RẮC RỐI CÓ LIÊN QUAN TỚI ĐỘNG LỰC CỦA CHÚNG TA

JIGME RINPOCHE

Trích “Sống hài hòa với cảm xúc”; Người dịch: Hoàng Lan; Hiệu đính: Thanh Phạm, Bình Hồ, Hồng Lê; NXB Thế Giới, 2019

Trong hầu hết mọi hoàn cảnh, chúng ta toàn củng cố cho các cảm xúc của mình. Khi chúng ta không hạnh phúc, chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm những lý do ở bên ngoài. “Tôi ghen tị vì anh ta được thăng chức chứ không phải là tôi.” Chúng ta cảm thấy như thế này là vì ai đó hoặc sự kiện nào đó. Chúng ta cứ phản ứng như thế này suốt. Nhưng chúng ta có thể thay đổi. Nếu chúng ta quan sát những cảm xúc thì sẽ thấy thật ra, chúng cũng chẳng có gì là quan trọng. Và cả những nguyên nhân bên ngoài mà chúng ta đổ lỗi cho cũng chẳng quan trọng. Thật ra, mỗi khi chúng ta đối diện với một hoàn cảnh không thoải mái, chúng ta có thể phản ứng khác đi so với thói quen thông thường của mình. Hay nói cách khác, chúng ta chọn cách thư giãn và suy nghĩ cho người khác.

Ý tưởng về Tâm Bồ Đề, hay ý nghĩ cởi mở hơn với mọi người là điều xa lạ với một số người. Họ không thể cư xử với tâm rộng mở này, có lẽ, vì họ chẳng thấy có lý do gì để làm thế. Có lợi ích gì khi hành động với tình yêu thương chứ. Hoặc hỏi theo cách khác, có bất lợi gì khi không hành động với Tâm Bồ Đề? Thực tế là khi hành động vì lợi ích chỉ của bản thân chắc chắn sẽ dẫn tới đau khổ và bất hạnh. Chúng ta nên quan sát để thấy điều này là đúng đắn trong những hoàn cảnh của mình và của người khác. Vị kỷ cung cấp năng lượng cho các nguyên nhân của cảm xúc, và do đó, tạo lên nhiều cảm xúc mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng.

Kết quả là chúng ta thấy mình chạy cuống cuồng từ một cảm xúc này đến một cảm xúc khác, tiêu tốn nhiều năng lượng và khuấy động những căng thẳng khiến chúng ta chết dần chết mòn. Khi đó, chúng ta không thể thỏa mãn và trở nên đau khổ. Ngay khi chúng ta mới đạt được điều này, chúng ta ngay lập tức đi tìm kiếm một điều khác và cuộc đua tiếp tục.

Khi chúng ta hành động vì người khác thì lại khác. Những hành động này không làm mất năng lượng nhiều như các hành động đã nêu ở trên bởi vì các nguyên nhân của cảm xúc có liên kết với bản ngã được để ý tới. Tham muốn và ghét bỏ của chúng ta, ngay cả khi chúng khởi lên cũng không còn mạnh mẽ nữa. Và do đó, chúng ta không cảm thấy quá buồn khi mọi thứ không theo ý mình. Chúng ta cũng không cảm thấy quá thích thú khi đạt được ý mình muốn. Chúng ta có thời gian để suy nghĩ sáng tỏ, xem xét hoàn cảnh một cách thích đáng và hành xử một cách hợp lý. Tình trạng căng thẳng được giữ ở mức thấp nhất.

Khi không có mong muốn, và khi chúng ta quan tâm tới người khác, chẳng có lý do gì để cảm thấy bất hạnh cả. Chúng ta cảm thấy thỏa mãn trong mọi hành động mà chúng ta có thể làm. Một điều tuyệt vời từ việc hành động vì người khác là khả năng cởi mở với mọi người một cách tự nhiên. Và kết quả là chúng ta cảm thấy thoải mái với chính mình và trong mối quan hệ với mọi người.

Thường có nhiều lý do khác nhau để thực hiện một hành động. Hãy hỏi mình: “Tại sao mình lại làm vậy?” – “Vì buộc phải như thế” có thể là câu trả lời. Nhưng động lực thì có thể khác biệt. Chúng ta có thể làm điều này vì chính bản thân hoặc là vì lợi ích của mọi người nói chung hoặc vì những người thân của mình. Tuỳ theo mục đích mà mong đợi của chúng ta khác nhau. Và kết quả thất bại sẽ ảnh hưởng tới chúng ta cũng khác nhau.

Nếu chúng ta hành động chỉ bởi vì chúng ta phải làm thế, thì sẽ thật tồi tệ khi có ai đó bị tổn thương trong quá trình hành động. Chúng ta đã không cẩn thận vì chúng ta cảm thấy chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Kết quả là tất cả những gì mà chúng ta theo đuổi. Khi có điều gì đó không như kế hoạch, chúng ta cảm thấy lo lắng, cảm thấy mình đang tốn công vô ích. Điều này cũng đúng khi chúng ta hành động chỉ vì bản thân mình.

Chúng ta sẽ còn cảm thấy tồi tệ hơn khi chúng ta thất bại bởi vì những liên hệ cá nhân. Chúng ta có thể có biết hoặc không biết rằng hành động của chúng ta đã làm người khác bị tổn thương. Lúc nhận ra thì đã muộn rồi và chúng ta lấy lý do là chúng ta không cố ý. Nhưng, tác động của hành động tiêu cực không thể được xoá bỏ trong cả hai tình huống. Và những bên liên quan, trong đó có chúng ta, sẽ phải đau khổ vì những hậu quả tiêu cực sẽ đến về sau.

Khi chúng ta hành động mà có quan tâm đến người khác mà sự việc không thành thì một cách tự nhiên là chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua hơn. Chúng ta biết mình muốn giúp và do đó, chúng ta đã hành động. Và như vậy, chúng ta, ít nhất, là đã đạt được ý muốn giúp đỡ của mình. Và những thất vọng của chúng ta sẽ không mạnh mẽ như là trong hai trường hợp kể trên. Do chúng ta đã quan tâm tới người khác, hành động của chúng ta thường là sẽ vô hại. Do đó, khả năng phạm sai lầm giảm đi.

Thậm chí một việc nhà như là lau sàn nhà hay dọn dẹp nhà cửa, nếu chúng ta làm vì chúng ta phải làm, thì thà là chúng ta làm cái gì đó vui vẻ, thú vị hơn, dễ dàng hơn, ít buồn chán hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm để cho gia đình mình có thể tận hưởng nhà sạch hoặc để bạn bè tới chơi thì hành động này lại thành sự trao tặng của chúng ta dành cho những người này. Chúng ta sẽ làm với cả trái tim và lòng nhiệt thành – cũng vẫn là hành động ấy, nhưng với động lực khác nhau: cách vị kỷ và cách cởi mở – sự lựa chọn là ở ta.

Nói chung, khi mọi chuyện diễn ra theo ý của chúng ta, chúng ta cảm thấy ổn. Khi không như thế, chúng ta buồn bã, đau khổ. Khi chúng ta cãi nhau với ai đó, người ấy luôn có lỗi. “Anh ta không làm điều tôi muốn.” Nói ngắn gọn, chúng ta chỉ muốn theo ý mình. Người Tạng có một từ để biểu đạt cho một cách khác – luôn bao gồm cả người khác, và quan tâm tới hạnh phúc của người khác. Chúng ta không cần phải xem mình là quan trọng. Khi mọi thứ hơi sai một chút, chúng ta có thể giải quyết được.

Một lần nữa, tốt hay xấu là tuỳ thuộc vào động lực của chúng ta. Phải ghi nhớ là hành động của chúng ta có thể sẽ mang lại cùng một kết quả – bất kể là chúng ta có quan tâm tới người khác hay không. Sự thiếu vắng của tính vị kỷ giúp chúng ta xử lý những khó khăn, trở ngại tốt hơn. Chúng ta không bị vướng vào những quan điểm cố chấp và hạn hẹp. Mọi chuyện không còn nhất thiết là phải theo đúng và hoàn hảo như là cách mà chúng ta muốn chúng phải thế. Sự thư giãn này chỉ đến khi tầm quan trọng của cá nhân ta đã giảm đi đáng kể.

Phần lớn những lần chúng ta đối diện với một trở ngại bất ngờ, cách mà chúng ta trải nghiệm nó hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta mà thôi. Điều này không có nghĩa là chỉ khi nào chúng ta cư xử tử tế và luôn mỉm cười thì mọi thứ mới thành công. Một số người cố gắng giữ cho tâm bình yên bằng cách ngăn chặn mọi vấn đề khó khăn. Cả hai quan điểm này đều là sai lầm. Đây hoàn toàn không phải là điểm chính khi áp dụng Tâm Bồ Đề. Điểm chính là bằng cách quan tâm đến người khác, chúng ta trở nên thư giãn một cách tự nhiên và những lợi ích chung là chúng ta có thể trở nên hiệu quả hơn trong việc xử lý các tình huống.

Lấy ví dụ như là một người tình nguyện viên phiên dịch cho một buổi giảng pháp. Người tình nguyện viên này nhận thấy rằng công việc của anh là hữu ích cho những người không hiểu được ngôn ngữ của thầy giảng. Anh ấy hạnh phúc khi làm điều này vì người khác. Anh ấy thư giãn và cố gắng hết sức, và anh ấy cảm thấy thỏa mãn. Nhưng nếu anh ấy nhìn nhận mình như là một người phiên dịch chuyên nghiệp giỏi, thì anh ấy sẽ quan tâm tới chất lượng của việc dịch thuật. Do đó, anh ấy không còn thư giãn nữa mà luôn kiểm tra mình và nghĩ ra những cách để cải thiện. Và anh ấy nhanh chóng nhận thấy mình hết nhiệt tình và muốn ra ngoài làm chuyện gì đó khác.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHƯỚNG NGẠI CỦA VIỆC PHÁN XÉT
  2. CỐ GẮNG KHÔNG BÓP MÉO
  3. NHU CẦU HAY THAM MUỐN

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU