NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Trích: Đạo Phật và Đời Sống, Những bài viết đã được in trong tạp chí Giác Ngộ và Văn hóa Phật Giáo từ năm 1989-2006; Thiện Tri Thức.
Thông thường chúng ta vẫn xem người nào sống mà đem lại hạnh phúc cho nhiều người, sống có ích cho nhiều người, là vĩ nhân, là thánh nhân; còn người nào sống mà đem lại khổ đau cho nhiều người, sống mà làm hại nhiều người, là những “tội phạm của nhân loại”.
Ở mức độ nhỏ hẹp của một cuộc sống bình thường, một người sống có tình có lý, có một ít lòng tốt, tình thương, nhẫn nại, khoan dung, khiêm hòa với những người chung quanh, thì khi người đó chết đi, cái nổi bật trong trí nhớ những người thân quen là những giá trị sống, những phẩm tính, tấm lòng của người kia.
Cho nên cuộc sống nào càng đem lại sự tốt đẹp, hạnh phúc cho nhiều người thì cuộc sống đó càng có giá trị, và cuộc sống nào đem lại sự xấu kém, khổ đau cho người khác thì cuộc sống đó càng kém giá trị.
Ở đây chúng ta chú ý đến mối liên hệ biện chứng hữu cơ giữa việc làm lợi cho người khác, làm cho người khác hạnh phúc và sự hoàn thiện của riêng của cá nhân, hay là mối liên hệ giữa lợi mình và lợi người, nói theo ngôn ngữ Phật giáo.
Thứ nhất, nếu người ta càng ít phiền não bao nhiêu, người ta càng có ích, càng đem lại hạnh phúc cho người khác chừng đó. Nếu một công việc làm vì hạnh phúc của người khác bắt nguồn từ một động cơ được xem là không phiền não, tiến hành trong một trạng thái được xem là không phiền não thì kết quả phụng sự cho người khác là rất to lớn từ mặt vật chất đến bề sâu tâm thức.
Thiền sư Vạn Hạnh ngày xưa và Mahatma Gandhi là một thí dụ.
Thứ hai, khi làm cho một người hay một số người hạnh phúc, chúng ta liền hạnh phúc, và ngược lại. Khi làm cho người khác tiến bộ, nâng cấp cho người khác, giúp đỡ cho người khác thì tự chúng ta lại càng tiến bộ thêm; được nâng cấp và giúp đỡ thêm. Cho nên một ý của đạo Phật là người đi trên con đường tự hoàn thiện cần cảm ơn, biết ơn người khác. Nếu không có họ, lấy ai để hành bố thí, nhẫn nhục, trí huệ, lấy ai để tích tập công đức, để trau dồi những giá trị sống hay là những phẩm tính cao cả của bản thân mình?
Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ cho mình, phụng sự người khác là phụng sự cho mình, đem lại niềm vui cho người khác là khai mở niềm vui nơi chính mình. Như thế, lợi mình lợi người là hai cái không thể tách rời nhau trong một tâm thức tiến bộ, nghĩa là bao la và sâu thẳm, mà đạo Phật gọi là Bồ đề tâm. Bởi thế lợi mình và lợi người là không hai, và là ý nghĩa, hạnh phúc của con người trên mặt đất này.