ẤN QUANG ĐẠI SƯ
LÝ VIÊN TỊNH
Trích: Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi-Đáp; Lý Viên Tịnh trước thuật tiếng Hoa; Pháp Sư Ấn Quang giám định; Việt dịch: HT. Thích Giác Nguyên; 2001
Đại nguyện độ sinh rộng lớn của Bồ tát Địa Tạng vì sao được phát khởi? Chỉ biết nhân duyên đời quá khứ của Bồ tát là có thể đủ rõ ràng lắm rồi.
Bồ tát ở đời quá khứ từng làm con nhà Trưởng giả, từng làm con gái Bà La Môn, từng làm Quốc vương, từng làm Thánh nữ Quang Mục, tất cả đều ghi rõ trong kinh Bổn Nguyện Bồ tát Địa Tạng. Bây giờ chỉ nói sơ về hai sự kiện ngài làm con ông Trưởng giả và con gái Bà-la-môn.
Trước hết nói về thời xa xưa rất lâu và lâu lắm, lúc Đức Phật hiệu Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai ra đời, bấy giờ Bồ tát Địa Tạng còn là phàm phu, làm con trai trong một gia đình đại trưởng giả. Ông thấy đức Phật tướng hảo đoan nghiêm, tâm sinh vui mừng. Do đó cúi đầu hỏi Như lai làm sao có được thân tướng tốt đẹp đó?
Đức Phật bảo: “Ngươi muốn được thân tướng tốt đẹp này, cần phải phát đại nguyện lâu dài độ thoát tất cả chúng sanh mắc tội khổ, mới có thể thành tựu.”
Con ông Trưởng giả liền ở trước đức Phật mà phát nguyện rằng: “Con nguyện từ đây mãi mãi về sau, phàm những chúng sanh chịu tội khổ trong sáu đường, con ắt sẽ lập bày các phương pháp cứu độ. Khiến cho tất cả đều thành Phật cả rồi, sau đó tự thân con mới chịu thành Phật. Nếu thế gian còn có sáu nẻo luân hồi, ba đường ác đạo. Con cũng xin nguyện làm Bồ tát, hóa độ chúng sanh”.
Sở dĩ Bồ tát Địa Tạng từ sau khi ở trước đức Như Lai Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh mà phát đại nguyện đó rồi cho đến nay trải qua không biết bao nhiêu vô lượng đại kiếp không thể nói hết, độ vô biên chúng sanh không thể tính kể. Cho đến bây giờ ngài vẫn còn làm vị Bồ tát mà không chịu thành Phật.
Lại nói về đời quá khứ rất lâu xa lúc Đức Phật hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương ra đời. Lúc ấy có một vị thánh nữ Bà La Môn rất kính tin Phật pháp, nhưng mẹ của vị ấy đã không tin lại còn hủy báng Tam bảo.
Do đó, Thánh nữ biết rằng mẹ mình khi còn sống do thấy biết sai lầm, sau khi chết tất phải chịu đủ mọi khổ sở ở địa ngục. Thánh nữ bèn bán hết đồ vật trong nhà, làm Pháp sự lớn như sửa sang tháp miếu thờ đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai.
Vào một ngày nọ, với tâm thành tha thiết, cảm sự linh ứng của Phật, Thánh nữ đang đi bỗng nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: Ngươi muốn biết chỗ thác sanh của mẹ ngươi lắm phải không? Vậy hãy mau trở về mà tưởng nhớ đến Phật, tất sẽ biết rõ. Thánh nữ liền trở về nhà, ngồi ngay thẳng, một lòng niệm danh hiệu đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như lai trải suốt một ngày một đêm. Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển, nước trong biển đó sôi sùng sục, có rất nhiều người lặn hụp. Lại thấy ác quỷ và thú dữ, đánh đập ăn nuốt họ, đủ thứ khổ sở, trông rất thê thảm không dám nhìn lâu. Thánh nữ một lòng niệm Phật nên tự nhiên không kinh sợ.
Lúc đó, chợt có một vị Quỷ vương đến cúi đầu nghinh tiếp. Thánh nữ bèn hỏi: “Thưa tôn giả, đây là chốn nào?” Quỷ vương đáp rằng: “Đây là bờ biển Địa ngục. Người ở thế gian gây tạo sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, tranh tụng, chửi rủa, mang nhiều nghiệp tội, đã chết trong bốn mươi chín ngày mà không có người thân quyến giúp cho kẻ ấy để sám hối làm phước, nên phải đọa lạc vào biển này. Phía Đông biển này lại có một biển nữa toàn sự thống khổ. Rồi phía Đông của biển đó lại có một biển nữa, sự thống khổ trong đó lại càng trội hơn. Qua ba biển nghiệp sâu nặng như thế mới là cõi địa ngục, càng thọ khổ chẳng xiết.”
Thánh nữ bèn hỏi Quỷ vương: “Xin tôn giả cho biết thân mẫu của tôi hiện thác sanh chốn nào?” Đồng thời nói danh tánh, ngày tháng năm sống chết của mẹ.
Quỷ vương tra xét cho biết: “Bà ấy ban đầu đến Địa ngục thọ khổ, nhưng vì bà ấy có người con gái hiếu thuận, thay bà làm phước nên mới vừa sanh lên cõi trời cách đây đã ba ngày rồi”.
Bấy giờ Thánh nữ dường chiêm bao chợt tỉnh. Biết được mẹ đã siêu thoát, bèn đứng trước tháp tượng thờ đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai mà phát đại nguyện rằng:
“Nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai như có những chúng sanh nào mắc tội khổ trong ba đường ác, con thệ cứu thoát sạch hết. Khiến cho tất cả đều thành Phật, rồi sau đó tự thân con mới chứng quả Bồ đề (Giác ngộ). Nếu địa ngục chẳng trống không, con thệ chẳng thành Phật”. Vì thế Bồ tát Địa Tạng cho đến nay vẫn còn làm vị Bồ tát.
Chúng ta đã biết nhân duyên quá khứ của Bồ tát Địa Tạng tổng quát rõ ràng. Bồ tát từng ở đời quá khứ phát thệ nguyện rất rộng lớn, cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sanh, nếu tất cả chúng sanh thọ khổ nguyện đều độ hết, sau đó mới thành Phật.
Sở dĩ Bồ tát Địa Tạng phân thân đầy khắp mười phương thế giới, mỗi thế giới ứng hiện trăm ngàn vạn ức thân, mỗi một thân hóa độ trăm ngàn vạn ức người, khiến họ nương về Tam bảo, xa hẳn khổ sanh tử, đến Niết bàn rốt ráo an vui. Do đó chúng ta đương lúc niệm Thánh hiệu Bồ tát, thường xưng Nam mô Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Cho nên, trong kinh Bổn Nguyện Địa Tạng ghi rõ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni từng ở tại cung trời Đao Lợi lại xoa đảnh Bồ tát Địa Tạng, khen ngợi Thần lực của ngài Địa Tạng chẳng thể nghĩ bàn, Từ bi chẳng thể nghĩ bàn, Trí huệ chẳng thể nghĩ bàn, Biện tài chẳng thể nghĩ bàn, cho đến các Đức Phật trong mười phương đều khen ngợi trong ngàn vạn kiếp cũng không thể nói hết được.
Đức Phật lại ân cần đem các chúng trời người, các chúng sanh chưa ra khỏi ba cõi, những kẻ còn ở trong nhà lửa mà phó chúc cho ngài Địa Tạng:
“Nếu có hàng trời người nào trồng chút ít căn lành ở trong Phật pháp, thời ông cũng nên ủng hộ giáo hóa cho họ càng thêm lớn chớ để thoái mất. Nếu có rơi vào cõi dữ chỉ cần niệm được danh hiệu của một đức Phật, một vị Bồ tát, cùng một câu, một bài kệ, kinh điển đại thừa. Ông cũng nên dùng thần lực mà cứu vớt, hiện vô biên thân phá tan địa ngục, làm cho họ được sanh lên cõi trời hưởng sự an vui”.
Có thể thấy được Như Lai hộ niệm chúng sanh như cha mẹ yêu thương con cái, biết rõ bịnh khổ của đàn con mình, nghĩ hết trăm ngàn phương tiện y dược điều trị cho chúng nó. Tuy chịu đắng cay muôn thứ, chẳng sinh oán hận. Khi lâm chung lại lo nghĩ chúng nó đã mất cha mẹ, Ngài lại trịnh trọng ân cần đem sự luyến thương con cái khờ dại mà phó chúc cho bạn bè thân thích tử tế, để người ấy giúp đỡ, khi chết mà không hối tiếc.
Chúng ta đọc kinh Bổn Nguyện Địa Tạng, đến chỗ nhận đức Phật phó chúc, mới biết rằng chúng sanh đều chịu ơn Phật xót thương, che chở cùng tột vậy.
Chúng ta ngày nay tạo ra bao nghiệp tội, đáng chịu quả báo khổ sở. Vì ta mà Bồ tát Địa Tạng mỗi niệm che chở, từng giờ cứu giúp. Ngặt vì đạo nhãn chúng ta chưa tỏ, chẳng thấy hình dáng Đại sĩ, chẳng nghe lời Đại sĩ dạy bảo và đã từng độ thoát chúng ta trong cõi sinh tử, thân được chịu ơn mà chẳng hiểu biết. Cũng như mặt trời chiếu khắp nơi mà người mù mắt chưa từng tiếp nhận sự lợi ích ấy, nên chẳng thấy chẳng biết. Thật đáng thương thay!
Chao ôi! Đức Thích-ca Thế tôn Từ bi vô tận, Bồ tát Địa Tạng nhận Phật phó chúc, với hạnh Từ bi cũng vô cùng tận. Chỉ mong cho mọi người được nhanh chóng dứt ác, làm lành, cung kính Tam bảo, ắt sẽ được chư Phật và Bồ tát hộ niệm cho.