NHỮNG QUY TẮC CƠ BẢN CỦA TÌNH YÊU

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc-The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Tại sao những khoản gửi vào tài khoản của  Ngân  hàng Tình cảm có thể tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong nề nếp văn hóa gia đình? Vì chúng dựa trên những quy tắc cơ bản của Tình yêu – theo đó, tình yêu đích thực là tình yêu vô điều kiện.

Có 3 quy tắc chính: chấp nhận tốt hơn bác  bỏ,  thấu  hiểu  tốt hơn phán xét và tự nguyện tốt hơn ép buộc. Áp dụng những quy tắc này là một sự lựa chọn sống chủ động, không bị phụ thuộc vào hành vi của người khác, hay đẳng cấp xã hội, trình độ giáo dục, sự giàu có, nổi tiếng hay bất cứ nhân tố nào khác – ngoại trừ việc dựa vào giá trị bên trong của một con người.

Những quy tắc vừa nêu là nền  tảng của một văn hóa gia đình tốt đẹp. Khi và chỉ khi chúng ta  áp  dụng những quy tắc cơ bản của Tình yêu, chúng ta mới có thể tuân theo những quy tắc cơ bản của Cuộc sống (như sự trung thực, trách nhiệm, sự trung thành và sẵn sàng giúp đỡ).

Thỉnh thoảng người ta cự cãi với người họ yêu quý, bắt người đó phải theo ý mình, cho rằng như vậy mới là tốt; điều này dễ khiến cho người ta ngộ nhận trước điều được gọi là “tình yêu”– lúc nào cũng đi kèm với sự ép buộc, hối thúc, phán xét. Họ yêu cái cảm giác của họ, chứ không yêu bản thân người mà họ nói lời yêu thương. Đó là tình yêu có điều kiện. Nói cách khác, họ dùng tình yêu để kiểm soát và chi phối. Kết  quả: người được họ yêu cảm thấy không được tôn trọng, để rồi buộc phải đấu tranh để được là chính mình.

Nhưng khi bạn thực sự chấp nhận và yêu người khác vì chính con người họ, bạn sẽ khuyến khích họ trở nên tốt hơn. Việc chấp nhận người khác không có nghĩa là bạn bỏ  qua những tật xấu và đồng ý với mọi ý kiến của họ, mà đơn giản là bạn khẳng định rõ hơn những giá trị bên trong họ. Bạn thừa nhận họ có cách suy nghĩ, cảm nhận riêng.  Bạn  khiến  họ  không còn phải đề phòng và tự vệ. Thay vì  lãng  phí  năng lượng của mình vào việc đề phòng, họ có thể tập trung vào việc nhìn nhận lại mình, giúp cho những tiềm năng của mình phát triển.

Bằng cách yêu thương người khác vô điều kiện, bạn đã mở đường cho sức mạnh tự nhiên của họ, giúp họ trở nên tốt hơn. Bạn chỉ có thể làm được điều này khi bạn tin tưởng vào những tiềm năng ẩn chứa trong họ.

Hãy xét xem cách suy nghĩ như thế sẽ có giá trị thế  nào,  khi bạn xử sự với một thành viên trong gia đình – đặc biệt, với một đứa trẻ – có hành vi tiêu cực hoặc đi chệch hướng trong một thời gian? Điều gì sẽ xảy ra, thay vì đánh giá đứa trẻ dựa theo những hành vi hiện tại, bạn khuyến khích những tiềm năng ẩn chứa trong chúng và yêu thương vô điều kiện? Như Goethe đã từng nói: “Nếu xử sự với một người dựa trên con người hiện tại của anh ta thì anh ta cứ mãi là con người như hiện tại. Nếu xử sự với một người dựa trên hình ảnh một con người anh ta có thể trở thành thì anh ta sẽ trở thành con người như vậy”.

Tôi có một anh bạn là chủ nhiệm khoa trong một trường  đại học tiếng tăm. Anh lên kế hoạch tiết kiệm tiền bạc trong nhiều năm để cho cậu con trai có cơ hội theo học trong ngôi trường này. Nhưng đến lúc nhập học, người con lại từ chối. Điều này thực sự làm phiền lòng người cha. Việc tốt nghiệp từ ngôi trường danh tiếng sẽ mang lại cho cậu một lợi thế quý giá. Hơn nữa, đây là truyền thống gia đình, trước đó đã có ba thế hệ trong gia đình cậu học tại ngôi trường này. Người bố tìm cách trò chuyện, thuyết phục, hứa hẹn. Ông cũng cố lắng nghe để hiểu cậu con trai, những mong nó sẽ thay đổi quyết định.

Ông nói: “Con trai, con không thấy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời con hay sao? Con không thể đưa ra một quyết định có ảnh hưởng lâu dài dựa trên những cảm xúc nhất thời như thế được”.

Người con đáp: “Bố không hiểu đâu! Đây là cuộc đời của con. Bố chỉ muốn con phải theo ý bố mà thôi. Thậm chí con còn không biết là liệu mình có muốn đi học đại học  không  nữa”.

Người bố lại nói: “Hoàn toàn không phải như vậy, con trai. Con mới chính là người không hiểu. Bố chỉ muốn điều tốt nhất cho con thôi. Đừng có ngốc nghếch như vậy nữa”.

Ẩn sau đoạn đối thoại này là một tình yêu có điều kiện. Cậu con trai cảm thấy ông bố coi trọng việc đi học của cậu còn hơn cả bản thân cậu. Vì vậy, cậu đã đấu tranh để có sự lựa chọn riêng của mình, để được là chính mình, bằng cách từ chối đi học.

Sau khi tìm hiểu về suy nghĩ của con trai, ông bố quyết  định sẽ chịu hy sinh – để yêu thương con mình vô điều kiện. Ông biết, sự lựa chọn của con trai có thể khác những gì mà ông mong muốn, tuy vậy vợ chồng ông vẫn cứ yêu thương con. Rất đỗi khó khăn khi ông buộc phải chấp nhận ý nguyện của con, vì cả hai vợ chồng đã chuẩn bị mọi thứ để cậu có được cơ hội vào ngôi trường danh giá ấy.

Ông bố và bà mẹ đã trải qua một quá trình thay đổi để tiên phong chủ động vận dụng 4 kỹ năng, để hiểu được bản chất của tình yêu vô điều kiện. Khoảng một tuần sau, người con nói với bố mẹ là cậu quyết định sẽ không đi học. Họ đã chuẩn bị trước tinh thần để đón nhận. Mọi chuyện được giải quyết, và cuộc sống lại tiếp tục bình thường.

Sau đó một thời gian ngắn, điều thú vị đã xảy ra. Giờ đây người con không còn phải lo bảo vệ cho cái tôi của mình, có rộng thời gian hơn để bình tâm suy xét, để rồi nhận ra mình thực sự muốn đi học ở ngôi trường đó. Cậu ta nộp hồ sơ xin  học, và nói  cho bố biết. Một lần nữa, ông bố lại  thể hiện tình yêu vô điều kiện bằng cách ủng hộ hoàn toàn quyết định của con trai. Người bạn của chúng ta cảm thấy hạnh phúc, không phải vì con trai ông đã quyết định đi học mà vì ông đã học được cách yêu thương vô điều kiện.

Nhờ bố mẹ biết vận dụng những quy tắc cơ bản của Tình yêu, chàng trai ấy đã cân nhắc và lựa chọn cách sống phù hợp với một quy tắc cơ bản của cuộc sống: có thái độ trưởng thành và trở thành một người có giáo dục tử tế.

Có rất nhiều người chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm tình yêu vô điều kiện, chưa bao giờ đủ thông minh để khám phá những giá trị bên trong của chính mình. Họ lao vào đấu tranh suốt cả cuộc đời chỉ để được tán thành, được thừa nhận. Để bù đắp cho những cảm xúc bị kiệt quệ, trống rỗng, họ bám vào cảm giác “quyền lực” mà họ có được nhờ vào danh vọng, địa vị, tiền bạc, sự giàu sang. Họ trở nên ích kỷ, suy diễn mọi thứ theo quan điểm cá nhân.

Tất cả những điều đó giải thích vì sao những Quy tắc Cơ bản của Tình yêu rất đỗi hệ trọng – vì chạm đến giá trị cơ bản của mỗi cá nhân. Những người từng nếm trải yêu thương vô điều kiện sẽ tìm được cảm hứng tự do để phát huy những thế mạnh của mình, hoàn toàn đi theo “chiếc la bàn” bên trong con người họ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG YÊU THƯƠNG
  2. TRAO TRUYỀN TÌNH YÊU THƯƠNG HÒA HỢP
  3. TẠO NÊN MỐI QUAN HỆ ĐẦY YÊU THƯƠNG

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG