GIẢN TƯ TRUNG
Trích: Đúng Việc - Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh; NXB. Tri Thức, tái bản 2021
Việc quyết định mình là ai và mình sẽ dùng cuộc đời vào việc gì hoàn toàn là tự do lựa chọn của riêng mỗi người, nhất là khi đã trưởng thành. Để dễ hình dung hơn, từ những nghiên cứu và trải nghiệm của bản thân, tôi đã đúc kết thành một mô hình “Ta là sản phẩm của chính mình” (còn gọi là mô hình “quản trị cuộc đời”, và đây cũng là hành trình của “con người tự do/ tự trị”) gồm năm cấu phần như sau:
(i) Khai phóng bản thân
“Khai phóng”, hiểu một cách đơn giản nhất, là “khai minh và giải phóng bản thân để trở thành một con người tự do”. Ở đây, “giải phóng bản thân” và “tự do” không phải chỉ mang ý nghĩa là thoát ra khỏi một ách áp bức, một chế độ bạo quyền như cách chúng ta thường hiểu khi nhắc đến những từ ngữ này, mà là giải phóng bản thân khỏi những yếu tố nô lệ/ bị trị/ ngoại trị (bởi tiền bạc, quyền lực, danh vọng, sự sợ hãi…), và bắt đầu hành trình trở thành một con người tự do/ tự trị/ nội trị.
Tất nhiên, để đi đến cái đích đó, ta phải bắt đầu từ việc khai minh bản thân. Như đã giải thích ở phần trên, “khai” tức là “mở”, còn “minh” tức là “sáng”. Khai minh, nói nôm na là mở con người tăm tối của mình ra để đưa ánh sáng vào, bao gồm cả ánh sáng trí tuệ và ánh sáng tâm hồn, ánh sáng của chân lý và tự do. Nói một cách rõ hơn, khai minh tức là hành trình nhận chân ra con người của mình và thấu hiểu nhân tình thế thái, rồi dẫn dắt bản thân thoát khỏi sự vô minh, u mê, giáo điều, ấu trĩ để có một cái đầu minh định và trái tim có hồn.
Và hành trình khai minh thường bắt đầu bằng sự tự ý thức rằng mình luôn có thể đã, đang hay sẽ mắc phải căn bệnh “ấu trĩ” với rất nhiều “điểm mù” về bản thân, về người khác và về mọi thứ, cũng như rèn luyện thói quen phản tỉnh (tự xét lại những tư tưởng và hành vi của mình, tự tra vấn bản thân để hiểu đúng về mình). Điều này nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Và có vẻ như khi càng bị bao vây bởi quyền lực, tiền bạc, danh vọng, sự sợ hãi… thì điều đó lại càng khó hơn.
Hẳn nhiều người trong chúng ta cũng đã biết đến câu chuyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của nhà văn Andersen (Đan Mạch). Chuyện kể đại ý như sau:
“Ngày xưa, có một vị hoàng đế nọ rất quyền lực và giàu sang. Ông ta có một sở thích đặc biệt là luôn muốn mình là người đầu tiên sở hữu những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất trong thiên hạ. Một lần nọ, có hai người tự xưng là thợ dệt tìm đến và tâu với vua rằng họ có thể dệt được một bộ quần áo may bằng một chất liệu kỳ lạ: chỉ có những người tài năng và làm việc tốt thì mới có thể nhìn thấy nó, còn những kẻ bất tài và ngu xuẩn thì không.
…
Hoàng đế rất nóng lòng muốn thử nên sai hai thợ dệt đưa ngay bộ quần áo mới cho mình mặc. Nhưng bộ quần áo cứ vô hình trước mắt ông, ngay cả khi hai thợ dệt báo là đã mặc xong quần áo mới cho hoàng đế. Hoàng đế thấy… kỳ kỳ, nhưng ông nghĩ thầm: “Bây giờ mà mình bảo mình không thấy gì thì chúng nó biết mình dốt”, nên cũng bấm bụng khen… đẹp.
Mặc xong, hoàng đế bèn gọi tể tướng sang xem. Tể tướng nhìn “bộ quần áo đặc biệt” và than thầm: “Trời ơi, mình chẳng trông thấy gì cả! Nhưng giờ mà nói thật thì hóa ra là… mình dốt”, nên ông ra sức tán tụng bộ quần áo mới của hoàng đế. Để chắc ăn, hoàng đế còn gọi thêm vài vị quan trong triều nữa đến ai cũng trầm trồ khen ngợi. Hoàng đế đắc ý lắm, nên diện bộ quần áo ấy ngày càng thường xuyên hơn.
Mãi cho đến một hôm, khi hoàng đế đang diện “bộ quần áo đặc biệt đi dạo quanh thành, một đứa trẻ bỗng thốt lên: “A, hoàng đế cởi truồng!”
Andersen chỉ kể đến đây, ông không cho biết hoàng đế phản ứng thế nào với câu nói đó. Nhưng tôi đồ rằng có ba kịch bản sau:
Kịch bản 1: Hoàng đế cho rằng đứa trẻ cố tình sỉ nhục mình. Ông tức giận, và ra lệnh… tru di cửu tộc của đứa trẻ vì tội “khi quân phạm thượng”.
Kịch bản 2: Hoàng đế biết rằng đứa trẻ nói sự thật. Tuy nhiên, nếu bây giờ thừa nhận sự thật đó thì quá mất mặt. Ông bèn ban hành lệnh yêu cầu tất cả thành viên của vương quốc đều phải khen bộ quần áo đẹp, ai dám nói khác đi sẽ bị trừng trị.
Kịch bản 3: Hoàng đế về nhà thay quần áo mới.
Trong ba kịch bản trên, có thể gọi kịch bản 1 là kịch bản “ấu trĩ” (dốt mà không biết mình dốt), kịch bản 2 là kịch bản “dối trá” (biết sự thật là gì, nhưng cố tình che đậy nó đi), còn kịch bản 3 là kịch bản “có hậu” (nhận ra cái dốt của mình và mạnh dạn thay đổi).
Đối với con người tự do/tự trị thì có lẽ không có cảm giác nào đớn đau hơn là mình (con người lương tri bên trong) cảm thấy ta (hành vi thực tế bên ngoài) đáng bị khinh bỉ, bị coi thường; và trên đời này cũng khó có hạnh phúc nào lớn hơn là khi mình được tự hào về ta, hạnh phúc vì “trong” và “ngoài” hòa quyện.
Câu chuyện khai phóng của mỗi người, mỗi tổ chức cũng như của xã hội đã bắt đầu chưa và còn bao xa nữa thì đến nơi, điều đó tùy thuộc vào việc chúng ta lựa chọn “kịch bản” nào cho mình và trong ba kịch bản nói trên, đâu là “con người mình” và với “con người mình” được thể hiện qua hành vi thực tế như vậy thì ta đáng bị khinh bỉ bởi chính mình hay chính mình sẽ được tự hào về ta!?
(ii) Tìm ra chính mình
Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chuyên môn của mình.
Ở khía cạnh con người văn hóa, đó là việc tìm ra được đâu là lương tri và phẩm giá của mình, đâu là lẽ sống và giá trị sống của mình; đâu là những giá trị làm nên chính mình, là những thứ mà vì nó hay để bảo vệ nó, mình sẵn lòng hi sinh mọi thứ khác; đâu là “chân ga” (để giúp mình vượt qua bao đèo cao) và đâu là “chân thắng” (để giúp mình không rơi xuống vực sâu).
Ở khía cạnh con người chuyên môn (hay con người công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp), đó là việc tìm ra mình thực sự thích cái gì, mình giỏi cái gì, hiểu được mình giỏi đến đến mức độ nào để đặt mình vào một công việc phù hợp nhất với “cái chất” con người mình.
Khi làm công việc mà mình giỏi nhất, mê nhất và phù hợp với “cái chất” con người của mình nhất thì khi đó con người chuyên môn cũng nằm trong con người văn hóa, và khi đó làm việc cũng là làm người, khi đó mình làm việc nhưng cũng là sống với con người của mình.
Trong phần này, tôi muốn bàn nhiều hơn về việc tìm ra chính mình trong công việc, nghề nghiệp, chuyên môn, không chỉ bởi vì khía cạnh này chưa được đề cập nhiều như khía cạnh còn lại (khía cạnh con người văn hóa, con người tự do/ tự trị) trong chương này, mà còn bởi vì theo quan sát của tôi, có không ít người cho đến cuối cuộc đời vẫn còn loay hoay không biết nên dùng cuộc đời của mình vào việc gì, hay vẫn thấy có cái gì đó còn “thiêu thiếu” trong việc mình làm mà không biết là… thiếu cái gì.
Người ta thường cho rằng đó là do thiếu các hoạt động định hướng nghề nghiệp dành cho giới trẻ. Nhưng tôi thấy lý do đó không còn đúng trong thời đại thông tin ngày nay. Hàng năm, cứ đến mùa tuyển sinh đại học, hàng loạt các chương trình tư vấn nghề nghiệp lại được tổ chức, và việc tìm hiểu tính chất của một ngành nghề nào đó bây giờ cũng đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ có Internet và nhiều phương tiện truyền thông khác. Theo tôi, lý do chính là vì chúng ta đang… làm ngược.
Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó. Đằng này, ta lại nỗ lực đi “chọn nghề” trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về “chọn đời”, “chọn người”, để rồi khi nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng và chán nản. Ngoài ra, cần phải “chọn nghề” trước rồi mới “chọn trường” sau, chứ không phải cứ theo trào lưu rồi chọn những trường mà được mọi người cho là “ngon” để học bốn năm ra trường và đi làm rồi mới chợt nhận ra rằng nghề này không hợp với mình…
Như vậy, lý tưởng nhất là, sẽ chọn người, chọn đời, rồi mới chọn nghề và chọn nghề rồi mới chọn trường; chứ không nên làm ngược lại là, chọn trường rồi mới chọn nghề và chọn nghề rồi mới chọn đời, chọn người. Dù những lựa chọn này có thể thay đổi không ít lần trong đời.
Điều đó cũng giống như sự lúng túng của cô bé Alice trong tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên của văn hào Lewis Carroll. Trong tác phẩm, có một đoạn hội thoại giữa Alice và một con mèo biết nói khi cô bé lạc vào xứ sở này như sau:
Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ?
Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ?
Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.
Con mèo: Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!
Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu. Tương tự vậy, nếu không biết rõ đích đến của đời mình, thì việc chọn nghề nào cũng sẽ trở nên vô nghĩa với người chọn. Khi ấy, chuyện chọn sai, chọn nhầm, chọn ẩu và không tìm ra được chính mình trong công việc âu cũng chẳng phải là chuyện đáng ngạc nhiên lắm.
Nếu như “tìm ra chính mình” ở khía cạnh con người văn hóa là tìm ra “con người bên trong” của mình, con người lương tri, con người phẩm giá của mình, là tìm ra lẽ sống và giá trị sống của đời mình, thì “tìm ra chính mình” ở khía cạnh con người công việc chính là trả lời được câu hỏi: Rốt cuộc là mình thật sự mê việc gì, ghét việc gì, giỏi việc gì và giỏi cỡ nào?
Vậy làm sao để tìm ra chính mình?
Đây là một câu hỏi làm khốn khổ không biết bao nhiêu người, nhất là các bạn trẻ. Có rất nhiều cách để tìm ra chính mình (nhất là tìm ra “con người công việc” của mình). Chẳng hạn:
- Hỏi những người uyên bác nhất mà mình biết và họ cũng hiểu phần nào về mình xem họ nhận xét về mình ra sao.
Tất nhiên, không dễ gì để cho người khác nói cho mình nghe nhận xét thực của họ về mình, về tố chất và tiềm năng của mình, về cái hay, cái dở của mình. Và những gì họ nói không hẳn là cái gì cũng đúng, nhưng cho dù đúng hay không thì cũng cho mình có thêm góc nhìn về mình, từ đó giúp mình hiểu mình hơn.
- Tự đánh giá lại quá khứ học hành, công việc và cuộc sống của mình xem rốt cuộc là mình mê gì, ghét gì, giỏi gì và giỏi cỡ nào.
- Dám đặt ra mục tiêu cao hơn sức mình để dấn thân nhằm biết mình là ai.
- …
Và có một cách nữa, là hãy thử chiêm nghiệm mình thông qua câu chuyện sau. Đây là một câu chuyện “cây nhà lá vườn” mà tôi đã “sáng tác” và chia sẻ trên nhiều diễn đàn trong suốt hơn chục năm nay:
Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 triệu, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 triệu. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ không nhận làm và như vậy không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn vẫn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu… mấy triệu?
Đáp án a: kiểu 5 triệu
Đáp án b: kiểu 10 triệu
Đáp án c: kiểu 15 triệu
Đáp án d: kiểu 2,5 triệu
Đáp án e: kiểu 1,5 triệu
Bạn sẽ chọn đáp án nào?
Lẽ thường tình, bạn sẽ phải tính toán thiệt hơn, được mất rồi mới chọn!
Nếu bạn chọn đáp án a – làm theo kiểu 5 triệu – thì bạn được gì và mất gì? Nếu làm theo kiểu này thì bạn không mất tiền, vì họ trả 5 triệu thì bạn làm theo kiểu 5 triệu, như vậy là “fair” (công bằng). Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 5 triệu thì có thể không mất tiền, nhưng lại “mất mình” (mất uy tín và mất phẩm giá của mình). Vì trong môi trường làm việc hiện nay thường là trả lương kín, nên người khác sẽ không biết bạn nhận lương bao nhiêu, nhưng họ vẫn thấy bạn làm việc không hết mình (chỉ làm việc theo kiểu “nửa mình”) và họ sẽ nghĩ về bạn không hay (bị mất uy tín, mất danh dự).
Ta vẫn thường nói với nhau rằng, mình làm ra tiền, chứ không để tiền làm ra mình. Nhưng khi người ta trả mình 10 triệu thì mình làm theo kiểu 10 triệu, khi người ta trả mình 5 triệu thì mình lại làm theo kiểu 5 triệu. Vậy thì mình làm ra tiền hay tiền làm ra mình đây? Vậy thì mình có còn là mình nữa không hay là mình đã đánh mất mình, đã sống trái với con người của mình rồi?
Nếu bạn chọn đáp án b – làm theo kiểu 10 triệu thì được gì và mất gì? Nếu làm theo kiểu này thì bạn sẽ bị mất tiền, vì họ trả 5 triệu mà bạn lại làm tới tận 10 triệu, như vậy là thiệt mất 5 triệu. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 10 triệu này thì có thể bị mất tiền, nhưng lại không “mất mình” (giữ được uy tín với mọi người và đặc biệt là giữ được phẩm giá của mình, sống đúng với con người của mình).
Vậy người khôn ngoan sẽ chọn làm theo kiểu 5 triệu hay 10 triệu? Nhiều người sẽ có câu trả lời ngay rằng, người khôn ngoan sẽ làm theo kiểu 10 triệu. Đúng vậy. Nhưng thật khó tin là có cả những người dù khả năng của họ là 10 triệu, được trả 5 triệu, nhưng khi đi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 10 triệu, mà sẽ làm theo kiểu 15 triệu.
Vì sao vậy? Vì họ hiểu rằng, “Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác.” _Mahatma Gandhi
Với những người này, họ hiểu rằng, khi làm theo kiểu 10 triệu thì chỉ bị mất tiền chứ không bị “mất mình” (vì vẫn sống đúng với con người của mình và không mất uy tín với người khác), nhưng lại bị mất một thứ cũng hệ trọng không kém (đặc biệt là với những người chưa tìm ra chính mình), đó là mất đi một cơ hội để biết mình là ai.
Do vậy, dù khả năng ở mức 10 triệu và chỉ được trả có 5 triệu nhưng họ vẫn làm theo kiểu 15 triệu. Vì họ luôn xem sự quên mình trong công việc là “cách tốt nhất để biết mình là ai”. Tuy “mất tiền” nhưng có khi lại “được mình” (tìm ra chính mình) điều này là vô giá, nhất là với những người trẻ.
Đừng nghĩ rằng họ không phải là người khôn ngoan. (Vì người khôn ngoan thường được cho là khi làm gì họ cũng thường nghĩ cho mình). Trong trường hợp này, những người làm theo kiểu 15 triệu cũng vì bản thân họ trước hết chứ không hẳn chỉ là vì công ty. Chẳng hạn, họ xem đó là cách để họ đạt được “thành tựu” mà họ đặt ra cho mình trước 30 tuổi là phải biết mình là ai, mình mê gì, ghét gì, mình giỏi gì, giỏi cỡ nào. Nhưng với sự ích kỷ này của họ thì công ty lại được hưởng lợi. Một sự ích kỷ thiệt là dễ thương!
Trên thực tế, cũng có những người, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 15 triệu, mà họ sẽ làm theo kiểu 2,5 triệu thôi, làm theo kiểu xìu xìu, ển ển.
Chưa hết, cũng có một loại người nữa, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, không làm theo kiểu 15 triệu, cũng không làm theo kiểu 2.5 triệu, mà họ làm theo kiểu 1,5 triệu, nhưng lúc nào cũng “biểu diễn” cho cấp trên và mọi người thấy là họ đang làm theo kiểu 15 triệu.
Tôi thường nói vui rằng: Nếu làm theo kiểu 15 triệu là làm “quên mình”, làm theo kiểu 10 triệu là làm “hết mình”, thì làm theo kiểu 5 triệu là làm “nửa mình”, làm theo kiểu 2,5 triệu là “mất mình” và làm theo kiểu 1,5 triệu là “bán mình”. Nói ngắn gọn hơn, làm theo kiểu 15 triệu là “đam mê” hoặc “dấn thân”, làm theo kiểu 10 triệu là “trách nhiệm”, còn làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu là “đối phó”. Và một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự đam mê hay dấn thân, đó là, mình sẵn sàng dốc lòng để làm những điều mà ngay cả khi không được trả tiền để làm điều đó. Còn nếu được trả tiền cho những đam mê hay dấn thân của mình thì còn gì bằng!
Có thể thấy, trong xã hội có đủ năm loại người với năm thái độ làm việc tiêu biểu này. Những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1.5 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu? Đồ điên! Ngu! Không hiểu nổi!… Còn những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu? Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và thái độ làm của mình cũng khác đi.
Sở dĩ những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu thường chửi những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu là “ngu”, là “điên”… do họ không thể hiểu nổi trong đầu những người này nghĩ cái gì và vì sao lại hành động như thế. Như người ta thường nói, “chim sẻ thì không thể hiểu được bụng của đại bàng”. Bởi vì, “chim sẻ” đã bao giờ làm “đại bàng” đâu mà hiểu được đại bàng nghĩ gì! Nhưng “đại bàng” (hàm ý là một tầm vóc về văn hóa cao hơn) thì lại hoàn toàn có thể hiểu được bụng của “chim sẻ”, vì trước khi trở thành “đại bàng” thì đã từng là “chim sẻ”, và thậm chí trước khi thành “chim sẻ” thì đã từng là “ruồi muỗi” (xuất thân nghèo hèn chẳng hạn), nhờ cố gắng phi thường mới có thể thành được “chim sẻ” (như số đông mọi người) và sau đó thành “đại bàng” (có tầm vóc văn hóa cao hơn), khi đó, không chỉ hiểu được “chim sẻ” mà có khi còn nhìn thấu được nhân gian.
Ai cũng biết, nếu muốn thành công lớn và bền thì phải được làm những điều mà mình thực sự đam mê (do what you love). Nhưng tôi không biết mình mê cái gì thì làm sao? Nếu muốn tìm ra “what you love” (đam mê của mình) thì trước hết cần phải “love you do” (dấn thân cho những gì mà mình làm).
Và ở đây, ta cũng có thể nói thêm một thông điệp quan trọng bậc nhất mà huyền thoại công nghệ Steve Jobs đã từng chia sẻ trong buổi lễ tốt nghiệp trang trọng của Đại học Stanford (Mỹ) năm 2005:
Stay Hungry! Stay Foolish! (Hãy cứ khát khao! Hãy cứ dại khờ!). “Hãy cứ khát khao” thì có vẻ dễ hiểu và dễ hình dung, nhưng “hãy cứ dại khờ” thì quả là không dễ hiểu chút nào.
Nói rõ ràng ra hơn, chỉ khi ta “ngu ngu” một tí để dấn thân, để đam mê, để quên mình cho những việc mà mình làm, cho những mục tiêu ý nghĩa hay những lý tưởng cao cả thì mới có cơ hội tìm ra mình và đạt tới những thành tựu to lớn, và ngược lại, nếu ta cứ quá toan tính thiệt hơn với những thứ nhỏ lẻ, những điều lợi thiệt trước mắt thì khó mà tựu thành được điều gì đáng kể.
Và trong năm loại người nói trên, ai sẽ thành công trong công việc? Muốn biết ai sẽ thành công thì cần phải biết làm sao để thành công trong công việc? Có một “công thức” thành công mà tôi hay chia sẻ vui như vầy:
Thành công = May mắn.
Nhưng “may mắn” bằng cái gì?
May mắn = Chuẩn bị tốt + Cơ hội đến
Tại sao cơ hội đến với ta và với mọi người nhưng người khác thì nắm được cơ hội, còn mình thì không? Bởi lẽ, người ta đã chuẩn bị cho cái ngày này lâu lắm rồi, khoảng 2 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm nay rồi, còn mình, nếu giờ mới bắt đầu chuẩn bị thì nhanh lắm cũng phải mất 2 năm, 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa mới có thể nắm được cơ hội.
Tại sao cơ hội đến với người ta quá nhiều, còn mình thì bói một cơ hội cũng không có? Cụ thể, trong năm loại người với năm thái độ làm việc nói trên (15 triệu, 10 triệu, 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu) thì cơ hội sẽ đến với ai nhiều nhất? Chắc hẳn, những cơ hội tốt nhất sẽ đến với loại người làm theo kiểu 15 triệu, những cơ hội nào người 15 triệu chê thì sẽ lọt vào tay của những người làm việc theo kiểu 10 triệu, còn đến những người làm việc theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu thì chắc không còn “bánh” nữa, nên chỉ còn cách đi “lượm lá” thôi, vì sống kiểu đó, làm kiểu vậy thì rất khó để có cơ hội nào đáng giá và tử tế dành cho mình.
Tất nhiên sẽ có người nói rằng, thời buổi bây giờ có những môi trường mà ở đó làm đối phó cũng vẫn có thể có nhiều cơ hội và cũng thành công, thậm chí ở những môi trường đó, nếu làm theo kiểu đam mê hay trách nhiệm sẽ không có đất sống… Vậy môi trường đó là môi trường nào và sự thành công ở đó hiểu theo nghĩa nào? Không cần nói ra thì ai cũng có thể đoán được môi trường làm việc kiểu đó là môi trường nào và thành công được nói đến là thành công gì! Bởi ai cũng hiểu rằng, nếu không có “túi văn hóa”, cũng chẳng có “túi chuyên môn” và không có thái độ làm việc tốt mà vẫn có được chức to, tiền nhiều thì con đường đó chỉ có thể là “tà đạo” (làm lợi cho mình bằng cách làm hại người khác).
Hay nhiều người cũng sẽ than, tôi cũng có muốn “mất mình” hay “bán mình” đâu, nhưng ở trong môi trường đó thì phải vậy thôi! Vậy thôi, có nghĩa là có tiền, có quyền, có danh…, có đủ mọi thứ nhưng lại không “có mình”, tức là mình không còn là mình nữa, mình đã phản bội mình rồi, mình đã đánh mất mình rồi.
Nếu còn thiếu “túi văn hóa” và “túi chuyên môn”, chỉ cần cố gắng thực học và khổ học (sự học khai phóng) thì mấy túi rồi cũng sẽ sớm có; nếu còn chưa “tìm ra chính mình” thì cứ sống dấn thân, làm quên mình thì sớm muộn cũng sẽ tìm ra “mình”. Và khi đã có năng lực và đã tìm ra mình, ở Việt Nam hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, còn thế giới có hơn 200 quốc gia, chẳng lẽ không có nơi nào khác tử tế để làm, chẳng lẽ không có chỗ đàng hoàng nào khác để dung thân mà cứ phải chui vào những môi trường mà mình không muốn sao!?
(iii) Làm ra chính mình
Tìm ra chính mình rất quan trọng, nhưng để ta có được cái “chính mình” đó, để hình thành được “con người bên trong” đó thì phải cần đến cả một quá trình để làm ra nó, vì từ nhận thức đến hành động bao giờ cũng có khoảng cách.
Cuộc đấu tranh giữa “ta” (con người bản năng) và “mình” (con người lương tri) là một cuộc đấu tranh vô hình và âm thầm nhưng hông kém phần giằng xé và khốc liệt so với bất kỳ cuộc đấu tranh hữu hình nào khác mà chúng ta từng biết.
Thường thì “mình” sẽ ngủ yên, và chỉ khi rơi vào những lựa chọn khó khăn hay những lựa chọn sinh tử thì mới biết “đâu là mình”, vì chỉ khi đó thì “mình” mới xuất hiện và lên tiếng. Nếu trong những hoàn cảnh như vậy, không có “mình” mà chỉ có “ta”, hoặc có “mình” nhưng “mình” lại quá yếu ớt và nhỏ bé thì khi đó sẽ chẳng có giằng xé gì cả mà sẽ lựa chọn khá dễ dàng vì “mình” đã bị “ta” đè bẹp.Tìm ra chính mình và làm ra chính mình là một hành trình khó khăn và cũng rất dễ bị ngộ nhận. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp, những tưởng là ta đã tìm thấy và đã làm ra được “chính mình”, nhưng khi đứng trước một lựa chọn mang tính quyết định thì rốt cuộc “ta” vẫn là “ta”, còn “mình” thì đâu chẳng thấy.
Chẳng hạn, hãy thử tưởng tượng rằng bạn đang nắm giữ một vị trí quản lý thu mua vật tư của một công ty. Ở vị trí đó, bạn có rất nhiều điều kiện để nhận tiền “lót tay” của các nhà cung cấp, nhưng bạn luôn muốn mình là một con người trung thực và trong sạch.
Hôm nay, có một đối tác lại đưa cho bạn một “phong bì” để mong bạn tìm cách gạt các đối thủ khác để giúp họ thắng một hợp đồng (lý do mà họ đưa phong bì cho bạn là vì sản phẩm của họ rất tệ về chất lượng so với những đối thủ khác cùng đấu thầu), bạn có nhận hay không?
“Không, tôi sẽ từ chối, vì tôi muốn là một con người trung thực và trong sạch, và đặc biệt là tôi không muốn làm hại công ty của mình vì việc chọn đầu vào kém chất lượng”. Trong hoàn cảnh bình thường, chắc là không khó để thốt lên câu nói đó. Nhưng liệu quyết định của bạn có bị thay đổi trong những hoàn cảnh sau đây:
– Chồng/ vợ bạn gọi điện thoại và cho bạn hay rằng con bạn đang bị bệnh, cần một khoản tiền để chữa bệnh cho con. Đồng thời, nhà cung cấp cũng nài nỉ bạn hãy giúp họ vì nếu không thắng được hợp đồng này, công ty họ sẽ đứng bên bờ vực phá sản.
– Chồng/ vợ bạn gọi điện thoại và cho bạn hay rằng con bạn đang bị bệnh, cần một khoản tiền để chữa bệnh cho con. Đồng thời, nhà cung cấp cũng nài nỉ bạn hãy giúp họ vì nếu không thắng được hợp đồng này, công ty họ sẽ đứng bên bờ vực phá sản. Và khả năng có một ai đó biết được việc bạn nhận số tiền này là bằng không.
Nếu như bạn cảm thấy lựa chọn của mình bị lung lay, hoặc phải “gồng” lên với lựa chọn của mình, có thể hiểu rằng bạn vẫn đang còn trong quá trình tranh đấu giữa “ta” và “mình”. Khi chưa có chính mình, việc ta dễ bị lung lạc và thay đổi, nay thế này mai thế khác là điều rất hay xảy ra. Còn với người đã làm ra được chính mình rồi, họ thường sẽ lựa chọn một cách rất nhẹ nhàng và rất nhất quán trong hành động của mình. Hoặc nếu vì lý do gì đó mà buộc phải làm điều trái với “con người của mình” thì họ sẽ vô cùng khổ sở vì lương tâm bị giày vò. Họ sẵn lòng làm điều tốt ngay cả khi không có ai biết và không được ai ghi nhận, cũng như không làm điều xấu ngay cả khi không có ai khác biết được và nếu có ai đó biết được thì cũng chẳng sao.
Hành trình làm ra “chính mình“, một “chính mình” đủ lớn và đủ mạnh để đè bẹp “ta” bản năng (hay “ta” hoang dã) một cách dễ dàng trong những lựa chọn khó khăn của cuộc sống và cuộc đời, quả thật rất gian nan, nhưng không phải là không làm được. Có một câu nói rất hay của Samuel Smile: “Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt bản tính, gieo bản tính gặt số phận“. Nghĩa là, cần bắt đầu từ những hành động nhỏ và biến nó thành thói quen của mình, cho đến khi thói quen ấy trở thành giá trị, thành bản tính của mình hay nói cách khác là trở thành con người của mình.
Nếu được như vậy, “ta” bản năng sẽ phục tùng “mình” lương tri; có những thứ mà “ta” rất không muốn làm nhưng “mình” thôi thúc “ta” phải hành động; có những thứ mà “ta” rất muốn hành động nhưng “mình” lại không cho phép làm; khi đó, “mình” vừa là “chân ga”, lại vừa là “chân thắng” để dẫn dắt và kiểm soát đời ta; khi đó, ta là con người tự do/ tự trị/ nội trị chứ không phải là con người nô lệ/ bị trị/ ngoại trị.
(iv) Sống với chính mình
Khi đã làm ra chính mình, ta chỉ việc sống đúng với con người ấy. Có lẽ, khó có niềm hạnh phúc nào lớn bằng niềm hạnh phúc này, hạnh phúc được sống đúng với con người của mình, như Mahatma Gandhi, nhà hiền triết vĩ đại và cũng là nhân vật đứng thứ hai trong danh sách những con người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 (theo bình chọn của tạp chí Time), từng nói: “Hạnh phúc, là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm nhất quán và hòa quyện với nhau”.
Và không chỉ Mahatma Gandhi, nhà tâm lý học trứ danh Abraham Maslow cũng chia sẻ trong “Tháp nhu cầu Maslow” nổi tiếng của mình rằng, trong tháp nhu cầu của con người gồm năm mức thì mức cao nhất cũng có hàm ý nhu cầu “được sống đúng với con người của mình”, nhu cầu “được là (chính mình”. Đây cũng chính là nhu cầu đặc biệt nhất của con người tự do/ tự trị/ nội trị.
Nói cách khác, một trong những hạnh phúc lớn nhất của con người, một trong những nhu cầu cao nhất của con người là “được sống đúng với con người của mình”, được sống đúng với “đạo sống” (lẽ sống, giá trị sống, lương tâm, phẩm giá…) mà mình đã chọn và xác lập, và đạo sống này không trái với đạo luật của nhà nước và đạo lý của xã hội (nhất là xã hội văn minh, tiến bộ), cũng như “đạo thiêng” của tôn giáo mà mình chọn.
Mỗi người sẽ có một cách định nghĩa về hạnh phúc của riêng mình, do đó có vô số khái niệm và cách hiểu về hạnh phúc. Theo quan sát của tôi, có ba cách định nghĩa về hạnh phúc khá phổ biến sau đây:
– Nhóm 1: Hạnh phúc là có được danh lợi, tiền tài, địa vị, danh vọng.
– Nhóm 2: Hạnh phúc là có được sự kính trọng, thương yêu, quý mến của mọi người.
– Nhóm 3: Hạnh phúc là trở thành một con người tự do/ tự trị (được là chính mình, nhưng vẫn có cuộc sống đủ đầy và không trái với pháp lý nhà nước hay đạo lý xã hội).
Đã có rất nhiều ý kiến phân tích về nhóm 1 (chỉ cần có tiền, quyền, danh), nên tôi sẽ không bàn thêm ở đây. Nhóm 2 có lẽ là đích đến của không ít chúng ta, nhưng phương tiện mà mỗi người lựa chọn để đi đến cái đích “hạnh phúc” đó lại làm nên sự khác biệt rất lớn giữa họ. Có bốn loại phương tiện thường được dùng để có được hạnh phúc nhóm 2 là: tiền, quyền, tài và tâm.
Nhiều người miệt mài kiếm tiền, thậm chí ngay cả khi đã có rất nhiều tiền rồi họ vẫn miệt mài kiếm tiếp bằng mọi giá, không phải bởi vì cần thêm tiền xài, mà bởi vì họ tin rằng khi họ có nhiều tiền hơn thì mọi người sẽ quý trọng họ hơn. Nhưng trong nhiều trường hợp, nỗ lực này có thể sẽ khiến họ bị đẩy xa khỏi cái đích “được quý trọng” của mình và trở thành nô lệ cho tiền bạc như nhóm 1.
Quyền lực liệu có đảm bảo mang lại cho ta sự kính trọng của người khác? Không chắc! Có những vị tổng thống được nhiều người yêu quý và kính trọng, nhưng cũng có những vị tổng thống, những nguyên thủ đứng đầu một quốc gia nếu ra đường có thể sẽ bị người dân ném đá hay cà chua, trứng thối.
Còn tài thì sao? Cũng chưa chắc! Có những người rất tài giỏi, nhưng có khi vẫn bị khinh ghét như thường đó thôi.
Và ngay cả cách mà nhiều người thường chọn, là sống không làm hại đến ai (vô hại) cũng chưa chắc sẽ mang lại cho ta sự kính trọng, bởi vì với cách sống đó có thể ta cũng sẽ không mang lại giá trị gì cho ai cả.
Như vậy, tiền, quyền, tài, tâm đều không phải là con đường để đi đến “sự kính trọng” của người khác. Chỉ còn một cách khả dĩ để tìm kiếm được, để có được sự quý trọng của người khác, đó là mang lại giá trị gì cho mọi người và không gây hại gì cho ai cả. Nói nôm na hơn là, kiếm bằng cách “mang” và không “gây”. Đó là con đường tìm kiếm sự yêu mến và lòng kính trọng của người khác mà bất kỳ ai cũng có thể đi được, nếu muốn.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự yêu mến hay kính trọng của người khác vẫn chưa phải là đích đến cuối cùng của họ. Đó chính là những người thuộc nhóm 3 – những người làm một điều gì đó chỉ đơn giản là bởi vì khi ấy, họ được là chính họ, họ được sống với “chính mình” trong hành động đó.
Chúng ta thường cho rằng, chỉ có những bậc thánh nhân mới đạt được tới mức độ giải phóng mình khỏi những yếu tố ngoại trị (kể cả đó là những thứ rất quan trọng như tình cảm, sự yêu mến của người khác) như thế. Nhưng thực sự, ta hoàn toàn có thể bắt gặp niềm hạnh phúc “được sống với chính mình” giản dị đó ngay ở chính những con người có vẻ bình thường, nhỏ bé quanh mình.
Đó là những người giống như bà Muội – người phụ nữ nhặt rác đã cứu đứa bé bị xe cán ở Trung Quốc. Bà đã không thể trả lời câu hỏi: “Điều gì đã khiến bà làm như vậy?” hay bà cũng không hiểu vì sao hành động của mình lại được trân trọng và đánh giá cao đến thế. Bởi vì với bà, đó là chuyện bình thường, là lẽ đương nhiên phải làm. Và khi làm, chắc bà cũng không quan tâm đến chuyện sẽ được nổi tiếng hay được quý trọng vì hành động cứu người của mình.
Hay như câu chuyện “làm theo kiểu mấy triệu” trong phần “Làm ra chính mình” ở trên. Cho dù người ta trả mình 5 triệu hay 10 triệu đi nữa, một khi mình đã nhận làm thì mình sẽ làm và sẽ sống đúng với con người mình, mình sẽ làm theo kiểu, làm cho “ra người”, làm cho “ra việc” rồi thì sẽ “ra tiền”. Khi làm ra tiền thì có hạnh phúc cấp độ 1; khi làm “ra việc” thì được quý trọng, đó là hạnh phúc cấp độ 2; còn khi làm cho “ra người” thì được là chính mình, đó là hạnh phúc cấp độ 3.
Để rõ hơn, hãy cùng phân tích một câu chuyện khác về hạnh phúc của một ông thầu khoán:
Có một ông Việt kiều về nước cũng nhiều năm và thường thất vọng về các dịch vụ mà ông ấy thuê ngoài. Có lần ông ấy thuê một ông thầu khoán chỉnh trang lại căn nhà của mình. Khi ông thầu khoán báo rằng đã làm xong thì ông Việt kiều nghĩ thầm trong bụng chắc là chất lượng dịch vụ cũng như những lần trước thôi, nhưng thôi, mình cứ đưa tin đi cho rồi, dây dưa với mấy người này làm gì, mệt lắm, rồi đưa ngay cho ông thầu khoán một cái phong bì và nói, đây là tiền công của ông.
Nhưng ông chủ nhà hơi sựng lại khi nghe ông thầu khoán nói, không, ông cứ đi xem lại hết các hạng mục sửa chữa đi đã, nếu chỗ nào chưa ổn thì tôi sẽ cho sửa lại và tôi chỉ lấy tiền khi mà ông thấy mọi thứ đã được sửa tốt, đúng thỏa thuận và đúng ý ông. Ông chủ nhà hết sức ngạc nhiên về thái độ này của ông thầu khoán, và nghĩ thầm, người ta đàng hoàng vậy mà mình lại nghĩ không hay về người ta. Sau khi đi một vòng kiểm tra các hạng mục công trình, ông chủ nhà rất hài lòng về chất lượng sửa chữa. Ông đã trao phong bì tiền công cho ông thầu khoán kèm thêm một số tiền thưởng và không ngớt lời khen ngợi ông thầu khoán. Ông thầu khoán vui vẻ nhận tiền, cảm ơn và ra về.
Ông thầu khoán trong câu chuyện này cũng có ba trạng thái, ba cấp độ hạnh phúc khi đi làm:
– Trạng thái 1: Cảm thấy hạnh phúc nhất là khi nhận được phong bì tiền công từ chủ nhà = > Hạnh phúc khi kiếm được, có được cái mà mình muốn => Hạnh phúc khi mình có lợi lộc, khi mình có được cái gì đó => Thuộc dạng người “To Have” (chiếm hữu).
– Trạng thái 2: Khi nhận được tiền thì cũng rất hạnh phúc, nhưng cảm thấy hạnh phúc hơn vì công việc của mình được chủ nhà hài lòng và khen ngợi => Hạnh phúc khi được người khác trân trọng và ghi nhận => Hạnh phúc khi mình có uy tín, khi mình cống hiến được cái gì đó => Thuộc loại người “To Give” (cống hiến). Thực ra, dạng người “To Give” cũng là loại người “To Have” nói trên (vì họ cũng muốn có được cái gì đó), nhưng cái họ muốn rất chi là dễ thương!
– Trạng thái 3: Khi nhận được tiền hay được khen ngợi về công việc của mình thì cũng rất hạnh phúc, nhưng cảm thấy hạnh phúc hơn vì khi đã làm xong công việc rồi, tự mình đi một vòng kiểm tra các hạng mục và cảm thấy rất hài lòng với chất lượng công việc của mình => Hạnh phúc thầm kín, không hổ thẹn với lương tâm chức nghiệp của mình và thấy tự hào về con người mình. Bởi lẽ, chất lượng công việc cũng chính là “chất lượng con người” của mình, cả về năng lực lẫn phẩm cách. Bởi lẽ, mình đã nhìn thấy “con người của mình” trong công việc. Bởi lẽ, không có niềm tự hào nào lớn hơn niềm tự hào thầm kín về “con người của mình” khi nó được hiện thực hóa trong cả công việc hàng ngày lẫn trong cuộc sống đời thường của mình => Hạnh phúc khi mình có phẩm giá, khi mình được là mình => Thuộc loại người “To Be” (là mình).
Như vậy, hạnh phúc ở trạng thái 3 hay cấp độ 3 nói trên là hạnh phúc của người tự do/ tự trị/ nội trị, là hạnh phúc của người có đạo đức, nhân cách, lương tâm, phẩm giá. Nếu khi đi làm cứ cố gắng làm cho “ra người” (cấp độ 3) và làm cho “ra việc” (cấp độ 2) thì nhất định sẽ “ra tiền” (cấp độ 1). Nói cách khác, đối với những con người tự do/tự trị thì “làm cho ra người” mới là mục đích thật sự khi làm việc, còn cấp độ 2 (tình cảm, sự quý trọng) và cấp độ 1 (tiền bạc, quyền lực, danh phận…) chỉ là hệ quả tất yếu mà họ sẽ nhận được. Với họ, đây mới thực sự là “được sống đúng với con người của mình” trong công việc, và đây mới đúng là “được là chính mình” hay “hãy là chính mình” trong công việc.
Tôi vẫn thường nói vui là, để nhìn thấy mình thì ta cần có hai cái gương, cái thứ nhất làm bằng thủy tinh, cái thứ hai được làm bằng một chất liệu đặc biệt, đó là “công việc mà mình đã làm“. Nếu như cái gương thứ nhất giúp ta nhìn thấy hình hài của mình, thì cái gương thứ hai giúp ta nhìn thấy “con người” của mình. Nói cách khác, nếu muốn nhìn thấy hình hài của mình thì mình sẽ nhìn vào gương thủy tinh, còn nếu muốn nhìn thấy “con người” của mình thì mình sẽ nhìn vào “gương công việc” mà mình đã làm, khi đó “ta” sẽ được tự hào về “mình”, tự hào về “con người” của mình (niềm tự hào thầm lặng và niềm hạnh phúc sâu kín), hay “ta” sẽ phải thẹn với “mình” (lòng mình), thậm chí “ta” sẽ bị lương tâm cắn rứt (nếu như lương tâm của ta vẫn có… răng).
Ngoài ra, có một điểm nữa mà chúng ta không thể không nói tới khi bàn về chủ đề “sống với chính mình”, đó là:
Liệu ta có thực sự hạnh phúc không, khi mà con người mà ta muốn thể hiện ra bên ngoài cho mọi người thấy (cũng là kiểu người mà trong xã hội ai cũng muốn hướng tới) không phải là con người thực của mình, mà chỉ là con người “biểu diễn” thôi?
Hạnh phúc đích thực là khi con người mà ta muốn thể hiện ra bên ngoài cho mọi người thấy cũng chính là con người thực của mình. Khi đó, ta chỉ cần “sống với chính mình“, “sống đúng với con người của mình” là đủ.
(v) Giữ được chính mình
Mỗi khi bàn về vấn đề này, tôi lại nhớ đến hai câu chuyện về hai người bạn của tôi.
Người bạn thứ nhất của tôi là giám đốc của một sở rất quan trọng ở một tỉnh miền Tây. Một hôm, anh gọi điện cho tôi và báo rằng anh vừa chuyển lên Sài Gòn. Tôi cứ ngỡ anh được lên chức vì anh vốn là một gương mặt lãnh đạo trẻ khá tiềm năng của tỉnh thì anh cười và bảo rằng anh tự xin chuyển lên đây, làm ở một vị trí chuyên viên bình thường. Trước sự ngạc nhiên của tôi (và tôi đoán rằng nhiều bạn bè và người thân khác của anh còn ngạc nhiên hơn vậy), anh bảo: “Sau rất nhiều trăn trở, mình lựa chọn thay đổi. Vì làm càng lâu thì tự dưng lại càng thấy hình như mình không còn là mình nữa, mình đã đánh mất chính mình rồi”.
Một người bạn khác của tôi là một chuyên gia hiện đang làm việc lâu năm tại Nhật Bản. Một lần về nước, anh hỏi tôi: “Này, tôi đang suy nghĩ có nên quay về nước làm việc hay không. Ở bên kia thì lúc nào cũng đau đáu về quê hương, nhưng cũng lo không biết khi về thì sẽ ra sao. Mảng của tôi, cậu biết đấy, phức tạp lắm! Cậu hiểu tình hình ở nhà hơn, theo cậu cái gì sẽ là thách thức lớn nhất đối với tôi khi quay về?”
Tôi nói nửa đùa nửa thật: “Cậu có xem phim Khiêu vũ với bầy sói chưa? Làm thế nào để sống được với “sói” mà không bị sói ăn thịt, và cũng không bị… trở thành sói, mà “vẫn là mình”, đấy là cái khó nhất! Chắc phải có khả năng khiêu vũ với bầy sói rồi”.
Anh lặng thinh suy nghĩ trước câu nói của tôi, giống như tôi đã lặng thinh suy nghĩ khi nghe lý do anh bạn miền Tây của tôi quyết định bỏ việc lên Sài Gòn. Thực sự, trong một thế giới ngày càng trở nên phức tạp với đầy những bất ổn, việc làm sao để “giữ được chính mình” đang là một trăn trở không hề nhỏ của không ít người – như hai anh bạn của tôi. Làm sao để trung thành với những giá trị mà mình đã lựa chọn, làm sao để không phản bội lại chính mình? Làm sao bảo vệ mình trước những tác động bên ngoài để không đánh mất cái “mình” mà ta đã dày công đi tìm và làm ra nó?
Chắc chắn đó là điều không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Khó đến mức để tồn tại, nhiều người đã phải chấp nhận thỏa hiệp, đến mức ngay cả những người khó tính nhất cũng buộc phải chấp nhận vì không còn giải pháp nào khác. Nhưng câu hỏi đặt ra là: thỏa hiệp đến mức nào để mình vẫn còn là mình?
Vì trong tất cả các tội, có lẽ phản bội chính mình là tội nặng nhất. Và trong tất cả các đánh mất, khó có đánh mất nào lớn bằng là đánh mất chính mình.
Câu chuyện là làm sao giữ được chính mình?
Khi có “túi văn hóa” tức là sẽ có được “chính mình”, có được “con người bên trong” của mình, có được “chân thắng và chân ga” ở bên trong mình. Nhưng có lẽ có “túi văn hóa” mà thiếu “túi chuyên môn” (tài năng trong một công việc hay một nghề nghiệp nào đó) thì dù có muốn cũng rất khó có thể làm con người tự do.
Chẳng hạn, trong suốt buổi nói chuyện với nhóm bạn, có một người không ngừng nói xấu về sếp và về công ty nơi anh ấy đang làm việc. Một người bạn trong nhóm hỏi anh ấy, sao anh ghét công ty mình như thế mà anh không xin nghỉ việc và tìm chỗ khác phù hợp hơn? Anh ấy trả lời, cũng muốn nghỉ lắm chứ, nhưng không nghỉ được. Bởi vì, chỗ này tuy mình không thích, không hợp, nhưng được cái thu nhập cao, bảo đảm cho gia đình một mức sống tốt, mỗi tháng đưa cả nhà đi du lịch một lần, hai con học trường quốc tế…. Giờ nếu nghỉ và chuyển qua chỗ khác thì thu nhập chắc chỉ còn một nửa, chuyện du lịch hàng tháng sẽ phải bỏ, con đang học trường quốc tế sẽ phải chuyển sang trường thường… Do vậy, dù mình rất không thích nơi làm việc, dù làm ở đây phải thỏa hiệp và nhiều khi cảm thấy không còn là mình nữa, nhưng vì thu nhập và cuộc sống gia đình nên đành chịu thôi, anh ấy kết luận.
Có lẽ chúng ta cũng không nên phê phán anh ấy, vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh“, chúng ta ở bên ngoài, không hiểu hết chuyện được. Nhưng có một điều rõ ràng là khi ta bị hạn chế về chuyên môn hay hạn chế về năng lực làm việc thì sẽ không có nhiều lựa chọn trong công việc, vậy tự do cũng ít đi, và khả năng giữ được mình cũng khó hơn. Như vậy, trở thành một chuyên gia ưu tú trong một công việc hay một nghề nghiệp nào đó cũng là cách để mình có thể trở thành một con người tự do.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta cũng có những cách khác và sẵn sàng hi sinh nhiều thứ để có thể thoát khỏi tình trạng “đánh mất mình”. Chẳng hạn, Abraham Lincoln, một trong những tổng thống được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã từng làm luật sư trước khi trở thành một chính khách vĩ đại, và ông từng viết về nghề của mình như vậy: “Hãy quyết tâm sống chân thật trong mọi sự; nếu bạn thấy mình không thể trở thành một luật sư trung thực, thì hãy cố gắng sống trung thực mà không cần phải làm luật sư”.
Đó là suy nghĩ và tầm nhìn của một vĩ nhân, nhưng có một câu chuyện có thật khác xảy ra với một con người rất bình thường ở Việt Nam, đó là câu chuyện của người bán vé số “chê” 6,6 tỷ đồng – chị Phạm Thị Lành ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Anh Tuấn, một người chạy xe ba gác chở thuê đã mua của chị Lành 20 tờ vé số với giá là 200.000 đồng. Tuy nhiên, anh Tuấn chỉ mua qua điện thoại, cũng không nhớ số những tờ vé số mà mình mua, và anh Tuấn mua thiếu, chưa trả tiền. Nhưng chị Lành dò số thì 20 tờ vé số này lại trúng độc đắc với tổng trị giá giải thưởng là 6,6 tỷ đồng. Chị Lành đã điện thoại cho anh Tuấn và nói rằng 20 tờ vé số của anh đã trúng độc đắc và nói anh Tuấn đến quán café để nhận vé, nhưng anh Tuấn không tin, và cứ nghĩ là chị Lành đùa để anh tới trả tiền mua vé số. Tuy nghĩ là đùa, nhung anh Tuấn vẫn nói tí nữa khi xong việc anh sẽ tới trả tiền vé số. Nhưng khi gặp chị Lành và dò số thì đúng là trúng độc đắc thiệt.
“Hồi nhận mấy tờ vé trúng, tôi còn nói với cổ rằng nếu cổ không muốn đưa thì tôi cũng không làm gì được. Tôi nghe mấy người rành luật nói giao dịch này chưa hoàn thành, cổ có giữ lại tôi cũng không làm gì được. Mà nói thiệt, cô Lành không nói thì vợ chồng tôi cũng không biết”, anh Tuấn kể.
“Nhiều người nói nếu chị không giao vé số cho anh Tuấn cũng không ai làm gì chị, bây giờ nghĩ lại chị có tiếc không?” – chúng tôi hỏi. Cười hồn hậu, “Lành vé số” trả lời không cần suy nghĩ: “Hồi đó tới giờ tôi bán vé số bị ế, anh Tuấn mua ủng hộ, dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa!” (Trích báo Thanh niên, ngày 29/12/2011).
Điều đặc biệt là gia cảnh chị Lành rất nghèo, nhà anh Tuấn cũng không khá giả gì hơn. Khi được anh Tuấn tặng lại một tờ vé số, chị Lành dành số tiền đó để làm nhà cho ba mẹ, còn anh Tuấn dù trúng độc đắc số tiền lớn nhưng vẫn tiếp tục nghề chạy xe ba gác chở hàng thuê… Giữ được chính mình trong những hoàn cảnh như chị Lành và anh Tuấn thật đáng ngưỡng mộ.
Trên đây là năm cấu phần của mô hình “Ta là sản phẩm của chính mình”. Mô hình này có tên như vậy vì ta sẽ trở thành ai hay cuộc đời ta sẽ ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của chính ta: Lựa chọn của bạn, Cuộc đời của bạn/Your choices, Your life!
Vòng tròn trong mô hình ở trên không có điểm kết thúc, điều đó có nghĩa là quá trình: Khai phóng bản thân, Tìm ra chính mình, Làm ra chính mình, Sống với chính mình và Giữ được chính mình có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Bởi những gì ta tìm thấy ngày hôm nay có thể sẽ không còn đúng ở ngày mai, vì cái dốt là mênh mông và chân lý cũng không hẳn vĩnh cửu mà sẽ tiến triển cùng với quá trình tự nhận thức, tự khai minh không ngừng nghỉ của con người.