MATTHIEU RICARD
WOLF SINGER
Trích: Những Nẻo Đường Chiêm Nghiệm; Người dịch: Lê Trường Sơn; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2023
Matthieu: Tôi nghĩ rằng kỹ thuật trị liệu nhận thức đến khá gần với điều đó. Khi tôi gặp Aaron Beck, người sáng lập liệu pháp nhận thức và hành vi, ông nói với tôi rằng ông bị ấn tượng bởi sự hội tụ của phương pháp trị liệu đó với cách tiếp cận của Phật giáo.
Có thể hình dung một trong số những điểm tương đồng mà Aaron Beck nhận thấy là loại bỏ “sáu phiền não chính”: bám chấp và ham muốn, giận dữ và thù địch, kiêu ngạo và rối loạn tâm thần –những thứ sẽ dần được thay thế bằng sự thanh thản, từ bi và tự do nội tâm. Ông cũng lưu ý những điểm giống nhau trong việc áp dụng các quy trình và kỹ thuật thiền định nhằm giảm bớt những ngụy tạo về tinh thần dẫn đến những phiền não này.
Trên thực tế, một trong những mục tiêu của các liệu pháp nhận thức là nhằm đạt được nhận thức về những ngụy tạo và cường điệu tinh thần mà các cá nhân áp đặt lên những sự kiện và tình huống nhất định. Các liệu pháp nhận thức và Phật giáo cũng nhằm mục đích giảm bớt khuynh hướng của mọi người trong việc giành lấy sự ưu tiên cao nhất, và đôi khi là độc quyền, cho các mục tiêu và ham muốn của riêng họ. Điều này không những gây bất lợi cho người khác, mà còn cho sức khỏe và tinh thần của chính họ. Beck lưu ý rằng những người đau khổ bởi các vấn đề tâm thần trải qua việc tập trung quá mức vào bản thân: Họ liên kết mọi thứ với bản thân, chỉ quan tâm đến việc thực hiện các mong muốn và nhu cầu của riêng mình, Cũng phải nói rằng những người “bình thường” thường thể hiện cùng một một kiểu “tự ngã” như nhau nhưng ở mức độ thấp hơn và theo cách tinh tế hơn. Phật giáo cố gắng làm giảm thiểu đi các đặc điểm này.
Những gì chúng ta thực sự cần là xác định các sự kiện tinh thần phát sinh trong tâm trí của chúng ta và khéo léo giải quyết chúng. Có rất nhiều thứ tiếp tục làm chúng ta thất vọng bởi sự áp đặt lên thực tế hay ngụy tạo về tinh thần mà chúng ta có thể dễ dàng giải mã. Chúng ta cần khéo léo hơn trong việc chú ý đến tất cả các sắc thái của những gì đang thực sự xảy ra trong tâm trí mình và giải thoát thành công bản thân khỏi bị nô lệ bởi những suy nghĩ của chính chúng ta. Đây là cách người ta có thể đạt được tự do nội tâm.
Chúng ta đầu tư rất nhiều nỗ lực vào việc cải thiện các điều kiện ngoại cảnh của cuộc sống, nhưng đến cuối cùng, tâm trí vẫn luôn là thứ trải nghiệm thế giới và diễn dịch những điều kiện bên ngoài này thành hạnh phúc hay đau khổ. Nếu chúng ta có thể biến đổi cách chúng ta nhận thức sự vật, thì chúng ta sẽ đồng thời biến đổi chất lượng cuộc sống của chúng ta. Một tâm trí bình thường thường bối rối, kích động, nổi loạn và phụ thuộc vào vô số các khuôn mẫu tự động. Mục tiêu không phải là khiến cho tâm trí ngừng hoạt động và làm nó trở nên chay tịnh như một loại rau, mà là làm nó trở nên tự do, sáng suốt và cân bằng.
Wolf: Tôi hoàn toàn đồng ý nhưng có thể có nhiều cách khác nhau để đạt được điều đó. Các nền văn hóa khác nhau đề xuất các chiến lược khác nhau, mở rộng từ các cuộc đối thoại của Socrates về bản chất của sự vật và điều kiện con người đến một loạt các thực hành tâm linh. Hầu hết chúng được nhập chung vào các hệ thống tôn giáo, các quan điểm nhân văn dựa trên lý tưởng giác ngộ, cho đến các chương trình giáo dục khác biệt, và cuối cùng là can thiệp trị liệu. Phải chăng người ta không muốn dành một số nỗ lực để xác định các chiến lược hiệu quả và thiết thực nhất?
Matthieu: Tất nhiên có nhiều cách để đạt được điều đó. Chỉ riêng trong Phật giáo, người ta đã nói đến 84.000 cánh cổng dẫn vào con đường giải thoát. Nhưng điều quan trọng là phương pháp nào thực sự phù hợp với bạn, dựa trên khuynh hướng tinh thần, hoàn cảnh sống và năng lực của riêng bạn. Nếu bạn muốn mở một cánh cửa, thì bạn cần đúng chìa khóa. Một chiếc chìa khóa vàng cũng sẽ là vô dụng nếu thứ bạn thực sự cần để mở được cánh cửa là một chiếc chìa khóa sắt cũ.
Wolf: Tôi có thể nói rằng chiến lược hiệu quả nhất từ trước đến nay là sự mã hóa nhân quyền trong các bản hiến pháp hiện đại, dân chủ và áp dụng các biện pháp chế tài đành cho những vi phạm quy tắc xã hội – song song với sự phát triển của các hệ thống chính trị, kinh tế để bảo vệ tự do của cá nhân và tối ưu hóa bình đẳng. Chắc chắn những thước đo này phải đi cùng với sự biến đổi của các cá nhân được gắn vào những hệ thống này để có tác động lớn nhất. Nếu ta giảm thiểu đi các tác nhân bên ngoài gây nên đau khổ và nếu xã hội cũng như các chính phủ được cấu thành bởi lòng trắc ẩn, vị tha, công lý và trách nhiệm đã được công nhận và khen thưởng, thì con người có nhiều khả năng thể hiện những đặc điểm đó và ngược lại.
Matthieu: Xã hội và các tổ chức của nó ảnh hưởng và quy định cho các cá nhân, nhưng ngược lại, cá nhân cũng có thể lần lượt làm cho xã hội và các tổ chức phát triển tốt. Khi sự tương tác này tiếp diễn qua các thế hệ, văn hóa và các cá nhân tiếp tục định hình lẫn nhau. Sự tiến hóa văn hóa có thể được áp dụng cho cả hai giá trị đạo đức – một số giá trị nhất định sẽ được truyền từ cá nhân này sang cá nhân khác – và niềm tin nói chung, trong một chừng mực khi nó chắc chắn mang lại cho mọi người cơ hội tồn tại cao hơn.
Nếu chúng ta muốn khuyến khích một xã hội quan tâm và nhân văn hơn để phát triển, thì việc đánh giá khả năng thay đổi của cả cá nhân và xã hội là rất quan trọng. Nếu con người không có khả năng tự tiến hóa, sẽ tốt hơn nếu chúng ta tập trung mọi nỗ lực vào việc thay đổi các thể chế, xã hội và không lãng phí thời gian để khuyến khích chuyển đổi cá nhân. Nhưng theo kinh nghiệm của những người chiêm nghiệm, một mặt, họ nghiên cứu về tính dẻo dai và biểu sinh; mặt khác, họ chỉ ra rằng các cá nhân có thể thay đổi.
Wolf: Tất nhiên. Nếu không, chúng tôi sẽ không đầu tư nhiều hy vọng vào khả năng giáo dục để nuôi dưỡng những đặc điểm tính cách có thể làm giảm bớt đau khổ cá nhân và góp phần ổn định xã hội hòa bình. Nhưng hiệu quả của giáo dục là không thể tranh cãi, và giá trị của thái độ mà ngài tuyên bố là kết quả của đào tạo chiêm nghiệm cũng vậy. Cần điều tra các bằng chứng khoa học cho thấy thiền định có sức mạnh biến đổi mà ngài ủng hộ hay các xã hội mà trong đó các thực tiễn chiêm nghiệm được phổ biến rộng rãi sống trong sự bình yên lớn hơn và ít gây đau khổ hơn cho các thành viên của họ, so với các xã hội mà trong đó việc tu luyện như vậy là không phổ biến.