QUÁ TRÌNH HAI BƯỚC TRONG THAY ĐỔI CĂN TÍNH – ATOMIC HABIT

JAMES CLEAR

Trích: Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ; dịch giả: Vũ Phi Yên- Trần Quỳnh Như dịch; NXB Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Thay Đổi Tí Hon – Hiệu Quả Bất Ngờ

Căn tính trồi lên từ các thói quen. Bạn không được sinh ra với các niềm tin có sẵn. Mỗi một niềm tin, bao gồm cả những niềm tin về bản thân, đều được học và quy định thông qua kinh nghiệm (1).

Nói cho đúng hơn, thói quen bạn có chính là cách mà bạn biểu hiện căn tính của mình ra ngoài. Khi bạn dọn giường mỗi ngày, bạn thể hiện căn tính của một người ngăn nắp. Khi bạn viết mỗi ngày, bạn thể hiện căn tính của một người sáng tạo. Khi bạn rèn luyện mỗi ngày, bạn biểu hiện căn tính của một người năng vận động.

Bạn càng lặp đi lặp lại một hành vi bao nhiêu thì bạn càng củng cố căn tính gắn với hành vi ấy bấy nhiêu. Thực tế là thuật ngữ identity (căn tính) có nguồn gốc phái sinh từ một từ Latinh, essentitas, nghĩa là being (sự tồn tại), và indentidem nghĩa là lặp đi lặp lại. Căn tính của bạn về mặt nghĩa đen có nghĩa là “sự tồn tại lặp đi lặp lại”.

Dù cho hiện tại căn tính của bạn là thế nào, bạn chỉ tin vào nó khi bạn có bằng chứng về nó. Nếu bạn đi nhà thờ mỗi chủ nhật liên tục trong hai mươi năm, thì bạn có chứng cớ rằng mình là người ngoan đạo. Nếu bạn học bài môn sinh học một giờ mỗi tối, bạn có bằng chứng cho thấy mình chăm chỉ. Nếu bạn duy trì tới phòng tập kể cả khi trời đổ tuyết, thì bạn có bằng chứng cho thấy bạn cam kết rèn luyện thân thể. Bạn có càng nhiều bằng cớ cho một niềm tin thì bạn tin vào nó càng mạnh mẽ.

Trong phần lớn giai đoạn thanh thiếu niên, tôi chưa bao giờ coi mình là một tác giả. Nếu bạn hỏi bất kỳ giáo viên trung học hay giảng viên nào ở đại học của tôi, họ sẽ trả lời rằng tôi chỉ là một người viết tàm tạm, nhiều nhất là vậy, chắc chắn không phải là người nổi bật. Khi tôi bắt đầu nghiệp viết của mình, tôi xuất bản một bài viết mỗi thứ hai và thứ năm trong vài năm đầu tiên. Khi bằng chứng tăng lên thì căn tính tác giả trong tôi mới đậm lên. Tôi chưa bao giờ bắt đầu như một tác giả. Tôi đã trở thành một tác giả thông qua thói quen của mình.

Dĩ nhiên thói quen của bạn không phải là hành động duy nhất ảnh hưởng đến căn tính, nhưng với tác dụng của tần suất, thường chúng lại là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi một kinh nghiệm bạn trải qua trong đời đều sẽ điều chỉnh hình ảnh bản thân bạn có, nhưng hiếm khi nào bạn định nghĩa mình là một cầu thủ bóng đá chỉ vì đã đá quả bóng một đôi lần, hay xem mình là họa sĩ chỉ bởi mình đã nguệch ngoạc ra một bức tranh. Tuy nhiên khi bạn lặp lại hành động này, chứng cớ sẽ tích lũy và hình ảnh bản thân bạn bắt đầu chuyển dịch. Tác dụng của các trải nghiệm một lần có xu hướng mờ đi trong khi tác dụng của thói quen sẽ được tăng cường theo thời gian, điều đó nghĩa là thói quen đóng góp phần lớn bằng chứng cho việc định hình căn tính. Theo cách này, quá trình xây dựng thói quen thực sự chính là quá trình hình thành cái tôi.

Đây là một tiến trình tiến hóa dần dần. Chúng ta thay đổi bằng cách ngồi nhịp ngón tay và quyết định rằng mình sẽ trở thành một con người hoàn toàn mới. Chúng ta thay đổi từng chút một, từng ngày một, từng thói quen một. Cái tôi của chúng ta liên tục trải qua công việc tiến hóa từng bước nhỏ.

Mỗi một thói quen đều giống như một sự gợi ý: “Nè, có khi đây chính là mình”. Nếu bạn hoàn thành một quyển sách, có khi bạn là kiểu người thích đọc. Nếu bạn đến phòng tập, có khi bạn là kiểu người thích vận động. Nếu bạn tập chơi guitar, có khi bạn là người thích âm nhạc.

Mỗi một hành động bạn thực thi là một lá phiếu cho loại người bạn muốn trở thành. Không có một khoảnh khắc đơn lẻ nào biến đổi niềm tin của bạn đâu, chỉ có các lá phiếu dồn lại, và bằng chứng về phần căn tính mới này hình thành. Đây cũng là một lý do vì sao các thay đổi có ý nghĩa không đòi hỏi tính triệt để. Các thói quen nhỏ có thể làm nên khác biệt ý nghĩa bằng cách cung cấp bằng chứng cho một căn tính mới. Và nếu một thay đổi có ý nghĩa, tức đó là thay đổi lớn. Ấy chính là nghịch lý về việc tạo ra các tiến bộ nhỏ.

Kết hợp những điều này lại, bạn có thể thấy rằng thói quen là con đường dẫn đến thay đổi căn tính. Con đường thực tế nhất để thay đổi con người hiện tại của bạn chính là thay đổi điều bạn làm.

– Mỗi khi bạn viết được một trang, bạn là tác giả.

– Mỗi khi bạn luyện tập violin, bạn là người chơi nhạc.

– Mỗi khi bạn bắt đầu rèn luyện thân thể, bạn là vận động viên.

– Mỗi khi bạn khích lệ nhân viên của mình, bạn là thủ lĩnh.

Mỗi một thói quen không chỉ dẫn đến một kết quả nào đẩy mà còn trao cho bạn một điều vô cùng quan trọng: Tin vào bản thân. Bạn bắt đầu tin rằng mình có thể thực sự hoàn thành được những điều này. Khi các lá phiếu đầy dần lên và bằng chứng bắt đầu biến đổi, câu chuyện bạn tự nói với bản thân cũng bắt đầu thay đổi.

Tất nhiên điều ngược lại cũng đúng. Mỗi khi bạn chọn làm theo một thói quen xấu, nó chính là một lá phiếu cho phần căn tính đó. Tin tốt là bạn không cần phải hoàn hảo. Trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, luôn luôn có lá phiếu cho cả hai bên. Bạn không cần một số phiếu tuyệt đối thì mới thắng cử, bạn chỉ cần đa số phiếu. Nếu có lỡ bỏ vài phiếu cho hành vi bất lợi hay thói quen kém hiệu quả thì cũng không sao cả. Mục tiêu của bạn đơn giản chỉ là thắng trong đa số thời gian.

Căn tính mới đòi hỏi bằng chứng mới. Nếu bạn tiếp tục bỏ các lá phiếu như trước giờ, bạn sẽ gặt được kết quả giống với trước giờ. Nếu không có gì thay đổi thì sẽ chẳng có điều gì khác đi.

Sau đây là quá trình hai bước:

  1. Quyết định kiểu người mà bạn muốn trở thành.
  2. Chứng minh với bản thân bằng các thắng lợi nho nhỏ.

Đầu tiên, bạn hãy quyết định xem bạn muốn trở thành người thế nào. Điều này đúng cho mọi tầm mức – mức độ cá thể, đội nhóm, cộng đồng, hoặc tầm mức một quốc gia. Bạn muốn đấu tranh cho điều gì? Nguyên tắc và giá trị của bạn là gì? Bạn mong muốn trở thành ai?

Đây là những câu hỏi lớn, và nhiều người không chắc mình nên bắt đầu từ đâu – nhưng họ lại biết chắc bản thân muốn loại kết quả nào: cơ bụng sáu múi, bớt lo âu hơn, hoặc là gấp đôi số lương hiện thời. Điều này cũng tốt thôi. Hãy bắt đầu từ chỗ đó và quay ngược trở lại một chút, từ các kết quả mà bạn muốn, kiểu người sẽ cho bạn loại kết quả này là người như thế nào. Hãy hỏi bản thân, “Ai sẽ cho tôi các kết quả mà tôi mong muốn?” Kiểu người nào sẽ đánh bay được gần hai mươi kí-lô? Ai sẽ học được một ngoại ngữ mới. Loại người như thế nào sẽ khởi nghiệp thành công?

Lấy ví dụ, “Kiểu người nào sẽ viết được một quyển sách?” Đó hẳn phải là người kiên định và đáng tin cậy. Vậy bây giờ mối bận tâm của bạn sẽ chuyển từ việc viết một quyển sách (dựa trên kết quả) sang trở thành kiểu người có tính cách nhất quán và đáng tin (dựa trên căn tính). 

Quá trình này có thể dẫn đến các niềm tin như:

– “Tôi là kiểu giáo viên sẽ đứng ra bảo vệ các em học sinh của mình”

– “Tôi là kiểu bác sĩ sẽ kiên nhẫn và thấu cảm với bệnh nhân của mình”

– “Tôi là kiểu quản lý sẽ ủng hộ nhân viên của mình”

Một khi bạn đã nắm bắt được kiểu người mà mình muốn trở thành, bạn có thể bắt đầu đặt những bước chân nhỏ vào con đường ấy và củng cố căn tính mong muốn của mình. Tôi có một người bạn, cô ấy đã giảm được khoảng bốn mươi lăm kí-lô bằng cách tự vấn, “Một người khỏe mạnh thường làm gì?” Suốt cả ngày, cô dùng câu hỏi này làm kim chỉ nam. Một người khỏe mạnh thì đi bộ hay đón taxi? Sẽ gọi một chiếc burrito (2) hay ăn một phần salad? Cô phát hiện ra là nếu cô hành xử như một người có lối sống lành mạnh đủ lâu thì cuối cùng cô sẽ trở thành người đó. Cô ấy đúng. 

Cái khái niệm về thói quen dựa-trên-căn-tính là bước đầu tiên giới thiệu ta đến với một chủ đề quan trọng khác trong quyển sách này: Vòng lặp phản hồi. Thói quen của bạn định hình căn tính, và căn tính của bạn sẽ định hình thói quen. Đó là con đường hai chiều. Sự hình thành tất cả thói quen đều là một vòng lặp phản hồi (chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về khái niệm này trong chương tiếp theo), nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ, hãy để giá trị của bạn, nguyên tắc của bạn và căn tính của bạn thúc đẩy dòng chảy của vòng lặp thay vì các kết quả. Trọng tâm chú ý nên được đặt vào việc trở thành một kiểu người nào đấy, chứ không phải để đạt được kết quả cá biệt.

Ghi chú:

(1) Hiển nhiên, có một số khía cạnh trong căn tính của ta có khuynh hướng không đổi theo thời gian – ví dụ như định dạng của ai đó là cao hay thấp. Nhưng ngay với những tính chất hay đặc điểm cố định như vậy, cái cách bạn nhìn chúng là tích cực hay tiêu cực cũng được quyết định bằng các kinh nghiệm bạn có trong đời. (TG)

(2) Loại bánh truyền thống của Mexico, thường có nhiều loại nhân khác nhau. (ND)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. CẦN BAO LÂU ĐỂ HÌNH THÀNH MỘT THÓI QUEN MỚI ?

Bài viết mới

  1. ĐẢN SANH VÀ NHẬP SƠ THIỀN TẠI LỄ HẠ ĐIỀN
  2. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ
  3. NHỮNG VÍ DỤ VỀ BUÔNG BỎ