NHỮNG VIÊN KIM CƯƠNG TRONG LƯỚI ĐẾ THÍCH

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Tuệ Của Sự Tha Thứ; Nguyên tác: The Wisdom of Forgiveness; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới, 2022

Giống như mọi vấn đề khác mà Ngài có sự quan tâm sâu sắc, quan điểm Hán Tạng của Ngài được hình thành từ triết lý của nhà Phật về sự tương thuộc của vạn vật – điều mà Ngài đã thấm nhuần từ những năm cuối tuổi hai mươi. Đối với Ngài, thực tại cuộc sống giống như lưới đế châu – tấm lưới trời Đế Thích nổi tiếng trong thần thoại xa xưa. Toàn bộ vũ trụ được ví như một tấm lưới khổng lồ đan dệt bằng vô số sợi chỉ. Mỗi điểm giao nhau giữa những sợi chỉ là một viên kim cương. Bất cứ viên kim cương nào cũng có vô số mặt, và những mặt ấy phản chiếu hình ảnh của những viên kim cương khác – như một dãy gương dài vô tận – và giữa chúng tồn tại một mối liên kết kỳ diệu. Sự bất ổn trong bất cứ khu vực nào cũng làm dấy lên một hiệu ứng, một làn sóng ảnh hưởng tới những vùng khác, dù tác động có thể khó nhận biết được. Điều này cũng giống như Hiệu ứng Cánh Bướm. Một cái đập cánh của một con bướm tại Bắc Kinh có thể tạo ra những thay đổi rất nhỏ bé trong khí quyển, nhưng qua thời gian, nó có thể gây ảnh hưởng tới thời tiết tại Vancouver.

Xét ở phương diện nhân loại, các cô con gái của tôi sẽ không thể ngủ an lành trên giường nếu những đứa trẻ tại Kabul hay Baghdad không được an toàn tại nơi chúng ở. Với Đức Đạt Lai Lạt Ma, thực tại cuộc sống là một bức tranh tổng thể: vạn vật đều có tương quan với nhau, và không có thứ gì tồn tại một cách độc lập. Có một câu châm ngôn nổi tiếng của Tây Tạng như sau: Chúng sinh nào cũng có thể đã từng là mẹ ta, cũng như ta có thể đã từng là mẹ của họ. Điều này giúp chúng ta cố gắng hơn trong việc tiết chế bản thân và biết quan tâm hơn đến sự bình an của những người xung quanh. Tôi hiểu câu châm ngôn này nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đi tìm một tầng ý nghĩa sâu xa hơn.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Trong tình cảnh của tôi, tại Tây Tạng, sự giết chóc, phá hủy có mặt ở khắp mọi nơi. Những ký ức ấy quả là đau thương. Nhưng báo thù còn gây ra nhiều bất hạnh hơn. Bởi vậy, hãy nghĩ rộng ra: nếu báo thù chẳng ích gì, hãy tha thứ. Tha thứ không đồng nghĩa với quên hết đi những gì đã xảy ra. Không, chúng ta phải luôn ghi nhớ quá khứ. Hãy hiểu rằng những khổ đau trong quá khứ ấy xảy ra vì sự hẹp hòi từ cả hai phía. Thời gian cứ thế trôi đi. Còn chúng ta phải trở nên toàn vẹn, thông thái hơn, Tôi nghĩ đó là cách duy nhất”.

“Làm thế nào để vun bồi sự tha thứ, thưa Ngài?”, tôi hỏi.

“Theo trải nghiệm của bản thân tôi, đầu tiên, tôi nghĩ về những người khác, cả về những người được coi là kẻ thù của tôi nữa. Tất cả họ đều là con người. Họ đều có quyền vươn đến hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau. Tất cả đều muốn được vui cười. Không ai muốn thấy cảnh đầu rơi máu chảy. Sau cùng, tương lai của tôi gắn chặt với họ, mong muốn của tôi cũng là mong muốn của họ. Ví dụ thế này: ở đất nước tôi, người dân có mối liên hệ rất mật thiết với người Trung Quốc. Tương lai của dân tộc tôi phụ thuộc vào họ. Bởi vậy, chăm lo cho họ rốt cuộc chính là chăm lo cho bản thân chúng tôi.

“Những người Trung Quốc có ảnh hưởng tới cá nhân Ngài như thế nào ạ?”, tôi hỏi tiếp. “Có tồn tại một bi kịch cá nhân nào đó ảnh hưởng trực tiếp đến Ngài trong cuộc chiếm đóng của người Trung Quốc không?”

“Cá nhân tôi không phải chịu đựng quá nhiều. Nhưng tôi có nghe lời kể từ một người dân bị bắt giam trong nhà tù Trung Quốc. Ông ta vẫn còn sống, giờ đang ở Nepal. Ông ta kể về một cậu bé người Tây Tạng trong nhà giam”, Đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển tư thế trên chiếc ghế bành dễ chịu và ngồi sát ra ngoài mép ghế, hai bàn tay nắm chặt tay vịn.

“Cậu bé khi ấy mới 16 tuổi, và theo hiến pháp Trung Quốc, cậu chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cậu bé lại bị bắt giam và sắp bị xử tử vì cha cậu đã chiến đấu chống lại quân đội Trung Quốc. Một ngày nọ, một toán lính Trung Quốc tới, mang theo súng. Một sĩ quan trong số đó nhìn quanh thấy một thanh sắt và cầm lấy nó quật vào cậu bé, vì cha cậu ấy đã giết hại một số người lính dưới quyền của ông ta. Để trả thù, để thỏa mãn bản thân, người sĩ quan ấy đã đánh cậu bé bằng một thanh sắt, dù biết cậu đằng nào cũng sẽ chết. Khi tôi biết được câu chuyện này…, Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa tay lên mắt. “Tôi đã rơi nước mắt.”

Tôi bị chấn động bởi câu chuyện bi thương ấy, bởi những điều khủng khiếp mà một người trưởng thành có thể làm đối với những đứa trẻ vô tội. Nhưng cảm xúc dâng trào trong tôi lúc bấy giờ là sự hổ thẹn. Tôi cảm thấy kinh tởm và tội lỗi – vì những điều mà dân tộc mình đã làm. Cũng giống như một số người Trung Quốc khác mà tôi biết, tôi rất để tâm đến cách cư xử của những người gốc Trung Quốc, dù họ đang sinh sống ở đâu. Khi đọc tin tức tại Vancouver về một nhà hàng Trung Quốc ở Thượng Hải phục vụ thịt chó cho thực khách, tôi bất giác cảm thấy rùng mình.

Tôi mở lời sau một khoảng yên lặng: “Câu chuyện về cậu bé người Tây Tạng ấy đã ảnh hưởng thế nào tới quan điểm của Ngài về người Trung Quốc? Khái niệm tương thuộc được Ngài áp dụng thế nào trong hoàn cảnh này?”.

“Ban đầu tôi cảm thấy giận dữ, rồi tôi thấy vị sĩ quan ấy thật đáng thương”, Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp. “Hành động của ông ta xuất phát từ động cơ cá nhân, mà động cơ ấy lại xuất phát từ sự tuyên truyền. Chính bởi sự tuyên truyền mà người cha phản cách mạng ấy bị coi là ác quỷ. Diệt trừ ác quỷ chính là điều thiện. Đó là một niềm tin mù quáng. Chúng ta không thể trách họ được. Trong hoàn cảnh ấy, thậm chí chính bản thân tôi cũng sẽ làm điều tương tự. Nhờ suy nghĩ này mà thay vì giận dữ, sự tha thứ và tình thương yêu xuất hiện. Khái niệm tương thuộc sẽ cho anh nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Điều này xảy ra bởi lý do này, và tất cả cũng vì một nguyên nhân nào đó khác. Anh hiểu chứ?”

Khả năng đặt mình vào hoàn cảnh người khác của Đức Đạt Lai Lạt Ma thật quá đỗi phi thường, Đặc biệt khi người ấy là kẻ thù của Ngài. Trước đây Ngài từng nói với tôi rằng Ngài coi kẻ thù là những người thầy quý giá nhất. Ngài yêu thương và trân trọng những người bạn của mình, Nhưng Ngài cũng tin rằng chính kẻ thù sẽ mang lại thử thách cần thiết để ta trau dồi những giá trị như sự tha thứ và tình thương yêu, Ngược lại, chính những giá trị của sự tha thứ và tình thương yêu lại là nguyên liệu cần thiết cho một tâm trí thanh thản.

“Tinh túy Phật giáo gồm hai điều: một là lòng từ bi, hai là quan điểm về sự tương thuộc.”, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp, “Tôi luôn nói với mọi người rằng, quan trọng là phải biết phân biệt giữa hành động và người gây ra hành động ấy. Chúng ta phản đối hành động sai trái. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta lên án con người gây ra hành động đó. Một khi hành động sai trái ấy bị loại bỏ và một hành động tốt đẹp khác diễn ra, người ấy có thể làm bạn với chúng ta. Đó là lý do vì sao tuy hôm nay người Trung Quốc là kẻ thù, nhưng hôm sau họ có thể trở thành bè bạn. Nhờ vậy, tôi không gặp khó khăn gì trong việc tha thứ cho những gì họ đã gây ra cho đất nước và người dân của tôi.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma thả lỏng và ngả lưng lại vào chiếc ghế bành. Bất chợt Ngài lên tiếng: “Nhưng nếu ngay lúc đó tôi đối mặt với người lính Trung Quốc đã đánh cậu bé kia… và trong tay tôi có súng, thì cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Ngài giơ bàn tay phải đang đặt trên bụng lên cao, các ngón tay gập lại như đang cầm một khẩu súng tưởng tượng. Một nụ cười tinh nghịch nở trên môi Ngài.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhún vai và nói: “Trong khoảnh khắc ấy, có thể tôi sẽ bắn người lính kia”. Ngài giơ hai cánh tay lên và dang rộng. Rồi Ngài khẽ cười.

Tôi không dám cười theo bởi cảnh tượng ấy thật quá sức với tôi. Tôi hỏi: “Thậm chí với một Phật tử như Ngài ư?”.

“Có thể lắm. Trong những tình huống căng thẳng như vậy, có thể lắm. Đôi khi người ta hành động trước khi suy nghĩ.”

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THA THỨ – CỞI BỎ XIỀNG XÍCH CỦA OÁN HẬN
  2. SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ
  3. THA THỨ MỘT CÁCH TÍCH CỰC

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  3. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT