SỰ RỘNG LƯỢNG BỐ THÍ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng; Dịch Việt ngữ: Liên Hoa; NXB Thiện Tri Thức

Để thực hiện những ước muốn của người khác, điều hết sức quan trọng là phải dấn mình vào thực hành bố thí, và chính sự bố thí cần được củng cố bằng việc tuân giữ trong sạch các giới hạnh, tránh làm hại những người khác. Bản thân sự thực hành giới hạnh cần được hoàn thiện bằng thực hành nhẫn nhục, vì chúng ta nên chịu đựng những tác hại mà những người khác gây nên cho ta. Để đi vào những thực hành như thế, bạn phải có sự tinh tấn lớn lao. Không có thiền định, sự thực hành của bạn sẽ không có năng lực. Và không có trí tuệ chứng ngộ bản tánh của các hiện tượng thì bạn sẽ không thể hướng dẫn người khác một cách đúng đắn trên con đường dẫn tới sự thành tựu Giác ngộ. Bây giờ tôi sẽ giải thích sáu sự toàn thiện chi tiết hơn.

Sự bố thí là một thái độ sẵn sàng cho đi tài sản, thân thể, đức hạnh v.v… của riêng bạn mà không có chút keo kiệt nào. Bạn cho đi tài sản, của cải của riêng bạn, và những đức hạnh tích tập được qua việc bố thí những điều này cũng phải được hồi hướng cho sự lợi lạc của người khác. Tính chất toàn thiện của sự bố thí không tùy thuộc ở việc tiệt trừ hết cái khó nghèo của tất cả chúng sinh; nó là sự phát triển tối hậu của một thái độ rộng lượng. Các bản văn nói về tầm quan trọng của sự phát triển một ý thức rộng lượng, đặc biệt là bố thí thân thể bạn cho những người khác. Thân thể tự nó thì đầy những lỗi lầm và khiếm khuyết, nhưng với thân thể này bạn có thể thực hiện những mục đích to lớn bằng cách sử dụng nó để giúp đỡ người khác thay vì ôm giữ nó. Điều tương tự được áp dụng cho tài sản của bạn. Nếu bạn khư khư ôm giữ những của cải của bạn, bạn sẽ tích tập thêm nữa những ác hạnh bởi sự keo kiệt. Nhưng nếu bạn bố thí tài sản cho những người khác thì chúng sẽ phụng sự cho một mục đích trong khi tăng trưởng thực hành bố thí của bạn. Những sự thâu thập đức hạnh mà bạn tích tập nhờ bố thí những điều này cho người khác nên được hồi hướng cho sự lợi lạc của họ.

Có nói rằng nếu bạn thực hành sự bố thí theo lối này, cho đi tài sản, thân thể và những thâu thập đức hạnh của bạn, thì công đức bạn tích tập được sẽ rộng lớn. Vì thế, đừng ôm giữ những của cải của bạn, cũng đừng làm việc để tích trữ thêm nữa, bởi vì những tài sản sẽ tỏ ra là một trở ngại cho sự thực hành bố thí của bạn. Đức Phật đã bố thí tài sản và của cải của Ngài cho sự lợi lạc của người khác và đã thành tựu trạng thái Toàn Giác. Khi đã nhận ra sự vô ích của việc ôm giữ của cải, bạn nên nỗ lực tăng trưởng ý thức về sự bố thí của mình và áp dụng nó vào thực hành bằng cách bố thí tài sản bạn có cho những người khác. Một người nhận thức được sự vô ích của việc ôm giữ và bố thí của cải của họ với một ước muốn trong sạch là giúp đỡ người khác, người ấy được gọi là một Bồ Tát. Vì bạn đã hồi hướng thân thể, tài sản và những thâu thập đức hạnh của riêng bạn cho sự lợi lạc của những người khác nên khi sử dụng chúng, bạn phải sử dụng với thái độ vay mượn chúng từ người khác và làm việc đó vì sự ích lợi của người khác.

Trong việc thực hành bố thí, một ước nguyện vững chắc và kiên định đạt được Giác ngộ phải là động lực của bạn. Mọi sự bạn bố thí phải có lợi lạc cho người khác. Việc thực hành bố thí phải được thực hiện vì sự lợi ích của người khác và phải được làm trong một cách thức hết sức thiện xảo, đó là, với sự thấu hiểu rằng cuối cùng thì không có người cho hay nhận. Việc thực hành bố thí phải được hồi hướng cho sự lợi lạc của mọi người, nhưng nó cũng phải có phẩm tính của sự thanh tịnh siêu việt, có nghĩa là năm sự toàn thiện kia cũng phải hiện diện. Ví dụ, khi bố thí Pháp cho người khác, bạn nên có giới hạnh để kềm chế không rơi vào một thái độ ích kỷ, và bạn cũng nên có sự nhẫn nhục để chịu đựng những gian khổ trong suốt thực hành của con đường. Có ba loại bố thí: bố thí Pháp (Pháp thí), bố thí sự vô úy hay sự che chở (vô úy thí) và bố thí tài sản vật chất (tài thí).

Bạn nên thực hành sự bố thí với ý định là ước muốn thành tựu Giác ngộ vì những người khác. Khi bạn thực sự thực hành bố thí, thái độ của bạn đối với những người bạn bố thí không nên là thái độ thương hại. Bạn nên nhìn họ như một nguồn mạch của thiện tâm vĩ đại, góp phần vào sự tiến bộ trong việc thực hành Pháp của bạn. Mặc dù bạn không nên phân biệt, bạn phải đặc biệt chú tâm tới những người nghèo nàn vật chất và những người đang đau khổ ghê gớm. Tóm lại, bất kỳ lúc nào bạn thực hành sự bố thí, bạn nên luôn luôn nhìn thấy và nói về những phẩm tính tốt đẹp của những người khác và không bao giờ đề cập tới những lỗi lầm của họ. Thái độ của bạn đừng bị ảnh hưởng bởi ước muốn được tưởng thưởng, danh tiếng hoặc hy vọng được nhận sự báo đáp. Và khi đã bố thí điều gì, bạn đừng bao giờ hối tiếc vì đã từ bỏ tài sản đó. Hãy cố gắng làm tăng trưởng niềm vui trong việc bố thí, và đừng quay lưng lại với những tình huống bạn có thể phải thực sự dấn thân vào việc bố thí trong phương diện thân thể.

Để làm tăng tiến và phát triển ý thức về sự bố thí của bạn, bạn nên bắt đầu bằng cách bố thí những tài sản nhỏ bé. Với thực hành, điều này sẽ dẫn tới việc bạn không có ngay cả cảm giác e sợ hay dự phòng vi tế nhất khi bố thí thân thể bạn. Có nói rằng tâm thái của con người luôn luôn tùy thuộc vào cái gì người ta quen thuộc. Ví dụ, khi ta học một ngôn ngữ, chúng ta khởi hành ngay từ lúc bắt đầu với bảng chữ cái. Ban đầu dường như rất khó khăn. Nếu lúc đó chúng ta được cho một bài văn phạm phức tạp thì nó sẽ không ích lợi. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu với bảng chữ cái bằng một phương cách khéo léo, thì cuối cùng ngay cả sự rắc rối của văn phạm cũng có vẻ rất dễ dàng. Cùng cách thức đó, nếu bản thân ta tu hành bằng cách bố thí tài sản vật chất của mình thì về sau, ngay cả việc từ bỏ thân thể của chính ta cũng có vẻ rất tự nhiên.

Bạn không nên trì hoãn việc bố thí hay chờ đợi người khác làm điều gì tốt đẹp. Bạn đừng cho một món quà khi đã hứa cho một thứ gì khác, và đừng đề cập đến lòng tốt của bạn khi bố thí điều gì khiến người nhận phải mang ơn bạn. Khi bố thí bạn nên làm trong sự hoan hỉ, với một cách biểu lộ làm vui lòng người. Bạn nên tự thực hành sự bố thí và khuyến khích người khác làm điều đó, cũng để giúp người khác phát triển một ý thức về sự bố thí nữa. Bất kỳ cái gì làm hại người khác trong thời hạn ngắn và đem lại đau khổ và bất hạnh về lâu về dài thì không phải là một quà tặng thích hợp. Bất kỳ cái gì mang lại hạnh phúc cả ngắn hạn lẫn dài hạn thì thích hợp để đem cho người khác. Khi bạn thực hành bố thí giáo lý (Pháp thí), trước hết bạn nên phân tích bản chất của người nghe để quyết định xem họ có được lợi lạc từ giáo lý bạn đang có ý định ban cho không. Nếu không, thay vì có ích lợi cho người đó, cuối cùng nó có thể có hại, và thính giả của bạn có thể mất lòng tin ở Pháp. Thêm vào đó, bạn đừng tặng vật dụng cho thợ săn khiến họ có thể dùng để giết thú vật, cũng đừng dạy họ các kỹ thuật để săn bắt thú. Trong một số trường hợp, sự từ chối tỏ ra có ích lợi hơn việc bố thí. Bồ Tát nên khéo léo trong những tình huống như thế.

Nếu bạn tự thấy mình không thể từ bỏ điều gì, bạn nên quán chiếu về sự vô ích của những của cải vật chất và cũng nhận thức về sự vô thường của cuộc đời riêng bạn. Sớm muộn gì thì bạn sẽ phải từ bỏ những của cải này, vì vậy thay vì chết trong sự áp chế của tính keo kiệt, tốt hơn, ngay từ bây giờ hãy thoát khỏi tánh bủn xỉn và hãy bố thí của cải của bạn. Hãy tự suy nghĩ: “Tôi đã chịu đựng những dày vò của đau khổ trong vòng sinh tử chỉ vì đã không phát triển sự quen thuộc với thái độ bố thí của cải của tôi. Từ nay trở đi tôi phải thay đổi thái độ của mình và phát triển một ý thức về sự bố thí”. Để làm điều này, hãy tạo nên trong tâm mọi loại của cải kỳ diệu và tưởng tượng bố thí chúng cho những người khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGƯỜI CHO ĐI NHIỀU NHẤT SẼ THẮNG
  2. CHO ĐI LÀ HẠNH PHÚC
  3. RỘNG LƯỢNG BỐ THÍ

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG