NGŨ UẨN VÀ VÔ NGÃ

HT. THÍCH CHƠN THIỆN

Trích "Phật Học Khái Luận"

HT. Thích Chơn Thiện

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, 1993

Ngũ uẩn là giáo lý rất phổ biến. “Thế Tôn thường giảng giáo lý Vô ngã đi kèm theo với sự phân tích Duyên sinh hay phân tích Ngũ uẩn. Giáo lý này lần thứ nhất được đề cập đến ở thời pháp thứ hai, ngay sau bài Sơ chuyển pháp luân, tại vườn Lộc Uyển để tiếp độ nhóm năm huynh đệ Tôn giả Kiều-trần-như.

Chúng ta phải thấy rằng sự phân tích con người như là tập hợp của năm uẩn là một sự phân tích rất đặc biệt và rất là vững chắc đến nỗi các nhà bác học ngoại đạo dù không chấp nhận nó cũng không thể bác bỏ nó. Chúng ta hãy tìm hiểu những lời dạy của Thế Tôn về năm uẩn ấy.

Kinh Tương Ưng Bộ Kinh III (bản dịch của H.T Thích Minh Châu) chép: “Này các Tỳ-kheo, khi nào Ta chưa thật liễu tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỳ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhưng này các Tỳ-kheo, khi nào Ta đã liễu tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỳ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, và loài Người, Ta xác chứng Ta đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” (tr. 71).

Ở đoạn Kinh tiếp theo, Thế Tôn đã giải thích năm uẩn theo bốn chuyển. Liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức), liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức) tập khởi, liễu tri sắc (thọ, tưởng, hành, thức) đoạn diệt, và liễu tri con đường đưa đến sắc (thọ, tưởng, hành, thức) đoạn diệt gọi là thắng tri năm uẩn theo bốn chuyển.

Hiểu rõ sắc là hiểu rằng sắc gồm có bốn yếu tố: đất, nước, gió, lửa và các sắc do bốn yếu tố ấy làm nên (tư tưởng được gồm vào đây). Sắc này do thức ăn nuôi dưỡng. Khi thức ăn tập khởi thi sắc tập khởi; khi thức ăn đoạn diệt thi sắc đoạn diệt. Bát Thánh đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát là con đường tu tập đưa đến đoạn diệt sắc.

Về Thọ uẩn, gồm có thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỉ xúc sanh, …,và thọ do ý xúc sanh. Do đó xúc sanh khởi nên thọ sinh khởi; do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường đưa đến thọ đoạn diệt là Bát Thánh đạo dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Về Tưởng uẩn, có sắc tưởng, thanh tưởng, hương vị, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Do xúc tập khởi nên Tưởng tập khởi, do xúc đoạn diệt nên Tưởng đoạn diệt. Con đường dẫn đến Tưởng đoạn diệt là Bát Thánh đạo đưa đến yểm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Về Hành uẩn, có sáu tư (hay hành): sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Đây gọi là hành uẩn. Do xúc khởi nên tư khởi; do xúc diệt nên Tư diệt. Bát Thánh đạo là con đường đưa đến tư (hành) đoạn diệt, dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Về Thức uẩn, gồm có nhãn thức, nhĩ thức,… và ý thức. Do danh sắc (hoặc hành) tập khởi nên thức tập khởi; do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Con đường đưa đến thức đoạn diệt là Bát Thánh đạo dẫn đến yểm ly, ly tham, giải thoát và tri kiến giải thoát.

Kinh Phân Biệt Sáu Giới (Trung Bộ Kinh III, số 140), Kinh Lục Giới Phân Biệt (Trung A-hàm, số 42) và nhiều kinh khác của A-hàm, Nikàya cắt nghĩa địa đại gồm có nội địa đại (thân người của mình) và ngoại địa đại (tha nhân và thế giới vật lý); tương tự đối với thủy, hỏa, phong, đại. Như thế, sắc uẩn cũng được định nghĩa gồm có nội sắc (thân mình) và ngoại sắc (tha nhân và thế giới vật lý), thọ uẩn gồm có nội thọ (cảm thọ về các Thiền lạc) và ngoại thọ (gồm có các cảm thọ về sắc, thanh, hương, vị, xúc). Những cảm nhận về hỷ, lạc, xả, ưu, khổ thuộc thọ uẩn. Những khả năng kinh nghiệm về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và những khả năng hồi tưởng, ký ức thì thuộc về tưởng uẩn. Khả năng ghi nhận sự có mặt của các pháp qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì thuộc thức uẩn. Khả năng tư duy, nghĩ thiện, nghĩ ác, v.v… thuộc hành uẩn.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh III, Thế Tôn dạy: “Không liễu tri năm uẩn thì không thể đoạn tận khổ đau. Do vậy cần phải liễu tri năm uẩn: “Sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si được gọi là liễu tri””. (tr. 32).

Cũng trong Tương Ưng Bộ Kinh III (Hán tạng, Đại 2, 17-a; Tập 3.1 Sanh diệt, Đại 2, 156; Tập 3.2 Bất thừa, Đại 2, 156) khi đề cập đến Thiền định, Thế Tôn tuyên bố: “Này các Tỳ-kheo, hãy tu tập Thiền định: Vị Tỳ-kheo tu tập Thiền định thì hiểu biết một cách như thật. Hiểu biết gì một một cách như thật? – Sắc tập khởi và sắc đoạn diệt; thọ tập khởi và thọ đoạn diệt, …; thức tập khởi và đoạn diệt.” (tr. 16).

Tương tự giáo lý Duyên khởi, Thế Tôn định nghĩa năm uẩn tập khởi có nghĩa là toàn bộ khổ uẩn tập khởi, và năm uẩn đoạn diệt có nghĩa là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Ở đây, Thế Tôn trình bày năm uẩn kết hợp chặt chẽ với 12 nhơn duyên:

“… Do vị ấy hoan hỷ , hoan nghênh, đắm trước rồi an trú sắc, hỷ đối với sắc khởi lên. Do duyên thủ đối với sắc, hữu khởi lên. Do duyên hữu, sinh khởi lên. Do duyên sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên.

(Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn” (Tương Ưng III, tr. 17) Và, “Do không hoan hỷ ,không hoan nghênh, không đắm trước sắc, hỷ đối với sắc đoạn diệt; … thủ đoạn diệt,… .hữu đoạn diệt;. ..lão tử, sầu, bi, khổ,ưu ,não đoạn diệt.

(Tương tự đối với thọ, …và thức). Như Vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn”. (tr. 17).

Một lần khác để cập đến Ngũ uẩn, Thế Tôn đã nói lên lời cảm hứng này:

“Năm uẩn là gánh nặng 
Cầm lấy gánh nặng lên 
Còn đặt gánh nặng xuống 
Đặt gánh nặng xuống rồi, 
Nếu nhổ khát ái lên, 
Không còn đói và khát,

Kẻ gánh nặng là người;
Chính là khổ ở đời
Tức là lạc ở đời
Không mang thêm gánh khác 
Tận cùng đến gốc rễ
Đã giải thoát tịch lạc.”
(Sđd., tr. 26).

Thế Tôn đã giải thích rằng nắm giữ tham ái là cầm gánh nặng lên, đoạn diệt tham ái là đặt gánh nặng xuống. Như vậy khổ đau không phải do chính năm uẩn, cũng không do vì năm uẩn vô thường, mà là do chính lòng khát ái năm uẩn: “Năm uẩn là khổ đau. Chính khát ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái) là cội gốc của khổ đau ” (Sđd tr 39)

—– ??? —–

PHÂN BIỆT NĂM UẨN VÀ NĂM THỦ UẨN – VỊ TRÍ CỦA NĂM UẨN TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

Năm uẩn còn được gọi là năm thủ uẩn. Thế Tôn một lần ở thành Xá-vệ (Sàvatthi) đã cắt nghĩa phân biệt giữa từ năm uẩn và từ năm thủ uẩn rằng:

– “Này các Tỳ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đây gọi là sắc uẩn. ” (Tương Ưng III, tr. 58).
(Tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức).

– “Này các Tỳ-kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại… được chấp thủ gọi là sắc thủ uẩn” (Ibid., tr 58).

(Tương tự đối với thọ, thủ uẩn, …, thức thủ uẩn).

Qua sự cắt nghĩa năm thủ uẩn trên, một Tỳ-kheo bạch hỏi Thế tôn: “Bạch Thế Tôn, chấp thủ ấy là năm thủ uẩn ấy hay chấp thủ ở ngoài năm thủ uẩn” (Ibid. tr. 120).

– “Này Tỳ-kheo, chấp thủ ấy không là năm thủ uẩn ấy, và chấp thủ cũng không ngoài năm thủ uẩn. Nhưng chỗ nào có tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ”. (Ibid, tr. 120).

– “Như thế nào, bạch Thế Tôn, là có thân kiến ?” (Ibid., tr. 121).

– “Ở đây, này Tỳ-kheo, kẻ phàm phu… quán sắc như là tự ngã; hay quán tự ngã như là có sắc; hay quán sắc ở trong tự ngã; hay quán tự ngã ở trong sắc (tương tự đối với thọ, tưởng, hành và thức). Như vậy, này các Tỳ-kheo, là có thân kiến. (Ibid., tr. 122).”

– “Bạch Thế Tôn, do biết như thế nào, do thấy như thế nào đối với thân có thức này và đối với tất cả tướng ở ngoài không có quan điểm: ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên ?” (Ibid., tr. 123).

– “Này Tỳ-kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại…, tất cả sắc (tương tự đối thọ, tưởng, hành, thức) Tỳ-kheo như thật thấy với chánh trí tuệ như sau: “Đây không phải là của tôi! Đây không phải là tôi! Đây không phải là tự ngã của tôi !” Này Tỳ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, đối với thân có thức này và đối với tất cả tưởng ở ngoài, không có quan điểm: ngã kiến, ngã sở kiến, mạn tùy miên.” (Ibid, tr. 123)

—– ??? —–

TU TẬP GIẢI THOÁT VỚI NĂM UẨN

Con đường tu tập giải thoát luôn luôn có nền tảng là sự tu tập Bát Thánh đạo.

  • Thường xuyên thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành và thức là vô ngã, vô thường. Vì năm uẩn vô thường nên chúng dẫn đến khổ đau. Năm uẩn là vô thường, khổ đau nên cần nhìn nó không phải là mình, không phải là của mình, không phải là tự ngã của mình. Đây là chánh kiến về vô ngã.
  • Tư niệm, tư duy về năm uẩn gắn liền với vô ngã, vô thường và khổ gọi là chánh tư duy về năm uẩn.
  • Nhớ nghĩ năm uẩn là vô ngã, vô thường, đem lại khổ đau là chánh niệm.
  • Nỗ lực để trụ niệm trên sự thật vô ngã, vô thường, khổ đau ấy của năm uẩn là chánh niệm.
  • Do công phu tu tập trên mà đi vào Thiền định, luôn luôn giác tỉnh năm uẩn là vô ngã, vô thường, là khổ đau, là không phải là mình, không phải là của mình, không phải là tự ngã của mình, là chánh định.
  • Nhờ thấy rõ tính vô ngã, vô thường và khổ đau của năm uẩn mà sinh lòng nhàm chán, ly tham. Do ly tham mà có giải thoát. Trong sự giải thoát này, một trí tuệ phát sinh biết rằng đã giải thoát gọi là Tri kiến giải thoát.

Tại đây công việc tu tập giải thoát kết thúc, không còn có gì để làm, để tu nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỪ SAI LẦM CỦA DESCARTES ĐẾN SỰ THẤU TRIỆT CỦA SARTRE
  2. MỘT NHẮC NHỞ VỀ “DUYÊN KHỞI” NOBEL Y SINH HỌC 2017
  3. PHẬT XEM TẤT CẢ CHÚNG SANH LÀ CON MỘT

Bài viết mới

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY