiến chúng tôi khác nhau về vấn đề quan trọng, thì tổng thống không khi nào tỏ ý nóng nảy, cứ kiên nhẫn nghe tôi bày tỏ cho tới cùng, không hề ngắt lời tôi”.

Ông Byron Price, phó tổng thư ký Liên hiệp Quốc cũng dùng phương pháp đó. Ông bảo: “Kinh nghiệm cho tôi hay rằng nếu ta để cho một người giận dữ nói luôn trong hai mươi phút, thì chính là người đó sẽ tự trả lời cho họ, ta khỏi phải trả lời nữa”.

Sau đại chiến thứ nhất, ông Lloyd George qua thương thuyết với Pháp, ông dắt theo một ban thông ngôn mặc dầu ông rất thạo tiếng Pháp. Như vậy ông có thể nghe hai lần và có thời giờ suy nghĩ về lý lẽ của người thay mặt chính quyền Pháp.

Ông William A. Patterson tự cho rằng một đặc điểm của hãng ông là bất kỳ người giúp việc nào muốn hỏi ông, nói với ông điều gì ông cũng sẵn lòng nghe. Ông đi khắp các nơi có công ty Liên hiệp hàng không, nói chuyện với tất cả các nhân viên, cho họ cơ hội hỏi ông về công việc của hãng, tại sao làm việc này mà không làm việc nọ. Có nơi có tới 2.000 nhân viên; có nơi chỉ có 5 nhân viên. Ông mời họ vào phòng của ông ở khách sạn để nói chuyện; và một nhân viên mới vào làm được khoảng 30 ngày, hỏi ông câu này: “Thưa ông Patterson, những nhân viên trả lương tháng làm thêm giờ thì không được thêm tiền, còn những nhân viên trả giờ thì làm thêm giờ lại được thêm tiền?” Ông luýnh quýnh nhưng thẳng thắng đáp: “Tôi không rõ nữa, để về hãng tôi sẽ tìm lý do rồi trả lời ông”.

Ông ghi câu hỏi đó vào trong sổ tay rồi về Chicago, tới nơi ông mời tất cả các nhân viên chủ sự lại, nói: “Ở Bakersfield, có người hỏi tôi một câu mà tôi không đáp được. Các ông có thể giải cho tôi được không?” Rồi ông nhắc lại câu hỏi đó. Nhìn vẻ mặt của các nhân viên chủ sự đó, ông biết rằng vẻ mặt của ông hôm trước cũng vậy. Sau cùng có người nói: “Công việc của nhân viên làm giờ là công việc bất thường hãng không cần dùng lúc nào là hãng cho thôi lúc đó. Còn nhân viên làm tháng thì không vậy, cho nên làm thêm giờ không được trả thêm”. Ông Patterson bảo: “Hãng mình đã cho ai thôi việc vì không cần dùng nữa không? Từ nay bắt ai làm thêm giờ phải trả thêm tiền cho người ta”. Thành thử một câu hỏi không quan trọng gì của một nhân viên mới vào làm có 30 ngày ở một chi nhánh nhỏ nhất có 5 nhân viên đã làm lợi cho toàn thể nhân viên là 5.000 của công ty. Chịu khó đi ra ngoài và nghe là một điều lợi.

Ông C. R. Smith chủ tịch ban giám đốc công ty Hàng không Mỹ bảo tôi: “Nếu ông thực tâm muốn được lòng ai thì trước hết xem người đó muốn nói chuyện về cái gì. Tôi có một người bạn ở California mà tôi thích lại thăm lắm. Lúc nào ông ta cũng muốn nghe tôi nói chuyện, thỉnh thoảng ông ta hỏi tôi những câu rất hợp đề để khuyến khích tôi nói. Ông ta cũng là người hiểu biết rất nhiều nhờ chăm chú nghe người khác kể chuyện”.

Một lần tôi hỏi nhà văn và học giả danh tiếng Lewis Mumford: “Nhờ bí quyết gì mà ông có tài hiểu người tới mức đó?”. Ông ta đáp: Nếu tôi có cái tài ấy thì nó chỉ là sản phẩm của những đức tính khác như sẵn sàng nghe người khác và biết tự kiểm thảo.

Bạn cứ để cho người khác đóng trò cho mình nghe, rồi người đó sẽ cần bạn như trái đất cần mặt trời vì có bạn thì mặt người đó mới sáng sủa, lòng người đó mới ấm áp lên như trái đất có mặt trời chiếu vậy, vắng bạn thì người đó sẽ buồn rầu và lẻ loi.

Vả lại người biết nghe là người có tư cách. Nói thì có lợi thật; nhưng nghe cần khéo léo, tế nhị. Nghe tất là làm cho người khác vui mà giữ kín được lòng mình. Sức mạnh của đức nghe là ở đó.

Bacon, nhà bác học rất hiểu biết bản chất con người viết những hàng này để chỉ rằng nghe có lợi nhiều hơn nói: “Người im lặng được nghe những lời tự thú của kẻ khác vì ai mà lại kể lể tâm sự với một kẻ bép xép bao giờ?”. Những kẻ hay nói thường khoe khoang, nhẹ dạ, vì kẻ nào hay nói về những cái mà họ biết, cũng thường nói về những cái mà họ không biết; cho nên bạn có thể tin chắc rằng thói quen nín tiếng vừa khôn ngoan mà vừa cao cả.

Đức yên lặng có những lợi này: Trước hết không có ai phản đối mình; vì không ai biết ý nghĩ của mình ra sao cả; lại thêm mình được cái lợi là để rút lui khi nào muốn, vì nếu ta tuyên bố việc ta sắp làm thì một là phải làm cho xong, hai là phải chịu sự thất bại; sau cùng còn cái lợi nữa là hiểu được tâm tư người khác vì để cho người ta tự do nói tức là để cho người ta tự do tư tưởng.

Nghe tất là làm cho người khác vui mà giữ kín được lòng mình. Sức mạnh của đức nghe là ở đó.

Có một câu tụng niệm rất ngắn mà ích lợi rất lớn có thể giúp loài người tránh được một nửa những lầm lẫn. Câu đó như vầy: “Xin Thượng Đế giúp con bịt cái miệng lớn của con lại”. Ai muốn chỉ huy thì phải nhớ câu đó. Đừng bép xép, đừng đem tâm sự, bí mật của người kể lể cho kẻ khác nghe. Bạn nhớ rằng trước hết, không khi nào kể lể mà hoàn toàn đúng cả, thế nào cũng sai đi ít nhiều. Sau nữa người thứ ba nghe rồi mà kể lại nữa thì có thể thay đổi câu chuyện làm cho sai hẳn đi. Đã bao lần muốn thu lại những lời lỡ thốt ra? Đã bao lần chỉ vì lỡ lầm một chút mà rồi phải giảng giải lúng túng, mất uy tín, mất thể diện?

Tôi biết một người rất dễ thương, vui tính, nhưng mắc cái thói đó. Nói chuyện với ông ta, ai cũng thấy lòng mình ấm áp cởi mở. Nhưng ông ta thường đem chuyện người này kể lại cho người khác nghe thành thử ông kết bạn rất mau và chỉ trong một thời gian ngắn bạn bè đều bỏ ông. Ông đã không để ý đến lời của Polonius: “Chăm chú nghe mọi người nhưng lựa người mà nói”.

Có lẽ bạn nghĩ: “Nếu tôi chỉ nghe không thôi thì làm sao ảnh hưởng được tới người khác?”. Tôi xin thưa rằng có hai lối chỉ huy: Một lối có tính cách thể chất, một lối thuộc về tinh thần. Chỉ huy tinh thần có nghĩa là hướng dẫn tư tưởng, hoạt động và kế hoạch của người khác. Lối đó là lối của những nhân viên cao cấp cầm đầu một cơ quan.

Đối với những người đó, nghe là một điều quan trọng. Nghe cũng có thể là sáng tác, nếu bạn theo dõi tư tưởng người khác, tỏ thiện cảm với họ, và khuyến khích họ tiếp tục. Thuật nghe đó cần khéo léo, phải luyện tập lâu. Không phải chỉ nghe bằng tai mà đủ, phải nghe bằng trí óc và con tim của mình, nghĩa là phải chú ý nghe, có thiện cảm với người nói, để ý tới mỗi tiếng và chăm chú tìm cơ hội giúp người, khuyến khích người, chăm chú như con mèo rình con chim vậy.

  • Nếu bạn muốn chỉ huy thì làm như vầy:
  1. Để người khác nói, nói và nói.
  2. Còn bạn thì nghe, nghe rồi lại nghe nữa.
  3. Tập cái tài im lặng và cái thuật hiểu người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TẦM NHÌN VÀ CHÍ HƯỚNG CỦA “CON NGƯỜI THẾ KỶ 21”
  2. MƯỜI ĐIỀU HOÀN HẢO
  3. GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. TRÌNH BÀY Ý KIẾN BẰNG CÁCH NÀO

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ