TIỀN LÀ GÌ? QUAN ĐIỂM VỀ ĐỒNG TIỀN

KEN HONDA

Trích: Những Bài Học Đáng Giá Về Giàu Có - Túi khôn của tỷ phú Thụy Sỹ; NXB Hồng Đức, cty PHS Saigonbook

Kiểm chứng quan điểm về đồng tiền

– Quan điểm về đồng tiền của cháu là gì? – ông Hoffmann ôn tồn hỏi Nếu ra một bài luận rằng “Đồng tiền là…”, thì cháu sẽ đưa ra nhận định về đồng tiền như thế nào?

Đây không phải là một câu hỏi thông thường mà đây là bài tập ông Hoffmann dành cho tôi. Để tôi thực hiện bài tập khó này một cách hiệu quả, ông Hoffmann tiếp tục khích lệ: “Để tìm hiểu cặn kẽ về đồng tiền thì cháu cần phải nắm bắt chính xác quan điểm của mình về nó”.

Tôi xin ông 5 phút để suy nghĩ và sắp xếp những ý tưởng của mình. Và đó là 5 phút mà tôi phải chiến đấu hết sức với đề tài vì những ý tưởng cứ vụt đến rồi đi mà tôi không thấy đâu là đáp án hợp lý. Cuối cùng, tôi viết vào mảnh giấy những suy nghĩ hạn hẹp của mình: “Tiền = Sức mạnh, Tiền = Tự do, Tiền = Tình bạn”.

– Ông Hoffmann nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc của tôi trên trang giấy trắng, mỉm cười hiền hậu:

– Cháu đã biết tùy theo suy nghĩ của mỗi người mà cách nhìn nhận về đồng tiền sẽ khác nhau phải không nào?

Vâng, chính cháu cũng rất ngạc nhiên. Trước đây cháu chỉ nghĩ đơn giản tiền là tiền thôi, nhưng không ngờ nó lại có nhiều ý nghĩa như vậy.

– Cách ta nhìn nhận về tiền bạc sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chính mình. Đối với người bình thường giá trị của tiền bạc vô cùng đa dạng. Trong công việc, trong tình yêu, trong tình bạn, sẽ có cách nhìn nhận về giá trị đồng tiền khác nhau. Thậm chí trong chính bản thân ta, tùy vào thời điểm khác nhau mà cũng có cách nhìn về tiền bạc khác nhau. Xác định quan niệm về tiền bạc cũng chính là đang tạo ra lối sống cho riêng mình. Nghe thì hơi khó hiểu nhưng ông sẽ giải thích cụ thể từng chút một.

Rồi ông Hoffmann giảng giải cho tôi từng chút một về những ý nghĩa của tiền bạc mà con người thường gán ghép cho nó. Ông nói chậm rãi, từ tốn đúng như phong cách quý tộc của mình. Còn tôi thì im lặng và chăm chú lắng nghe. Tôi cảm thấy hình ảnh bản thân mình đâu đó trong những câu chuyện tiền bạc của ông Hoffmann.

9 GIÁ TRỊ THƯỜNG ĐƯỢC GÁN GHÉP CHO TIỀN BẠC

Tiền = Năng lượng, quyền lực chi phối cuộc sống

– Trong nhóm người nhìn nhận tiền bạc là nguồn năng lượng đầy quyền lực thì cuộc sống luôn được quyết định bởi chính sức mạnh của nó và dường như nó quyết định luôn giá trị của họ. Chúng ta thường rất dễ đo được lòng của nhóm người này bằng lượng tiền khiến họ xoay chuyển. Đối với những người có sức mạnh và tiền bạc hơn họ thì nhóm người này ngay lập tức sử dụng chiêu xu nịnh. Ngược lại, đối với người kém cỏi hơn họ về kinh tế thì họ tỏ thái độ kiêu căng trịch thượng. Dĩ nhiên, họ cũng không nhận được bất kỳ sự tôn kính thật lòng nào từ người khác, hơn nữa tâm trạng lúc nào cũng bất an và lo lắng. Họ bất an vì sợ mình sẽ thua kém người khác, thế nên họ luôn tìm cách để trèo lên phía trên và cứ bành trướng cuộc đấu tranh giành quyền lực mãi không chán. Lúc nào cũng đặt nặng vấn đề thắng thua thì đến một lúc nào đó sẽ trở nên vô cùng mỏi mệt.

Tiền = Tự do

Rất nhiều người nghĩ rằng có thể trở nên tự do nếu có nhiều tiền. Nhưng, chưa chắc có nhiều tiền sẽ có được sự tự do. Ví dụ khi trúng vé số, có được rất nhiều tiền nhưng số tiền đó lại khiến cho tâm trạng họ bất an, nơm nớp lo sợ bị mất, chẳng phải là không thể sống thoải mái hay sao? Hầu hết những người bình thường, để có nhiều tiền, họ trở nên bận rộn, ngập ngụa trong công việc, tăng ca đến tận khuya. Họ cho rằng chịu đựng sự căng thẳng, mệt mỏi này thêm chút nữa thì mình sẽ được tự do. Thế nhưng khi đã có tiền thì họ cũng không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của việc đi làm – căng thẳng – kiếm tiền – đi làm… Kết cục, những người như thế, dẫu có giàu có, nhưng không thể tự do được.

Tiền = An toàn

– Có một kiểu người quan niệm rằng có tiên là có được sự an toàn. Với kiểu người này, khi ngủ luôn để tiền ngay bên cạnh đầu giường. Cuộc đời họ quanh quẩn với nỗi lo về tiền bạc, chẳng hạn như nỗi bất an: của tuổi già, nỗi bất an tái cơ cấu ở công ty, nỗi bất an có thể sẽ ly hôn,… Chính vì vậy, họ cố gắng suy nghĩ làm sao dành dụm được nhiều tiền nhất có thể để củng cố sự an tâm của chính mình.

Nhưng đáng tiếc thay, cái gọi là an tâm là thứ thuộc về xúc cảm và không gì có thể đo đếm, ước chừng được. Trong tương lai họ cũng sẽ bị bao trùm bởi nỗi bất an mà dù hiện tại nắm giữ một số tiền lớn đến đâu cũng không có lợi ích gì. Với kiểu người này thì tốt nhất là phải xác định được rằng cái mà họ đang thiếu đó chính là sự yên ổn trong tâm hồn chứ không phải là tiền bạc.

Tiền = Giá trị của bản thân

– Kiểu người cho rằng giá trị của bản thân được quyết định dựa trên số tiền họ sở hữu sẽ luôn chú ý và cố gắng hết sức để số tiền mà họ đang có không bị giảm đi. Điều này thực hết sức khó khăn. Họ cho rằng nếu tiền bị giảm, giá trị của bản thân cũng giảm theo và ngược lại, nên họ chẳng bao giờ thấy hài lòng với những gì mình đang có. Với những người như vậy, khi họ đánh mất tiền thì chẳng khác nào bị một mũi dao đâm thẳng vào tim, đau đớn vô cùng. Kiểu người này cực kỳ để ý đến thu nhập hàng năm của mình và của người khác. Họ thường đo giá trị của bản thân cũng như giá trị của người đối diện bằng chiếc thước tiền bạc. Họ cho rằng, khi vung tiền tặng những món quà đắt giá cho người khác và nhận lại được sự kính cẩn, nịnh nọt, chiều chuộng từ đối phương cũng là một cách khẳng định giá trị của mình.

Tiền = là thứ dơ bẩn, xấu xa

– Có nhiều người vì không nhìn thấy được khía cạnh tốt đẹp của đồng tiền nên nghĩ rằng đồng tiền thật dơ bẩn. Đặc biệt những người từ nhỏ được nuôi dưỡng trong môi trường có tính chất tôn giáo sẽ dễ có suy nghĩ như thế. Họ không thấy những trường hợp bất hạnh được đồng tiền cưu mang, những mảnh đời nghèo khó được đồng tiền cứu giúp… Khi bắt gặp những ánh mắt hoang hoải, buồn bã của người nghèo khổ, thay vì nghĩ rằng tiền bạc sẽ giúp những người bất hạnh đó có một cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn thì kiểu người này lại càng thêm phỉ báng sự xấu xa, xa bẩn của đồng tiền.

Tiền = Tình bạn

– Có nhiều người nghĩ rằng bạn bè bao ta ăn, bạn bè cho ta mượn tiền thì mới là bạn bè tốt. Cũng giống như trả lại tiền mà ta đã cho mượn thì mới là bạn bè tử tế. Nghĩ như thế có nghĩa là tình bạn của họ đang bị chi phối bởi đồng tiền. Trong tình bạn, dĩ nhiên có yếu tố giúp đỡ qua lại. Tuy nhiên, đừng đánh đồng điều đó với tiền bạc. Khi bị trói buộc bởi tiền bạc sẽ phá hỏng đi sự chân thành, vui vẻ trong tình bạn.

Tiền = Tình yêu

– Kiểu người nghĩ rằng tiền bạc chính là tình yêu sẽ luôn muốn sử dụng tiền bạc để thể hiện tình yêu. Cũng giống như trong tình bạn, bản chất của tình yêu cũng là trao tặng cho nhau vô điều kiện. Khi yêu, người ta sẵn sàng đem tất cả số tiền mình có trao tặng cho đối phương. Nhưng nếu cho mà mang kỳ vọng hay suy nghĩ rằng người được nhận có nghĩa vụ đối xử tốt với mình, cung phụng mình thì đó không phải là tình yêu. Tiền lúc này sẽ trở thành một thứ vật chất để đảm bảo sự chung thủy trong tình yêu. Nếu tình yêu duy trì dựa trên tiền bạc thì một khi tan vỡ nó sẽ hóa thành thù hận. Cháu chỉ cần nhớ một điều duy nhất. Từ đây về sau, nếu cháu từ chối tất cả những món quà dù nhỏ nhất thì cháu sẽ không bao giờ phải chịu sự đòi hỏi từ người khác. Ông Hoffmann đã mỉm cười với tôi trong khi tôi chăm chú lắng nghe.

– Ông đã nói liên tục những điều tiêu cực, bây giờ ông sẽ đề cập tới những điều tích cực nhé! Ông Hoffmann lại tiếp tục câu chuyện.

Tiền = Giúp đỡ

– Những người nghĩ rằng tiền bạc là sự giúp đỡ sẽ có một cuộc sống vô cùng vui vẻ và thoải mái. Khi toàn tâm toàn ý giúp đỡ một ai đó bằng tiền, người cho đi sẽ cảm thấy rất thoải mái và nhẹ nhàng. Hơn nữa, nếu nghĩ số tiền mà mình đang có được chính là sự trao tặng đóng góp, ủng hộ của những người khác mà nên thì sẽ càng có thêm nhiều động lực và dũng khí để cho đi.

Tiền = Cảm tạ

– Cuộc sống sẽ hạnh phúc nếu người cho đi luôn có sự chân thành con người nhận lấy luôn biết ơn vì những gì mình được trao tặng. Thế nhưng trong thực tế con người hiện đại rất xem trọng đồng tiền, học nó như sinh mạng thứ hai của mình nên hiếm có ai sẵn lòng trao đi. Còn người nhận thì thay vì biết ơn và cảm tạ những gì mình đang có thì lại cảm thấy chưa thỏa mãn bởi số tiền nhận được luôn ít ỏi. Và cả hai thái độ đó đều không mang lại niềm vui trong cuộc sống. Chỉ có sống mà luôn thấy biết ơn những gì mình có được thì mới đảm bảo rằng cả đời này không bao giờ phải mệt mỏi vì những chuyện căng thẳng, rắc rối không đâu.

Tôi chăm chú lắng nghe từng lời của ông Hoffmann và thấy đầu óc mình đang dần mở ra những hiểu biết mới.

Ông nói tiếp:

– Đến đây cháu đã hiểu rõ chưa? Con người thường chỉ nhìn vào những gì mình muốn thấy. Trong chuyện tiền bạc cũng thế, người ta thường dùng tiền theo cách mà mình quan niệm về nó. Ông tin rằng bất cứ ai cũng có một quan niệm riêng về tiền bạc. Những người mà ta đang tiếp xúc như cha mẹ, ông bà, họ hàng, anh chị em… khi còn nhỏ chắc chắn họ cũng có nhiều niềm tin khác nhau về đồng tiền. Ban đầu có lẽ là những niềm tin tích cực, nhưng càng về sau, cách nhìn nhận của họ về đồng tiền ngày càng trở nên mâu thuẫn và thực dụng. Chính vì vậy, họ phải sống trong sự hỗn loạn về tiền bạc và bị nó chi phối mãi mãi cho đến tận cuối đời.

Những điều ông Hoffmann nói khiến tôi có cảm giác việc thoát khỏi sự chi phối của đồng tiền và trở nên tự do là một điều không tưởng. Tự do ư? Tôi như nhận ra chân mình đang bị trói vào một sợi xích nặng trịch, không tài nào chạy trốn được.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI MÌNH – TUỔI 30 HOÀI BÃO
  2. 5 KỸ NĂNG ĐỀ TỰ XOAY CHUYỂN CHÍNH MÌNH
  3. MỐI LIÊN QUAN GIỮA NGƯỜI CỘNG SỰ VÀ TIỀN

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU