NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ

TENZIN WANGYAL RINPOCHE

Trích: "Những Yoga Tây Tạng Về Giấc Mộng và Giấc Ngủ"/ Tenzin Wangyal Rinpoche; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức. Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức; 2000

Mộng là một tiến trình năng động. Khác với những hình ảnh tĩnh của phim mà chúng ta dùng như một thí dụ, những hình ảnh của giấc mộng thì trôi chảy : chúng chuyển động, người nói, âm thanh rung vang, cảm giác sống động. Nội dung của giấc mộng được tạo thành bởi tâm thức, nhưng nền tảng của sự sống động của giấc mộng là khí. Chữ dịch nghĩa đen theo Tây Tạng danh từ prana, lung, là “gió”, nhưng gọi nó là sức mạnh sinh khí thì có nhiều nghĩa diễn tả hơn.

NHỮNG GIẤC MỘNG KHỞI LÊN NHƯ THẾ NÀO?

Trước khi chứng ngộ, bản tánh chân thật của cá nhân bị che ám bởi vô minh gốc rễ, vô minh này làm cho tâm thức ý niệm sanh ra. Bị mắc bẫy vào cái nhìn thấy nhị nguyên, tâm thức ý niệm phân chia sự nhất thể không dấu vết chia cắt của kinh nghiệm thành những thực thể ý niệm và rồi liên hệ với những phóng chiếu tâm trí này như thể chúng hiện hữu một cách bẩm sinh là những chúng sanh và sự vật riêng biệt. Cái nhị nguyên hàng đầu ban sơ phân chia kinh nghiệm thành ta và người, tôi và cái khác, và từ sự đồng hóa chỉ với một mặt của kinh nghiệm, cái ngã, những quý chuộng phát triển. Điều này đưa đến sự khởi sanh của ghét bỏ và tham luyến, nó trở nên căn cứ cho những hành động cả vật chất lẫn tâm thức. Những hành động này (karma : nghiệp) để lại những dấu vết trong tâm thức cá nhân như những khuynh hướng bị điều kiện hóa, đưa đến nhiều hơn bám lấy và ghét bỏ, điều này dẫn đến những dấu vết nghiệp mới, và cứ thế. Đây là vòng tự triển chuyển kéo dài không dứt của nghiệp.

Trong giấc ngủ tâm thức rút khỏi thế giới giác quan. Những dấu vết nghiệp được kích thích bởi những nguyên nhân phụ cần thiết cho sự biểu lộ của chúng có một sức mạnh hay năng lực, đó là khí nghiệp. Giống như con ngựa và người cỡi trong ẩn dụ, tâm thức“cỡi” khí nghiệp đến trung tâm năng lực liên hệ với dấu vết nghiệp đã được làm cho sinh động. Đó là cái thức trở nên tập chú vào một luân xa riêng biệt.

Trong trò chơi với nhau này của tâm thức, năng lực và ý nghĩa, thức làm biểu lộ và bị ảnh hưởng bởi những dấu vết nghiệp và những phẩm tính của cõi phối hợp. Khí nghiệp là năng lực của giấc mộng, cái sinh lực, trong khi tâm thức dệt những biểu lộ đặc biệt của những dấu vết nghiệp – màu sắc, ánh sáng, những xúc tình và hình ảnh – thành câu chuyện có ý nghĩa là giấc mộng. Đây là tiến trình tạo thành giấc mộng sanh tử.

NHỮNG HÌNH ẢNH TỪ TANTRA MẸ

Trong những giáo lý Đại Toàn Thiện (Dzogchen), chủ đề luôn luôn là chúng ta có nhận biết hay không bản tánh chân thật của chúng ta và có hiểu hay không rằng những phản chiếu của bản tánh ấy biểu lộ như kinh nghiệm. Giấc mộng là một phản chiếu của tự tâm chúng ta. Điều này dễ tin sau khi chúng ta tỉnh dậy, như chư Phật biết – sau khi các ngài giác ngộ rằng những thực thể và đối tượng của sanh tử là như huyễn. Và cũng như dùng sự thực hành để nhận biết bản chất huyễn của giấc mộng khi ngủ, chúng ta phải thực hành để chứng ngộ bản chất huyễn của đời sống lúc thức. Với một hiểu biết nào đó về những giấc mộng khởi lên như thế nào, sẽ dễ hiểu hơn “huyễn” và “vô tự tánh” có nghĩa là gì, và điều quan trọng là cũng dễ áp dụng cái hiểu này vào kinh nghiệm của chúng ta hơn. Tiến trình theo đó kinh nghiệm khởi lên thì như nhau trong mộng cũng như lúc thức. Thế giới là giấc mộng, thầy dạy và giáo lý là một giấc mộng, kết quả của sự thực hành của chúng ta là một giấc mộng ; không có nơi nào mà giấc mộng bị phá vỡ cho đến khi nào chúng ta được giải thoát vào tánh giác rigpa thanh tịnh. Cho đến khi đó, chúng ta tiếp tục mộng thành chính chúng ta và những cuộc đời của chúng ta trong cả hai chiều kích giấc mộng và thế giới “vật chất.”

Không biết làm thế nào làm việc với tư tưởng có nghĩa là người ta bị những tư tưởng kiểm soát, cai trị. Biết làm thế nào làm việc với tư tưởng nghĩa là tư tưởng được đem vào tỉnh giác và được sử dụng hoặc cho những mục tiêu tích cực và hành động đức hạnh hay được giải thoát vào trong tinh túy trống không của nó. Đây là cách tư tưởng được dùng trong con đường như thế nào. Cùng cách đó, chúng ta có thể đem mê lầm vọng tưởng, khổ đau và bất kỳ kinh nghiệm nào vào con đường. Nhưng để làm thế, chúng ta phải hiểu rằng tinh túy, bản tánh của tất cả mọi cái khởi sanh là trống không. Khi chúng ta làm được như vậy, bấy giờ mỗi một khoảnh khắc của đời sống là tự do, giải thoát và mọi kinh nghiệm là thực hành tâm linh : mọi âm thanh là thần chú, mọi hình sắc là tánh không thanh tịnh, và mọi khổ đau là giáo lý. Đây là cái có nghĩa là “chuyển hóa vào con đường.”

Trực tiếp thấu hiểu rằng giận dữ không có căn cứ khách quan nào cả mà chỉ là một phản chiếu của tâm thức, như một giấc mộng, nút thắt của giận dữ mở ra và nó không cột trói được nữa. Khi chúng ta chứng ngộ rằng cái làm cho chúng ta sợ như một con rắn chỉ là một sợi dây thừng mà ta đã tri giác lầm, quyền lực của hình tướng của nó biến mất. Hiểu rằng những hình tướng là sự sáng rỡ trống không dẫn đến sự nhận biết rằng tâm thức và kinh nghiệm là một thể thống nhất.

Có một từ Tây Tạng, lhun drub, dịch là “sự toàn thiện tự nhiên.” Nó có nghĩa là không có người tạo tác tạo ra cái gì cả. Mọi sự thì đúng y như chúng vốn là, tự nhiên khởi lên từ nền tảng như một biểu lộ toàn thiện của tánh Không và sự sáng tỏ. Một viên pha lê không làm ra ánh sáng : chức năng tự nhiên của nó là đơn giản phát ra ánh sáng. Tấm gương không chọn lựa khuôn mặt để phản chiếu : bản chất của nó là phản chiếu mọi sự. Khi chúng ta hiểu rằng mọi sự đang sanh khởi, gồm cả cảm thức quy ước của chúng ta về cái ngã, chỉ là một phóng chiếu của tâm thức, ngay khi ấy chúng ta giải thoát. Không có cái hiểu này thì cũng như chúng ta cho một ảo ảnh là thật, một tiếng vang là một âm thanh không phải của chúng ta phát ra. Cảm thức chia cách thật là mạnh mẽ và chúng ta trở thành bị mắc bẫy trong một thứ nhị nguyên huyễn ảo.

Tantra Mẹ, một trong những bản văn quan trọng nhất của đạo Bon, cho chúng ta những thí dụ, những tương tợ và những ẩn dụ mà chúng ta có thể suy nghĩ cân nhắc để hiểu tốt hơn bản chất huyễn ảo của cả giấc mộng và đời sống lúc thức.

Phản ảnh. Giấc mộng là một phóng chiếu của tâm thức của chính chúng ta. Nó không khác với tâm thức, như một tia sáng của mặt trời không khác với ánh sáng của mặt trời. Không biết điều này, chúng ta dấn thân vào giấc mộng như thể nó là thực, như một con sư tử gầm gừ với chính cái mặt của nó phản chiếu trong nước. Trong một giấc mộng, bầu trời là tâm thức chúng ta, núi non là tâm thức chúng ta ; những bông hoa, sô-cô-la ta ăn, người khác, tất cả là tự tâm chúng ta phản ảnh trở lại cho chúng ta.

Sấm chớp. Trong bầu trời đêm, sấm chớp lóe lên. Thình lình những núi non được chiếu sáng, mỗi đỉnh núi có vẻ là một vật thể riêng biệt, nhưng cái chúng ta thực sự kinh nghiệm là một tia chớp độc nhất của ánh sáng phản chiếu trở lại mắt chúng ta. Cũng thế, những đối tượng có vẻ riêng biệt trong một giấc mộng thực ra là ánh sáng độc nhất của tâm thức chúng ta, ánh sáng của rigpa.

Cầu vồng. Như một cầu vồng, giấc mộng có thể đẹp đẽ và hấp dẫn. Nhưng nó không có bản chất ; nó là một sự phô diễn của ánh sáng và tùy thuộc vào vị trí gần xa của người quan sát. Nếu chúng ta đuổi bắt nó ; không có cái gì ở đó cả. Giấc mộng giống như cầu vồng, là một phối hợp những điều kiện từ đó mọi ảo tưởng khởi sanh.

Mặt trăng. Giấc mộng giống như một mặt trăng phản chiếu trong nhiều chỗ có nước khác nhau – trong ao, giếng, biển, sông – và trong nhiều cửa sổ khác nhau của một thành phố, và trong nhiều thủy tinh khác nhau. Mặt trăng không phân thành vô số. Duy nhất chỉ có một mặt trăng, cũng như nhiều đối tượng của một giấc mộng chỉ là một bản tánh, một tinh túy.

Ảo thuật. Một nhà ảo thuật có thể làm cho một hòn đá độc nhất trước tiên xuất nhiện như là một con voi, rồi một con rắn, rồi một con cọp. Nhưng những đối tượng khác nhau ấy chỉ là huyễn, như những đối tượng trong một giấc mộng được làm ra từ ánh sáng của tâm thức.

Ảo ảnh. Do những nguyên nhân phụ chúng ta có thể thấy một ảo ảnh trong sa mạc, một thành phố hay một cái hồ. Nhưng khi đến gần chúng ta chúng ta không tìm thấy cái gì ở đó cả. Khi chúng ta xét nghiệm những hình ảnh của một giấc mộng, chúng cũng như ảo ảnh, chỉ là những ảo tưởng không có bản chất, chỉ là trò chơi của ánh sáng.

Tiếng vang. Nếu chúng ta tạo ra một âm thanh ầm ĩ nơi có những điều kiện cho những vang dội, một âm thanh ầm ĩ trở lại chúng ta ; một âm thanh êm ả trở lại một âm thanh êm ả ; và một tiếng kêu lạ lùng trở về với chúng ta là một tiếng kêu lạ lùng. Âm thanh chúng ta nghe trở lại là âm thanh chúng ta làm ra, cũng như nội dung của một giấc mộng có vẻ độc lập với chúng ta nhưng chỉ là nội dung phóng chiếu của tâm thức chúng ta trở lại với chúng ta.

Những thí dụ này nhấn mạnh sự không có hiện hữu tự thân (vô tự tánh) và sự thống nhất của kinh nghiệm và người kinh nghiệm. Trong kinh điển chúng ta gọi điều này là “tánh Không”, trong tantra là “huyễn”, và trong Đại Toàn Thiện là “khối đơn nhất”. Cái ngã và đối tượng của kinh nghiệm không phải là hai sự vật. Thế giới bên trong và bên ngoài là sự biểu lộ của chính chúng ta. Chúng ta đều chia xẻ cùng một thế giới vì chúng ta chia xẻ cùng một nghiệp tập thể. Chúng ta thấy những hiện tượng của kinh nghiệm như thế nào sẽ xác định những loại kinh nghiệm chúng ta có và chúng ta phản ứng với kinh nghiệm như thế nào. Chúng ta tin vào cái nhìn thấy của chúng ta về các thực thể như là chúng có hiện hữu nội tại bẩm sinh và chúng sống như những chúng sanh và sự vật riêng biệt. Khi chúng ta tin có cái gì đó thực sự ở kia, bấy giờ nó hiện hữu ! Niềm tin ấy có quyền lực tác động đến chúng ta. Chúng ta tạo ra cái thế giới mà chúng ta sẽ phản ứng với nó.

Khi chúng ta thôi hiện hữu, cái thế giới chúng ta tạo ra sẽ tan biến, chứ không phải cái thế giới những người khác đang ở. Tri giác của chúng ta và cách thức chúng ta thấy mọi sự sẽ diệt mất đối với chúng ta. Nếu chúng ta làm tan biến tâm thức ý niệm của chúng ta, sự thanh tịnh nền tảng sẽ biểu lộ một cách tự nhiên. Khi chúng ta trực tiếp biết rằng không có hiện hữu nội tại bẩm sinh trong bản ngã chúng ta và trong thế giới, bấy giờ bất cứ cái gì khởi lên trong kinh nghiệm đều không có quyền lực nào trên chúng ta. Khi con sư tử lầm phản ảnh của nó trong nước là cái gì thật, nó hoảng hốt và gầm gừ ; khi chúng ta hiểu bản chất huyễn của cái phản ảnh, chúng ta không phản ứng với sợ hãi nữa. Không có cái hiểu chân thật, chúng ta phản ứng với những phóng chiếu như huyễn của tự tâm chúng ta bằng bám nắm và ghét bỏ và tạo ra nghiệp. Khi chúng ta biết bản tánh chân thật và trống không, chúng ta tự do.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. “THIỀN” – PHƯƠNG PHÁP DẠY ĐẠO ĐỨC MỚI CHO HỌC SINH VIỆT NAM
  2. Ý THỨC VỀ GIẤC MƠ
  3. BIẾT ĐÁNH GIÁ MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. VÔ MINH
  2. NHỮNG HÀNH ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ; NGHIỆP VÀ NHỮNG DẤU VẾT CỦA NGHIỆP

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI