TAKESHI FURUKAWA
Trích: Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi; Nguyên tác: Nine Ways to Stop Thinking Negatively; Việt dịch: Như Nữ; NXB. Thế Giới
Quy tắc của bản thân là những mệnh lệnh đưa ra một cách vô thức như “mình phải là người thế này” hay “mình phải làm như kia”… Bộ não của chúng ta thường có xu hướng đặt ra quy tắc cho bản thân.
Trong lĩnh vực phân tích giao dịch (Transactional Analysis) của tâm lý học có “3 lệnh điều khiển” tiêu biểu. Các lệnh điều khiển này sẽ điều khiển bản thân, bắt bản thân phải làm theo mệnh lệnh đó.
- “Hãy hoàn hảo” (Tôi phải luôn hướng đền sự hoàn hảo)
- “Hãy làm vui lòng người khác” (Tôi phải làm vui lòng người khác, làm cho họ hạnh phúc và không được để họ thất vọng)
- “Hãy nỗ lực hơn nữa” (Tôi phải nỗ lực hơn nữa, không được lười biếng)
- “Nhanh lên” (Tôi phải làm nhanh hơn nữa)
- “Mạnh mẽ lên” (Tôi phải mạnh mẽ hơn nữa)
Ngoài ra chúng ta cũng có thể kể đến các quy tắc khác như “đàn ông không được khóc”, “điều sếp nói luôn luôn đúng”, “làm kinh doanh không được nói Không”, “làm bố không được chiều con”…
Những quy tắc này thường chi phối suy nghĩ, hành động của chúng ta một cách vô thức. Và các quy tắc này phần nhiều được tạo ra dựa trên những lời dạy của bố mẹ hay môi trường sống thời thơ ấu (giai đoạn đến khoảng 7 tuổi).
Các quy tắc “mình phải trở thành cái này”, “mình phải làm thế kia”… nhìn qua chúng ta sẽ thấy đó là biểu hiện của một con người có kỷ luật. Việc này thực ra cũng có mặt tốt nhưng chúng ta không thể khẳng định rằng những người không đặt ra những quy tắc cho mình là những người vô kỷ luật.
Mặt khác, khi có quá nhiều quy tắc, hay ép bản thân theo các quy tắc một cách quá mức thì chính chúng ta lại tự tạo ra căng thẳng cho bản thân và cảm thấy căm ghét chính mình.
Lý do là chúng ta đặt trách nhiệm lên bản thân quá nhiều khi không tuân thủ quy tắc hay khi có hành động được cho là không tốt.
Kết quả là, chính bạn sẽ tự gắn cho mình cái mác “mình lúc nào cũng vô dụng”, “mình chẳng cố gắng gì cả”, “mình là kẻ nửa vời”…
Những người tự đánh giá thấp bản thân thường có nhiều quy tắc cực đoan, khiến cho cuộc sống mất đi tự do.
Có thể nói, những người có quy tắc nghiêm ngặt thì chính họ cũng là những người nghiêm khắc. Nới lỏng các quy tắc của bản thân, khoan dung với chính mình cũng giống như khoan dung với người khác.
PHƯƠNG PHÁP NHÌN LẠI CÁC QUY TẮC CỦA BẢN THÂN
1. Gắn giá trị số cho 5 quy tắc của bản thân
Bạn hãy tính điểm cho 5 quy tắc vừa kể trên với thang điểm 10. Từ đó bạn có thể thấy quy tắc nào đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn.
2. Tìm ra những quy tắc khác
Bạn hãy thử viết ra tất cả các quy tắc mà mình có thể nghĩ với vai trò là nhân viên, bố mẹ, con cái… Ví dụ “tôi phải là một…”, “tôi phải…”…
Trong số những quy tắc ấy, hãy chọn ra những quy tắc khiến bạn căng thẳng nhất.
3. Thay đổi các quy tắc của bản thân
Thay những quy tắc của bản thân bằng những quy tắc mới. Trước hết, bạn hãy làm rõ xem nên đổi thành các từ ngữ như thế nào. Ví dụ, với quy tắc “tôi phải biết lắng nghe”, bạn có thể đổi sang các từ ngữ nhẹ nhàng hơn như “mình nên lắng nghe trong công việc”, “mình sẽ cố gắng để lắng nghe”…
Sau đó, bạn viết điều này vào sổ mỗi ngày, sau một tháng bạn sẽ thấy có kết quả. Các quy tắc nghiêm khắc mà bạn vẫn đặt ra cho bản thân sẽ dần được nới lỏng.
Hãy giảm nhẹ các quy tắc dành cho bản thân!
Quy tắc khiến bạn căng thẳng là gì?
Nếu đổi quy tắc ấy thành những từ ngữ như thế nào thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn?
——- ??? ——-
Quý đọc giả có thể theo dõi các bài viết trong cùng chủ đề này theo các liên kết dưới đây:
- CHẤP NHẬN TOÀN BỘ CON NGƯỜI MÌNH – PHẦN 1
- CHẤP NHẬN TOÀN BỘ CON NGƯỜI MÌNH – PHẦN 2
- CHẤP NHẬN TOÀN BỘ CON NGƯỜI MÌNH – PHẦN 4
- CHẤP NHẬN TOÀN BỘ CON NGƯỜI MÌNH – PHẦN 5
Bình luận
[…] CHẤP NHẬN TOÀN BỘ CON NGƯỜI MÌNH – PHẦN 3 […]
[…] NHÌN LẠI QUY TẮC CỦA BẢN THÂN […]