NIỀM TIN, CẠM BẪY VÀ NHỮNG KHẢ NĂNG

SOM SUJEERA

Trích: Luật Hấp Dẫn-Bí Mật Tối Cao; Thái Hà Books; NXB. Từ Điển Bách Khoa

Đức Phật dạy ta rằng chớ vội tin điều gì cho đến khi có thể kiểm chứng tính đúng đắn của chúng bằng chính kinh nghiệm của bản thân mình. Bằng cách này, chúng ta sẽ không dễ dàng tin tưởng mà sẽ tiếp cận được với mối quan hệ nhân- quả ẩn chứa trong mọi sự vật, hiện tượng, và cũng học được thực sự điều gì là đúng hay sai hơn là khư khư giữ lấy ý kiến hay quan niệm của mình một cách mù quáng, những điều bị ảnh hưởng nhiều bởi trình độ giáo dục, hay nền kinh tế xã hội hoặc đất nước ta đang sống, các phương tiện truyền thông cũng như rất nhiều yếu tố ngoại cảnh khác.

Có một đức tin mà ta không cần phải kiểm chứng lại tính chân thực của nó đó là niềm tin vào chính bản thân mình. Như chúng ta đã thảo luận ở chương 1, niềm tin này là chìa khóa của cảm hứng; nó là động lực để bạn suy nghĩ, nói năng và hành động hiệu quả nhất để đem lại thành công cho cả thế giới nội tâm cũng như thế giới bên ngoài của bạn.

Cuộc đời của chúng ta đầy ắp bất ngờ. Những thay đổi cơ bản, tốt hơn hay xấu đi, xảy ra đều đặn và gợi lên cảm giác khó chịu và nỗi sợ hãi bên trong con người ta. Với quá nhiều điều không chắc chắn thì việc chúng ta bám víu lấy những đức tin mang lại cho ta cảm giác an toàn và bình ổn trong cuộc đời là hoàn toàn tự nhiên. Chúa, Allah, Jesus, Mohammad và Đức Phật đều là những chủ thể của niềm tin tôn giáo trên thế giới. Niềm tin ở lời răn của họ có thể có ích vì ta tìm được trong đó sự sáng suốt và lẽ phải.

Cũng có những tín ngưỡng lạc khỏi con đường sáng suốt thật sự như thuật chiêm tinh, nghệ thuật siêu linh, điềm mê tín hay lễ nghi tín ngưỡng. Không cần biết có sự thật nào ẩn chứa trong những điều này hay không nhưng đó là bài tập nuôi dưỡng nỗi sợ hãi và tham vọng của con người. Vì thế, đó không thể là con đường đích thực dẫn tới thành công và chắc chắn không phải là con đường dẫn tới sự giải thoát để được khai sáng.

Bất chấp hiểu biết sâu sắc có trong rất nhiều truyền thống tôn giáo, chiến tranh và hận thù dựa trên đức tin vẫn xảy ra liên miên. Khi sự sáng suốt trở nên lầm lạc và chìm đắm trong những điều mê tín cũng như khao khát của con người, hậu quả mang lại thật khôn lường. Người thông thái không bao giờ tin tưởng rằng những thứ bắt nguồn từ ham muốn của họ có thể đúng đắn và mang lại lợi ích lâu dài.

Chúng ta cư xử ngu dốt và tạo nên hàng đống phiền toái cho bản thân mình và cho cả thế giới trong khi lại tìm kiếm sự cứu rỗi từ những thế lực bên ngoài thay vì nhìn thấu tư duy chính mình. Sau tất cả, chính đầu óc chúng ta lại tạo nên các vấn đề và thực sự là tạo nên thế giới của chính mình.

ĐỨC TIN CỦA ĐẠO PHẬT BẮT NGUỒN TỪ SỰ HIỂU BIẾT

Đạo Phật không dạy chúng ta tin rằng mỗi người đã có một số phận định trước hay định mệnh (mặc dù rất nhiều người theo đạo vẫn tin như vậy), nhưng Đạo Phật thực sự dạy ta rằng mọi thứ xuất hiện trong cuộc đời ta đều là kết quả của những việc ta làm. Đó là quy
luật tự nhiên: nguyên nhân tạo nên kết quả. Việc tập luyện nhận thức về mỗi người cũng là bản chất của tự nhiên. Người ta nhìn sâu vào bên trong, tự biến mình thành chủ thể để nghiên cứu và dữ liệu được thu thập nảy sinh từ những hiện tượng bên trong thường khó quan sát như suy nghĩ và cảm xúc. Chỉ bằng cách phân tích cẩn trọng về những hiện tượng này chúng ta mới có thể phân định đúng, sai. Nếu không nhìn ra nổi nguyên nhân và kết quả rõ ràng bằng cách phân tích những gì diễn ra bên trong mình, chúng ta sẽ bám dai dẳng vào những đức tin ngu ngốc.

Đức Phật dạy ta không đặt niềm tin của mình vào những gì chúng ta nghe thấy, những điều người khác tin, lời đồn, truyền thống, lời nói trong sách vở, giả định, logic, hình dáng, mối quan hệ với một lý thuyết nào đó, danh tiếng của người đưa ra ý kiến này hay thậm chí những gì bậc thầy của bạn dạy bạn.

MỐI LIÊN HỆ GIỮA NỖI SỢ VÀ NIỀM TIN

Bạn sợ thất bại vì bạn tin rằng mình sẽ thất bại. Khi bạn loại bỏ được niềm tin này, phần lớn cảm giác sợ hãi trong bạn cũng sẽ bị phá bỏ ngay lập tức. Nếu bạn tin rằng vợ hay chồng của mình không bao giờ là người phản bội, thì bạn chẳng có gì phải sợ hãi cả. Trong tình huống này, nỗi sợ không mang lại lợi ích gì mà chỉ làm cho tình huống xấu đi ngay cả khi họ thực sự lừa dối bạn. Hãy suy nghĩ tích cực và biến những cảm xúc tiêu cực trong bạn thành tích cực nhất có thể. Nếu bạn tin rằng bạn có thể thất bại, hãy ngăn mình khỏi cảm xúc đó, tin tưởng hoàn toàn vào thành công chắc chắn của mình, rồi thành công đó sẽ đến với bạn.

Chỉ suy nghĩ tích cực thôi thì không tạo được sức mạnh đến thế. Nhưng nếu bạn tin tưởng chân thành rằng bạn nghĩ đúng – trong khi suy nghĩ của bạn lại được củng cố từ những gì bạn tin tưởng – thì sức mạnh sáng tạo của vũ trụ sẽ được vận hành. Một số người nghĩ rằng họ sẽ giàu có nhưng họ không thực sự tin tưởng điều đó. Hãy nhìn lại cuộc sống của chính mình xem bạn có giống họ không. Tất cả các vận động viên đều nghĩ về chiến thắng, nhưng suy nghĩ này phải được củng cố bằng niềm tin không thể lay chuyển rằng họ sẽ chiến thắng.

Không có niềm tin này, suy nghĩ của họ sẽ trở nên vô ích – chúng biến thành bong bóng nổi trên mặt nước và rồi sẽ tự tiêu tan như thể chúng chưa từng tồn tại. Nếu có bên mình sức mạnh của niềm tin, chắc chắn họ sẽ tập trung được sức mạnh, chuẩn bị tốt cho thời điểm thi đấu.

Niềm tin có thể dễ dàng lan truyền từ người này sang người khác. Ví dụ như bạn đang làm việc trong môi trường công sở và bạn tin rằng một trong số đồng nghiệp của mình không làm tròn trách nhiệm. Rồi bạn cho những đồng nghiệp khác biết cảm nghĩ của mình và gợi ý rằng có lẽ người này phải bị cắt chức. Một khi bạn đã gieo vào trong đầu óc đồng nghiệp của mình hạt giống này, hiển nhiên họ sẽ bắt đầu nhận ra lỗi của người kia sâu sắc hơn. Không bao lâu sau, có thể họ sẽ nghĩ rằng anh ta không thích hợp với công việc nữa.

Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể áp dụng theo chiều hướng tích cực. Nếu bạn tin rằng tên của bạn sẽ đứng đầu trong danh sách thông báo những người được thăng chức sắp tới, mọi người cũng sẽ tin như vậy. Và trong môi trường công sở thì rất có thể sếp của bạn rồi cũng sẽ tin như thế. Nếu chúng ta xem lại ví dụ được nêu ra ở Chương 1 về Henry Ford và sự động viên của người vợ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng nếu người vợ hoặc chồng tin tưởng ở bạn và nói vậy, cơ hội thành công của bạn tự nhiên sẽ được nhân lên gấp đôi.

Những nhà lãnh đạo quả quyết thành công rất hiểu Bí mật này, họ truyền niềm tin của mình đi thật xa và thật rộng cho đến khi sự vận động của họ trở nên rộng khắp để đạt được mục đích của mình. Jimmy Hoffa(1) là một thiên tài ở lĩnh vực này. Ông đã tập hợp được hàng trăm nghìn lao động thu nhập thấp và làm việc quá sức để dựng nên nghiệp đoàn, đặt nền móng cho tầng lớp trung lưu của Mỹ. Ông làm được điều này vì ông thực sự tin tưởng vào những gì mình đang làm.

Rất tiếc, hầu như tất cả các bạo chúa kinh khủng nhất của thế giới cũng đều biết quyền lực này của đức tin. Những người như thế gắn kết suy nghĩ của mình với một niềm tin vô cùng mạnh mẽ lôi cuốn họ và đầu óc của những người đi theo, từ đó họ tập trung được nguồn động viên to lớn và reo rắc nỗi kinh hoàng của họ lên toàn thế giới.

Niềm tin vô cùng mạnh mẽ và có thể mang lại kết quả có lợi hoặc có hại. Một sự thật đáng buồn là ngày nay niềm tin thường bị lôi kéo theo chiều hướng có hại và đó là lí do vì sao chúng ta có nhiều đến thế những nạn đói, bạo lực và chiến tranh. Nếu ngay từ đầu, chúng ta giữ niềm tin ngu xuẩn, chúng sẽ như một mảnh đất màu mỡ để nảy sinh nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hay bất kỳ suy nghĩ nào khác có thể gây ra khổ đau. Đừng quá cả tin; hãy sử dụng sức mạnh của niềm tin một cách hiệu quả và đúng đắn.

Cũng giống như suy nghĩ, niềm tin có cả hai thái cực tốt và xấu nhưng mạnh hơn suy nghĩ rất nhiều. Hãy sử dụng niềm tin một cách tích cực và bạn sẽ có thể điều khiển số phận của mình. Có lẽ không có bằng chứng thuyết phục nào hơn về quyền lực của niềm tin là câu chuyện của Morris Goodman, đã được kể trong cuốn Bí mật. Một tai nạn máy bay đã khiến ông bị bại liệt và bác sỹ bảo rằng kỹ năng vận động duy nhất còn lại ở ông chỉ là khả năng nháy mắt. Nhưng ông tin rằng ông sẽ có thể đi trở lại; ông nhìn thấy hình ảnh này trong đầu mình và những gì còn lại đã trở thành lịch sử. Ngày nay, Morris được biết đến với cái tên Người Đàn Ông Màu Nhiệm. Ông hiểu cách sử dụng Quá Trình Sáng Tạo, là bậc thầy về khả năng truyền sức mạnh sắt đá của niềm tin và hình ảnh tâm lý giàu cảm xúc vào những mong ước của mình.

NIỀM TIN – CẠM BẪY VÀ NHỮNG KHẢ NĂNG

  1. Niềm tin có thể mang lại cho ta nguồn cảm hứng và động lực quan trọng cần thiết để đạt đến thành công.
  2. Niềm tin có thể lan truyền cho người khác. Trẻ em sẽ tin vào bản thân chúng nếu bố mẹ của chúng cũng tin tưởng thế.
  3. Niềm tin mạnh hơn suy nghĩ. Chỉ suy nghĩ tích cực thôi thì bạn sẽ không thu được nhiều nếu như bạn không thực sự tin tưởng vào suy nghĩ của mình. Nếu làm được việc này, thành công sẽ đến rất nhanh.
  4. Để làm việc tốt, chúng ta phải tin vào bản thân mình, tin vào những gì mình nói và làm, tin vào những gì đúng đắn và sáng suốt.
  5. Đừng biến mình thành chỗ chứa mọi ý kiến ta nhận được. Đừng dễ dàng tin tưởng mù quáng. Thay vào đó, hãy lưu ý lời Đức Phật đã dạy và chứng minh sự thật với chính bản thân mình mà không dựa trên lời dạy của người khác. Ngay cả lời khuyên này cũng vậy!
  6. Quyền lực của niềm tin được gia tăng bởi sự chuẩn bị thích đáng.
  7. Nếu một điều quan trọng sắp xảy ra với người thân của ta, niềm tin của chúng ta vào họ sẽ rất có ích. Vậy nên hãy chân thành tin tưởng ở họ.
  8. Đầu tiên, bạn phải tin tưởng ở bản thân mình. Điều này sẽ khiến mọi người tin tưởng ở bạn.
  9. Niềm tin thực sự đến từ sâu thẳm mỗi người. Niềm tin này sẽ để vô thức của bạn liên hệ với quyền lực trong vũ trụ và tạo nên hiện thực của bạn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM TIN LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI THÀNH CÔNG VĨ ĐẠI
  2. QUY LUẬT CỦA NIỀM TIN – SỨC MẠNH TIỀM THỨC
  3. SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN

Bài viết khác của tác giả

  1. KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI – NƠI CHÚNG TA THẤU HIỂU SUY NGHĨ CỦA MÌNH
  2. VIẾT NÊN KỊCH BẢN CHO CUỘC ĐỜI MÌNH BẰNG NHỮNG TƯỞNG TƯỢNG VỀ TƯƠNG LAI
  3. HÒA NHẬP VỚI CUỘC SỐNG BẠN MONG MUỐN

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP