NHỮNG HÀNH ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ; NGHIỆP VÀ NHỮNG DẤU VẾT CỦA NGHIỆP

TENZIN WANGYAL RINPOCHE

Trích: Những Yoga Tây Tạng Về Giấc Mộng Và Giấc Ngủ; Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep; NXB. Snow Lion Ithaca, New York, 1998; Việt dịch: Đương Đạo; NXB. Thiện Tri Thức, 2000

Văn hóa trong đó chúng ta sống quy định chúng ta, nhưng chúng ta mang những hạt giống của sự bị quy định theo với chúng ta bất kỳ nơi nào chúng ta đến. Mọi cái quấy phá chúng ta thực ra ở trong tâm thức chúng ta. Chúng ta trách móc về môi trường, hoàn cảnh gây ra sự bất hạnh của chúng ta và tin rằng nếu chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng tình huống trong đó chúng ta sống chỉ là nguyên nhân phụ của sự khổ đau của chúng ta. Nguyên nhân chính yếu là vô minh bẩm sanh và lòng tham có ra từ đó mong muốn sự vật phải khác hơn chúng là như vậy.

Có lẽ chúng ta định trốn thoát khỏi những căng thẳng của thành phố bằng cách đi ra biển hay lên núi. Hay chúng ta bỏ sự vắng vẻ và những khó khăn của đồng quê để lấy sự kích động của thành thị. Sự đổi thay có thể tốt bởi vì những nguyên nhân phụ được thay đổi và có thể có hài lòng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn. Gốc rễ của sự bất mãn của chúng ta đi theo chúng ta đến nơi ở mới, và từ đó nó làm lớn thêm những bất toại nguyện mới. Chẳng bao lâu chúng ta lại bị giam nhốt trong cái hỗn loạn của hy vọng và sợ hãi.

Hay chúng ta nghĩ nếu chúng ta có nhiều tiền hơn, hay một người bạn đời tốt hơn, hay một thân thể tốt hơn, một công việc, một giáo dục tốt hơn, chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng chúng ta tự biết điều ấy không đúng. Người giàu không thoát khỏi khổ đau, một người tình mới sẽ không thỏa mãn chúng ta ở một phương diện nào đấy, thân thể sẽ già, công việc mới sẽ dần kém hấp dẫn, và vân vân. Khi chúng ta nghĩ giải pháp cho mỗi bất hạnh của chúng ta có thể được tìm thấy trong thế giới bên ngoài, những tham muốn của chúng ta có thể tạm thời được thỏa mãn. Nhưng không hiểu giải pháp thật sự, chúng ta chòng chành lối này lối nọ theo những cơn gió tham dục, không bao giờ yên nghỉ và thỏa mãn. Chúng ta bị nghiệp của mình cai trị và tiếp tục gieo những hạt giống nghiệp cho những vụ mùa phong nhiêu sẽ tới. Cách hành động này không chỉ làm chúng ta phóng dật khỏi con đường tâm linh, mà nó còn ngăn cản chúng ta không tìm thấy hạnh phúc và thỏa mãn trong cuộc sống hàng ngày.

Bao giờ chúng ta còn đồng hóa với sự bám nắm và ghét bỏ của tâm thức vọng động, chúng ta còn sản xuất những xúc tình tiêu cực sanh ra nơi khoảng trống giữa cái đang là và cái chúng ta muốn. Những hành động phát sanh từ những xúc tình này, gồm hầu hết mọi hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, đã để lại những dấu vết nghiệp.

Karma (nghiệp) nghĩa là hành động. Những dấu vết nghiệp là những kết quả của những hành động, chúng ở lại trong thức và ảnh hưởng vào tương lai chúng ta. Chúng ta có thể hiểu phần nào những dấu vết nghiệp nếu chúng ta xem chúng là những khuynh hướng, những khuôn khổ của thái độ đối xử bên trong và bên ngoài, những phản ứng thâm căn cố đế, những tạo thành ý niệm theo thói quen. Chúng ngự trị, điều động những phản ứng xúc tình của chúng ta đối với những hoàn cảnh, những hiểu biết trí thức của chúng ta cũng như những thói quen xúc tình cá biệt và những cứng nhắc trí óc của chúng ta. Chúng tạo ra và quy định hóa, điều kiện hóa mọi đáp ứng chúng ta thường có đối với mỗi yếu tố của kinh nghiệm chúng ta.

Đây là một thí dụ về những dấu vết nghiệp trên một cấp độ thô, dù cho cùng một động lực cũng tác động trong những cấp độ vi tế nhất và bao quát nhất của kinh nghiệm : một người lớn lên trong một căn nhà có nhiều cãi vã, tranh chấp. Rồi có thể ba, bốn mươi năm sau khi rời khỏi căn nhà, người ấy đi vào một đường phố và ngang qua một căn nhà có người đang cãi và tranh đấu với nhau. Đêm ấy y có một giấc mộng thấy mình cãi vã và tranh đấu với vợ hay người tình. Khi thức dậy, y cảm thấy buồn rầu và mệt mỏi. Điều này người vợ nhận xét ra và phản ứng với tính khí đó, càng làm cho y giận thêm.

Chuỗi kinh nghiệm này chỉ cho chúng ta một cái gì về những dấu vết nghiệp. Khi người đàn ông ấy còn trẻ, nó phản ứng với sự tranh đấu trong nhà bằng sợ hãi, giận dữ và tổn thương. Nó cảm thấy căm ghét tranh đấu, một đáp ứng bình thường, và sự căm ghét này để lại trong tâm thức nó một dấu vết. Hàng chục năm sau nó đi ngang một căn nhà và nghe tiếng cãi vã, tranh đấu ; đây là điều kiện phụ kích thích nghiệp xưa cũ, biểu lộ trong một giấc mơ đêm hôm ấy.

Trong giấc mộng, người đàn ông phản ứng với sự khiêu khích của người vợ trong mộng với những cảm giác giận dữ và tổn thương. Sự đáp ứng này bị chỉ huy bởi những dấu vết nghiệp đã tích tập trong thức của nó hồi nhỏ và chắc chắn đã được làm mạnh thêm nhiều lần từ đó. Khi người vợ trong mộng – người chỉ là một phóng chiếu của tâm thức nó – khiêu khích nó, phản ứng của nó là căm ghét, như hồi còn nhỏ. Sự căm ghét nó cảm thấy trong mộng là một hành động mới tạo ra hạt giống mới. Khi thức dậy, nó bị kẹt trong những xúc tình tiêu cực là quả của những nghiệp trước. Nó cảm thấy lạnh nhạt và mệt mỏi với vợ mình. Vấn đề rắc rối hơn khi người vợ phản ứng từ những khuynh hướng nghiệp thói quen đã định, có thể trở nên tức giận, mệt mỏi, hối tiếc, hay quỵ lụy và người đàn ông lại phản ứng một cách tiêu cực, gieo rắc thêm hạt giống nghiệp khác.

Mọi phản ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào – ngoài hay trong, thức hay ngủ – được cắm rễ trong thương hay ghét, đều để lại những dấu vết trong tâm thức. Vì nghiệp điều khiển những phản ứng, những phản ứng gieo thêm hạt giống nghiệp, những hạt giống nghiệp này lại điều khiển những phản ứng v.v… Đấy là việc nghiệp đưa tới nghiệp nhiều hơn như thế nào. Đó là bánh xe sanh tử, chu trình không ngừng của hành động và phản ứng.

Dù thí dụ này chỉ nhắm vào nghiệp trên cấp độ tâm lý học, thực ra nghiệp xác định mọi chiều kích của hiện hữu. Nó tạo thành những hình tượng tình cảm và tinh thần trong đời sống một cá nhân cũng như tri giác và sự giải thích về hiện hữu, sự vận hành của thân thể và cơ cấu nhân và quả của thế giới bên ngoài. Mỗi phương diện của kinh nghiệm, dù lớn hay nhỏ, đều bị nghiệp cai trị.

Những dấu vết nghiệp lưu lại trong tâm thức giống như những hạt giống. Và như những hạt giống, chúng đòi hỏi vài điều kiện để biểu lộ. Như một hạt giống cần sự phối hợp đúng của ẩm ướt, ánh sáng, chất bồi bổ và nhiệt độ để mọc mầm và lớn lên, dấu vết nghiệp được biểu lộ khi gặp phải hoàn cảnh thích đáng. Những yếu tố của hoàn cảnh hỗ trợ sự biểu lộ của nghiệp là những nguyên nhân và điều kiện (duyên) thứ yếu.

Ích lợi khi nghĩ về nghiệp như tiến trình của nhân quả, bởi vì điều này đưa đến nhận biết rằng những chọn lựa tạo nên trong sự đáp ứng với mọi hoàn cảnh trong hay ngoài đều có những hậu quả. Một khi chúng ta thực sự hiểu rằng mỗi dấu vết nghiệp là một hạt giống cho hành động bị nghiệp cai quản khác nữa, chúng ta có thể dùng cái hiểu ấy để tránh tạo ra nghiệp tiêu cực trong đời chúng ta, và thay vào đó, chúng ta tạo ra những điều kiện chúng sẽ tác động đến cuộc đời chúng ta theo một chiều hướng tích cực. Hay, nếu chúng ta biết làm, chúng ta có thể cho phép xúc tình phiền não được tự giải thoát ngay khi nó khởi sanh, trong trường hợp này không có nghiệp nào được tạo ra cả.

NGHIỆP TIÊU CỰC

Nếu chúng ta phản ứng với một hoàn cảnh bằng xúc tình tiêu cực, dấu vết để lại trong tâm thức rồi sẽ chín và ảnh hưởng một hoàn cảnh nào đó trong cuộc đời theo một cách tiêu cực. Thí dụ, nếu ai nổi giận với chúng ta và chúng ta phản ứng lại với giận dữ, chúng ta để lại một dấu vết làm cho có khả năng hơn để giận dữ khởi lên lại trong chúng ta, và hơn nữa chúng ta có khả năng hơn để gặp những hoàn cảnh thứ yếu cho phép cơn giận dữ thói quen sanh khởi. Điều này dễ thấy nếu chúng ta có nhiều giận dữ trong đời mình hay chúng ta biết có ai như vậy. Người hay nổi giận liên tục gặp những hoàn cảnh hình như để chứng thực cho sự giận dữ của họ, trong khi người ít giận thì không gặp. Những hoàn cảnh bên ngoài có thể tương tự nhưng những khuynh hướng nghiệp tạo ra những thế giới chủ quan khác nhau.

Nếu một xúc tình được biểu hiện một cách xung động nó có thể gây ra những hệ quả và phản ứng mạnh mẽ. Giận dữ có thể đưa đến đánh nhau hay loại hủy hoại khác. Người ta có thể bị thương tổn về mặt thân thể hay tình cảm. Điều này không chỉ đúng cho giận dữ ; nếu sợ hãi được biểu hiện ra nó cũng có thể được tạo ra căng thẳng lớn lao cho người chịu đựng nó, có thể làm cho người ấy xa lánh những người khác… Không khó để thấy điều này dẫn đến những dấu vết tiêu cực ảnh hưởng đến tương lai một cách tiêu cực như thế nào.

Nếu chúng ta đè nén xúc tình, vẫn còn có một dấu vết tiêu cực. Dồn nén là một biểu lộ của ghét bỏ. Nó xảy ra bằng sự cột chặt cái gì bên trong chúng ta, đặt cái gì sau một cánh cửa và khóa cửa lại, ép buộc một phần kinh nghiệm của chúng ta nằm trong bóng tối, có vẻ như chờ đợi trong thù nghịch, cho đến khi một nguyên nhân thư yếu thích hợp gọi nó ra. Điều này có thể biểu lộ trong nhiều cách. Chẳng hạn, nếu chúng ta đè nén sự ghen tỵ đối với những người khác, cuối cùng nó có thể biểu lộ trong một bùng vỡ xúc tình, hay nó có thể hiện diện trong những phê phán nặng nề những người gần gũi với người chúng ta âm thầm ghen tỵ, dầu chúng ta bác bỏ việc mình có lòng ghen tỵ. Sự phê phán của tâm trí cũng là một hành động, đặt nền trên ghét bỏ, nó tạo ra những hạt giống nghiệp xấu.

NGHIỆP TÍCH CỰC

Thay vì những đáp ứng tiêu cực như vậy – bằng cách bị khuynh hướng nghiệp dẫn dắt vào một thái độ hay bằng cách đè nén nó – chúng ta có thể dừng lại trong giây phút và tiếp thông với chính chúng ta và lựa chọn tạo ra cái đối trị lại với xúc tình tiêu cực. Nếu có ai nổi giận với chúng ta và cơn giận của chúng ta cũng khởi lên, cái đối trị là lòng bi. Sự khơi dậy nó có thể là cưỡng bách và không chính thống lúc ban đầu, nhưng nếu chúng ta thấu hiểu rằng con người đang làm chúng ta tức giận đang bị thúc đẩy bởi sự bị điều kiện hóa của chính nó và hơn nữa thấu hiểu rằng nó đang khổ đau vì một hạn hẹp thúc ép của thức bởi vì nó bị mắc bẫy trong nghiệp tiêu cực của chính nó, chúng ta có thể cảm thấy lòng bi mẫn nào đó và có thể bắt đầu buông bỏ những phản ứng tiêu cực của chúng ta. Khi làm thế, chúng ta bắt đầu tạo hình cho tương lai của chúng ta một cách tích cực.

Sự đáp ứng mới mẻ này, còn căn cứ trên tham muốn – trong trường hợp này là tham muốn đức hạnh hay bình an hay sự tăng trưởng tâm linh – sản sanh ra một dấu vết nghiệp tích cực; chúng ta đã gieo hạt giống của lòng bi. Lần sau, khi gặp giận dữ chúng ta có khả năng hơn một ít để đáp ứng bằng lòng bi, nó thì thoải mái và khoáng đạt hơn nhiều so với cơn giận chật hẹp của việc bảo vệ bản ngã. Theo cách này, sự thực hành đức hạnh dần dần tu sửa lại sự đáp ứng tiêu cực của chúng ta với thế giới và chúng ta thấy mình chẳng hạn như càng lúc càng ít gặp sự giận dữ cả ngoài lẫn trong. Nếu chúng ta tiếp tục trong sự thực hành này, cuối cùng lòng bi sẽ sanh khởi tự nhiên và không cố gắng. Dùng sự thấu hiểu nghiệp, chúng ta có thể tu sửa lại tâm thức của chúng ta để sử dụng mọi kinh nghiệm, dù là những giấc mộng ban ngày thoáng qua và riêng tư nhất, để hỗ trợ cho thực hành tâm linh chúng ta.

GIẢI THOÁT NHỮNG XÚC TÌNH

Đáp ứng tốt nhất với xúc tình tiêu cực là cho phép nó tự giải thoát bằng cách để nó ở trong tánh tỉnh giác bất nhị, thoát khỏi bám nắm và ghét bỏ. Nếu có thể làm được điều này, xúc tình đi qua chúng ta như một con chim bay qua không gian; không dấu vết nào của sự đi qua được lưu lại. Xúc tình khởi lên và rồi tự nhiên tan biến vào tánh Không.

Trong trường hợp này, hạt giống nghiệp biểu lộ – như xúc tình hay tư tưởng hay cảm giác thân thể hay một xung đột đối với những thái độ riêng biệt – nhưng bởi vì chúng ta không đáp ứng với nắm lấy hay ghét bỏ, không có hạt giống nghiệp tương lai nào được phát sanh. Chẳng hạn mỗi lần ganh ghét được cho phép khởi lên và tan biến vào trong tỉnh giác mà chúng ta không bị nó nắm bắt hay cố gắng đè ép nó, thì sức mạnh của khuynh hướng nghiệp về ganh ghét giảm sút. Không có hành động mới nào để tăng cường nó. Giải thoát xúc tình theo cách này sẽ cắt đứt nghiệp tận gốc của nó. Đó cũng giống như chúng ta đốt những hạt giống nghiệp trước khi chúng có cơ hội lớn lên thành những rắc rối trong đời chúng ta.

Bạn có thể hỏi tại sao tốt hơn là giải thoát xúc tình thay vì phát sanh nghiệp tích cực. Câu trả lời là mọi dấu vết nghiệp đều bó buộc, giới hạn chúng ta vào những bản sắc riêng biệt. Mục đích của con đường là giải thoát toàn triệt khỏi mọi sự bị quy định, bị điều kiện hóa. Điều này không có nghĩa một khi người ta được giải thoát, những tính cách tích cực như lòng bi không hiện diện. Chúng có mặt. Nhưng khi chúng ta không còn bị những khuynh hướng nghiệp sai sử, chúng ta có thể thấy hoàn cảnh chúng ta rõ ràng và đáp ứng một cách tự nhiên và thích đáng, hơn là bị đẩy vào một hướng này hay đưa vào một hướng khác. Lòng bi tương đối khởi lên từ những khuynh hướng nghiệp tích cực thì rất tốt, nhưng tốt hơn là lòng bi tuyệt đối khởi lên không từ nỗ lực và hoàn hảo trong đó cá nhân được giải thoát khỏi sự bị điều kiện hóa theo nghiệp. Nó thì rỗng rang hơn và bao trùm hơn, hiệu quả hơn và thoát khỏi những mê lầm của nhị nguyên.

Dù cho phép xúc tình tự giải thoát là cách đáp ứng tốt nhất, cũng khó mà làm trước khi sự thực hành của chúng ta được phát triển và vững chắc. Nhưng dù sự thực hành của chúng ta mới bắt đầu, tất cả chúng ta có thể quyết định dừng lại một lúc khi xúc tình sanh khởi, rà xét lại trong chúng ta, và chọn lựa hành động một cách khéo léo thiện xảo đến mức tốt nhất có thể được. Chúng ta đều có thể học làm cùn nhụt sức mạnh của xung động, của những thói quen nghiệp. Chúng ta có thể dùng một tiến trình ý niệm, nhắc nhở chúng ta rằng xúc tình chúng ta đang kinh nghiệm chỉ là quả của những dấu vết nghiệp trước kia. Bấy giờ chúng ta có thể thư giãn, buông xả sự đồng hóa của chúng ta với xúc tình hay quan điểm, và bỏ đi sự phòng thủ bảo vệ của mình. Khi nút thắt của xúc tình nới lỏng, bản sắc cá tính trở nên thư giãn và khoáng đạt hơn, rỗng rang hơn. Chúng ta có thể chọn lựa một đáp ứng tích cực hơn, gieo trồng những hạt giống nghiệp tích cực. Lại nữa, quan trọng là làm điều này mà không dồn nén xúc tình. Chúng ta nên thư giãn khi chúng ta phát sanh lòng bi, không phải đè nén một cách cứng ngắc sự giận dữ trong thân thể chúng ta khi cố gắng nghĩ những tư tưởng tốt đẹp.

Hành trình tâm linh không chỉ làm lợi lạc tương lai xa xôi hay đời sắp tới của chúng ta. Khi chúng ta thực hành huấn luyện mình phản ứng tích cực hơn với những hoàn cảnh, chúng ta thay đổi những dấu vết nghiệp của chúng ta và phát triển những phẩm tính, chúng tạo thành những thay đổi tích cực trong những cuộc đời mà chúng ta đang sống ngay từ bây giờ. Khi chúng ta thấy rõ ràng hơn rằng mỗi kinh nghiệm, dù nhỏ nhặt và riêng tư, đều có một kết quả, chúng ta có thể dùng cái hiểu này để thay đổi những cuộc đời và những giấc mộng của chúng ta.

NHỮNG CHE ÁM CỦA THỨC

Những dấu vết nghiệp ở lại với chúng ta như những tàn dư tâm lý của những hành động được thực hiện với bám nắm hay ghét bỏ. Chúng là những che ám của thức được cất giữ trong thức nền tảng của cá thể, trong kunzhi namshe, (thức a lại da). Dù người ta nói nó là một kho chứa, thức a lại da thực ra tương đương với sự che ám của thức: khi không có những che ám của thức thì cũng không có thức a lại da. Nó không phải là một vật hay một nơi chốn; nó là động lực làm nền cho sự cấu tạo của kinh nghiệm nhị nguyên. Nó là không bản chất như một tập hợp những thói quen và cũng đầy uy lực như những thói quen cho phép ngôn ngữ có ý nghĩa, những hình sắc phân thành những đối tượng, và hiện hữu xuất hiện với chúng ta như cái gì có ý nghĩa mà chúng ta có thể điều khiển và hiểu biết.

Ẩn dụ thông thường cho thức a lại da là một nhà kho hay nơi chứa giữ không thể phá hủy được. Chúng ta có thể nghĩ thức A Lại Da chứa giữ một tổng hợp những khuôn mẫu hay giản đồ. Nó là một ngữ pháp của kinh nghiệm bị tác động trong phạm vi lớn hay nhỏ bởi mỗi hành động chúng ta làm bên ngoài hay bên trong, thân xác hay ý thức. Bao giờ những khuynh hướng thói quen hiện hữu trong tâm thức của cá nhân thì thức a lại da có hiện hữu. Khi người ta chết và thân thể tan rã, thức a lại da không hư hoại. Những dấu vết nghiệp tiếp tục trong thức cho đến khi nào chúng được tịnh hóa. Khi chúng hoàn toàn được tịnh hóa, không có thức a lại da nữa và cá nhân ấy là một đức Phật.

NHỮNG DẤU VẾT NGHIỆP VÀ GIẤC MỘNG

Tất cả kinh nghiệm sanh tử được tạo thành bởi những dấu vết nghiệp. Tính khí, tư tưởng, xúc tình, hình ảnh tâm thức, tri giác, phản ứng bản năng, “lương tri”, và ngay cả cảm thức về bản thân chúng ta đều bị những công việc của nghiệp cai trị, điều khiển. Thí dụ, bạn có thể thức dậy với một cảm giác buồn chán. Bạn có bữa ăn sáng, mọi sự có vẻ tốt cả, nhưng có một cảm thức buồn chán không biết từ đâu. Trong trường hợp này chúng ta nói nghiệp gì đó đã chín. Những nguyên nhân và điều kiện (nhân và duyên) đã cùng chung nhau theo một cách để buồn chán biểu lộ. Có hàng trăm lý do để cơn buồn chán này xảy ra trong buổi sáng đặc biệt này, và nó có thể biểu lộ trong muôn ngàn cách. Nó cũng có thể biểu lộ trong đêm như một giấc mộng.

Trong giấc mộng, những dấu vết nghiệp biểu lộ trong thức không bị ràng buộc bởi tâm thức lý tính. Chúng ta có thể nghĩ về tiến trình như vầy: suốt ngày thức soi sáng các giác quan và chúng ta kinh nghiệm thế giới, đan dệt những kinh nghiệm tâm thức và giác quan thành một toàn thể có ý nghĩa của đời sống chúng ta. Vào ban đêm thức rút khỏi những giác quan và ở trong cái nền tảng. Nếu chúng ta đã phát triển một thực hành mạnh mẽ về sự hiện diện với nhiều kinh nghiệm về bản tánh trống không sáng rỡ của tâm thức, bấy giờ chúng ta sẽ biết và ở trong tánh tỉnh giác thuần khiết, trong vắt này. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, thức làm hiển lộ những che ám, những dấu vết nghiệp và những cái ấy biểu lộ thành một giấc mộng.

Những dấu vết nghiệp giống như những tấm ảnh chúng ta chụp từ mỗi kinh nghiệm. Mỗi một phản ứng nắm lấy hay ghét bỏ với mỗi một kinh nghiệm – với những kỷ niệm, cảm giác, tri giác giác quan, hay những tư tưởng – thì giống như chụp một tấm ảnh. Trong phòng tối của giấc ngủ, chúng ta chiếu phim. Những hình ảnh được chiếu trong một đêm sẽ được xác định bằng điều kiện phụ vừa mới gặp. Một số hình ảnh hay dấu vết cháy hằn sâu trong chúng ta bởi những phản ứng mạnh mẽ, trong khi những cái khác có từ những kinh nghiệm trên bề mặt, chỉ để lại một chất cặn mờ nhạt. Thức của chúng ta như ánh sáng của một máy chiếu, làm hiển lộ dấu vết đã được kích thích và chúng biểu lộ như những hình ảnh và những kinh nghiệm của giấc mộng. Chúng ta kết hợp chúng thành một cuộn phim, tâm thức chúng ta làm cho nó thành có ý nghĩa, đưa đến một câu chuyện kể tạo thành từ những khuynh hướng bị quy định và những bản sắc thói quen: đó là giấc mộng.

Cùng tiến trình này tiếp tục xảy ra khi chúng ta thức, tạo ra cái chúng ta thường nghĩ như là “kinh nghiệm của chúng ta”. Trong giấc mộng những động lực thì dễ hiểu hơn, bởi vì chúng có thể được quan sát ngoài những giới hạn của thế giới vật chất và tâm thức lý tính. Suốt ngày, dù vẫn dấn thân vào cùng tiến trình tạo thành giấc mộng, chúng ta phóng chiếu cái hoạt động bên trong này của tâm thức lên thế giới và nghĩ rằng những kinh nghiệm của chúng ta là “thực” và ở ngoài tâm thức của riêng chúng ta.

Trong yoga giấc mộng, sự hiểu biết về nghiệp được dùng để huấn luyện tâm thức phản ứng khác khi đối với kinh nghiệm, đưa đến những dấu vết nghiệp mới và từ chúng những giấc mộng sanh ra dễ hướng hơn vào hành trình tâm linh. Điều này không phải là sức mạnh cưỡng ép, ý thức giành quyền áp bức vô thức. Yoga giấc mộng lại dựa vào tỉnh giác và quán chiếu được tăng cường để cho phép chúng ta có những chọn lựa tích cực trong đời sống. Hiểu cơ cấu năng động của kinh nghiệm và những hậu quả của những hành động đưa tới sự nhận biết rằng mỗi kinh nghiệm bất kỳ loại nào đều là một cơ hội cho thực hành tâm linh.

Thực hành giấc mộng cũng cho chúng ta một phương pháp đốt cháy những hạt giống của nghiệp tương lai trong giấc mộng. Nếu chúng ta an trụ trong tánh tỉnh giác suốt một giấc mộng, chúng ta có thể cho phép những dấu vết nghiệp tự giải thoát khi chúng khởi lên và chúng sẽ không tiếp tục biểu lộ như những trạng thái tiêu cực trong đời sống chúng ta nữa. Như trong đời sống lúc thức, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu chúng ta có thể ở trong tỉnh giác bất nhị của rigpa, tịnh quang của tâm thức. Nếu chúng ta không thể làm điều đó, chúng ta còn có thể phát triển những khuynh hướng để chọn lựa thái độ tích cực ngay trong những giấc mộng cho đến khi chúng ta có thể vượt khỏi những yêu chuộng và nhị nguyên.

Cuối cùng, khi chúng ta tịnh hóa những che ám đến độ không có gì còn lại, không có phim, không có những ảnh hưởng nghiệp được che dấu, những cái làm nên màu sắc và hình dáng cho ánh sáng của tâm thức chúng ta. Bởi vì những dấu vết nghiệp là những gốc rễ của giấc mộng, khi chúng hoàn toàn cạn kiệt thì chỉ còn lại ánh sáng thanh tịnh của tánh tỉnh giác: không phim, không câu chuyện, không người mộng và không giấc mộng, chỉ có bản tánh nền tảng sáng ngời là thực tại tuyệt đối. Đây là tại sao giác ngộ là sự chấm dứt của những giấc mộng và được gọi là “tỉnh thức”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. VÔ MINH
  2. NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG