PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG MIỄN DỊCH TINH THẦN

DESMOND TUTU

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Hỷ Lạc Từ Tâm; Nguyên tác: The Book of Joy, Lasting Happiness in a Changing World; Douglas Abrams chấp bút; Việt dịch: Thảo Yukimoon; NXB. Đà Nẵng, 2019

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 và Đức Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu

Thiết lập mục tiêu vào buổi sáng 

Mọi hành vi tỉnh thức đều bắt nguồn từ mục đích, mà mục đích thì đơn giản là việc chúng ta thiết lập mục tiêu, Nhiều nhà sư Tây Tạng thực hiện nghi thức này mỗi buổi sáng như một cách để chuẩn bị cho tinh thần và cảm xúc của họ theo cách mà họ muốn đối diện với cuộc sống trong suốt một ngày. Họ cũng thường xuyên xem xét mục đích của mình, trước khi chuẩn bị ngồi thiền hoặc trước khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ quan trọng nào. Một cách khác để tập trung cho mục đích của bạn là đọc tụng những lời dạy hay đoạn kinh ngắn mang tính truyền cảm hứng để hỗ trợ cho lý tưởng cao cả của bạn. Ngài Tổng Giám Mục thường xuyên thực hiện Lễ Ban Thánh Thể vào mỗi sáng, bao gồm việc đọc tụng (và chiêm niệm) các đoạn Kinh Thánh. Ngài tuân theo các nghi thức được sắp xếp theo thời gian (nghi thức cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa và buổi tối). Ngài cũng thích đọc những lời dạy từ những nhà huyền môn vĩ đại để dẫn dắt trái tim và tâm trí của Ngài.

  1. Ngồi thoải mái, có thể ngồi trên ghế với hai bàn chân chạm đất hoặc ngồi khoanh chân. Bạn cũng có thể thực hiện bài tập này khi vừa thức dậy vào buổi sáng – khi bạn vẫn còn nằm trên giường, chuông báo thức vừa reo và trước khi một ngày vội vã bất đầu. Bạn có thể đặt hai tay lên chân hoặc để trên bụng.
  2. Nhắm mắt và hít thở sâu một vài lần bằng mũi. Cảm nhận bụng của bạn phồng lên và xẹp xuống khi bạn hít thở sâu xuống dưới cơ hoành.
  3. Lúc này hãy tự hỏi: Đâu là điều mà trái tim tôi khao khát? Tôi mong ước gì cho bản thân mình, cho những người thân yêu và cho cả thế giới này? Những ước mơ sâu kín nhất của chúng ta thường vượt ngoài sự mong đợi và ham muốn tạm thời của bản thân. Chúng có thể liên quan đến việc sống với những giá trị nhân văn sâu sắc, là cái sẽ đưa chúng ta đến với hạnh phúc tối thượng, mang chúng ta trở về đúng vị trí của mình trong cấu trúc của cuộc đời. Đức Đạt Lai Lạt Ma có một cách đơn giản để đánh giá mục đích của chúng ta bằng cách tự vấn như sau: “Tôi thực hiện điều này chỉ vì bản thân tôi, hay còn cho những người khác? Vì lợi ích của số ít, hay hướng đến thật nhiều người? Cho hiện tại, hay cho tương lai?”. Vượt qua sự khảo sát này có thể dẫn dắt chúng ta hướng đến những gì mà bản thân mình thực sự mong muốn.
  4. Sau đó nêu ra mục tiêu của bạn trong ngày. Ví dụ: “Hôm nay nguyện cho tôi có thể mở lòng để chào đón tất cả mọi người bằng tình yêu thương trong trái tim mình”. Hoặc “Hôm nay nguyện cho tôi bớt phán xét hơn”. Hay là “Hôm nay nguyện cho tôi có thể nhẫn nại và yêu thương các con của tôi”. Nó có thể được nêu ra thật rành mạch, cụ thể hoặc cũng có thể là một lời nguyện chung. Nếu bạn chưa thực sự rõ ràng về mục đích của mình, bạn có thể lặp lại bốn dòng kệ sau đây, được phỏng theo bài cầu nguyện Tứ Vô Lượng thuộc truyền thống Tây Tạng. Bài nguyện này đã dẫn lối cho nhiều người trên chuyến hành trình phát triển lòng từ bi và hạnh phúc tuyệt vời.

Nguyện cho tất cả chúng sinh 

đều đạt được hạnh phúc, an vui.

Nguyện cho tất cả chúng sinh 

đều thoát khỏi khổ đau, phiền não.

Nguyện cho tất cả chúng sinh

không bao giờ xa lìa niềm hỷ lạc.

Nguyện cho tất cả chúng sinh 

an trú trong bình đẳng tánh trí. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả DESMOND TUTU

  1. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  2. HỶ LẠC TỪ TÂM – ĐẠI HỶ LẠC
  3. LÒNG GHEN TỴ: SỰ SO SÁNH MANG ĐẾN ĐAU KHỔ

Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP