NGHỀ NGHIỆP KHÔNG CÓ SANG HÈN

KISHIMI ICHIRO

KOGA FUMITAKE

Trích: Dám Hạnh Phúc; NXB; Dịch giả: Nguyễn Thanh Vân; Dân trí, cty sách Nhã Nam

Chàng thanh niên: Vậy tôi xin hỏi kỹ hơn. Mối quan hệ buộc phải “tín dụng” hoặc mối quan hệ buộc phải hợp tác không phải chỉ giới hạn trong môi trường lao động phải không?

Triết gia: Vâng. Dễ hiểu nhất có thể kể đến quan hệ phân công công việc trong các đội thi đấu thể thao. Để chiến thắng, buộc phải hợp tác bất chấp yêu ghét cá nhân. Không hề có lựa chọn như ghét nên lờ đi, quan hệ không tốt nên bỏ thi đấu. Chỉ cần trận đấu bắt đầu là quên hết cả “yêu” lẫn “ghét”. Đánh giá đồng đội không phải như một “người bạn” mà là như một “kỹ năng”. Và bản thân cũng phải trở nên xuất sắc trong vai trò một kỹ năng.

Chàng thanh niên: Năng lực được ưu tiên hơn cả tình cảm thân thiết.

Triết gia: Không thể tránh khỏi phương diện đó. Đến mức, Adam Smith khẳng định khởi nguồn của phân công lao động chính là sự vị kỷ của con người.

Chàng thanh niên: Sự vị kỷ?

Triết gia: Giả sử có một nghệ nhân làm mũi tên. Nếu sử dụng mũi tên anh ta làm, tỷ lệ bắn trúng sẽ tăng hơn hẳn, khả năng sát thương cũng cao hơn. Nhưng anh ta lại không phải một thợ săn tài giỏi. Chạy không nhanh, mắt không tinh nên dù có mũi tên tốt thì săn bắn cũng không khá lên. Vì vậy, đến một lúc nào đó, anh ta nhận ra “mình cứ chuyên tâm vào việc làm mũi tên vậy”.

Chàng thanh niên: Ồ, tại sao thế?

Triết gia: Nếu chỉ chuyên tâm vào làm mũi tên thì một ngày có thể làm hàng chục mũi, đem chia cho những thợ săn giỏi, họ sẽ giết được nhiều con thú hơn, sau đó lại bảo những thợ săn đó chia thú săn được cho mình, đó là lựa chọn có lợi nhất cho cả đôi bên.

Chàng thanh niên: Tôi hiểu rồi, nghĩa là không chỉ cùng làm việc mà làm những lĩnh vực mình giỏi.

Triết gia: Với những thợ săn tài giỏi thì còn gì hơn là có được những mũi tên tinh xảo. Họ không cần làm mũi tên nữa mà chỉ tập trung vào săn bắn. Và tất cả cùng chia nhau những con thú săn được. Như thế, sẽ hình thành nên hệ thống phân công công việc ở cấp độ cao hơn, tiến bộ hơn một bước so với “săn bắn theo bầy đàn”.

Chàng thanh niên: Đúng là hợp lý thật.

Triết gia: Điều quan trọng ở đây là “không một ai hy sinh bản thân mình”. Nghĩa là sự kết hợp của lòng vị kỷ thuần túy hình thành nên phân công công việc. Một trật tự kinh tế nhất định được sinh ra nhờ mưu cầu lợi ích của bản thân, đây là sự phân công công việc theo quan điểm của Adam Smith.

Chàng thanh niên: Trong xã hội có phân công công việc, lợi ích bản thân ở mức cao nhất sẽ gắn liền với “lợi ích của người khác”.

Triết gia: Đúng là như vậy.

 

Chàng thanh niên: Nhưng Adler khuyến khích “cống hiến cho người khác” mà? Ba năm trước, thầy đã quả quyết rằng, hãy hướng tới việc cống hiến cho người khác, đó chính là kim chỉ nam của cuộc đời, là “ngôi sao dẫn đường”. Quan điểm ưu tiên lợi ích bản thân không phải là mẫu thuẫn với “cống hiến cho người khác” sao?

Triết gia: Hoàn toàn không mâu thuẫn. Đầu tiên là bước chân vào quan hệ công việc, được gắn kết với người khác, với xã hội.
qua lợi ích. Và như thế, trong kết quả của mưu cầu lợi ích cá nhân sẽ có “cống hiến cho người khác”.

Chàng thanh niên: Dù vậy, nếu phân công nhiệm vụ thì sẽ sinh ra tôn ti phải không? Nghĩa là, người nhận công việc quan trọng và người nhận công việc chẳng ra đâu vào đâu. Điều đó không đi chệch ra khỏi nguyên tắc “bình đẳng” sao?

Triết gia: Không, không đi chệch đâu. Nếu suy nghĩ trên quan điểm phân công công việc thì không có sự sang hèn trong nghề nghiệp. Từ thủ tướng của một đất nước, nhà quản trị doanh nghiệp, nông dân, công nhân nhà máy đến những người nội trợ toàn thời gian ít được coi là một nghề, tất cả các công việc đều là “việc ai đó trong tập thể phải làm”, chúng ta chỉ phân chia chúng thôi.

Chàng thanh niên: Thầy nói rằng công việc nào cũng có giá trị như nhau?

Triết gia: Vâng Adler đã nói như thế này về phân công công việc. “Giá trị của con người được quyết định bằng mức độ hoàn thành công việc được phân công trong tập thể.”
Nghĩa là, giá trị của con người không phải được quyết định bằng người đó “làm công việc gì” mà được quyết định bằng người đó “nỗ lực cho công việc đó với thái độ như thế nào”.

Chàng thanh niên: Nỗ lực với thái độ như thế nào à?

Triết gia: Chẳng hạn, cậu đã từ bỏ công việc thủ thư và chọn con đường giáo viên. Bây giờ, cậu cảm thấy trước mắt mình có vài chục học trò và mình đang nắm giữ cuộc đời của những học trò đó. Cậu cảm thấy mình làm một công việc lớn lao và có ích cho xã hội. Thậm chí có khi cậu còn nghĩ giáo dục là tất cả, những nghề nghiệp khác là vô vị, tầm thường. Nhưng, nếu xét tổng thể một tập thể thì cả thủ thư lẫn giáo viên trung học cơ sở hoặc nhiều công việc khác đều là những “việc ai đó trong tập thể phải làm” và ở đó không tồn tại tồn ti. Nếu có tôn ti thì chỉ là trong thái độ làm công việc đó thôi.

Chàng thanh niên: “Thái độ nỗ lực với công việc” là gì vậy ?!

Triết gia: Về nguyên tắc, trong phân công công việc, “năng lực” của mỗi cá nhân rất được coi trọng. Chẳng hạn, năng lực là tiêu chuẩn đánh giá trong tuyển dụng của doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc đánh giá con người hay cách thức của mối quan hệ từ khi bắt đầu phân công công việc lại không chỉ được quyết định bằng năng lực, mà coi trọng việc “có muốn làm việc với người này không” hơn. Bởi nếu không việc giúp đỡ nhau sẽ khó khăn hơn.

Yếu tố lớn nhất để quyết định “mình có muốn làm việc với người này không”, “mình có muốn giúp đỡ khi người này gặp khó khăn không” chính là sự trung thực, là thái độ nỗ lực với công việc của người đó.

Chàng thanh niên: Vậy nếu cố gắng một cách trung thực, nghiêm túc thì giá trị của cả người làm công việc cứu sống người khác lẫn người làm công việc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để cho vay nặng lãi đều như nhau?

Vâng, đều như nhau.

Chàng thanh niên: Chà!

Triết gia: Trong tập thể của chúng ta điều quan trọng là “mọi công việc” đã sẵn sàng ở đó và có người làm những công việc đó. Chính tính đa dạng đó tạo nên sự phong phú. Nếu công việc không có giá trị thì chẳng cần ai làm cũng sẽ tự động bị loại bỏ. Tồn tại mà không bị loại bỏ chứng tỏ công việc ấy có một giá trị nào đó.

Chàng thanh niên: Vì thế mà cho vay nặng lãi cũng có giá trị?

Triết gia: Suy nghĩ như vậy sẽ hợp lẽ tự nhiên. Nguy hiểm hơn cả là giơ cao khẩu hiệu “chính nghĩa” nửa vời, cái gì là thiện, cái gì là ác. Người say sưa với chính nghĩa, sẽ không thể nhìn nhận thế giới quan nào khác ngoài thế giới quan của bản thân, kết quả là sẽ bước vào “can thiệp vì chính nghĩa”. Kết cục đằng sau sự can thiệp đó chính là xã hội nhuộm một màu xám, bị tước đoạt tự do. Cậu làm công việc gì cũng được và người khác làm công việc gì cũng chẳng sao.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÀM VIỆC VÌ MỘT LÝ TƯỞNG
  2. YÊU THÍCH CÔNG VIỆC – LÀM VIỆC MỘT NGUỒN VUI
  3. LÀM VIỆC NHÓM – MỘT LÀ CON SỐ QUÁ NHỎ ĐỂ LÀM NÊN ĐIỀU VĨ ĐẠI

Bài viết khác của tác giả KISHIMI ICHIRO

  1. MỤC ĐÍCH CỦA HÀNH ĐỘNG QUẬY PHÁ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG ĐƯỢC MẮNG MỎ CŨNG KHÔNG ĐƯỢC KHEN NGỢI
  3. CUỘC ĐỜI CẬU ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH “NGAY TẠI ĐÂY, VÀO LÚC NÀY”

Bài viết khác của tác giả KOGA FUMITAKE

  1. MỤC ĐÍCH CỦA HÀNH ĐỘNG QUẬY PHÁ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG ĐƯỢC MẮNG MỎ CŨNG KHÔNG ĐƯỢC KHEN NGỢI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP