SỰ ẤM ÁP TỰ NHIÊN CỦA TRÁI TIM

Nguồn: https://www.lionsroar.com/the-natural-warmth-of-the-heart; Hoàng Yến dịch Việt

23/03/2025
66 lượt xem

Pema Chödrön cho rằng, trước những biến cố của cuộc đời, bạn nhận ra sự ấm áp và tình yêu thương tự nhiên của bản thân. 

Thông thường phải trải qua mất mát, chúng ta mới có thể biết sự ấm áp tự nhiên thực sự là gì. Chúng ta đi qua chuỗi ngày của cuộc đời, như một thói quen, coi cuộc sống hiển nhiên là vậy. Và rồi khi chúng ta hay một người thân yêu nào đó của chúng ta bị tai nạn hay ốm nặng, chúng ta cảm thấy như được tháo băng bịt mắt. Chúng ta nhận ra sự vô nghĩa của nhiều điều đang làm và sự trống rỗng của nhiều điều ta đang bám víu. 

Nhận thức này tác động mạnh mẽ tới tôi khi tôi được yêu cầu xem lại những đồ dùng của mẹ tôi sau khi bà qua đời. Bà giữ những cái hộp giấy và những nữ trang mà bà trân trọng, những thứ mà bà đã cất kỹ sau nhiều lần chuyển qua những nơi ở ngày càng nhỏ hơn. Đối với bà, chúng đại diện cho sự an toàn và thoải mái, bà không thể vứt bỏ những thứ đó đi. 

Giờ đây chúng chỉ là những cái hộp chứa đồ dùng, những thứ không có ý nghĩa gì và cũng chẳng đại diện cho sự thoải mái hay an toàn đối với bất cứ ai. Đối với tôi, chúng chỉ là những đồ vật trống rỗng, nhưng mẹ tôi thì đã giữ chúng mãi. Xem những thứ này khiến tôi cảm thấy buồn và đầy suy tư. Sau này có thể tôi sẽ không bao giờ coi những nữ trang của tôi theo cách đó. Tôi xem những thứ đó như chúng vốn vậy, không giá trị hơn mà cũng không vô giá trị (không hơn không kém), và tất cả những gì chúng ta gán cho nó, mọi nhìn nhận và quan điểm của chúng ta về chúng, đều là tùy tiện. 

Đây là một trải nghiệm khám phá về sự ấm áp căn bản. Sự mất mát mẹ mình cùng với nỗi đau của việc nhìn thấu về cách chúng ta áp đặt những phán xét và đánh giá, những định kiến, thích và không thích của mình lên thế giới, khiến tôi cảm thấy vô cùng thương hại cho những gì mà con người chúng ta đang chia sẻ. Tôi nhớ mình đã tự giải thích với bản thân rằng cả thế giới này, bao gồm cả những người như tôi, thường làm quá lên về những chuyện không đâu và vô cùng đau khổ vì điều đó. 

Khi cuộc hôn nhân thứ 2 của tôi đổ vỡ, tôi đã nếm trải tận cùng của nỗi đau, nỗi buồn hoàn toàn vô căn cứ, và tất cả lá chắn bảo vệ mà tôi luôn luôn cố giữ đã tan tành từng mảnh. Và thật ngạc nhiên, cùng với nỗi đau, tôi đồng thời cũng cảm nhận có một sự tử tế dành cho những người khác. Tôi nhớ sự cởi mở và nhẹ nhàng hoàn toàn mà tôi cảm nhận được đối với những người gặp thoáng qua ở bưu điện hoặc ở cửa hàng rau quả. Tôi thấy bản thân đang tiếp cận những người mà tôi tình cờ gặp, cũng như tôi – hoàn toàn sống động, hoàn toàn có thể nhỏ nhen và tử tế, vấp ngã và lại tiếp tục đứng lên. 

Trước đây tôi chưa từng trải qua sự tiếp xúc thân mật như vậy với những người không quen biết. Tôi có thể nhìn vào mắt của những người thủ kho và thợ sửa xe, người ăn xin và trẻ em, và cảm thấy sự giống nhau giữa chúng tôi. Chẳng hiểu vì sao khi tôi cảm thấy trái tim tan vỡ, những phẩm chất của sự ấm áp tự nhiên, những phẩm chất như sự tử tế, sự đồng cảm, lòng biết ơn, lại tự nhiên xuất hiện. 

Khi trái tim tôi tan vỡ, những phẩm chất của sự ấm áp tự nhiên, những phẩm chất như lòng tử tế và sự cảm thông, sự đồng cảm và lòng biết ơn lại tự nhiên xuất hiện. 

Mọi người nói điều đó cũng giống như New York vài tuần sau ngày 11/9. Khi thế giới mà họ biết sụp đổ, cả thành phố đầy những con người tìm đến nhau, chăm sóc nhau, nhìn vào mắt nhau không ngại ngùng. 

Một điều khá phổ biến là khủng hoảng và nỗi đau đã kết nối mọi người với nhau bằng tình yêu và sự quan tâm. Và cũng hết sức bình thường nếu sự cởi mở và đồng cảm này nhanh chóng nhạt đi, những con người đó cũng trở nên e ngại và cảnh giác, khép kín hơn so với trước đó. Vì thế, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để không chỉ khám phá ra sự dịu dàng và ấm áp vốn có của chúng ta, mà còn là làm thế nào có thể duy trì được điều đó với những tổn thương mong manh, vui buồn lẫn lộn. Làm thế nào chúng ta thoải mái và cởi mở với sự bấp bênh của nó. 

Lần đầu tiên tôi gặp Dzigar Kongtrũl, vị thầy hiện tại của tôi, ông nói với tôi về tầm quan trọng của nỗi đau. Ông từng sống và dạy học ở Bắc Mỹ hơn 10 năm và nhận ra rằng học trò của mình tiếp thu bài giảng và thực hành ở mức độ hời hợt cho đến khi họ nếm trải nỗi đau theo cách mà họ không thể thay đổi được. Những bài dạy của Đức Phật với họ chỉ là tiêu khiển, là thứ gì đó để học đòi hoặc để thư giãn, nhưng khi cuộc sống tan vỡ, những bài dạy và thực hành đó lại trở nên thiết yếu như thức ăn hay thuốc uống vậy. 

Sự ấm áp tự nhiên xuất hiện khi chúng ta trải qua nỗi đau bao gồm tất cả những gì liên quan tới tình cảm: tình yêu, lòng đam mê, sự dịu dàng, bất cứ dạng nào. Nó cũng bao gồm sụ cô đơn, buồn đau, và cả sự run rẫy sợ hãi. Trước khi những cảm xúc dễ bị tổn thương này trở nên chai sạn, trước khi cốt chuyện bắt đầu, những cảm xúc không mong muốn này được thai nghén từ sự tử tế, cởi mở và quan tâm. Những cảm xúc mà chúng ta đã quá quen né tránh này có thể khiến ta mềm lòng, có thể thay đổi chúng ta. Tấm lòng rộng mở của sự ấm áp đôi khi dễ chịu, đôi khi khó chịu, như là “Tôi muốn, tôi thích”, và ngược lại. Thực hành là rèn luyện để không tự động chạy trốn khỏi những cảm xúc khó chịu khi nó xuất hiện. Cùng với thời gian, chúng ta có thể đón nhận nó giống như chúng ta đón nhận sự dịu dàng thoải mái của lòng nhân ái và sự biết ơn chân thành. 

Một người làm điều gì đó mang lại cảm xúc không mong muốn, và điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta cởi mở hay khép kín? Thông thường chúng ta không tự dưng thu mình mà không có nguyên căn đem tới sự thiếu thoải mái, chúng ta vẫn dễ dàng chạm tới trái tim chân thật. Ngay tại điểm này, chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta đang khép lại, giữ khoảng cách, nhường chỗ cho sự thay đổi được diễn ra. Trong cuốn My Stroke of Insight (Cơn Đột Quy Khai Sáng) của mình, Jill Bolte Taylor chỉ ra rằng bằng chứng khoa học cho thấy tuổi thọ của bất kỳ cảm xúc nào cũng chỉ là một phút rưỡi. Sau đó chúng ta phải khơi lại cảm xúc và tiếp tục duy trì nó. 

Quy trình thông thường là chúng ta thường tự động phục hồi bằng việc tự nói chuyện về việc người khác trở thành nguồn gốc sự khó chịu của chúng ta như thế nào. Có thể chúng ta công kích họ hoặc một người nào đó, tất cả là do chúng ta không muốn tới gần cảm giác khó chịu mà chúng ta đang thấy. Đây là một thói quen cố hữu. Nó khiến cho sự ấm áp tự nhiên của chúng ta bị lu mờ đến nỗi những người có khả năng thông cảm và thấu hiểu như tôi và bạn trở nên mù quáng tới mức có thể làm tổn hại lẫn nhau. Chúng ta ghét những người làm ta sợ hãi hay mất an toàn, những người mang lại cảm giác không mong muốn, coi họ như là nguyên nhân duy nhất gây nên sự không thoải mái cho mình, và rồi chúng ta khinh bỉ họ, đánh giá thấp họ và hạ nhục họ. 

Giả sử mỗi ngày chúng ta đều dành thời gian tập trung vào những con người xa lạ và thực sự quan tâm tới họ?

Hiểu được điều này, tôi đã từng làm một thực nghiệm theo hướng ngược lại. Tôi không phải lúc nào cũng thành công, nhưng năm này qua năm khác, tôi trở nên quen thuộc với việc từ bỏ và tin tưởng rằng tôi có khả năng hiện diện và tiếp nhận những sự tồn tại khác. Giả sử bạn và tôi cùng nhau dành phần còn lại của cuộc đời để làm điều này? Giả sử mỗi ngày chúng ta đều dành thời gian tập trung vào những con người xa lạ và thực sự quan tâm tới họ? Chúng ta có thể nhìn vào mặt họ, chú ý tới quần áo họ mặc, nhìn bàn tay họ. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm điều này, đặc biệt là khi chúng ta sống trong một thị trấn lớn hay một thành phố. Có những người ăn xin mà chúng ta vội vàng lướt qua do hoàn cảnh khốn khó của họ khiến ta cảm thấy không thoải mái, có vô số người chúng ta bỏ qua khi đi trên phố hoặc khi ngồi cạnh trên xe buýt hay trong phòng chờ. Mối quan hệ trở nên thân thiết khi ai đó đóng gói rau quả cho chúng ta, đo huyết áp hoặc đến nhà sửa ống nước bị rò rỉ. Và cả những người ngồi cạnh ta trên máy bay. Giả sử bạn ở trên một trong những chiếc máy bay lao xuống vào ngày 11/9,  những hành khách đi cùng là những người vô cùng quan trọng trong cuộc đời bạn. 

Nó có thể trở thành thông lệ hàng ngày để nhân tính hóa những người mà chúng ta lướt qua trên phố. Khi tôi làm điều này, những người không quen biết trở nên rất thực với tôi. Họ bước vào sự chú ý của tôi như những người có niềm vui và nỗi buồn giống như tôi, như những người có cha mẹ và hàng xóm, có bạn bè và kẻ thù, giống như tôi. Tôi cũng bắt đầu nâng cao nhận thức về nỗi sợ hãi của bản thân và những đánh giá và định kiến, những thứ không biết xuất hiện từ đâu, về những người bình thường mà thậm chí tôi chưa từng gặp. Tôi chợt hiểu ra sự giống nhau giữa mình với những người này, cũng như hiểu ra những gì đang che mờ nhận thức này và khiến tôi cảm thấy bị tách biệt. Bằng việc tăng nhận thức về sức mạnh cũng như sự bối rối của chúng ta, việc thực hành này mở ra sự ấm áp tự nhiên và đưa chúng ta tới gần hơn với thế giới xung quanh. 

Khi chúng ta đi theo hướng khác, khi chúng ta mải mê, khi chúng ta không có ý thức về những gì chúng ta đang cảm thấy và mù quáng cắn câu, chúng ta kích động với những phán xét cứng nhắc và những quan điểm cố định đang rộn lên vì shenpa, một từ Tây Tạng thường được dịch là “bị mắc câu”, nhưng thường mô tả năng lượng kết nối chúng ta với khuôn mẫu thói quen. Đây là một sự thiết lập cho việc ngăn chặn bất cứ ai đe dọa chúng ta. Lấy ví dụ thông dụng, bạn nghĩ thế nào về người hút thuốc lá? Tôi chưa thấy quá nhiều người, cả người hút thuốc và không hút thuốc, những người tự do shenpa đối với chủ đề này. Có lần tôi vào một nhà hàng ở Boulder, Colorado, có một phụ nữ Châu Âu không biết là không được hút thuốc trong nhà hàng, đã hút thuốc ở đó. Nhà hàng vô cùng ồn ào, nhộn nhịp với những tiếng cười nói và người phụ nữ châm thuốc hút. Âm thanh của tiếng quẹt diêm khiến tất cả dừng lại. Bạn có thể nghe thấy hơi thở của mình, và cảm nhận rõ ràng sự phẫn nộ chính đáng trong nhà hàng. 

Tôi không nghĩ sẽ được số đông chấp nhận nếu tôi cố gắng chỉ ra rằng nhiều nơi trên thế giới hút thuốc không bị xem là tiêu cực và rằng chính trạng thái shenpa ngập tràn sự phán xét của họ chứ không phải là người hút thuốc, là nguyên nhân thực sự khiến họ khó chịu. 

Khi chúng ta coi các tình huống khó khăn như là cơ hội đã trưởng thành về bản lĩnh và khôn ngoan, kiên nhẫn và tử tế, khi chúng ta trở nên ý thức hơn về sự liên kết và chúng ta không thúc đẩy nó, thì nỗi đau buồn của cá nhân kết nối chúng ta với sự lo lắng và bất hạnh của những người khác. Những gì chúng ta thường cân nhắc trở thành nguồn cảm thông. Mới đây, một người đàn ông bảo tôi rằng ông dành cả cuộc đời để giúp đỡ những người phạm tội hiếp dâm vì ông biết rằng giống như họ thì là như thế nào. Khi còn là một thiếu niên, ông đã lạm dụng tình dục một bé gái. Một ví dụ khác là một người phụ nữ tôi đã gặp. Khi còn nhỏ bà cực kỳ ghét anh mình, đến mức ngày nào bà cũng nghĩ cách giết anh ta. Điều này giờ đây giúp bà làm việc một cách đầy cảm thông với những thanh thiếu niên đang ngồi tù vì tội giết người. Bà có thể làm việc với họ bình đẳng vì bà đi guốc trong bụng chúng. 

Chúng ta có thể hiểu rõ rằng tất cả chúng ta cùng chung một thuyền và rằng điều duy nhất có ý nghĩa đó là chăm sóc lẫn nhau. _Nguồn ảnh: Photo by Anna Rozwadowsa on Unplash

 

Đức Phật dạy rằng, trong số các nỗi đau khổ mà con người phải chịu đựng thì dễ đoán nhất là bệnh tật và tuổi già. Hiện tại tôi đang ở tuổi 70 và tôi hiểu điều này một cách sâu sắc nhất. Gần đây tôi xem một bộ phim về một bà cụ 75 tuổi tính khí khó chịu, sức khỏe giảm sút và cả gia đình đều không thích bà. Sự tử tế duy nhất trong cuộc đời bà đến từ chú chó chăn gia súc trung thành của bà. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đồng cảm với bà hơn là những đứa con của bà. Đây chính là sự thay đổi to lớn: một thế giới mới của sự hiểu biết, một kỷ nguyên mới của sự cảm thông và tử tế, bất ngờ lộ ra với tôi. 

Điều này có thể là giá trị của nỗi đau cá nhân chúng ta. Chúng ta có thể hiểu rõ rằng tất cả chúng ta cùng chung một thuyền và rằng điều duy nhất có ý nghĩa đó là chăm sóc lẫn nhau. 

Khi chúng ta cảm thấy khiếp sợ, khi ta cảm thấy không thoải mái, là lúc chúng ta kết nối trái tim với tất cả những ai cũng đang cảm thấy khiếp sợ và không thoải mái. Chúng ta có thể dừng lại và chạm vào nỗi khiếp sợ. Chúng ta có thể chạm vào sự cay đắng của việc bị từ chối và sự phũ phàng của việc bị xem thường. Cho dù chúng ta ở nhà hay nơi công cộng hay bị kẹt trong mớ tắc đường hay bước vào rạp chiếu phim, chúng ta có thể dừng lại, nhìn vào những người ở đó và nhận ra rằng trong nỗi đau và trong niềm vui, họ cũng giống chúng ta. Giống như chúng ta, họ không muốn cảm thấy thể xác đau đớn hay bất an hoặc bị chối từ. Giống như chúng ta, họ muốn cảm thấy được tôn trọng và thể xác dễ chịu. 

Khi bạn chạm vào nỗi buồn hay sợ hãi, sự tức giận hay ghen tức của bản thân, bạn đang chạm vào sự ghen tức của người khác, bạn đang biết tới sự sợ hãi hay đau buồn của người khác. Bạn thức tỉnh vào giữa đêm với sự lo lắng và khi bạn hoàn toàn nếm trải cảm giác và mùi vị của nó, chính là bạn đang chia sẻ sự lo lắng và nỗi sợ hãi của tất cả loài người cũng như tất cả động vật. Thay vì nỗi buồn bao trùm bạn, nó có thể trở thành sự liên kết giữa bạn với tất cả mọi người có cùng hoàn cảnh trên thế giới. Câu chuyện có thể là khác nhau, nguyên nhân cũng khác, nhưng trải nghiệm là như nhau. Với mỗi chúng ta, nỗi đau buồn có duy nhất một vị giống nhau; với mỗi chúng ta, giận dữ và ghen tuông, tức tối và thèm muốn có đúng một vị giống nhau. Và lòng biết ơn và tử tế cũng vậy, chúng có thể là hai vạn tô đường, nhưng cũng chỉ có cùng một vị. 

Bất cứ thứ gì dễ chịu hay không thoải mái, vui vẻ hay đau khổ mà bạn trải qua, bạn đều có thể nhìn vào người khác và tự nhủ: “cũng giống như mình, họ cũng không muốn phải chịu nổi đau này”, hoặc “cũng giống như mình, họ biết ơn vì cảm thấy bằng lòng”. 

Khi mọi thứ tan vỡ và chúng ta không thể ghép chúng lại như ban đầu, khi chúng ta mất mát một thứ gì thân thiết với mình, khi mọi thứ chỉ là không hoạt động và chúng ta không biết phải làm gì, thì đó chính là lúc mà sự ấm áp tự nhiên của lòng nhân hậu, sự ấm áp của cảm thông và tử tế, đang đợi để được khám phá, để được đón nhận. Đây chính là cơ hội để chúng ta thoát ra khỏi vỏ bọc tự vệ và nhận ra rằng chúng ta chưa từng đơn độc. Đây là cơ hội để chúng ta cuối cùng cũng hiểu ra rằng đi bất cứ đâu thì tất cả những người ta gặp về cơ bản cũng như chúng ta. Những gì chúng ta chịu đựng, nếu ta hướng tới nó, có thể mở ra cho chúng ta một mối quan hệ tuyệt vời với thế giới này.