SỨC MẠNH CỦA TỪ BI

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Trung Đạo, Đức Tin Trên Nền Tảng Lý Lẽ; Nguyên tác: The Middle Way; Người dịch: Thái An; NXB. Hồng Đức; Công ty CP VH Văn Lang, 2021

Nhiều thế kỷ trước, con người đã nhận ra tầm quan trọng của việc khai thác trí tuệ. Từ đó, chữ viết và cuối cùng là giáo dục chính thức đã ra đời. Ngày nay, hiển nhiên có thể nói rằng giáo dục là sống còn, nhưng quan trọng là chúng ta tự nhắc bản thân về mục đích lớn hơn của giáo dục. Xét cho cùng, tích lũy kiến thức có ích gì nếu nó không dẫn tới một đời sống hạnh phúc hơn?

Chúng ta đều đã gặp những người được nhận một nền giáo dục tuyệt vời nhưng không hạnh phúc cho lắm. Giáo dục có thể đã mang đến cho họ năng lực tư duy phê phán và những kỳ vọng lớn hơn, nhưng họ đã gặp khó khăn với việc hiện thực hóa toàn bộ những kỳ vọng ấy, dẫn tới sự lo âu và vỡ mộng. Rõ ràng, chỉ riêng giáo dục không đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc hơn. Tôi nghĩ giáo dục giống như một công cụ, một thứ chúng ta có thể sử dụng cho những mục đích xây dựng hoặc phá hoại.

Bạn có thể nghĩ rằng, mục tiêu của giáo dục chỉ là phát huy năng lực làm tăng thêm sự giàu có, của cải, quyền lực của một người. Nhưng giống như kiến thức thuần túy không thôi không đủ làm chúng ta hạnh phúc, thì vật chất hay quyền lực không thôi cũng không thể khắc phục sự lo lắng và thất vọng. Phải có một nhân tố nào khác trong tâm để tạo ra nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc, một thứ cho phép chúng ta xử lý có hiệu quả những khó khăn của cuộc sống.

Tôi thường mô tả bản thân như một tu sĩ Phật giáo giản dị, và sự giáo dục chính thức của tôi không quá sâu rộng. Tôi biết đôi chút về triết học và kinh văn Phật giáo, nhưng tôi là một sinh viên khá lười trong những năm đầu nghiên cứu, vì vậy, ngay cả kiến thức về lĩnh vực đó cũng hạn chế. Đã thế, tôi hầu như không học được gì ở những lĩnh vực như toán học, lịch sử thế giới hay địa lý. Khi còn trẻ, tôi đã có một đời sống khá thoải mái. Các Đạt Lai Lạt Ma không phải triệu phú, dẫu vậy cuộc sống của tôi vẫn thoải mái. Vì thế, khi người Trung Quốc đến và tôi phải bỏ chạy khỏi quê hương, tôi chỉ có chút kiến thức hạn chế về giáo lý Phật giáo và có ít kinh nghiệm về việc xử lý vấn đề. Một gánh nặng và trách nhiệm lớn bất ngờ bị ném vào tôi, và sự huấn luyện mà tôi đã nhận được đưa vào kiểm chứng. Trong những năm ấy, người bạn đáng tin cậy nhất là phẩm chất từ bi bên trong của chính tôi.

Từ bi mang đến sức mạnh bên trong, và từ bi cũng mang đến sự thật. Với sự thật, bạn chẳng có gì để giấu, và bạn không bị phụ thuộc vào ý kiến của người khác. Điều đó đưa đến sự tự tin, giúp bạn xử lý bất kỳ vấn đề nào mà không mất hy vọng hay quyết tâm. Dựa trên kinh nghiệm của mình, tôi có thể nói rằng, khi cuộc sống trở nên khó khăn và bạn đang đương đầu với vô số vấn đề, nếu bạn giữ sự quyết tâm và không ngừng nỗ lực, chướng ngại hay vấn đề trở nên rất hữu ích, vì chúng mở rộng và làm sâu sắc kinh nghiệm của bạn. Vì thế, tôi nghĩ từ bi là thứ quý giá nhất.

Từ bi là gì? Từ bi bao hàm một cảm giác gần gũi với người khác, một sự tôn trọng và tình cảm không dựa trên thái độ của người khác đối với chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng cảm thấy yêu mến những người quan trọng với mình. Kiểu cảm giác gần gũi ấy không mở ra với kẻ thù — những người có ác ý với chúng ta. Ngược lại, từ bi chân thật thấy người khác giống chúng ta ở chỗ cũng muốn một cuộc sống hạnh phúc, thành công và không muốn khổ. Kiểu cảm giác và quan tâm ấy có thể được mở rộng tới bạn bè cũng như kẻ thù, bất kể họ thấy như thế nào về chúng ta. Đó là từ bi chân thật.

Tình yêu bình thường bị thiên kiến và hòa trộn với sự dính mắc. Giống như những cảm xúc phiền não khác, sự dính mắc không được căn cứ trên thực tại mà trên những phóng chiếu từ tâm. Nó phóng đại thực tại. Thực tế có thể có đôi chút tốt đẹp, nhưng sự dính mắc xem nó là một trăm phần trăm tốt đẹp. Từ bi đến gần thực tại hơn nhiều. Có một khác biệt lớn.

Câu hỏi lớn là, chúng ta có thể trau dồi sự từ bi như thế không. Dựa trên kinh nghiệm của tôi, câu trả lời là có. Chúng ta đã sống sót đến lúc này chỉ vì từ lúc khởi đầu cuộc sống, mẹ của chúng ta — hoặc ai đó khác, dĩ nhiên đã quan tâm. Nếu bà thờ ơ dù chỉ một hoặc hai ngày, chúng ta đã chết rồi. Là con người, vận dụng trí tuệ bản thân, chúng ta có thể mở rộng kiểu quan tâm này trong suốt cuộc đời mình.

Ngày nay, nhu cầu nuôi dưỡng và tăng cường năng lực tự nhiên này một cách có phương pháp càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong thời đại hiện nay, do dân số, công nghệ và kinh tế hiện đại, thế giới giờ được kết nối qua lại sâu xa hơn. Thế giới đang trở nên nhỏ hơn nhiều. Bất chấp những khác biệt chính trị, hệ tư tưởng và trong một số trường hợp là tôn giáo, con người khắp thế giới phải làm việc và sống cùng nhau. Đó là thực tế. Vì vậy, vai trò của từ bi ở cấp độ quốc tế là tối quan trọng.

Mỗi ngày, truyền thông đưa tin về những hành động chém giết và khủng bố. Những sự kiện này xảy ra không phải không có nguyên nhân hay điều kiện. Một số sự việc mà chúng ta đối mặt ngày nay, theo tôi, có gốc rễ trong những hành động cẩu thả của thế kỷ mười tám, mười chín và hai mươi. Và không may, một số người cố tình tìm cách đẩy mạnh những thúc giục thù địch vì lợi ích chính trị. Cách tốt nhất để đối mặt với bạo lực này là gì? Tôi cho rằng không phải thông qua nhiều bạo lực và đổ máu hơn. Những vấn đề có gốc gác trong bạo lực không thể được giải quyết bằng bạo lực.

Tại sao? Thứ nhất, bản chất của bạo lực là không thể đoán trước. Bạn có thể khởi đầu với mục tiêu sử dụng bạo lực “hạn chế”, nhưng rồi nó vượt ra ngoài kiểm soát. Thứ hai, bạo lực gây hại cho người khác, do đó, tạo thêm sự căm ghét trong tâm trí người khác. Đến lượt điều ấy tạo ra mầm mống cho những vấn đề tương lai. Chiến tranh giống như phương tiện được hợp pháp hóa cho bạo lực. Thời xưa, khi các quốc gia ít phụ thuộc vào nhau, việc tiêu diệt một kẻ thù có thể được xem như chiến thắng cho chính mình. Nhưng ngày nay, do tính chất kết nối qua lại sâu xa của mọi quốc gia, chiến tranh không còn hiệu quả. Việc tiêu diệt kẻ thù rốt cục trở thành tiêu diệt chính bạn.

Do đó, khi chúng ta gặp phải mâu thuẫn hay lợi ích cạnh tranh, cách tốt nhất để giải quyết — thật ra là cách hiệu quả duy nhất — là thông qua đối thoại. Bạn phải tôn trọng lợi ích, ham muốn của người khác và có nhượng bộ, vì nếu bỏ qua lợi ích của người khác, cuối cùng bản thân bạn sẽ chịu khổ. Bạn phải quan tâm đến lợi ích của người khác.

Tôi thường nói với thính giả rằng, thế kỷ hai mươi là một thế kỷ của bạo lực, và từ kinh nghiệm đó, chúng ta biết rằng bạo lực không thể giải quyết vấn đề. Thế kỷ hai mươi mốt nên là thế kỷ của đối thoại. Vì điều đó, chúng ta cần sự quyết tâm, kiên nhẫn và một tầm nhìn rộng hơn. Một lần nữa, đây là nơi từ bi có một vai trò quan trọng. Thứ nhất, như tôi đã đề cập, nó mang đến cho chúng ta sự tự tin. Từ bi khiến chúng ta thừa nhận sâu sắc quyền của người khác. Từ bi cũng cho chúng ta một tâm trí bình thản, và với tâm trí bình thản, chúng ta có thể thấy thực tại rõ ràng hơn. Khi tâm bị chi phối bởi cảm xúc phiền não, chúng ta không thấy thực tại và đưa ra những quyết định tồi. Từ bi cho chúng ta một cái nhìn toàn thể hơn.

Tôi tôn trọng các lãnh đạo chính trị của thế giới, nhưng đôi khi tôi nghĩ họ nên có nhiều từ bi hơn. Chỉ cần một trong những lãnh đạo chính trị này có thêm từ bi, nhiều triệu người vô tội sẽ có thêm hòa bình. Nhiều năm trước, tại một cuộc gặp mặt chính thức ở Ấn Độ, tôi đã gặp một chính trị gia từ bang East Bengal. Cuộc gặp có một đàm luận về đạo đức và tâm linh, ông nói, “Là chính trị gia, tôi không biết nhiều về những thứ ấy.” Có lẽ, ông chỉ đang khiêm tốn, nhưng tôi nhẹ nhàng khiển trách ông. Chính trị gia cần nhiều đạo đức hơn, nhiều tâm linh hơn, tôi nói. Nếu một người tu tập ở một nơi xa làm điều gì có hại, có lẽ, nó không có nhiều tác động toàn cầu. Nhưng khi các lãnh đạo và chính trị gia thiếu lưu tâm và thiếu từ bi, đó là điều rất nguy hiểm.

Tôi tin từ bi không phải là một chủ đề tôn giáo. Một số người nghĩ từ bi và tha thứ thuộc về địa hạt tôn giáo, và nếu người ta có một quan điểm tiêu cực về tôn giáo, họ cũng có thế trở nên tiêu cực về những điều này. Đó là một sai lầm. Chúng ta có chấp nhận một tôn giáo hay không là tùy thuộc cá nhân, nhưng chừng nào nhân loại cư ngụ ở thế giới này, những giá trị sâu xa này là cốt yếu và không được phớt lờ. Mọi người đang nỗ lực mọi cách để có sự thịnh vượng vật chất. Điều đó được thôi, nhưng nếu trong khi ấy thế giới bên trong hay các giá trị bên trong bị bỏ qua, chúng ta sẽ không hạnh phúc. Chúng ta phải kết hợp sự phát triển vật chất với sự phát triển của các giá trị con người bên trong. Chúng ta cần phát huy sự tôn trọng, tình yêu và một tấm lòng trắc ẩn để có cuộc sống hạnh phúc hơn, gia đình hạnh phúc hơn, cộng đồng hạnh phúc hơn, cuối cùng là một thế giới hạnh phúc hơn. Chúng ta cần những phẩm chất bên trong này. Đây nên là mục tiêu cao nhất của giáo dục ngày nay.

HH. Dalai Lama trả lời những kinh nghiệm mà các Lãnh đạo Thanh niên USIP truyền đạt trong cuộc đối thoại của họ tại dinh thự của Ngài ở Dharamsala, HP, Ấn Độ, vào 22 tháng 09 năm 2022. Ảnh của Tenzin Choejor.

VỀ CUỐN SÁCH NÀY

Tôi không tin rằng tôn giáo là cần thiết cho việc phát triển đạo đức và thiện tâm. Mặc dù vậy, những tôn giáo lớn của thế giới qua thời gian đã hình thành nhiều công cụ có giá trị để trau dồi những phẩm hạnh phổ quát của con người như trên. Ở khía cạnh này, Phật giáo không phải đơn độc, nhưng nó là truyền thống mà tôi quen thuộc nhất, và tôi cũng tin rằng truyền thống Phật giáo chứa đựng những yếu tố độc đáo, nhất là học thuyết về vô ngã, tính không và bản tánh của tâm. Vì vậy, một phần mục đích của tôi trong cuốn sách này là cho bạn một hiểu biết tốt về khuôn khổ tổng quát của Phật giáo.

Đầu tiên, tôi sẽ trình bày một giới thiệu chung về giáo pháp Phật giáo, và để thực hiện, tôi đã chọn ba chương từ Căn bản Trung Quán Luận Tụng của Long Thọ – một tác phẩm triết học Ấn Độ kinh điển, bao gồm hai mươi bảy chương. Trong khi giải thích khuôn khổ cơ bản của con đường Phật giáo, tôi sẽ liên hệ những giải thích của tôi đến các phần cụ thể của ba chương này. Sau giới thiệu chung là phần giải thích làm thế nào đưa những giáo huấn này vào thực hành dựa trên tác phẩm dạng thơ ngắn của Tông Khách-Ba, Ba cốt tủy của đạo. Tông-Khách-Ba là người sáng lập phái Gelug (Cách-lỗ) của Phật giáo Tây Tạng.

Khi thuyết giảng hay lắng nghe Phật pháp, những người tự xem mình là người tu tập Phật giáo nên làm với một động cơ thanh tịnh. Vị thầy phải đảm bảo không thực hiện thuyết giảng vì muốn có sự tôn trọng, danh tiếng hay thù lao tài chính; người ấy phải có động cơ thanh tịnh là muốn chúng sinh được lợi. Là người nghe, động cơ của bạn cũng không được vấy bẩn bởi khao khát đạt sự vĩ đại như một học giả, tiếng tăm lớn, hay thù lao tiền bạc; thay vào đó, bạn phải lắng nghe giáo pháp với mong muốn hướng tâm về Phật pháp, tu trì Phật pháp thành công, khiến sự tu trì của bạn thành một nguyên nhân để đạt giải thoát và quả vị bồ đề.

Khi truyền đạt hay lắng nghe, làm thế nào chúng ta đảm bảo sự thanh tịnh của động cơ? Một cách là tụng những bài phát nguyện đặc biệt trước khi bắt đầu. Để cho một giáo pháp thật sự có tính Phật giáo, nó phải được căn cứ vào thực hành quy y Tam Bảo — Phật, Pháp, Tăng. Để cho một giáo pháp trở thành giáo pháp của truyền thống Đại thừa — con đường bồ tát — nó phải được dựa vào sự phát khởi bồ đề tâm (bodhicitta), tâm cầu giác ngộ vì mục đích đem lại lợi lạc cho người khác. Như vậy, để bắt đầu, chúng ta nhắc nhở bản thân về hai thực hành quy y và phát bồ đề tâm bằng cách tụng hoặc chiêm nghiệm bài kệ sau đây:

Trước Phật, Pháp, Tăng

Con xin quy y cho đến khi giác ngộ.

Thông qua tu tập bố thí và những ba la mật khác,

Cầu mong con đạt Phật quả vì lợi lạc của mọi chúng sinh.

Khi tôi có các bài giới thiệu về Phật pháp, người không theo Phật giáo luôn được hoan nghênh theo dõi để tìm được thứ gì đó có ích. Nếu trong những giải thích ấy, bạn thấy có gì hữu ích, hãy hợp nhất chúng vào cuộc sống hàng ngày của bạn; những thứ không hữu ích, bạn cứ việc bỏ qua. Tuy nhiên, trong những giải thích của tôi về triết học Phật giáo, nhiều điểm khác biệt dĩ nhiên sẽ xuất hiện, vì tôi đang trình bày một tác phẩm Phật giáo tán thành nhãn quan Phật giáo. Trong trường hợp ấy, xin đừng cảm thấy bằng cách nào đó tôi đang xem thường truyền thống của bạn. Đương nhiên, về mặt lịch sử, những đại học giả Phật giáo của Tu viện Đại học Nalanda ở Ấn Độ đã có những tranh luận sâu rộng giữa họ. Ví dụ, những người đề xướng Duy thức tông (Cittamatra) phê phán rằng, Trung quán tông (Madhyamaka) rơi vào cực đoan hư vô, trong khi những người đề xướng Trung quán tông phê phán rằng, Duy thức tông rơi vào thái cực tuyệt đối luận. Ở phương diện này, tôi chia sẻ cảm nghĩ của đại sư Tây Tạng thế kỷ mười tám, Changkya Rinpoche (1717-86), người viết:

Không phải tôi không tôn trọng anh;

Xin hãy tha thứ nếu tôi đã xúc phạm? (1)

Phật giáo hưng thịnh ở Tây Tạng là một truyền thống toàn diện. Nó chứa đựng mọi yếu tố cốt tủy của giáo lý Đại thừa và Tiểu thừa, chưa kể còn có giáo lý mật tông của Kim cương thừa. Xét về ngôn ngữ nguồn, truyền thống Tây Tạng bao hàm nhiều tác phẩm chủ chốt theo văn hệ Pali, nhưng chủ yếu được dựa trên văn hệ Sanskrit (Phạn ngữ) của Ấn Độ. Xét về nguồn gốc các dòng truyền thừa, công lao nhiều nhất là của các đại sư Nalanda, tu viện hưng thịnh ở bắc Ấn Độ trong thiên niên kỷ thứ nhất. Ví dụ, những tác phẩm chính được nghiên cứu trong các trường đào tạo tăng lữ Tây Tạng đều được sáng tác bởi những nhà tư tưởng lớn và thánh giả Nalanda. Tôi đã sáng tác bài cầu nguyện Ca ngợi mười bảy đại sư Nalanda để ghi nhận nguồn gốc truyền thống của chúng ta và sự hàm ơn của Phật tử Tây Tạng với các tác phẩm của họ. Toàn bộ nội dung bài cầu nguyện này có ở cuối sách. Cuối phần đó, tôi đã viết:

Ngày nay, trong một thời đại mà khoa học và công nghệ đã đạt tới giai đoạn cực kỳ tiến bộ, chúng ta không ngừng bận lòng với những quan tâm đời thường. Trong một thời đại như vậy, điều sống còn là chúng ta, những người theo Đức Phật, có được đức tin vào giáo lý của ngài trên cơ sở hiểu biết chân thực.

Chính từ sự tin chắc rằng những giáo huấn cổ xưa của Phật giáo vẫn thích hợp và có giá trị như trước giờ, nên tôi trình bày phần giới thiệu trên đây về truyền thống Tây Tạng.

Chú thích

(1) “Nhận ra mẹ mình” (Recognizing My Mother), trong Những bài ca về kinh nghiệm tâm linh (Songs of Spiritual Experiences, Boston: Shambhala Publications, 2000), tr. 112.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LÒNG TỪ BI CÓ THỂ CẢM HÓA ĐƯỢC TẤT CẢ
  2. TỪ BI QUÁN
  3. LÒNG HIẾU, LÒNG TỪ BI VÀ TÁNH KHÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. LUẬT NHÂN QUẢ
  3. CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?
  2. LÒNG BIẾT ƠN – TRÍCH SÁCH TRÍ HUỆ, NHỮNG HIỂU BIẾT THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI
  3. RÈN LUYỆN ĐỂ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC