RÈN LUYỆN LÒNG BAO DUNG

MARCI SHIMOFF - CAROL KLINE

Trích: Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất, nguyên tác Happy For No Reason; Kim Vân dịch; NXB. Tổng Hợp Tp.Hồ Chí Minh

---???---

“Tha thứ là cung bậc cao nhất của tình yêu. Biết tha thứ, bạn sẽ có một tâm bồn hạnh phúc và bình yên”. _ROBERT MULLER

Tha thứ không phải là một điều dễ dàng nhất là khi bạn bị ai đó làm tổn thương. Nhưng vết thương lòng sẽ khó lành nếu bạn chưa biết tha thứ.

Nhiều người nghĩ rằng ghét bỏ, giận dữ và căm phẫn đối với người đã làm mình tổn thương là một cách để trừng phạt họ. Chúng ta thường cho rằng những cảm xúc này là cần dành cho đối phương để họ phải cảm thấy đau khổ, hối hận vì những việc đã làm. Nhưng có một sự thật là: không ai khác mà chính chúng ta đang tự hủy hoại mình, đang tự cứa sâu vào vết thương vốn dĩ vẫn còn rỉ máu trong tim. Một khi biết tha thứ, vết thương sẽ dần liền da và bạn lại có thể để tình yêu làm chủ. Nó như cơn gió mùa xuân tắm mát tâm hồn bạn và cuốn đi hết những hận thù bạn hằng chất chứa.

Câu chuyện của Mary – Hoa trái của sự tha thứ

Cuộc sống của tôi không được êm đẹp. Tôi đã va vấp rất nhiều trên trường đời, đặc biệt là sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi như một con nhím rất dễ xù lông chống trả lại mọi thứ. Tôi thấy thất vọng, rất thất vọng về con người, về tất cả. Cảm giác đó đã hình thành trong tôi lòng hận thù.

Một đêm năm 1996, tôi trải qua một biến cố lớn trong đời. Lúc ấy đã ba giờ sáng, tôi đang ngủ thì bỗng bị tiếng chuông điện thoại đánh thức. Tôi hoảng hốt nhấc điện thoại. Đầu dây bên kia là đứa con trai lớn của tôi, Jay báo cho tôi một tin khủng khiếp: con trai út vừa tròn mười tám tuổi của tôi, Robbie, đã bị bắn chết.

Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được nỗi đau tột cùng và cảm giác như cuộc đời mình thế là chấm hết. Tôi nghĩ đến cái chết, nhưng tôi biết mình phải gượng dậy vì những đứa con khác.

Shawn, kẻ bắn chết con trai tôi, bị bắt và bị truy tố trước tòa về tội sát nhân. Shawn và Robbie có quen nhau và hắn bắn Robbie trong một cuộc cãi vã. Hắn nhận tội, do vậy không cần phải điều tra gì nhiều mà chỉ chờ ngày xét xử của tòa án. Tôi phải chờ đợi trong vòng ba tháng để nghe lời phán quyết dành cho kẻ đã giết hại con mình.

Ngày phán quyết cũng đến, và lần đầu tiên tôi biết mặt kẻ sát nhân. Khi họ đưa Shawn vào phòng xử, hắn cúi gằm mặt xuống đất, không dám ngước mặt nhìn mọi người. Shawn cố che giấu khuôn mặt mình khiến hắn trông càng thảm hại. Tôi cảm nhận lòng hận thù đang sôi lên trong lòng. Sao hắn có thể giết con tôi? Tôi cố kìm nén cảm xúc và xin được gặp Shawn sau phiên xử.

Như lời hứa của quan tòa, sau phiên xử tôi được triệu tập đến một phòng dành riêng để gặp mặt Shawn. Tôi theo người quản canh đi dọc hành lang và nghe tim mình đập mạnh hơn theo từng bước chân. Tôi đang đi đến gặp kẻ đã giết con trai mình. Tôi đã phải chờ đợi quá lâu để cho hắn biết tôi cảm thấy thế nào trước hành động hắn chĩa súng vào con tôi và giết nó.

Tôi được kiểm tra trước khi đưa vào một căn phòng nhỏ có chấn song. Shawn đang đứng run ở góc phòng, hai tay bị còng và khoác trên người bộ quần áo tù nhân. Hắn không dám ngước mặt lên, hắn đang khóc như một đứa trẻ. Và khi tôi nhìn thấy hình ảnh cậu trai này, quá đơn độc, quá tuyệt vọng – không cha mẹ, không bạn bè bên cạnh và không sự giúp đỡ – đột nhiên tôi có một suy nghĩ khác.

Tôi xin được đến gần Shawn hơn. Lúc này, Shawn ngước mặt lên và tôi nhìn rõ khuôn mặt đẫm nước mắt của cậu ấy. Rồi đột nhiên, tôi hỏi một câu mà chính tôi cũng không ngờ: “Shawn này, cô ôm cháu được không?”. Tôi dang tay ôm cậu bé vào lòng. Cậu như tan chảy trên vai tôi. Cũng lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được sự vỡ òa cảm xúc của ai đó trên vai mình. Tôi đứng đó, và rồi tôi nhận ra lòng hận thù trong mình đã biến mất.

Rồi tôi nói tiếp: “Shawn, cô tha thứ cho cháu về những chuyện khủng khiếp cháu đã làm! Cô muốn Robbie ở nơi mà nó đáng ở chứ không phải trong nhà tù này. Cô sẽ cầu nguyện cho cháu mỗi ngày”. Tôi nhắc Shawn giữ liên lạc với tôi, sau đó, vị quản canh hộ tống tôi rời khỏi phòng.

Ít lâu sau, Shawn bắt đầu thụ án. Con tôi – Robbie đã đi và không một mức án nào trói buộc nó cả; tuy vậy, giờ đây, một cậu thanh niên khác đang mất đi tuổi trẻ đầy mơ ước của mình.

Tôi và Shawn vẫn thường liên lạc thư từ qua lại, còn cha mẹ Shawn đều không quan tâm đến cậu. Trong năm năm đầu kể từ ngày Shawn vào trại, tôi là vị khách duy nhất đến thăm.

Nhiều người không hiểu vì sao tôi có thể hành động như vậy, nhưng tôi nhận ra tha thứ không có nghĩa là bỏ qua mọi lỗi lầm, đơn giản là cho người khác một cơ hội. Nếu không biết tha thứ, vết thương trong tôi sẽ không bao giờ lành được và nó sẽ hành hạ tôi suốt cuộc đời. Sự tha thứ đã giúp tôi giải phóng chính mình. Nó giúp tôi có sức mạnh để bước tiếp trên cuộc đời.

Tôi nhận ra con người sẽ tự làm tổn thương mình nếu cứ giữ mãi lòng hận thù. Sự căm phẫn và lòng hận thù không giúp tôi có lại được đứa con mình.

Vì sao phải tha thứ

Nếu Mary có thể tha thứ cho kẻ đã giết chết con cô thì tôi tin chúng ta cũng cho thể bao dung cho những ai đã làm ta tổn thương.

Nhưng quả thực tha thứ là một việc hết sức khó khăn! Vì sao ư? Sau đây là năm lý do cơ bản nhất. Bạn thấy chúng có quen thuộc với mình không nhé:

  1. Chúng ta nghĩ tha thứ là bỏ qua hết mọi lỗi lầm.
  1. Chúng ta cho rằng tha thứ đồng nghĩa với việc phải thừa nhận người đã làm mình tổn thương.
  1. Chúng ta nghĩ cảm giác ghét bỏ một ai đó mang lại cho chúng ta sự kiểm soát và sức mạnh.
  1. Chúng ta cho rằng nếu tha thứ, chúng ta sẽ bị tổn thương một lần nữa.
  1. Chúng ta muốn trừng phạt đối phương.

Nhưng thật ra, mọi chuyện không như những gì con người vẫn nghĩ. Tha thứ không có nghĩa là bạn bỏ qua lỗi lầm của người đã làm bạn tổn thương – tha thứ là một món quà bạn dành tặng cho riêng mình, nó cho phép bạn mở lòng và quay về tin yêu cuộc sống.

Có một câu chuyện thế này: Hai nhà sư người Tây Tạng gặp lại nhau sau nhiều năm bị giam cầm trong nhà lao – nơi họ đã bị những tên cai ngục tra tấn dã man. Người thứ nhất hỏi:

– Anh có tha thứ cho họ không?

– Không! Tôi không bao giờ tha thứ cho những việc họ đã làm! – Người kia trả lời đầy căm phẫn.

Và người thứ nhất nhẹ nhàng nói:

– Tôi cho rằng anh vẫn đang bị giam cầm trọng cái nhà lao ấy.

Bạn hãy nhớ tha thứ không phải là xóa sạch mọi chuyện đã qua hay giải thoát cho kẻ phạm tội. Eva Kor, một người sống sót trở về từ trại tập trung đã công khai tha thứ cho bọn Đức Quốc xã – những kẻ đã sát hại cả gia đình cô và tồi tệ hơn, chúng còn dùng người em song sinh của cô làm vật thí nghiệm. Sự tha thứ của cô không có nghĩa là xá tội hoàn toàn cho những kẻ mất nhân tính kia, chỉ đơn giản là cô chọn cách trút bỏ một gánh nặng đã đè nặng trong lòng biết bao năm qua. Cô phát biểu về hành động tha thứ của mình như sau:

Tôi tin tưởng rằng là con người, ai cũng có quyền hưởng một cuộc sống yên bình không bị vướng bận vì những chuyện đã qua. Đối với phần lớn chúng ta, tha thứ là một chuyện rất khó bởi lẽ lòng hận thù trong ta bao giờ cũng quá lớn, chúng ta luôn muốn trả thù. Nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến và trân trọng những người đã khuất. Tôi tự hỏi liệu những người thân đã qua đời của tôi có cảm thấy thanh thản không nếu biết chúng ta – những người đang sống – lại có một cuộc đời nhuốm đầy lòng hận thù? Câu trả lời tất nhiên là không.

… Tôi làm điều này trước hết là vì chính bản thân tôi. Tha thứ chỉ là một phương thuốc giúp tôi làm lành những vết thương và hồi phục lại con người mình. Tôi gọi đó là thần dược vì nó rất khó có được, nhưng một khi đã sở hữu nó, chúng ta hoàn toàn tự do và hạnh phúc.

Tình yêu thương

Tôi từng có một người hàng xóm rất khó chịu, bà ta luôn la hét mỗi khi có việc không như ý. Bà cằn nhằn khi tôi để thùng rác quá gần lối vào nhà bà. Bà khó chịu khi ai đó đậu xe trước nhà hay con chó nhà bên cạnh chạy phá trong vườn. Cũng dễ hiểu vì sao tôi không thích bà. Một buổi trưa, tôi nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu. Tôi nhìn ra và thấy chiếc xe hú còi quẹo vào nhà bà. Lúc đó, tôi mới biết người hàng xóm của tôi đang bệnh khá nặng: bà mắc bệnh về thận và bà phải chịu đựng những cơn đau hành hạ hàng ngày. Sự khó chịu của tôi dành cho bà chợt biến mất. Từ hôm ấy cho đến lúc bà qua đời vào một năm rưỡi sau đó, tôi không những có cái nhìn thiện cảm hơn với bà mà còn tận tâm giúp đỡ bà tất cả những việc tôi có thể làm.

Khi bạn hiểu được đối phương đang phải chịu đựng những gì thì như một phép màu, nó sẽ giúp bạn thay thế những suy nghĩ tiêu cực của bạn về họ thành tình yêu thương chân thành và tạo tiền đề để bạn có thể tha thứ tất cả.

Quá trình tha thứ

  1. Hãy chọn một nơi yên tĩnh không bị ai làm phiền.
  1. Nhắm mắt lại và nghĩ về người đã làm bạn tổn thương hoặc căm ghét.
  1. Hít thở sâu vài lần và để cảm xúc tự do tuôn tràn, đừng cố gắng thực hiện hay nghĩ đến bất kỳ điều gì.
  1. Bạn không thể thay đổi người khác cũng như những gì đã xảy ra. Hãy tập trung vào cảm giác đó.
  1. Đừng quên đối phương vẫn là chính họ, vẫn là người đã làm bạn tổn thương, đó là một sự thật không thể thay đổi. Hãy để bản thân mình được trải nghiệm cảm xúc này.
  1. Những người làm tổn thương bạn cũng có những nỗi đau, những tổn thương của riêng họ. Có thể họ không nhận ra chúng nhưng chúng vẫn hiện hữu. Con người làm tổn thương nhau chỉ vì chính họ cũng đang bị tổn thương. Hãy nhìn họ với cái nhìn bao dung hơn. Thử hình dung một đứa trẻ đang bị đau và quấy khóc, nó phản ứng bằng cách chống trả lại người khác, bạn có thấy thương nó không?
  1. Ngồi tĩnh lặng trong vài phút hoặc nhiều hơn nếu bạn muốn, hãy trải nghiệm tình yêu thương, sự đồng cảm đang trỗi dậy trong tim mình.

???—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIẢI THOÁT PHIỀN MUỘN
  2. LẮNG NGHE TIẾNG NÓI NỘI TÂM
  3. LÒNG BIẾT ƠN

Bài viết mới

  1. MƯU MÔ CỦA CÁI THIỆN
  2. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU
  3. SỨC MẠNH CỦA LÒNG TỪ