NIỀM VUI GIẢI THOÁT TỐT HƠN THÚ VUI THẾ GIAN

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Thiền Mặc Chiếu; Thích Huệ Thiện dịch và chú thích; NXB. Văn Hóa-Văn Nghệ

Thiền sư Tuệ Tư (515 – 577) – vị tổ thứ hai của tông Thiên Thai – có trước tác “Chư pháp vô tránh tam muội pháp môn” (Pháp môn chánh định các pháp không đấu tranh), trong sách đề cập rằng hầu như nhiều người xem kinh nghiệm thuộc thân và tâm là khai ngộ, lấy tiến vào thiền định coi là chứng quả, “chưa chứng bảo rằng đã chứng”, không có chân thật chứng đắc tánh Không, lại nói chính mình đã chứng đắc, thứ hiểu lầm này thực sự là hạt giống địa ngục, sẽ xuống địa ngục. Rất nhiều người cho rằng Phật tánh là thứ có thể dùng mắt thấy được, dùng cơ thể tiếp xúc được, dùng tâm cảm nhận được, đây là cách nghĩ có vấn đề. Bởi vì đã là tánh Không, thì làm sao có thể nhìn thấy được, tiếp xúc được, dùng tâm thể hội được chứ? Cái gọi là kiến tánh, trên thực tế là sự rơi rụng trung tâm tự ngã.

?1. Cấp độ của tình yêu, chủng loại của hạnh phúc

Rất nhiều người hỏi tôi, yêu người hoặc được người yêu, là cảm giác an toàn ấm áp, sự theo đuổi hạnh phúc và tình yêu, cũng là chuyện rất có ý nghĩa, rất khoan khoái. Nếu đến tu hành thiền pháp, mà ngay cả tình yêu và hạnh phúc cũng đều không có, thì sống còn có ý nghĩa gì chứ? Nhất là người phương Tây, đặc biệt coi trọng hạnh phúc và tình yêu.

Chúng ta trước hết cần nên hiểu rõ các cấp độ của tình yêu:

(1) Tình yêu chiếm hữu: tình yêu là sự chiếm hữu lẫn nhau, anh yêu em, em thuộc về anh; em yêu anh, anh thuộc về em, đây là tình yêu chiếm hữu hoặc giữ riêng mình.

(2) Tình yêu đồng cảm: là tâm lý giống nhau mà người thông thường nói, cũng chính là tâm đồng tình đồng cảm, tình yêu này không nhất định là chiếm hữu, mà là nhìn thấy người khác khổ đau, thì sẵn lòng hỗ trợ khiến cho họ hạnh phúc.

(3) Tình yêu hy sinh: vì đã yêu, cho nên có thể hy sinh chính mình. Tình yêu của thế gian đại khái chính là ba cấp độ này. Tình yêu chiếm hữu, giữ riêng mình đương nhiên không tốt. Tình yêu cùng tâm tình, cùng tâm lý là thứ khả dĩ, nhưng tình yêu này không thể đều nảy sinh đối với mọi người. Tình yêu hy sinh là chuyện hết sức đau khổ.

Khoái cảm của hạnh phúc cũng có thể chia thành ba thứ:

(1) Khoái cảm của kích thích,

(2) Khoái cảm của trút giận,

(3) Khoái cảm của thư giãn.

Khoái cảm của kích thích, cần phải lấy tính dục của nam và nữ là thú vị nhất. Nếu liên tục không ngừng kích thích, nó sẽ biến thành chuyện khổ đau. Khoái cảm của trút giận, là phóng túng vui cuồng, thí như uống rượu vui chơi một cách thả ga. Khoái cảm của thư giãn, thì lấy phúc lạc của thiền định là ổn đáng nhất, giữ lâu nhất, nhưng sau khi xuất định, nếu không tiếp tục ngồi thiền tu định, thì định lực sụt mất cũng sẽ khổ đau ảo não. Ba thứ khoái cảm này đều không phải là sung sướng rốt ráo.

?2. Lạc của giải thoát là khoái lạc nhất

Tất cả mọi thứ cảm giác sung sướng, đều không có thứ gì so sánh được với niềm sung sướng của sự giải thoát khỏi phiền não và chấp trước tự ngã, cho nên Phật pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, chỉ có một hương vị, là vị giải thoát. Mục đích của việc tu thiền, chính là vì niềm vui của giải thoát, giả sử ở trong quá trình tu hành thiền pháp mà chưa được giải thoát, nhưng, lúc mà trung tâm tự ngã càng lúc càng nhạt, thì khổ đau cũng sẽ càng ít, dần dần sẽ đạt được khoái lạc của sự giải thoát. Sau khi giải thoát, tình yêu dành cho bất kì một cá nhân nào, hoàn toàn là thứ vô điều kiện, không có tính thời gian cũng không có đối tượng nhất định. Thứ tình yêu này là từ bi bình đẳng, là tình yêu tuyệt đối, nhưng không phải là đối với động vật và đối với người thân của chính mình là xem coi bằng nhau, mà vẫn là con người là con người, động vật là động vật, đây là trí tuệ; nếu đối đãi với động vật và với người thân của chính mình đều giống như nhau không khác, thì đây không phải là từ bị một cách bình đẳng, mà là ngu si.

?3. Dục lạc của thế gian đều ngắn ngủi

Tôi đã từng hỏi qua một cô gái bụ bẫm, hỏi cô ấy vì sao lại béo mập như vậy? Cô ta nói: “Con cũng chẳng biết nữa, chỉ cảm thấy lúc bận rộn thì buồn chán, mà lúc rảnh rỗi cũng buồn chán, lúc buồn chán thì ăn một thứ gì đó, ăn thứ gì đó thì rất sung sướng, do đó con cả ngày đều ăn vặt. Nhưng, con rất chán ghét con bụ bẫm như thế này”. Vui thích ăn lại chán ghét mập, rốt cuộc thì đó là sung sướng hay không sung sướng? Ở trong làng quê nơi tôi xuất gia, thời điểm đó mọi gia đình đều rất nghèo, trong chùa chỉ đến lúc ăn tết, mới có thể được ăn bánh bao mè làm bằng bột nếp. Có một vị xuất gia ngu ngốc, nghĩ rằng cả năm đều không được ăn, muốn ăn cho đủ vốn, do đó đã ăn liền ba bát lớn và ăn rất sung sướng. Bởi vì bánh bao nếp rất ngon, chú ta thậm chí ăn không nhai, nuốt luôn cả một cái bánh bao nguyên lành như thế vào trong bụng, hậu quả gạo nếp không tiêu hóa, kết thành một cục ở trong bụng, buổi tối trước khi ngủ, chú ta cảm thấy trong bụng rất khó chịu, ngay cả hít thở cũng rất khó khăn, chú ta liền lên trên điện Phật ôm cái mõ lớn, dùng cái mõ đè cái bụng, vừa gõ vừa niệm: “A Di Đà Phật, hãy làm cho con đánh rắm đi”. Lúc đó ở dưới làng cũng không có bệnh viện, do đó đã mời một vị thầy lang đến, thầy lang bảo chú ta nhả ra, bảo chú ta nôn ra, bảo chú ta đi tiêu chảy, nhưng đều không được, cuối cùng thì chú ta đã chết, sau khi thiêu cháy, cục gạo nếp kết thành khối đã biến thành một viên châu màu đen. Lúc chú ta ăn là rất sung sướng, nhưng lại ăn đến nỗi mất mạng, đó là chuyện rất đáng thương. Từ đó về sau, hễ mỗi khi tôi thấy có người nào đó ăn bánh bao, thì tôi khuyên họ nên ăn ít một chút.

Kể hai ví dụ trên là nói, thú vui của thế gian đều là thứ tạm thời, chẳng phải là thứ tuyệt đối và lâu dài, chỉ có cái lạc của giải thoát mới là thứ vĩnh viễn. Người được giải thoát, sẽ không căng thẳng, lo sợ, đói khát, đói khát lại chia làm đói khát vật chất và đói khát tinh thần. Có người hỏi tôi: “Sư phụ, ở nơi nào thầy đều rất bận rộn, số lượng công tác lại vừa nhiều vừa nặng, thầy bận rộn sao vui sướng được chứ?”. Bận rộn, có thứ là cơ thể bận rộn, có thứ là lòng đang bận rộn, nếu học hiểu được quan niệm và phương pháp của tu thiền, thì có thể giống như trước đây tôi đã nói qua, “Dứt học, vô vi, đạo nhân nhàn” mà thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói trong bài Chứng đạo ca, vậy thì tôi còn có thứ gì để bận rộn lắm đâu? Mặc dù tôi không có được trí tuệ lớn, giải thoát lớn, nhưng tôi đang học tập thiền pháp, cho nên tôi không cảm thấy bận rộn như thế, vả lại vẫn đầy vui sướng. Có lúc tôi cũng sẽ nói năng to tiếng mấy lời nặng, nhưng sau khi nói xong rồi, thì không có chuyện gì nữa: đương nhiên, tôi cố gắng hết mức không nên làm điều này, bởi vì đó không phải là việc rất dễ chịu.

?4. Tu hành có thể thành tựu tình yêu vị tha lớn

Lúc tu thiền, tự động có thể nảy sinh niềm vui, đây là thiền duyệt, pháp hỷ. Sự nảy sinh thiền duyệt là do dùng phương pháp khiến cho tâm niệm được tập trung, gánh nặng của tạp niệm, vọng tưởng được giảm thiểu, lúc đó sẽ có xuất hiện một thứ cảm giác nhẹ nhàng an lạc như trút gánh nặng, an lạc nhẹ nhàng chính là vui sướng. Thứ sung sướng của thư giãn thứ ba mà phía trước đã đề cập, chính là thuộc về định lạc của trong thiền duyệt. Nhưng thiền duyệt thì không nhất định có pháp hỷ. Sự sản sinh pháp hỷ, là bởi vì mặc dù công phu tu hành của chính mình vẫn không tu đến trình độ này, nhưng biết cách dùng Phật pháp để điều chỉnh quan niệm của mình, cách nghĩ đã khác với quá khứ, lúc đang có phiền bực, có khổ đau, liền dùng Phật pháp để xử lý, thì đã hạnh phúc nhiều rồi. Đây chính là pháp hỷ, pháp hỷ là thứ vô cùng trọng yếu. Cho dù là pháp hỷ hay thiền duyệt, thì nếu so với ba thứ hạnh phúc vừa mới đề cập cũng đều tốt hơn.

Người tu thiền có thể yêu hoặc được yêu hay không? Đây là chuyện khỏi cần phải hoài nghi! Ngay khi trung tâm tự ngã càng lúc càng phai nhạt, thì có thể cảm nhận rõ ràng chính mình và môi trường hợp lại làm một, cảm nhận được môi trường và chính mình là thân thiết một cách như thế, không dễ gì chia cắt; lúc ấy, không chỉ đối với con người, mà đối với động vật thực vật cũng đều sẽ có tình yêu, sẽ lấy tâm từ bi để tiếp đãi, quan tâm chăm sóc chúng. Bạn và chúng sẽ không còn có khoảng cách nữa, đây kia hai bên hoàn toàn tương ưng. Khi lấy tình yêu để đối đãi với động vật, chúng cũng sẽ rất vui mừng, cảm thấy rất an toàn, rất sung sướng, hoa cỏ cây cối cũng là như thế. Ở trong đạo tràng của chúng tôi, trước đây có một vị cư sĩ tại gia lúc chăm sóc cỏ hoa, cỏ hoa cây cối đều chết cả; về sau đã đổi một vị cư sĩ khác chăm sóc, vị cư sĩ này rất có tâm thương yêu chăm sóc những hoa cỏ này; nguyên là những thứ sắp khô chết, nhưng về sau đều sinh trưởng rất tươi tốt. Thậm chí còn có vài con chim hoang dã, liền đến đẻ trứng ấp con ở trong bồn hoa, sau khi chim con đã bay chạy, chim mẹ mang chim con của nó đến để vị cư sĩ đó thấy, chim và người không có khoảng cách, đây chính là tình yêu. Người tu thiền tự nhiên sẽ có thứ tâm thương yêu này xuất hiện, không cần phải lo lắng sau khi tu hành, thì ngay cả con cái đều không nhận ra nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TRÓI BUỘC VÀ GIẢI THOÁT
  2. NHỮNG PHẨM TÍNH CẦN CHO GIẢI THOÁT
  3. VẤN ĐỀ GIẢI THOÁT TRONG ĐẠO PHẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH