PHẦN NĂNG LƯỢNG CỦA SỰ THỨC TỈNH

ADYASHANTI

Trích: Sự Thật Về Giác Ngộ; Việt dịch: Phạm Hải Anh; NXB. Văn hóa văn nghệ, 2018

Sự thức tỉnh mang tới cho người ta nhiều biến đổi khác nhau. Thức tỉnh đúng là tỉnh dậy khỏi một con người cá nhân, nhưng nó cũng có tác động sâu sắc và theo nhiều cách thay đổi hẳn người đó. Để diễn tả cụ thể điều đáng nói, tôi đã kể cho bạn nghe kinh nghiệm cá nhân tôi – sự thức tỉnh năm 25 tuổi và những khó khăn kèm theo mà tôi có. Tôi muốn kể tiếp chuyện này.

Khoảng 32 tuổi, theo nhiều cách bất ngờ, tôi đã có một lần thức tỉnh tuyệt vời khác. Về cơ bản, nó không khác biệt so với sự thức tỉnh tôi có năm 25 tuổi, nhưng rõ ràng hơn rất nhiều. Tôi nghĩ, chính xác phải nói rằng sự thức tỉnh tôi có năm 25 tuổi còn khá mơ hồ. Tựa như bước ra dưới ánh mặt trời, nhưng vào một ngày sương mù. Sự thay đổi nhận thức mặc dù đã có nhưng vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

Năm tôi 32, sự thức tỉnh xảy ra rõ ràng một cách kỳ lạ. Đó là một sự kiện không thể xóa bỏ, không thể đảo ngược, một chứng ngộ không thể thay đổi. Điều tôi thấy không khác với những gì tôi đã thấy ở tuổi 25, rằng tôi là mọi thứ và không là gì, tôi ở trên mọi thứ và không là gì. Tôi thấy không thể diễn tả được tôi là gì. Nó là nhận thức xuyên qua, xuyên suốt và xuyên thấu đến tận cội nguồn của tồn tại.

Ở đây, tôi không định kể chi tiết về sự thức tỉnh cụ thể này. Điều tôi muốn nói là sau đó, điều đã nhận thức không bao giờ bị xóa trong ý thức nữa. Nó không bao giờ bị lãng quên; ống kính ấy không bị đóng lại nữa. Đồng thời, có những hiện tượng xảy ra ở tầng thể chất, và đó là điều bây giờ tôi muốn nói. Những hiện tượng thể chất hoặc năng lượng này thường là một phần của sự thức tỉnh. Một số điều mà tôi sắp nói đây có người đã trải nghiệm nó ngay cả trước khi họ thức tỉnh, trong khi những người khác chỉ có nó sau khi thức tỉnh. Thế nên điều tôi sắp nói đây có thể áp dụng với cả người đã hoặc chưa có trải nghiệm thức tỉnh.

Khi chúng ta nhận ra bản chất thực sự của tồn tại – khi chính tồn tại tự thức tỉnh – luôn có một thành phần năng lượng bộc lộ ra. Khi nói phần năng lượng, ý tôi là có một sự điều chỉnh lại sâu sắc cách thức mà cơ chế chúng ta hoạt động. Một dạng nối lại mạch xảy ra trong tâm trí, ở cấp độ tinh thần, và nối mạch lại cả cách chúng ta cảm giác và nhận thức trên cấp độ cảm xúc. Có thể trải nghiệm một thay đổi rất sâu sắc trong cách mà toàn bộ hệ thống năng lượng của cơ thể, cả về thể chất lẫn vi tế, chuyển động và trôi chảy.

Khi có những nhận thức sâu sắc, một trong những thay đổi năng lượng phổ biến nhất xảy ra đơn giản là sự giải phóng thuần túy rất nhiều năng lượng vào bên trong chúng ta. Không phải chúng ta đang nhận được một luồng năng lượng từ bên ngoài. Thay vào đó, khi chúng ta thực sự thức tỉnh, các khối tắc nghẽn và rào chắn – những cái đê nội tâm – mở ra. Khi đó, năng lượng được giải phóng ồ ạt. Trên thực tế, bất cứ khi nào bản ngã tan biến cũng có giải phóng năng lượng.

Theo nhiều cách, chỉ khi nhìn lại, chúng ta mới hiểu rằng chính trạng thái mê, trạng thái của cái tôi chia rẽ, ngốn một lượng năng lượng khổng lồ. Chỉ khi nó tan rã, chúng ta mới có thể thấy được lượng năng lượng khổng lồ phải tiêu tốn nhằm duy trì nhận thức chia rẽ mà phần lớn chúng ta sống với nó. Khi còn ở bên trong nó, chúng ta không có ý thức phải mất bao nhiêu năng lượng cho giấc mơ chia rẽ. Có lẽ bạn có những lúc đau khổ hoặc tuyệt vọng, và trong những khoảnh khắc đó, bạn có thể
cảm nhận được nhận thức chia rẽ đang làm cạn kiệt năng lượng của mình như thế nào. Nhưng chỉ khi ý thức tự động giải phóng chính nó ra khỏi trạng thái mê thì mới có một sự giải phóng vô cùng lớn bên trong – chủ yếu vì các khối tắc nghẽn không còn đó nữa.

Tôi không muốn gây ấn tượng rằng năng lượng này sẽ được trải nghiệm theo cách đặc biệt nào và ở cường độ cụ thể nào. Đối với một số người, sự vận động của năng lượng này rất rõ rệt; với những người khác thì nó lại rất tinh tế, giống như một tiếng bíp nhỏ trên màn hình radar của họ.

Khi năng lượng này bắt đầu giải phóng bên trong chúng ta, một trong những điều phổ biến nhất xảy ra là mất ngủ – thường thì cơ chế chúng ta chưa quen được với khối lượng năng lượng thô này đi qua. Có thể là, trong một thời gian sau khi thức tỉnh, bạn sẽ thấy cơ chế của mình “rồ ga lên”. Có thể cần một thời gian để các cơ chế bên trong chúng ta – tâm trí, cơ thể và cơ thể vi tế – thích ứng với khối năng lượng mà chúng ta đang trải nghiệm. Sự điều chỉnh này hiếm khi diễn ra chỉ qua một đêm.

Sau khi thức tỉnh, đa số mọi người thấy rằng cơ chế của mình đang bắt kịp, làm thêm giờ để hòa nhập và thích nghi với dòng năng lượng mới đi kèm với sự tan rã của trạng thái mê. Thông thường mọi người sẽ đến gặp tôi và nói: “Adya, tôi không ngủ được trong sáu tháng qua”, hoặc “Ba năm qua, đêm nào tôi cũng chỉ ngủ được ba hoặc bốn tiếng”.

Không nhất thiết là có gì sai. Tâm trí thường hay bình luận về những gì đang xảy ra, nó tự nhủ: “Mình bị thiếu ngủ. Mình không thể giải quyết vấn đề này. Có cái gì đó sai hỏng khủng khiếp”. Nhưng nhìn từ một góc độ khác thì không có gì sai cả. Toàn bộ năng lượng của cơ thể đang tự sắp xếp lại; nó đang đi vào một trạng thái hài hòa khác. Nó có thể mất một thời gian.

Ở tầng thô, tầng thể chất của năng lượng, tôi đã thấy người ta trải nghiệm đủ thứ kèm với chứng mất ngủ. Đôi khi có người tim đập dồn dập. Người khác thì trải nghiệm các chuyển động tự phát của cơ thể, ở chỗ cơ thể tự động giải phóng năng lượng chân có thể co giật, hoặc cánh tay có thể tự dưng giơ lên. Cơ chế của họ đang vận động bởi một sức mạnh mà tâm trí không hiểu.

Ngoài luồng năng lượng ở tầng thể chất, thường có những biến đổi năng lượng xảy ra ở tầng vi tế hơn – tầng tâm trí. Trong vài năm sau lần thức tỉnh năm 32 tuổi, tôi cảm thấy tâm trí mình như một tổng đài điện thoại cũ, nơi người ta phải rút phích cắm ra khỏi ổ và cắm vào ổ khác. Cảm giác như đường dẫn trong tâm trí của tôi đang được gỡ hết ra và tập hợp lại theo những cách khác.

Tôi không thể nói rằng mình biết hay hiểu những gì đang xảy ra, chỉ cảm thấy như tâm trí mình đang được kết nối lại. Tôi có thể cảm nhận được một chuyển đổi cơ cấu sâu sắc diễn ra trong não, trong cách tâm trí tôi làm việc và vận hành. Quá trình tràn đầy năng lượng đó kéo dài trong hai năm, tựa như có ai đó hoặc cái gì đó đang ở trong các tế bào não của tôi, chuyển hướng và tái cơ cấu chúng.

Sau một vài năm, tôi nhận thấy mình có một khả năng thấu suốt rõ ràng, đơn giản hơn rất nhiều. Tâm trí tôi trở thành một công cụ tinh tế hơn, mạnh mẽ hơn; có thể sử dụng một cách rất chính xác, giống như máy laser. Trước khi biến đổi này xảy ra, tôi không thể nói rằng tâm trí mình vận hành ở mức đó, hẳn đã có biến đổi nào đó đưa tới một ý thức mới mẻ, rõ ràng và tập trung.

Cũng có một sự yên tĩnh đáng kể trong tâm trí. Tôi đã thực hành thiền nhiều năm, Cố gắng làm cho tâm trí tĩnh lặng, nhưng sự yên tĩnh này lại khác. Không cần cố gắng để làm nó yên tĩnh. Khi tâm trí được tái cấu trúc – bộ não được nối mạch lại theo nhiều cách khác nhau – nó trở nên yên tĩnh hơn nhiều. Những suy nghĩ đi qua tâm trí tôi thường là những suy nghĩ “chức năng” – những điều thực sự cần phải nghĩ.

Con người chúng ta có lẽ chỉ tốn khoảng 10% thời gian để suy nghĩ về những điều mình thực sự cần phải nghĩ. Chúng ta dành 90% thời gian để hình dung, tưởng tượng và tham gia vào các kiểu chuyện nội bộ, các tấn kịch không có thật. Sau khi thức tỉnh, tôi nhận thấy rằng ý nghĩ của mình rơi vào dạng “chức năng” nhiều hơn, còn các tưởng tượng, các câu chuyện tôi tự kể với chính mình thì ít đi.

Sự chuyển đổi tâm trí cần có thời gian, bởi vì nó là một quá trình chuyển đổi thể chất. Khi ý thức của chúng ta không còn bị tâm trí ám ảnh, tâm trí thư giãn, mềm mại, và mở ra. Quá trình chuyển đổi này thậm chí có thể tàn phá bộ nhớ của con người. Tôi đã có nhiều học viên tự dưng có vấn đề về trí nhớ, vài người trong số họ thậm chí phải đi kiểm tra Alzheimer. Họ không bị sao cả, họ chỉ đơn giản đang trải qua một quá trình biến đổi, một quá trình đầy năng lượng trong tâm trí.

Quá trình này là bình thường. Để tâm trí hòa hợp được với những gì đã chứng ngộ, tâm trí và bộ não cần được cơ cấu lại. Tôi có nghe một bài nói của Eckhart Tolle, một vị thầy tâm linh nổi tiếng, ông nói rằng suốt hai năm sau khi thức tỉnh, ông bị khó khăn khi sử dụng tâm trí của mình. Công việc ông làm vào thời điểm đó đòi hỏi phải động não nên nó thực sự là vất vả cho ông.

Chắc chắn rằng, nếu chúng ta nhận ra đây là một quá trình tự nhiên, không cần chúng ta can thiệp hoặc cải thiện sự tái cấu trúc ở tầng tinh thần này, thì nó thư giãn. Điều quan trọng nhất là thư giãn và để quá trình tái định hướng này diễn ra. Những phản ứng phụ có thể gây bối rối, nhưng nếu bạn đừng tin vào những ý nghĩ của mình về chúng thì mọi thứ thực ra đều ổn. Chỉ là tâm trí bảo bạn rằng những gì đang xảy ra rất khó khăn hoặc bạn không thể xử lý nó.

Nhiều lần, khi mọi người nói họ không ngủ được suốt sáu tháng và tôi thấy họ lo lắng về điều đó, tôi hỏi họ: “Có thực là bạn cần ngủ nhiều hơn hiện nay không? Bạn có thực sự biết rằng mình cần ngủ nhiều hơn thế này? Hay là bạn ngồi trên giường ban đêm, tự nhủ ngày mai mình sẽ mệt lắm đây?”. Có điều đáng ngạc nhiên xảy ra khi chúng ta buông bỏ kiểu suy nghĩ rằng “Mình nên ngủ nhiều hơn”, khi chúng ta nhận ra rằng đó chỉ là một ý nghĩ. Khi chúng ta buông bỏ giải thích của tâm trí về chuyện đang xảy ra, có một sự thư giãn sâu sắc hơn trong tâm. Chính sự thư giãn này thúc đẩy việc chuyển đổi thể chất nhanh hơn.

Có những biến đổi mạnh mẽ xảy ra không chỉ trong cách chúng ta suy nghĩ và nhận thức, mà còn trong cảm xúc – cách các giác quan của chúng ta kết nối với thế giới xung quanh. Sau khi thức tỉnh, người ta thường thấy các giác quan của mình trở
nên cực kỳ bén nhạy. Ví dụ, người ta thường nhận thấy tầm nhìn ngoại biên của mình được mở rộng. Chúng ta cũng có thể bắt đầu cảm nhận được mọi thứ mà trước đây mình không cảm thấy. Chúng ta có thể cảm nhận được cảm giác của người khác, hoặc chúng ta có thể thấy rằng mình trở nên nhạy cảm với năng lượng của môi trường và trường năng lượng của người khác. Chúng ta có thể lần đầu tiên cảm nhận được trường năng lượng của động vật, cây cối, nhà cửa hoặc các gian phòng cụ thể.

Khi sự giải phóng năng lượng này xảy ra, nó mở mang toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Đôi khi, người ta sẽ gặp khó khăn với nó. Thỉnh thoảng lại có người đến với tôi và nói: “Tôi cảm nhận được mọi cảm xúc của người khác. Tôi cảm nhận bên trong người ta đang diễn ra cái gì”. Điều đó nghe có vẻ huyền bí và hay ho, nhưng hãy nghĩ đến thực tế là hầu hết mọi người đều bị mâu thuẫn. Ai muốn đi quanh mà cảm nhận năng lượng xung đột của mọi người? Theo cách đó, với một số người, sự nhạy cảm cao độ này có thể là vấn đề.

Tôi nhắc lại, thường có một số ý nghĩ vô thức diễn ra, tạo ra cảm giác rằng đang có chuyện rắc rối. Chúng ta cần phải rạch ròi rằng mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm riêng của mình; rằng bạn không cần phải cảm thấy mọi điều người khác đang cảm thấy. Cảm xúc của người khác là của họ. Bạn có thể thấy nó, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải trải nghiệm nó. Đôi khi có một sự thích thú ẩn dưới khả năng cảm thông và điều này có thể là vấn đề. Một phần bạn có thể cảm thấy khó chịu khi cảm nhận chuyện của người khác, nhưng một phần khác bạn lại có thể thích thú. Giống như nghe trộm được về trạng thái năng lượng của người khác. Nếu chúng ta vô thức thấy nó thú vị thì nó sẽ xảy ra ngày càng nhiều. Trái lại, nếu chúng ta không thực sự quan tâm – không đẩy nó đi, cũng không tìm đến với nó – thì sự chú ý của chúng ta hướng đến chỗ cần đến. Đôi khi lại cần cảm nhận cảm xúc của người khác, đặc biệt là nếu bạn đang giao tiếp hoặc có quan hệ với họ, nó có thể giúp bạn hiểu họ đến đường tơ kẽ tóc. Nhưng bạn bắt đầu nhận ra là không cần phải lượn quanh, cảm nhận mọi cảm xúc của những người không liên quan gì tới bạn. Bạn nhận ra việc của họ là của họ, không phải của bạn.

Đây không phải là vô tình. Đây là một cách định hướng cho sự nhạy cảm mới mẻ của ta, để ta không quá tham gia vào chuyện của người khác. Cũng cần lưu ý rằng có người trải nghiệm những thấu cảm kiểu này ngay cả khi không hề thức tỉnh, hoặc rất lâu trước khi thức tỉnh. Những trải nghiệm kiểu này không phải là dấu hiệu thức tỉnh nhưng là hệ quả khá phổ biến của thức tỉnh.

Điều quan trọng nhất là phải nhìn thấu bất kỳ ý thức bản ngã nào có thể dấy lên từ dạng trải nghiệm phi thường này, phải thấy rõ ý thức bản ngã đang tìm kiếm giải trí hoặc quyền lực qua trải nghiệm. Rất nhiều năng lực có thể phát triển ở người thức tỉnh. Có thể là khả năng chữa bệnh. Chỉ cần họ hiện diện là đã có thể chữa lành bệnh cho người khác. Khả năng chữa bệnh tất nhiên là một điều tuyệt vời, một năng lực tuyệt vời. Nhưng nếu bản ngã tái lập cái tôi như một bậc thầy chữa bệnh thì chính nó sẽ gây ra nhiều khó khăn.

Vì những lý do trên, điều quan trọng là đừng can thiệp vào tầng năng lượng mới này. Nếu chúng ta đâm ra say sưa với những năng lực khác nhau có thể nảy sinh – đôi khi chúng được gọi là thánh nhập (siddhis) hay quyền năng tâm linh – nó có thể trở thành một cái bẫy tâm linh nữa.

Cuối cùng, nếu những quyền năng này xuất hiện, thì đó như quà tặng chứ không phải là một cái gì đó để nắm giữ và tái tạo ý thức của chúng ta về bản ngã. Trên thực tế, nhiều trường phái tâm linh cảnh báo các môn sinh không được giữ những quyền năng này, không cố gắng nâng cao chúng bằng bất cứ cách nào. Mặc dù có rất nhiều câu chuyện cảnh báo, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên tránh những món quà đặc biệt có thể nảy sinh khi thức tỉnh. Nên cứ để chúng như thế, như một phần tự nhiên của quá trình

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỰ THỨC TỈNH KHÔNG NHƯ BẠN TƯỞNG TƯỢNG
  2. KHÁM PHÁ CUỘC SỐNG SAU KHI THỨC TỈNH
  3. ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ

Bài viết khác của tác giả

  1. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  2. BẢN NGÃ KHÔNG LÀ GÌ KHÁC NGOÀI TRẠNG THÁI Ý THỨC
  3. TRẠNG THÁI TỰ NHIÊN – HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP