NHỮNG ĐAU KHỔ DO CHÍNH MÌNH TẠO RA

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích “Thuật sống trong hạnh phúc” Tác giả: HH Dalai Lama & Howard Cutler Biên dịch: Lê Tuyên Hiệu đính: Lê Gia NXB Trẻ, 2004 Ảnh: nguồn Internet

THUẬT SỐNG TRONG HẠNH PHÚC

—🌼🌸🌼—

TRONG LẦN GẶP GỠ ĐẦU TIÊN VỚI ANH TA, một người trung niên ăn mặc lịch sự nhã nhặn, anh ta ngồi trong tư thế dè dặt để nói về những gì đã khiến anh ta phải đến văn phòng của tôi. Anh ta nói giọng khá nhẹ nhàng về những điều quen thuộc tôi thường nghe: phàn nàn về hiện tại, về tuổi tác, về hoàn cảnh, về tình trạng hôn nhân…

“Chó má thật!”, anh ta đột nhiên bật khóc, giọng nói trở nên tức giận, “Con vợ chết tiệt của tôi! Vợ kế của tôi. Nó đã có một mối tình vụng trộm sau lưng tôi sau khi tôi đã cố gắng làm hết sức vì nó. Con đàn bà hư hỏng đó!”. Giọng nói anh ta to dần lên, tức giận hơn và nghe có vẻ độc địa chua cay hơn, hai mươi phút sau đó anh ta thuật lại từng chi tiết một về người vợ kế của mình.

Theo thời gian, tôi hiểu anh ta hơn. Nhận thấy rằng anh ta là một người thân thiện hơn, chúng tôi bắt đầu nói với nhau nhiều hơn. “Ồ, hầu hết tất cả mọi người đều gặp khó khăn trong việc làm quen với tình trạng ly hôn của mình”, tôi nói nhẹ nhàng, “Nhân tiện, anh đã ly hôn được bao lâu rồi?”.

“Mười bảy năm rồi”.

Ở chương vừa rồi, chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của việc chấp nhận đau khổ là một phần tất yếu của sự tồn tại của con người. Trong khi có một số đau khổ là không thể tránh khỏi, ngoài ra còn có một số đau khổ là do chính bản thân mình tạo ra.

Chúng ta thường duy trì mãi những đau khổ của mình, giữ nó luôn tồn tại bên mình bằng cách nhớ lại những nỗi đau của mình lặp đi lặp lại trong tâm trí, bằng cách liên tục phóng đại thêm những bất công đau khổ đó. Dường như một cách vô thức, chúng ta hy vọng rằng một khi chúng ta day đi day lại nỗi đau đó thì mọi việc sẽ thay đổi thì phải – nhưng sẽ chẳng bao giờ đâu. Dĩ nhiên, đôi khi việc kể lại những nỗi đau của mình cũng giúp chúng ta đạt được một mục đích nho nhỏ nào đó; chúng ta thêm một ít kịch tính vào nỗi đau đó, mong nhận được sự chia sẻ cảm thông từ người khác. Nhưng dường như đây là một cách cân bằng những đau khổ một cách sai lạc, chúng ta vẫn tiếp tục chịu đựng đau khổ.

Khi nói về những đau khổ do chính mình tạo ra, Dalai Lama đã nói “Chúng ta có thể thấy rằng có nhiều cách để chúng ta có thể tác động tích cực lên những ưu phiền, đau khổ của mình. Nói chung, những cảm xúc tình cảm không thể tự nhiên xuất hiện, chính chúng ta là người làm cho những cảm xúc tiêu cực thêm mạnh mẽ và khiến chúng ngày càng tồi tệ thêm. Ví dụ khi chúng ta cảm thấy tức giận hoặc căm thù một người nào đó nếu chúng ta đừng tập trung vào cảm xúc đó quá nhiều thì chúng thường dần dần suy yếu. Tuy nhiên, nếu chúng ta liên tục tập trung vào những cảm xúc đó, tìm kiếm những bất công mà chúng ta đang phải dân chịu, chúng ta sẽ liên tục suy nghĩ về chúng lặp đi lặp và rồi cảm xúc tức giận hoặc căm thù đó sẽ được dung dưỡng và lớn mạnh thêm. Dĩ nhiên, điều này cũng giống như khi chúng ta tỏ lòng lưu luyến với một người nào đó, chúng ta có thể làm cho cảm xúc lưu luyến này thêm lớn mạnh bằng cách liên tục suy nghĩ về vẻ đẹp của cô ta hoặc anh ta và chúng ta liên tục suy nghĩ về những phẩm chất nổi nơi người đó, thế là lòng lưu luyến của chúng ta ngày càng mãnh liệt thêm lên”

“Chúng ta cũng thường tự tạo ra những đau khổ cho chính mình qua việc quá nhạy cảm, phản ứng quá mạnh với những điều nhỏ nhặt và đôi khi sống và cá nhân mình quá. Chúng ta thường có xu hướng thổi phồng những điều nhỏ nhặt, cường điệu hóa chúng lên cao”.

“Vì thế tôi nghĩ rằng nhìn chung, đau khổ của bạn tùy thuộc vào việc bạn phản ứng với hoàn cảnh như thế nào. Ví dụ, bạn phát hiện ra một người nào đó nói xấu sau lưng bạn. Nếu bạn phản ứng với trường hợp này bằng cảm xúc đau lòng hoặc tức giận, lúc đó bạn, chính bạn, sẽ tự hủy diệt sự bình an trong tâm hồn mình. Nỗi đau của bạn sẽ lớn phồng lên do chính bạn gây nên. Mặc khác, nếu bạn kiềm chế đừng phản ứng tiêu cực như thế, bạn hãy để cho những lời nói xấu vu khống đó bay đi như những cơn gió thoảng thì bạn sẽ tự che chở được mình tránh khỏi những cảm xúc đau lòng, cảm xúc của sự thống khổ. Vì vậy, mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh được những hoàn cảnh khó khăn như thế, bạn vẫn có thể giảm nhẹ hoặc làm đau hơn nỗi đau của mình bằng cách phản ứng khi đối mặt với hoàn cảnh đó.

“Chúng ta cũng thường tự tạo ra những đau khổ cho chính mình qua việc quá nhạy cảm, phản ứng quá mạnh với những điều nhỏ nhặt và đôi khi sống vì cá nhân mình quá…”. Bằng những lời này, Dalai Lama khẳng định rằng căn nguyên và những bực tức hàng ngày có thể hợp lại tạo nên căn nguyên chính yếu của những đau khổ thực sự. Các bác sĩ chuyên khoa đôi khi cũng gọi quá trình này là quá trình cá nhân hóa những nỗi đau của mình – khuynh hướng hạn chế tầm nhìn qua việc hiểu hoặc hiểu sai những tác động thực sự của mọi việc xung quanh lên bản thân mình.

Một tối nọ, tôi dùng bữa tối với một đồng nghiệp tại một nhà hàng nọ. Đội ngũ phục vụ ở nhà hàng này khá chậm chạp và khi chúng tôi vừa mới ngồi xuống thì người đồng nghiệp bắt đầu phàn nàn “Anh nhìn đấy! Phục vụ viên ở đây chậm chạp hết sức! Họ đâu hết cả rồi? Tôi nghĩ rằng cố tình phớt lờ chúng ta đấy!”.

Mặc dù chẳng có ai trong hai chúng tôi có việc gì khẩn cấp cả nhưng những lời phàn nàn của người bạn này về thái độ phục vụ chậm chạp vẫn tiếp tục leo thang trong suốt bữa ăn và sau đó chuyển sang lâm râm phàn nàn – giống như đang đọc kinh cầu nguyện – về thức ăn, bộ đồ ăn rồi tất cả những gì không hợp với sở thích của anh ta. Cuối bữa ăn đó, người phục vụ cho chúng tôi hai phần tráng miệng và giải thích “Tôi xin lỗi vì sự chậm chạp trong phục vụ tối nay”, anh ta nói chân thành, “nhưng chúng tôi tạm thời đang thiếu nhân viên. Một trong số những đầu bếp của nhà hàng có người thân trong gia đình vừa mất nên anh ta xin nghỉ việc vào tối nay rồi một trong số những phục vụ viên vừa mới ngã bệnh vào sáng nay. Tôi hy vọng rằng điều đó không làm phiền quý ngài đây…”.

“Tôi sẽ không bao giờ đến đây nữa”, đồng nghiệp của tôi làm bầm với giọng chua chát khi người phục vụ vừa bước đi.

Đây chỉ là một minh hoạ nho nhỏ về việc chúng ta tự làm cho mình bực bội thêm qua việc cá nhân hóa sự việc, như thế mọi người cố ý gây phiền hà cho chúng ta vậy. Trong trường hợp này, kết quả cuối cùng là bạn tôi đã dùng bữa mà chẳng hề cảm thấy ngon miệng chút nào, trải qua một giờ đồng hồ bực tức. Một khi thái độ này tỏa khắp trong tâm trí chúng ta, chúng ta liên tục phản ứng tiêu cực như thế mọi lúc mọi nơi, với cả những người thân trong gia đình và bạn bè hoặc với toàn thế mọi người, nó có thể trở thành một nguyên nhân chủ chốt tạo ra những đau khổ cho chúng ta.

Nhưng như vậy là không công bằng

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, những khó khăn rắc rối không thể không xuất hiện. Nhưng những khó khăn rắc rối tự chúng không thể gây ra đau khổ. Nếu chúng ta trực tiếp đối mặt với chúng và tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp thì những khó khăn rắc rối đó có thể sẽ được chuyển thành những thách thức đơn giản. Tuy nhiên, nếu chúng ta trộn lẫn vào những khó khăn rắc rối này cảm xúc cho rằng chúng bất công, đó là lúc chúng ta đang thêm vào chúng những thành phần để giúp chúng trở nên mãnh liệt
hơn, từ đó chúng ta liên tục cảm thấy bực mình và khó chịu. Lúc này, chúng ta có hai khó khăn rắc rối thay vì một, cảm xúc bất công khiến chúng ta rối trí và khiến chúng ta tiêu hao nhiều năng lượng để giải quyết khó khăn rắc rối đầu tiên.

Vào một buổi sáng nọ, tôi đã hỏi Dalai Lama “Ngài xử lý ra sao với cảm xúc bất công, cảm xúc này thường khiến chúng ta phải khổ sở khi những khó khăn rắc rối xuất hiện?”.

Dalai Lama đáp lời “Có lẽ có nhiều cách để mọi người có thể đối mặt và xử lý cảm xúc cho rằng đau khổ của mình là bất công. Tôi đã nói về tầm quan trọng của việc chấp nhận đau khổ là điều tất yếu gắn liền với đời sống con người. Và tôi nghĩ rằng xét về một góc độ nào đó thì người Tây Tạng có lẽ dễ dàng chấp nhận sự thật về những đau khổ này, bởi vì khi gặp đau khổ thì họ thường nói ‘Có lẽ đó là do Nghiệp Chướng của mình trước kia nên giờ đây mình mới chịu đau khổ này’. Họ thường quan niệm rằng đau khổ hiện tại là do trước kia hoặc trong kiếp trước họ đã có những hành vi tiêu cực, vì thế họ dễ dàng chấp nhận những đau khổ trong hiện tại hơn. Tôi đã gặp nhiều gia đình ở khu vực tôi đang ở tại Ấn Độ, họ gặp khá nhiều khó khăn – sống nghèo đói và nhất là họ sinh con bị mù cả hai mắt hoặc đôi khi bị bại não. Và không hiểu sao những phụ nữ nghèo đói này vẫn xoay xở, chăm sóc tốt con cái của mình, họ chỉ đơn giản nói rằng “Đây là Nghiệp Chướng của chúng; định mệnh của chúng”.

“Khi nói đến Nghiệp Chướng, tôi nghĩ rằng đôi khi cũng có một số hiểu lầm về học thuyết về Nghiệp Chướng, có một khuynh hướng thường đổ lỗi mọi thứ là vì Nghiệp Chướng và cố gắng tự giải tội cho mình khỏi chịu trách nhiệm. Người ta có thể dễ dàng nói ‘Đây là do Nghiệp Chướng trước kia của tôi, tôi phải làm sao bây giờ?’. Đây hoàn toàn là một quan niệm sai lầm về Nghiệp Chướng bởi vì mặc dù những gì mà ngày nay họ đang trải qua đều là do những nguyên nhân trong quá khứ của họ, điều đó không có nghĩa là họ không còn lựa chọn nào khác hơn hoặc họ chẳng còn cách nào để thay đổi, để tạo nên những thay đổi tích cực. Điều này cũng đúng với mọi lĩnh vực trong đời sống. Họ không nên thụ động và giải tội cho mình bằng cách cho rằng mọi khó khăn của mình đều là do Nghiệp Chướng. Bởi vì nếu họ hiểu được chính xác khái niệm của Nghiệp Chướng, họ sẽ hiểu được rằng Nghiệp Chướng có nghĩa là “Hành Vi, Nghiệp Chướng là một quá trình rất linh động, tích cực. Và khi họ nói về Nghiệp Chướng, hoặc Hành Vi, đó chính là một hành vi nào đó được thực hiện bởi một đối tượng nào đó, trong trường hợp này là chính con người chúng ta, trong quá khứ. Vì thế, những gì sẽ xảy ra vào tương lai đều tùy thuộc vào những hành vi trong hiện tại của chúng ta”.

“Vì vậy, Nghiệp Chướng không nên được hiểu theo hướng tiêu cực, không nên được hiểu là một sức mạnh không qua thay đổi mà nên được hiểu là một quá trình tích cực, là một chuỗi dài các hành vi. Ví dụ, thậm chí một hoạt động đơn giản hoặc một mục tiêu đơn giản như thỏa mãn nhu cầu thức ăn chẳng hạn… Để đạt được mục tiêu đơn giản này, chúng ta cần phải hành động. Chúng ta cần phải tìm kiếm thức ăn và sau đó chúng ta cần phải thực hiện hành động “ăn”; điều này cho thấy rằng cho dù đối với những mục tiêu đơn giản nhất thì cũng cần phải có hành vi thì mới đạt được…”.

“Ồ, giảm thiểu những khó khăn của cảm xúc bất công bằng cách chấp nhận rằng đó là Nghiệp Chướng như trong Phật giáo”, tôi xen vào, “Nhưng đối với những người không tin vào những học thuyết của Phật giáo thì sao? Ví dụ như nhiều người ở Tây phương chẳng hạn…”.

“Những người tin vào Tạo Hóa, tin vào Thượng Đế có thể dễ dàng chấp nhận những khó khăn này bằng cách xem chúng là một phần của Tạo Hóa. Họ có thể cảm thấy rằng cho dù họ có gặp phải những hoàn cảnh khó khăn thì Thượng Đế vẫn nhân từ khoan dung với họ, ẩn sau những hoàn cảnh khó khăn đó có thể có những điều quan trọng hơn và ý nghĩa hơn mà họ không biết được. Tôi nghĩ rằng niềm tin như thế có thể duy trì và giúp họ trải qua được những đau khổ của mình”.

“Và thế còn những người vừa không tin vào học thuyết Nghiệp Chướng vừa không tin vào Tạo Hoá, Thượng Đế?”, tôi hỏi.

“Đối với những người không có đức tin…”, Dalai Lama trầm tư một lúc lâu rồi nói, “… có lẽ họ nên áp dụng các phương pháp khoa học. Tôi nghĩ rằng các nhà khoa học thường xem việc tiếp cận mọi vấn đề một cách khách quan là điều quan trọng, để nghiên cứu vấn đề mà không xét đến tình cảm. Với các phương pháp khoa học, bạn có thể đối mặt với những khó khăn của mình bằng thái độ ‘Nếu có cách chiến đấu với khó khăn này, vậy thì hãy nhào vô ngay cho dù sau đó mình phải ra tòa án binh!’”. Người mỉm cười. “Còn nếu bạn không tìm được cách để chiến thắng, bạn có thể đơn giản là hãy quên nó đi”.

“Việc phân tích những khó khăn một cách khách quan là điều khá quan trọng bởi vì bằng cách này bạn thường sẽ khám phá ra được phía sau những khó khăn này là nhiều yếu tố đóng vai trò chủ chốt. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy rằng mình đang bị đối xử bất công bởi xếp của mình, trong trường hợp này có thể có nhiều yếu tố đóng vai trò góp phần phía sau; có thể ông ta đang bực mình vì chuyện gì khác, một cuộc cãi vã với vợ vào sáng hôm đó chẳng hạn và thái độ bực dọc mà ông ta tỏ ra với bạn hoàn toàn chẳng liên quan
gì đến bạn cả”.

Hối tiếc

Là sản phẩm của một thế giới không hoàn hảo, tất cả chúng ta đều là những người không hoàn hảo. Mỗi người trong chúng ta đều chắc chắn đã làm một điều gì đó sai trái. Có những điều làm chúng ta hối tiếc – những điều chúng ta đã làm, những điều lẽ ra chúng ta đã phải làm hoặc những điều chúng ta đã không làm. Nhưng nếu chúng ta cho phép cảm xúc hối tiếc của mình thoái hóa trở thành cảm xúc tội lỗi, chúng ta giữ cảm xúc hối tiếc ở lại mãi trong ký ức của mình về những sai phạm của mình trong quá khứ và rồi chúng ta tự chỉ trí bản thân mình, tự căm thù chính mình, điều này sẽ chỉ giúp được gì ai cả mà chỉ tạo nên đau khổ của sự hối lỗi lẫn tự cảm mà thôi.

Trong buổi thảo luận trước kia, chúng tôi đã nói sơ qua cái chết của người anh của Dalai Lama, tôi nhớ lại rằng Dalai Lama đã nói vài lời thương tiếc về cái chết của anh mình. Hiếu kỳ về cách Dalai Lama đã đối mặt với cảm xúc hối tiếc của Người, tôi quay lại với chủ đề đó và hỏi “Hôm nọ khi chúng ta nói về cái chết của Lobsang, ngài đã nói rằng ngài cảm thấy hối tiếc. Ngài đã trải qua nhiều trường hợp trong đời mà ngài cảm thấy hối tiếc?”.

“Ồ, vâng. Ví dụ như có một nhà tu ẩn dật khổ hạnh nọ lớn tuổi hơn tôi. Trước kia ông ta thường ghé thăm tôi để nghe tôi giảng mặc dù tôi nghĩ rằng ông ta hiểu biết nhiều hơn tôi và chỉ ghé thăm tôi theo nghi thức. Một hôm nọ, ông ta đến gặp tôi và hỏi tôi về một bài luyện tập bí truyền ở mức độ thâm sâu. Tôi bình luận rằng bài tập này khá khó khăn và có lẽ nên được luyện tập bởi một người trẻ tuổi hơn thì sẽ tốt hơn, thực ra theo thông lệ thì bài tập đó thường chỉ để cho những người trên dưới hai mươi tuổi luyện tập. Sau đó tôi được biết rằng nhà sư đó đã tự sát để được tái sinh làm một người trẻ tuổi hơn để luyện tập tốt hơn…”.

Bất ngờ vì câu chuyện này, tôi bình luận “Ồ, thật khủng khiếp! Ắt hẳn là Ngài đã trải qua những giây phút thật khó khăn khi được biết…”.

Dalai Lama gật đầu lặng lẽ.

Dalai Lama suy ngẫm một lúc trong im lặng trước khi trả lời “Tôi đã không tống khứ được cảm xúc đó. Nó vẫn còn tồn tại trong tôi”. Người im lặng một lúc nữa rồi tiếp lời “Nhưng cho dù là cảm xúc hối tiếc đó vẫn tồn tại, nó vẫn không là gánh nặng trì hãm tôi. Nếu tôi cứ để cảm xúc đó thì hãm tôi thì sẽ chẳng mang lại một lợi ích gì cho ai cả, nó chỉ là một nguồn tạo ra sự chán nản, thối chí, buồn rầu mà thôi”.

Vào lúc đó, theo bản năng, tôi cảm thấy thật ấn tượng với khả năng của Người khi đối mặt với những bi kịch và những cảm xúc tình cảm nặng nề, thậm chí là cảm xúc hối hận đến tột cùng mà vẫn không để chúng lấn át hoặc tự coi thường bản thân mình. Khả năng chấp nhận chính bản thân mình, chấp nhận sự thật về bản thân: những hạn chế, thiếu sót, nhược điểm và những sai lầm. Người xem chúng như những điều tất yếu, xem chúng là cứu cánh của loài người, những sinh linh không bao giờ hoàn hảo. Và trong khi mang nặng cảm xúc hối tiếc, Người vẫn không cho phép cảm xúc đó trì hãm mình. Người luôn vươn lên, tập trung vào việc giúp đỡ mọi người phát huy hết mọi khả năng tốt nhất của họ.

—🌼🌸🌼—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả HOWARD C. CUTLER

  1. THAY ĐỔI GÓC NHÌN
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP