NHÌN NHẬN THẾ GIỚI TỪ GÓC ĐỘ THÚ VỊ

LƯU CHẤN HỒNG

Trích: Hài Hước Một Chút Thế Giới Sẽ Khác Đi; NXB Thanh Niên

Trong cuộc sống, không phải mọi người đều có khiếu hài hước, để hài hước cũng cần có những điều kiện nhất định. “Sự hài hước” – nói một cách đơn giản là kể chuyện cười. Từ góc độ này, muốn học sự hài hước thì cần phải học cách nhìn nhận thế giới từ những góc độ thú vị.

Cuộc đời mỗi người, hoặc sẽ trôi qua một cách bình yên, hoặc sẽ nhiều sóng gió, có vui và cũng có buồn. Quan trọng là chúng ta nhìn nhận và đối mặt với cuộc đời bằng thái độ nào.

Tìm một hồ nước đẹp, câu lấy vài con cá, nhớ lại những được và mất trong đời; uống một bình rượu ngon, kết thêm vài người bạn, mỉm cười nhìn đời người được mất. Không vui cũng là sống, mà vui cũng là sống, vậy thì chúng ta hãy vui vẻ lên một chút, học cách điều tiết tâm trạng của bản thân! Lúc buồn ta nên tự tìm niềm vui cho mình, để cuộc sống bình yên được thêm phần thú vị.

Trắc trở hay thất bại là chuyện thường gặp trên đường đời, nếu không biết nâng cao khả năng chịu đựng áp lực thì những lo lắng và căng thẳng ấy chắc chắn sẽ khiến chúng ta mệt mỏi. Nhưng nếu nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề từ góc độ khác, có thể bạn sẽ phát hiện ra đó không phải là một khó khăn.

Bởi vậy, có những lúc chúng ta cần phải nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan, và cũng chỉ khi lạc quan thì mới có được sự hài hước. Một người luôn cảm thấy chán ghét vạn vật trên thế giới, không có hứng thú với bất cứ việc gì thì chắc chắn không thể là người hài hước.

Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Ông là một người rất lạc quan và hài hước.

Một hôm, con ngựa nhà Tái Ông không hiểu vì sao mà lạc đường không thấy quay về. Hàng xóm biết chuyện đều tới chia buồn với ông. Nhưng Tái Ông lại chẳng thấy buồn, ngược lại còn an ủi mọi người: “Mất ngựa đương nhiên là việc xấu, nhưng ai biết được, có khi nó mang lại điều gì khác tốt đẹp hơn ấy chứ!”.

Không ngờ vài tháng sau, con ngựa lạc đường ấy lại quay về và dẫn theo một con ngựa khác. Đó là một con tuấn mã rất đẹp của người Hồ. Thấy vậy, hàng xóm đều tới chúc mừng nhà ông. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói: “Biết đâu việc này lại mang đến tai họa gì.”

Con trai của Tái Ông rất thích con tuấn mã mới, ngày nào cũng cưỡi nó đi dạo chơi mà không biết chán. Một hôm, cậu con trai vì hứng chí quá nên bất cẩn ngã từ trên lưng ngựa xuống, gẫy mất một chân, trở thành người tàn tật suốt đời. Những người hàng xóm tốt bụng nghe tin lại tới hỏi han, an ủi, nhưng Tái Ông hoàn toàn không tỏ ra bi thương, ông vẫn nói câu cũ: “Ai biết nó có mang lại điều gì tốt đẹp hơn không.”

Một năm nữa trôi qua, người Hồ đưa quân sang xâm lược, tình hình biên cương vô cùng căng thẳng, những thanh niên trai tráng đều bị gọi nhập ngũ, mười người thì có tới tám, chín người chết trên chiến trường. Nhưng con trai Tái Ông do chân bị tàn phế nên được miễn quân dịch, vì thế bố con ông thoát được kiếp nạn sinh li tử biệt.

Sau đó, người đời tổng kết câu chuyện này thành câu thành ngữ “Tái Ông thất mã” với ngụ ý rằng: Việc tốt hay xấu trên thế gian này đều không phải là tuyệt đối, trong điều kiện nhất định, việc xấu có thể mang tới kết quả tốt. Bởi vậy, hãy nhìn nhận thế giới qua một đôi mắt tràn đầy sự lạc quan, tin tưởng.

Có một anh thanh niên, sau khi đi thử xe máy mới thì bị tai nạn và trở thành tàn phế, anh nói đùa với những người tới thăm: “Chà, ngày trước tôi cứ nghĩ, một ngày mình có một cái xe máy mới thì tốt. Bây giờ tôi có một chiếc xe thật, hơn nữa đúng là có trong một ngày”. Mọi người nghe anh nói đều bật cười vui vẻ.

Đối với anh thanh niên này, bị tai nạn xe là một sự thực không thể thay đổi, nhưng anh không nhìn sự việc đó một cách quá nặng nề, mà sử dụng sức mạnh của sự hài hước để làm giảm bớt nỗi đau khổ của bản thân, đồng thời mang lại cho những người xung quanh sự vui vẻ, lạc quan.

Nhìn cuộc đời dưới một lăng kính mới mẻ sẽ khiến chúng ta có cái nhìn vui vẻ hơn, đó là điều mà chỉ những người hài hước mới làm được. Người hài hước thường tỏ ra vô cùng cởi mở, với bất cứ sự việc gì cũng luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan.

Hài hước có tác dụng rất tích cực, nó vừa giúp tâm lí chúng ta giữ được sự cân bằng, ổn định, lại vừa có thể giải tỏa những nút thắt tâm lí, phát huy vai trò giảm thiểu lo lắng, bất an, là một “liều thuốc phòng ngự” giúp cho tinh thần luôn được khỏe mạnh.

Hài hước luôn khiến cuộc sống trở nên thú vị hơn. Nó là ánh sáng của trí tuệ, là một phẩm chất tốt đẹp của tư duy chứ không phải là biểu hiện của sự lẻo mồm lẻo mép, cũng không phải là những trò đùa dung tục. Hài hước có thể giúp ta hiểu hơn về cuộc đời, tìm ra điểm sáng trong cuộc sống, mang lại cho con người niềm vui và hạnh phúc.

Triết gia nổi tiếng Socrates là một người vô cùng hài hước. Trước những sai lầm của người khác, ông không bao giờ chọn cách chỉ trích, mà chọn sử dụng một phương pháp khác – hài hước.

Vợ Socrates là một người tính tình nóng nảy, thường xuyên làm người chồng nổi tiếng của mình mất mặt trước đông đảo mọi người.

Có một lần, khi Socrates đang cùng học trò thảo luận về mấy vấn đề học thuật thì không biết vì sao đột nhiên vợ ông xông vào quát tháo, khiến cả lớp học kinh ngạc. Sau đó, bà còn xách một thùng nước lạnh dội vào người Socrates, khiến ông ướt như chuột lột.

Khi các học sinh đang tỏ ra vô cùng ngượng ngùng, bối rối thì Socrates hiền hòa cười nói: “Ta biết ngay sau khi có sấm là trời mưa mà.”

Chỉ một câu nói hài hước ấy của ông đã khiến cơn tam bành của bà vợ lập tức tan biến, mọi người cùng bật cười vui vẻ. Điều khiến chúng ta khâm phục hơn nữa, đó là tố chất văn hóa cao siêu, nghệ thuật tu dưỡng và cả tấm lòng rộng lượng của bậc thầy trí tuệ này.

Từ đó có thể thấy một người hài hước sẽ biết nhìn thế giới từ góc độ thú vị, giống như Socrates. Hay nói cách khác, một người muốn có sự hài hước thì nên nhìn nhận thế giới từ góc độ khác thú vị hơn.

Bởi vậy, xét trên một phương diện nào đó thì hài hước có thể giúp chúng ta giảm nhẹ áp lực tâm lí, thoát khỏi khó khăn, chiến thắng phiền não, phấn chấn tinh thần; từ đó khiến cho mọi người càng thêm yêu mến, tin tưởng bạn, các mối quan hệ cũng trở nên hài hòa hơn, tình cảm được thắt chặt hơn.

Hài hước không có nghĩa là đùa cợt, nó sâu sắc hơn đùa cợt rất nhiều; hài hước không có nghĩa là chọc cười, nó có ý nghĩa hơn việc chọc cười rất nhiều; hài hước cũng không phải là mồm mép, dung tục, chớt nhả, mà là một phẩm chất và năng lực, và cũng là một môn nghệ thuật.

Engels cho rằng, hài hước là biểu hiện của trí tuệ, tu dưỡng và đạo đức. Có một nhà văn còn nói, linh hồn của hài hước chính là sự chân thành và trang nghiêm.

Có lẽ bạn sẽ không khó để nhận thấy một người có lòng dạ hẹp hòi, chi li tinh toán, thủ đoạn độc ác, đê tiện bỉ ổi thì sẽ rất khó có được sự hài hước.

Bởi vì hài hước có mối quan hệ mật thiết với sự thành thực, lương tri, đạo đức và chân lí, còn sự giả dối, bất nghĩa, vô nhân tính thì không thể đi cùng với sự hài hước.

Trong cuộc sống hay công việc thường ngày, nếu mỗi người biết hài hước hơn một chút thì sẽ có được tâm trạng thoải mái hơn một chút.

Vậy chúng ta hãy cố gắng luôn giữ một tâm lí khỏe mạnh để chào đón ngày mới, nhìn nhận thế giới bằng đôi mắt lạc quan, như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LẠC QUAN VÀ TƯ DUY TÍCH CỰC
  2. SỐNG LẠC QUAN

Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ MỘT TRÁI TIM NGÂY THƠ, HỒN NHIÊN
  2. HIỂU RÕ ”LIỀU LƯỢNG” CỦA HÀI HƯỚC
  3. DÙNG SỰ HÀI HƯỚC ĐỂ KHÉO LÉO TRÁCH CỨ 

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ