NHỮNG BẾN BỜ CỦA ĐẠI DƯƠNG VŨ TRỤ

CARL SAGAN

Trích: Vũ Trụ sự tiến hóa của vũ trụ, sự sống và nền văn minh – Dịch: Nguyễn Việt Long – NXB: Nhã Nam; Thế Giới.

 

CARL SAGAN (1934 – 1996) là nhà thiên văn học và nhà vật lý thiên văn xuất sắc. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực sinh học ngoài Trái đất, xúc tiến công cuộc tìm kiếm trí tuệ trong vũ trụ (dự án SETI) và đóng vai trò chủ chốt trong các dự án thám hiểm hành tinh Mariner, Viking và Voyager.

CARL SAGAN (1934 – 1996)

Những người đầu tiên được tạo ra và hình thành là Phù thủy của Tiếng cười Chết chóc, Phù thủy của Đêm, Phù thủy Đầu bù Tóc rối và Phù thủy Đen… Họ được phú cho sự thông minh, họ biết hết mọi thứ tồn tại trên thế gian. Khi nhìn, họ nhìn thấy ngay tất cả những gì xung quanh họ, và họ lần lượt ngắm vòm của trời và bộ mặt tròn của đất… [Thế rồi Đấng Tạo hóa nói]: “Chúng biết hết mọi thứ. Ta sẽ làm gì với chúng bây giờ? Hãy để tầm nhìn của chúng chỉ quanh quẩn trong phạm vi gần; hãy để chúng chỉ nhìn thấy một phần bộ mặt của đất!… Về bản chất, chẳng phải chúng chỉ là những sinh vật đơn giản do ta tạo nên hay sao? Chúng đâu nhất thiết phải như thần thánh?”

                                                – Popol Vuh (Sách Thánh) của người Maya Quiché

Cái đã biết là hữu hạn, cái không biết là vô hạn; về mặt trí tuệ chúng ta ở trên một hòn đảo nhỏ giữa đại dương vô tận của những điều chưa giải thích được. Nhiệm vụ của từng thế hệ là khai khẩn dần dần mỗi thế hệ một ít đất đai.

                                                                                                – T.H. Huxley, 1887

Vũ trụ là tất cả những gì đang có, đã từng có hoặc sẽ có. Chỉ cần nhìn ngắm Vũ trụ là nó khuấy động chúng ta – một cảm giác nhoi nhói chạy dọc sống lưng, giọng nói cứ như bị tắc nghẹn, một cảm giác yếu đuối, như thể một kí ức xa xôi, của trạng thái đang ngã từ trên cao xuống. Chúng ta biết rằng mình đang  tiến đến bí ẩn vĩ đại nhất trong mọi bí ẩn.

Kích thước và tuổi của Vũ trụ vượt ra ngoài tầm hiểu biết bình thường của con người. Hành tinh quê hương nhỏ bé của chúng ta lọt thỏm ở đâu đó giữa cái mênh mông và cái vĩnh cửu. Ở quy mô vũ trụ, hầu hết những lo toan của con người có vẻ chẳng đáng kể, thậm chí vô nghĩa. Thế nhưng loài người chúng ta còn trẻ và hiếu kỳ, can đảm và có nhiều hứa hẹn. Trong vài nghìn năm qua chúng ta đã tạo ra những khám phá bất ngờ gây sửng sốt bậc nhất về Vũ trụ và vị trí của mình trong đó, đã có những cuộc nghiên cứu thám hiểm rất hào hứng. Chúng nhắc chúng ta rằng, con người sinh ra ở đời là biết ngạc nhiên thắc mắc, rằng hiểu biết là một niềm vui, rằng tri thức là một tiền đề để tồn tại. Tôi tin rằng tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu biết Vũ trụ đến đâu, cái Vũ trụ mà chúng ta đang trôi lơ lửng trong đó như hạt bụi trên bầu trời buổi sáng.

Những cuộc nghiên cứu thám hiểm đòi hỏi cả thái độ hoài nghi lẫn trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng thường đưa chúng ta tới thế giới chưa từng có. Nhưng nếu không có nó, chúng ta sẽ chẳng đi được tới đâu cả. Thái độ hoài nghi giúp chúng ta phân biệt những điều tưởng tượng với sự thực, kiểm tra những suy nghĩ giả định chủ quan. Vũ trụ phong phú vô kể – với những thực tế đẹp vô cùng, những quan hệ qua lại tinh tế, với cơ cấu tinh vi khiến chúng ta giật mình.

Bề mặt Trái đất là bến bờ của đại dương vũ trụ. Chúng ta thu nhận được hầu hết những gì chúng ta biết ngay trên Trái đất. Mới đây thôi, chúng ta đã lội một chút ra biển, đủ để nhúng ướt các ngón chân. Nước biển mời mọc ta. Đại dương vẫy gọi ta. Có một phần trong con người chúng ta cho chúng ta biết mình bắt người từ nơi ấy. Chúng ta khao khát được trở về chốn cũ. Những ước nguyện ấy, theo tôi, không có gì là bất kính cả, tuy có thể gây lo lắng cho biết bao thần thánh trên đời, nếu có.

Kích thước của Vũ trụ to lớn đến nỗi nếu sử dụng các đơn vị đo khoảng cách quen thuộc vẫn dùng hàng ngày trên Trái đất như mét hay dặm thì sẽ rất khó khăn bất tiện. Thay vào đó, chúng ta đo khoảng cách bằng tốc độ ánh sáng. Trong một giây chùm ánh sáng đi được 186.000 dặm, tức là gần 300.000 kilômét hay bảy lần vòng quanh Trái đất. Trong tám phút ánh sáng đi được quãng đường từ Trái đất đến Mặt trời. Chúng ta có thể nói Mặt trời cách Trái đất tám phút ánh sáng. Trong một năm, ánh sáng vượt qua gần mười nghìn tỷ kilômét, tức là khoảng sáu nghìn tỷ dặm, không gian vũ trụ. Đơn vị độ dài ấy, là khoảng cách ánh sáng đi được trong một năm, được gọi là năm ánh sáng. Nó đo không phải thời gian mà đo khoảng cách – những khoảng cách cực kỳ lớn.

Trái đất chiếm cho mình một vị trí. Nhưng điều đó không có nghĩa vị trí đó là duy nhất. Thậm chí nó cũng chẳng phải là một vị trí điển hình. Không một hành tinh hoặc ngôi sao, hoặc một thiên hà nào là điển hình cả, vì Vũ trụ gần như trống rỗng. Cái vị trí điển hình duy nhất là chỗ trống rỗng nằm bên trong khoảng chân không bao la, lạnh lẽo, bao trùm khắp nơi, đêm trường của không gian giữa các thiên hà, một vị trí lạ lùng và heo hút đến nỗi nếu đem so sánh thì các hành tinh ngôi sao và thiên hà dường như là của hiếm và thật đáng quý. Nếu chúng ta ngẫu nhiên bị đẩy vào sâu trong Vũ trụ, thì cơ hội chúng ta ở trên hoặc bên cạnh một hành tinh chỉ có xác suất dưới một phần triệu tỷ tỷ (1033, số một và tiếp theo là 33 con số không). Trong đời sống hàng ngày thì những con số như vậy là lớn không thể tưởng. Như vậy các thế giới hành tinh là rất quý hiếm.

Từ một điểm quan sát ở giữa các thiên hà chúng ta có thể thấy, rãi rác như bọt biển trên những con sóng không gian là những sợi ánh sáng mờ nhạt và lưa thưa không thể đếm hết được. Đó chính là những thiên hà. Số ít là những thiên hà đơn độc lang thang; còn hầu hết cư ngụ thành các quần thể như chòm xóm. Trước mắt chúng ta là Vũ trụ ở quy mô lớn nhất mà con người biết. Chúng ta đang ở trong địa hạt của các tinh vân, cách Trái đất tám tỷ năm ánh sáng, một nửa quãng đường đến rìa của Vũ trụ đã biết.

Một thiên hà bao gồm khí, bụi và các ngôi sao – hàng tỷ hàng tỷ ngôi sao. Mỗi ngôi sao là một mặt trời của ai đó. Bên trong một thiên hà có các sao và các thế giới, và cũng có thể có sự lan truyền các vật chất sống, sinh vật thông minh và các nền văn minh. Nhưng nhìn từ xa, một thiên hà làm tôi liên tưởng đến một bộ sưu tập các vật vui mắt – vỏ trai ốc biển, hoặc có lẽ là các mảnh san hô, sản phẩm lao động của Tự nhiên trong hàng bao nhiêu liên đại trong đại dương vũ trụ.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. 6 QUY LUẬT VŨ TRỤ
  2. VŨ TRỤ TOÀN ẢNH: TRẬT TỰ CUỘN LẠI VÀ CÁC THỰC TẠI MỞ RA
  3. CÁ NHÂN VÀ VŨ TRỤ

Bài viết khác của tác giả

  1. BÊN RÌA CỦA VĨNH CỬU

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ