NIỀM TIN LÀ GÌ?

ANTHONY ROBBINS

Trích: Đánh thức con người phi thường trong bạn; Nguyên tác: Awaken the Giant Within; Biên dịch: Tribookers; NXB Tổng hợp Tp.HCM; Công ty VH sáng tạo Trí Việt – First News; 2016

Niềm tin là gì?

Hầu hết mọi người xem niềm tin như là một “thứ” cụ thể, trong khi thực ra nó là cảm giác chắc chắn về một điều gì đó. Nếu bạn tin rằng mình thông minh, điều bạn thực sự muốn nói là: “Tôi có cảm giác chắc chắn rằng tôi thông minh.”. Cảm giác rõ ràng đó cho phép bạn khơi nguồn năng lực, đưa bạn đến những kết quả tốt đẹp. Tự trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều đã có lời giải đáp cho hầu hết mọi điều chúng ta còn băn khoăn, nhưng thường thì do thiếu tin tưởng, thiếu sự chắc chắn nên chúng ta không có khả năng vận dụng sức mạnh nội tại của mình.

Mỗi niềm tin đều có xuất phát điểm từ một ý niệm. Ta có thể nghĩ ra nhiều ý niệm khác nhau nhưng không thực sự tin vào một ý nghiệm nào. Ví dụ, có nhận định rằng bạn rất gợi cảm. Hãy dừng lại một chút và tự nói với bản thân: “Tôi rất gợi cảm.”. Câu nói này là một ý tưởng hay là một niềm tin còn tùy thuộc vào cảm giác chắc chắn của bạn. Giả sử bạn nghĩ: “À, thực ra mình đâu có gợi cảm.” thì điều mà bạn thực sự muốn nói là: “Tôi không chắc là mình gợi cảm.“.

Vậy, làm thế nào để chuyển hóa ý niệm thành niềm tin? Một ý niệm cũng giống như mặt bàn không có chân. Không có cái chân nào, mặt bàn sẽ không thể tự đứng lên được. Trong khi đó niềm tin thì lại có nhiều “chân”, nhiều cơ sở. Nếu bạn thật sự tin “Tôi rất gợi cảm.“, dựa vào đâu để bạn tin tưởng như vậy? Những tham chiếu, hoặc những kinh nghiệm từ cuộc sống, chính là những chiếc “chân” giúp cho ý niệm có cơ sở vững chắc, từ đó trở thành niềm tin chắc chắn.

Đến đây, vấn đề được đặt ra là: Đâu là niềm tin đúng đắn? Nói cách khác, nguồn tham chiếu mà ta có đã đủ đảm bảo rằng niềm tin của ta là đúng đắn? Bởi vì chúng ta thường tìm kiếm ai đó để “hậu thuẫn” cho điều ta tin tưởng vào giúp ta cảm thấy chắc chắn hơn về nó – một cách hợp lý hóa mọi sự – vậy thì đâu là những nguồn tham chiếu khả thi?

Hiển nhiên là chúng ta có thể rút ra từ kinh nghiệm cá nhân, thỉnh thoảng có thể gom nhặt thông tin từ người khác, sách vở, băng đĩa, phim ảnh, v.v… Và đôi lúc chúng ta hình thành những tham chiếu chỉ dựa vào sự tưởng tượng của mình. Cảm xúc dành cho tham chiếu càng mãnh liệt thì sẽ làm cho chiếc “chân” ấy thêm vững chắc. Một yếu tố khác nữa là số lượng nguồn tham chiếu mà ta thu thập được – rõ ràng là càng có nhiều trải nghiệm tham chiếu củng cố cho nhận định, niềm tin bạn đặt vào nhận định đó càng mạnh mẽ.

Vậy các tham chiếu có cần phải đảm bảo tính chính xác không? Không nhất thiết phải chính xác, vì nguồn tham chiếu có thể có thật hoặc chỉ do tưởng tượng mà ra – ngay cả những trải nghiệm cá nhân mà ta cảm nhận một cách rõ ràng cũng có thể bị bóp méo bởi ước định của riêng ta.

Do con người có khả năng bóp méo và sáng tạo như vậy nên những cơ sở tham chiếu có thể được sử dụng để xây dựng niềm tin hầu như là không giới hạn. Bất kể nguồn tham chiếu được lấy từ đâu, chúng ta đều chấp nhận chúng là thật, không hoài nghi gì cả! Não bộ không thể chỉ ra sự khác biệt giữa điều tưởng tượng một cách sống động với điều mà ta thực sự trải qua. Với cường độ cảm xúc và tần suất lập lại vừa đủ, hệ thần kinh sẽ ghi nhận điều đó là thật, ngay cả khi nó chưa từng xảy ra. Vì vậy chúng ta có thể sử dụng những tham chiếu tưởng tượng để dẫn dắt mình hướng đến điều mơ ước. Tất cả những người thành đạt mà tôi từng phỏng vấn đều có khả năng tự khích lệ bản thân tin chắc rằng họ có thể thành công, bất kể trước họ chưa có ai làm được. Họ có khả năng tạo cho mình những tham chiếu mà trước đó chưa từng có hoặc được xem là không thể thực hiện.

Suốt hàng ngàn năm qua, con người tin chắc rằng không ai có khả năng chạy hết một dặm(*) dưới bốn phút. Nhưng vào năm 1954, Roger Bannister đã phá vỡ “rào cản” niềm tin kiên cố này. Anh đã đưa mình chạm đến điều “bất khả thi” không chỉ đơn thuần bằng cách tập luyện thể lực mà còn nhờ liên tục “diễn tập” sự kiện vượt qua rào cản bốn phút một dặm trong tâm trí với cảm xúc mãnh liệt đến độ trở thành nguồn tham chiếu “đáng” tin cậy – một mệnh lệnh vô điều kiện bắt buộc hệ thần kinh đạt cho bằng được kết quả. Tuy nhiên, điều hết sức tuyệt vời từ cú đột phá của anh là nguồn cảm hứng nó để lại. Trong vòng một năm kể từ lúc Roger vượt qua giới hạn đó, đã có 37 người phá vỡ kỷ lục này. Thành công của anh là nguồn tham chiếu mạnh mẽ, đủ để tạo ra cảm giác chắc chắn là họ cũng có khả năng làm điều “không thể”. Quả thật như vậy, vào năm tiếp theo, 300 người khác nữa lần lượt thiết lập nên kỷ lục mới.

niềm tin là gì?

Niềm tin cho tôi khả năng phát huy tối đa sức mạnh của mình, là phương tiện tốt nhất biến năng lực thành hành động.” – ANDRE GIDE

Nhiều người thường mang niềm tin hạn hẹp về bản thân do họ đã không thành công trong quá khứ, rồi từ đó tin rằng mình sẽ không thể thành công trong tương lai. Kết quả là, vì sợ thất bại, họ bắt đầu trở nên “thực tế” – chấp nhận sự kém cỏi – để không bị thất vọng lần nữa. Niềm tin xuất phát từ nỗi sợ ấy khiến họ do dự, không tận lực cố gắng nên chỉ đạt được những kết quả hạn chế.

Những lãnh tụ vĩ đại hiếm khi chấp nhận “thực tế”. Họ thông minh, chính xác, không chịu sống “thực tế” theo “chuẩn mực” của số đông. Những gì gọi là “thực tế” theo quan niệm của người này hoàn toàn khác so với chuẩn “thực tế” của người khác, tùy thuộc vào nguồn tham chiếu. Chẳng hạn như Gandhi tin rằng ông có thể giành lại quyền tự trị cho Ấn Độ mà không dùng đến bạo lực chống lại đế quốc Anh – điều chưa từng xảy ra trước đây. Ông đã không “thực tế” và đã chứng minh rằng mình đúng.

Khả năng của con người lớn hơn rất nhiều so với những gì họ từng mơ đến. Thực thế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt giữa người tuyệt vọng và người cực kỳ lạc quan. Sau khi được trang bị kỹ năng mới, người bi quan luôn luôn tuân thủ chính xác cách thực hiện, trong khi người lạc quan lại chú trọng đến hành động thực tế hơn. Nhưng sự ra rời “thực tế” như vậy lại chính là bí mật cho thành công trong tương lai của họ.

Người lạc quan không quá phụ thuộc vào những tham chiếu thành công trong quá khứ – đôi khi chúng chưa hề tồn tại – và bỏ qua những nhận thức rời rạc như “Tôi thất bại.” hay “Tôi không thể thành công.“. Thay vào đó, họ tạo ra những tham chiếu niềm tin, vận dụng trí tưởng tượng để hình dung mình sẽ làm điều gì đó khác biệt trong lần sau và đạt được thành công. Đây là một khả năng đặc biệt, một cách tập trung chú ý rất độc đáo giúp họ kiên trì cho tới khi hội đủ điều kiện đưa mình lên đỉnh cao.

niềm tin là gì? - trí tưởng tượng

Chỉ trong trí tưởng tượng của con người, sự thật mới có nơi tồn tại vững chắc và không bị phủ nhận. Trí tưởng tượng, chứ không phải sự phát minh, mới là bậc thầy đỉnh cao của nghệ thuật, cũng như của cuộc sống.” – JOSEPH CONRAD

Một trong những thử thách lớn nhất trong đời mỗi người là hiểu được ý nghĩa của sự “thất bại”. Cách ứng phó trước “thất bại” và những điều ta quyết tâm đeo đuổi sẽ định đoạt số phận của ta. Đôi lúc, sau khi gặp phải quá nhiều khổ ải và thất bại, ta bắt đầu tập hợp chúng lại thành niềm tin, rằng ta chẳng thể làm được điều gì nên hồn cả. Những niềm tin kiểu này tước bỏ dần sức mạnh cá nhân và hủy hoại năng lực hành động. Trong tâm lý học, kiểu tư duy tiêu cực này được gọi là bất lực thành tính (learned helplessness).

Giáo sư Martin Seligman ở Đại học Pennsylvania đã hoàn thành một nghiên cứu chuyên sâu về các yếu tố tạo ra “bất lực thành tính”. Trong quyển Learned Optimism, ông dẫn ra 3 kiểu mẫu niềm tin đặc thù khiến chúng ta cảm thấy mình không có khả năng gì và gần như có thể hủy hoại mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta. Ông gọi ba dạng này là tính bất biến, tính lan tỏatính cá nhân.

? Rất nhiều người thành đạt đã gặt hái được thành công thay vì bị cuốn vào những vấn đề khó khăn và chướng ngại to tát. Điểm khác biệt giữa họ và những người thất bại là họ không tin vào sự bất biến của các vấn đề họ gặp phải. Người thành đạt hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ, cho rằng trở ngại sẽ tồn tại mãi, trong khi người thất bại quan niệm ngay cả rắc rối nhỏ nhất cũng còn đấy cả đời.

Tám năm trước, khi tôi rơi xuống tận đáy sâu tuyệt vọng, tôi đã cho rằng vấn đề rắc rối của mình là vĩnh viễn không thể cứu vãn. Tôi gần như chết về mặt cảm xúc. Thế nhưng sau đó tôi đã học cách liên kết niềm tin nguy hại ấy với nỗi đau, để rồi có thể gỡ bỏ được nó và không bao giờ chìm đắm vào nó nữa. Dù có chuyện gì xảy ra với bạn, hãy tin tưởng “Chuyện này rồi cũng sẽ qua” và nếu vẫn kiên trì, bạn sẽ tìm ra lối thoát.

? Sự khác biệt thứ hai giữa người chiến thắng và người thất bại là niềm tin về sức lan tỏa của vấn đề. Người thành đạt chẳng bao giờ cho phép một rắc rối nhỏ kiểm soát toàn bộ cuộc sống của họ. Họ cho rằng: “À, thói quen ăn uống của mình chỉ là một thách thức nhỏ xíu thôi.“, chứ không nghĩ: “Tôi chính là vấn đề. Bởi vì tôi ăn quá nhiều nên đời tôi sẽ bị hủy hoại.“.

? Yếu tố khác biệt thứ ba là tính cá nhân. Nếu chúng ta không xem thất bại như là một thử thách để điều chỉnh hướng đi của mình mà xem đó là một khiếm khuyết cá nhân, chúng ta rất dễ cảm thấy nản lòng.

Duy trì những niềm tin hạn hẹp này chẳng khác nào tự đầu độc mình từ từ, khiến ta “chết dần chết mòn” trong tâm tưởng. Vì vậy hãy tránh chúng bằng mọi giá. Nên nhớ, khi tin vào điều gì đó, não của bạn hoạt động theo chế độ “lái tự động” – gạn lọc nguồn dữ liệu đầu vào từ ngoại cảnh theo “bộ lọc niềm tin” và tìm kiếm các bằng chứng tham chiếu giúp khẳng định mạnh mẽ niềm tin ấy.

Chính cách suy nghĩ quyết định tốt hay xấu, tạo ra bất hạnh hay hạnh phúc, giàu có hay nghèo khổ.” – EDMUND SPENSER

??? —

Chú thích:

(*)1 dặm tương đương với 1,609 km.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM TIN LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI THÀNH CÔNG VĨ ĐẠI
  2. SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
  3. NIỀM TIN

Bài viết khác của tác giả

  1. PHÉP HUYỀN DIỆU CỦA SỰ HÒA HỢP
  2. TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA TÂM TRẠNG
  3. LÀM THẾ NÀO TẠO ĐƯỢC NHỮNG THAY ĐỔI LÂU BỀN

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN