TÂM THẨM SÁT

SAYADAW U TEJANIYA

Trích:  Thư Giãn và Nhận Biết; Dịch giả: Mưa; Hiệu đính: Nắng Mai; Nxb Dân Trí và Thiện Tri Thức.

Có một lần tôi ngồi thiền trong khi nghe thầy tôi, Shwe Oo Min Sayadaw, giảng pháp. Tâm tôi lúc ấy đang rất tĩnh lặng, nhưng rồi tôi thấy tâm đột nhiên bị khuấy động. Làm sao việc này lại xảy ra? Làm thế nào mà sân lại khởi lên trong tâm chóng vánh đến mức ấy, trong khi chỉ vài khắc trước đó còn đang yên bình?

Trong giây phút ấy, tôi đã nhận ra một điều rất thú vị: tâm tôi trở nên tò mò về điều đang xảy ra. Tâm muốn hiểu về chính nó. Tâm muốn biết tại sao nó đánh mất sự tĩnh lặng và trở nên nóng giận. Vì thế nó lùi lại một chút và bắt đầu đặt câu hỏi. Sự hăng hái muốn hiểu chính mình đã kéo phẩm chất của tâm ra xa khỏi cơn giận. Nó muốn học và biết sự thật, và chính nhờ đó, nó bắt đầu nhẹ nhàng quan sát sự vận hành của cơn giận.

Khi tiếp tục ngồi sau đó, tôi đã có thể quan sát được cách cơn giận vận hành trong tâm. Một mặt, tâm cố gắng để nghe thầy tôi giảng. Mặt khác, một nhóm trẻ con đang làm ồn ngay phía ngoài thiền đường. Tôi muốn chúng dừng lại, và thấy tâm đang phàn nàn về tiếng ồn cũng như khó chịu bởi tôi không tập trung nghe giảng được. Một vài cảm xúc mạnh khởi lên. Tâm quan sát thấy hết mọi thứ đang xảy ra trong tâm.

Bạn có thấy trường nhìn của tâm đã mở rộng ra thế nào ở thời điểm ấy không? Sau một hồi tâm thấy chính mình chạy đi chạy lại giữa hai bên, nó nhận ra sự bất toại nguyện, cơn sân. Tâm nhận ra rằng nó đã chọn một loại âm thanh, chính là giọng của thầy tôi, rồi dán nhãn “tốt” và có ích lên đó, trong khi âm thanh của những người khác là “xấu”, là vô ích.

Trong khoảnh khắc nhận ra ấy, tâm đã không thiên vị đối tượng nào hơn. Tâm có thể nghe được âm thanh chỉ là âm thanh, mà không chấp vào câu chuyện nó tự kể về âm thanh tốt và âm thanh xấu. Tại thời điểm ấy tâm dừng cả việc mong cầu nghe giọng thầy tôi lẫn dừng sự căm ghét đối với các giọng khác. Thay vào đó, tâm trụ lại ở trung đạo và tiếp tục hứng thú quan sát. Tâm nhìn thấy phiền não giảm dần đi.

Đây là cách tri kiến hay sự thấu tỏ xảy đến — một sự chú tâm tức thời muốn thẩm sát khoảnh khắc hiện tại và tìm hiểu cách mà tâm và thân tương tác với nhau.

Đức Phật gọi phẩm chất thiết yếu này của việc khảo sát tâm là dhamma vicaya (trạch pháp), có nghĩa là một cái tâm thẩm sát thực tại một cách tự nhiên. Tâm ấy nghiên cứu chính mình bằng cách đặt câu hỏi để phát hiện điều đang xảy ra và tại sao nó lại xảy ra. Tâm muốn hiểu bản chất của tâm và thân.

Thường thì các hành giả sẽ chú ý hơn vào sự tỉnh giác (chánh niệm) và nỗ lực đúng (chánh tinh tấn), mà quên thực hành dhamma vicaya. Họ quên khảo sát và đặt câu các câu hỏi về trải nghiệm để học. Nhưng chánh niệm là để chuẩn bị cho hiểu biết. Bạn cần dùng tư duy khôn ngoan để quyết định cách xử lý mọi chuyện; bạn không thể chỉ giới hạn việc thực hành của mình trong sự nhận biết liên tục. Không phải lúc nào như thế cũng là đủ.

Các gốc bất thiện thường chiếm ưu thế trong tâm. Chúng rất giàu kinh nghiệm, rất thiện chiến, và thường sẽ đạt được điều chúng muốn nếu chúng ta không tỉnh táo. Nếu bạn không nhận diện chúng hoàn toàn bằng ánh sáng của trí tuệ, chúng sẽ chiếm quyền kiểm soát tâm.

Tâm buông xả đến khi tôi vừa nghe thầy tôi giảng vừa nghe tiếng vọng từ bên ngoài là kết quả của hiểu biết thực sự về bản chất của thích và không thích trong tâm. Hiểu biết này khởi sinh từ việc quan sát và thẩm sát cơn khó chịu mà tôi đã cảm thấy.

Theo cùng một cách này, ngay khi bạn nhận thấy một sự khó chịu hay dễ chịu trong tâm, hãy hướng sự chú ý của bạn về phía đó để học tất cả những gì bạn có thể học về nó. Nếu bạn có thể nhìn thấy những sự dễ chịu hoặc khó chịu vi tế, hãy quan sát nó thay đổi: liệu nó tăng hay giảm? Tâm càng tĩnh tại và nhạy cảm hơn thì sẽ càng nhận ra những phản ứng vi tế dễ dàng hơn.

Hãy luôn bắt lấy mỗi sự khởi sinh của tâm thiện hoặc bất thiện như một cơ hội để thẩm sát bản chất của chúng. Hãy tự đặt câu hỏi cho mình! Mỗi phẩm chất thiện hoặc bất thiện làm bạn cảm thấy thế nào? Những ý nghĩ nào khởi lên trong tâm? Suy nghĩ tác động đến cảm xúc ra sao? Cảm xúc ảnh hưởng lên suy nghĩ như thế nào? Thái độ nào đang ẩn sau các suy nghĩ? Mỗi điều như thế ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận cơn đau ra sao?

Tâm cần phải được định hướng, và dhamma vicaya làm việc đó. Một khi đã được định hướng, tâm sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng đã định. Đó là đặc tính tự nhiên của tâm. Nếu bạn thả cho tâm vô định hướng, hỗn loạn sẽ xảy ra.

Thử lấy sợ hãi làm một ví dụ khác. Nếu sợ hãi khởi lên và bạn quyết định khảo sát cảm xúc này, tức là bạn đang định hướng đúng cho tâm. Mặt khác, nếu bạn cố gắng để xóa bỏ nỗi sợ ấy, chính là bạn đang định hướng sai.

Hãy cho mình thời gian. Di chuyển chậm rãi, cảm nhận từ từ tất cả những gì đang xảy ra. Cố gắng thu thập nhiều thông tin nhất có thể. Đó là chức năng của nhận biết thu thập thông tin. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy có một vấn đề cần phải được quan tâm, hãy thẩm sát nó. Những gì xảy ra trong tâm sẽ có vẻ khá hỗn loạn lúc ban đầu.

Bạn cần nhìn đi nhìn lại vào cùng một vấn đề từ nhiều góc khác nhau. Khi nhận biết trở nên liên tục hơn, nỗi sợ hãi của bạn sẽ giảm dần, bạn sẽ hiểu ra những vấn đề nào là quan trọng và những vấn đề nào thì không.

Điều quan trọng cần nhớ là, khi sự có mặt của các gốc bất thiện trở nên quá mức chịu đựng, thì sự nhận biết cần phải được tích luỹ trước khi có thể đối diện với tâm bất thiện một cách trực tiếp. Trong tình huống ấy, không nên thẩm sát tâm bất thiện ngay mà thay vào đó nên dùng một đối tượng trung lập để trau dồi sự liên tục của chánh niệm. Chúng ta không cần phải đối diện với bất kỳ điều gì trong tâm cho tới khi niệm và tuệ đã sẵn sàng. Đây là một sự cân nhắc khôn ngoan và là một phần quan trọng của việc nhớ rằng mục tiêu của thiền là trau dồi các phẩm chất lành mạnh của tâm. Về cơ bản, nó là việc học cách chăm sóc tâm.

Dần dần bạn sẽ thấy rõ hơn lợi ích của thực hành và hiểu sâu hơn những điều bạn đã học được. Những điều này sẽ làm tăng tưởng lòng tự tin của bạn.

Đừng thoái chí khi bạn đánh mất sự nhận biết. Bất cứ khi nào bạn nhận ra rằng mình đã mất nhận biết, hãy hoan hỉ. Việc bạn nhận ra rằng mình đánh mất sự nhận biết chứng tỏ là bạn đang nhận biết. Hãy cứ tiếp tục quan sát tiến trình đánh mất rồi tìm lại sự nhận biết và học từ nó.

Cuộc sống là sự phản chiếu phẩm chất của tâm. Nếu bạn thực sự hiểu tâm, bạn sẽ hiểu thế giới. Bạn đạt được hiểu biết này nhờ vào quan sát và học hỏi. Bạn không cần phải tin bất cứ điều gì mà tâm trí bạn không hiểu. Hãy tiếp tục thẩm sát. Hãy tiếp tục học từ các trải nghiệm cá nhân của bạn.

Tri kiến sáng suốt có thể khởi lên từ những tình huống hết sức bình thường. Đối tượng thẩm sát của bạn có thể rất đơn giản và trực quan, nhưng hiểu biết bắt nguồn từ nó có thể rất sâu một trời một vực so với sự giản đơn của trải nghiệm. Đối tượng ấy có thể là một thứ bạn vẫn thường tiếp xúc mỗi ngày, nhưng tri kiến có thể gây choáng ngợp.

Chẳng hạn, khi bạn đang tắm, bạn ngửi thấy mùi xà phòng và bạn bỗng nhiên hiểu sâu sắc rằng chỉ có mùi này và sự biết đang xảy ra, mà không bởi một ai đang thực hiện chúng. Những tiến trình ấy tự động diễn ra. Điều này từng một lần xảy ra với tôi. Sau khi kết thúc một ngày làm việc cùng với sự thực hành, tôi trở về nhà và tắm. Tôi không chủ động thực hành trong khi tắm, nhưng tâm tĩnh lặng và đón nhận. Khi nhặt cục xà phòng lên và ngửi nó, đột nhiên tôi khựng lại: “Tại sao mũi có thể nhận biết được mùi?” Tôi đã có một sự thấu suốt rằng mùi này – tri kiến về đối tượng mùi này – là kết quả của những nguyên nhân và điều kiện trước đó và hoàn toàn không có tính cá nhân.

Tính phi-cá nhân của nó – rằng không có một cái “tôi” nào đang ngửi mà chỉ là một tiến trình tự nhiên xảy ra trong mũi – đã làm tôi choáng. Ngay khi tắm xong tôi đã chạy quanh nói với các anh em mình, “Mọi người có biết rằng chỉ có thể ngửi bằng mũi không hả?” Khi tôi nói với thầy tôi về việc đó, ngài đã trả lời bằng cách dặn tôi: “Khi con hiểu ra điều gì, đừng có chạy quanh nói với tất cả mọi người, họ sẽ tưởng con bị khùng đó.”

Theo Đức Phật, có bảy điều kiện để dhamma vicaya – phẩm chất thẩm sát của tâm – khởi sinh:

  1. Không ngừng đặt câu hỏi về bản chất của tâm, bàn luận về các chủ đề liên quan đến bản chất tự nhiên, thẩm sát chúng, và suy nghĩ về chúng.
  2. Giản lược sự thủ hữu của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài. Điều này mang đến sự sáng rõ cho tâm. Sự sáng rõ của tâm là một điều kiện để trí tuệ hiển bày. Giản lược bên ngoài có nghĩa là làm sạch thân thể và môi trường quanh ta. Nhưng quan trọng hơn là giản lược bên trong, tức là làm sạch tâm (tỉnh giác) khỏi tham, sân, si.
  3. Học cách cân bằng ngũ lực: tín, tấn, niệm, định và tuệ.
  4. Tránh tương giao với những người không có trí tuệ.
  5. Tương giao với những người có trí tuệ.
  6. Chiêm nghiệm về trí tuệ và những điều sâu sắc.
  7. Có mong muốn tăng trưởng trí tuệ.

Tôi bắt đầu học thiền với Shwe Oo Min Sayadaw từ năm mười hai hay mười ba tuổi. Ngài nhận thấy sự hứng thú của tôi và thường giảng giải cho tôi về nhiều thứ. Ngài không bao giờ thúc ép tôi thiền. Ngài không bao giờ nói, “Hãy làm cái này, hãy làm cái kia.” Ngài chỉ nói chuyện theo cách mà một đứa trẻ là tôi bấy giờ cảm thấy hứng thú.

Mỗi lần tôi nói: “Con biết rồi,” ngài sẽ khích lệ tôi bằng cách đáp lại, “À, rất tốt! Rất tốt!” Tôi sẽ cảm thấy rất vui sướng. Ngài khuyến khích mọi người trân quý “sự hay biết”. Vì thế mỗi lần có ai nói “Con biết,” kể cả khi đó là một trải nghiệm tệ, ngài cũng thấy hoan hỉ. Ngài sẽ nói, “Nếu con hay biết một điều gì, hãy hoan hỉ. Dù đó là gì đi nữa. Tốt hay xấu, không phải vấn đề. Nếu con biết nó thì việc đó đáng để hoan hỉ.” Và tôi càng biết nhiều hơn, tôi càng hoan hỉ hơn! Ngài sẽ nói với tôi, “Ừ, tốt lắm. Cứ tiếp tục, tiếp tục.”

Qua nhiều năm, trong nhiều khoá thiền với Sayadaw, tôi đã cố gắng quan sát và phát triển các phẩm chất tốt của tâm tôi. Nhưng tôi đã chưa thực sự thay đổi, và tôi đã không trở thành một người tốt hơn. Đó là bởi vì tôi đã sao nhãng việc quan sát các phẩm chất xấu. Quan sát các phẩm chất xấu quan trọng hơn là quan sát các phẩm chất tốt, bởi vì nếu bạn có thể ngăn ngừa được các phẩm chất xấu, thì phẩm chất tốt tự động sẽ tới. Phẩm chất của tâm tôi chỉ bắt đầu được cải thiện từ khi tôi khởi sự quan sát các phẩm chất xấu như tham, giận, hay rối loạn. Thẩm sát các gốc bất thiện với sự hứng thú đã giúp tôi hiểu được bản chất của chúng.

Chúng ta có thể không nhận ra rằng một điều đơn giản như sự hứng thú chính là một đặc điểm của trí tuệ. Khi chúng ta đang hứng thú với một điều gì, cũng là lúc trí tuệ của chúng ta đang làm việc. Khi chúng ta đang hứng thú với điều gì, đó là khi chúng ta bắt đầu quan sát nó chi tiết hơn, và đó là khi chúng ta khám phá thêm về nó. Điều này xảy ra một cách tự nhiên.

Hiểu biết về điều đang xảy ra mang lại bình an cho tâm. Sự hứng thú mang phẩm chất trí tuệ bên trong nó. Khi bạn nhận biết, trí tuệ sẽ khai mở tự nhiên, và nhiều hứng thú hơn sẽ được khai phóng. Một khi bạn hiểu được sự quý giá của tiến trình này, bạn sẽ thấy vui sướng, và bạn sẽ tiếp tục quan sát ngày càng sâu hơn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHỈ NHẬN BIẾT NHẸ NHÀNG – ĐỪNG VẬT LỘN VỚI SUY NGHĨ
  2. NHẬN BIẾT KHI NGHE VÀ NHẬN BIẾT KHI NÓI
  3. GIỮ SỰ HỨNG THÚ – THƯ GIÃN VÀ NHẬN BIẾT

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ