ĐẠI SƯ TRÍ QUANG
Trích: Tôi Làm Việc Tôi Hạnh Phúc; NXB Thời Đại
Muốn giải quyết vấn đề thứ hai của mình, con phải ý thức được rằng, con chính là người chủ trong cuộc sống của con, dù hạnh phúc hay đau khổ thì cuộc đời con đều do con nắm giữ. Vứt bỏ cuộc sống, coi thường sự tồn tại, buông lỏng sợi dây số phận của bản thân, mong mỏi có thể nương nhờ nơi người chồng, người làm cha mẹ, con cái hay một người nào đó trong cơ quan, mỗi ngày đều sống trong e dè, run sợ thì con có khác nào một hình nhân gỗ vô hồn. Con đừng nên nghĩ, người lãnh đạo tính cách dữ dằn là sai trái đáng ghét, cũng đừng nên chỉ biết sợ hãi vâng dạ trước mặt sếp. Con hãy suy nghĩ thoáng hơn một chút, cấp trên chẳng qua cũng chỉ là một người bình thường mà thôi. Chỉ khi nào nhận thức một cách đúng đắn như vậy, con mới có thể bỏ qua ánh mắt của người khác, đường hoàng trở thành người chủ cuộc sống của mình.
Nếu con ý thức rõ rằng, bản thân con là một sự tồn tại tôn quý mà không ai trên đời này có thể thay thế được thì ý thức tự tôn đó sẽ dẫn lối cho con biết tôn trọng người khác, giúp con thấu hiểu và chấp nhận người khác. Tại sao con lại nghĩ cô ấy là người xấu? Con đưa ra kết luận đó bởi lẽ con bị vây bọc trong ý nghĩ “mình giống thế”. Con phán đoán thế giới này bằng suy nghĩ và quan điểm của riêng mình, đó là một biểu hiện của tâm lý kiêu căng con ạ!
Khi mang trong mình tâm lý kiêu căng ngạo mạn, con người rất dễ đi vào con đường sa ngã và trở thành một kẻ hèn mọn thấp kém. Cũng giống như một con người ham mê tiền bạc thường coi khinh những người ít tiền hơn mình nhưng lại tỏ ra khúm núm trước những kẻ giàu có hơn, một con người chìm đắm trong công danh lợi lộc, ham địa vị thường rẻ rúng những người có địa vị thấp hơn mình song lại thấy tự ti khi gặp người có địa vị cao hơn. Tâm lý này luôn tồn tại song song với nhau như hai mặt phải trái của một đồng tiền.
Nếu con có thể sống ngay thẳng và đường hoàng, điềm đạm mực thước, có chừng mực thì những thứ quý giá trong cuộc đời mà thế nhân thường hay theo đuổi như học vấn, dung mạo, tài sản, sức khỏe, năng lực và cả tuổi thanh xuân cũng không còn quá quan trọng với con nữa. Mất một chân, ta có thể nhờ vào một chiếc chân giả để tiếp tục bước về phía trước; mất một con mắt, ta vẫn có thể nhìn thế giới với một con mắt còn lại; mất cả hai chân, ta vẫn có thể tiếp tục cuộc sống trên xe lăn. Nếu con có thể mở rộng lòng mình với một tâm thái điềm nhiên và hoan hỉ, có thể mỉm cười ngạo nghễ trước mọi đau khổ của cuộc đời thì con có thể kiên định niềm tự tôn đối với bản thân và đối xử hòa nhã, khiêm nhường với mọi người.
Phật nói: “Hỡi các đệ tử của ta, người tu hành cần quang minh chính đại, không thể khom lưng uốn gối; phải khiêm nhường cẩn trọng, biết cung kính lễ phép, không thể ngông cuồng ngạo mạn”. Thế sự cuộc đời thường hay đi ngược lời Phật dạy. Đã bao nhiêu lần trong cuộc đời ta nhận ra mình kiêu căng vì thấy mình nổi bật hơn người và đã bao nhiêu lần ta tủi hờn vì cảm giác tự ti đang xâm chiếm cõi lòng?
Cảm giác thấy mình hơn người và cảm giác tự ti đều là khuyết tật tinh thần. Suy nghĩ “Sao mình giỏi thế” hoặc “Mình thật là vô dụng” cho thấy một tâm lý không khỏe mạnh. Coi người khác chỉ là một sự tồn tại nhỏ nhoi không đáng kể nên dẫu sống chết ra sao cũng không liên quan tới mình khiến một tâm hồn vốn tươi vui tràn sức sống phải “chết” giữa hoang mạc cô đơn; coi bản thân giống như loài cỏ nhỏ nhoi thấp hèn tới mức không người thương xót ngay cả khi đã qua đời, như thế khác nào một lưỡi dao tự giết chết nội tâm con người. Hai cách suy nghĩ ấy là biểu hiện của chứng bệnh tinh thần.
Mỗi chúng ta đều mang trong mình cảm giác thấy mình hơn nguời và cảm giác tự ti. Nếu giữa chúng có một khoảng cách nhỏ thì đó là trạng thái bình thường; nếu cách quá xa thì thật đáng lo ngại. Ví như con, tuy hiện nay chưa có trở ngại nào đáng kể, nhưng con đã đánh mất sự tự tôn với bản thân và sự tôn trọng với người khác, nếu không kịp thời trị liệu tâm hồn mình, dần dà con sẽ mắc chứng bệnh tinh thần đó.
Cảm giác thấy mình hơn người khiến con người nảy sinh “vọng tưởng hão huyền khuếch đại”, còn cảm giác tự ti lại khiến con người nảy sinh “vọng tưởng bị hại”. Hai vọng tưởng này thường sinh đồng thời nên nhiều người đã phải tự sát trong nỗi đau đớn dày vò của sự giao thoa giữa hai vọng tưởng. Những người sống với hai vọng tưởng ấy căm ghét thế tục, đố kỵ người đời, thường giết người vô cớ, xả súng bừa bãi vào những người vô tội trên đường phố hoặc cầm hung khí làm tổn thương người khác. Xã hội ngày nay đâu hiếm những hiện tượng như thế, nó bắt nguồn từ một chứng bệnh còn nguy hiểm và trầm trọng hơn những chứng bệnh trên da thịt – chứng bệnh tâm lý.
Những người khiếm khuyết về cơ thể như cụt tay, què chân hay chỉ còn một con mắt thường chỉ nhận được ánh mắt lạnh lùng và khinh miệt của xã hội. Nhưng chỉ cần họ có một tâm lý khỏe mạnh, hăng hái vươn lên, thì những khuyết tật ấy nào có đáng gì! Sự khiếm khuyết về tay chân đâu phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở tâm lý tự ti khi thấy mình khuyết tật.
Những đứa trẻ bị hở môi chẳng mấy khi thấy được hình dạng của mình, bởi thế các con có thể sống vui vẻ và vô tư. Thế mà tất cả những ai bắt gặp những đứa trẻ ấy lại chau mày cảm khái: “Trời ơi, sao miệng của đứa trẻ này lại thế!” Vẻ mặt và lời nói của mọi người khiến những đứa trẻ bắt đầu suy nghĩ về khuyết tật bẩm sinh của mình để rồi luôn tự ti khi đứng trước mọi người. Vậy là, ngoài khuyết tật về cơ thể, các con phải mang thêm cả khuyết tật tinh thần.
Nếu tất cả mọi người đều không đi học tiểu học và chuyển vào nơi rừng sâu núi thẳm để sống một cuộc đời như người nguyên thủy thì có biết chữ hay không cũng không quan trọng. Ở thời đại không mấy ai có được tấm bằng đại học, những người tốt nghiệp phổ thông trung học có thể ngẩng cao đầu hãnh diện và tự hào; nhưng bước sang thời đại người người học đại học thì những người không có tấm bằng đại học lại thấy tự ti; còn như một vài năm trở lại đây, những người đã tốt nghiệp đại học mà không đi du học lại thấy mình thua kém bạn bè.
Vậy sau khi tất cả mọi người đều du học trở về, tình hình sẽ ra sao? Khi đó, tiêu chuẩn đánh giá có lẽ sẽ là bạn du học ở đâu và có được tấm bằng Tiến sĩ vinh quy về nước hay không. Và sau những năm tháng miệt mài học cao, học cao nữa, nếu không tìm được một công việc mơ ước thì cảm giác tự ti lại vương vấn trong lòng những người trở về từ nước ngoài như hình với bóng, không sao dứt được.
Thực tế thì sự tồn tại khách quan đâu phân biệt tốt xấu, tâm lý thấy mình nhỏ nhoi thấp kém do mong muốn trèo cao hơn nữa sinh ra mà thôi.