TÂM TRÍ VÀ THÓI QUEN CỦA BẠN

GURU DEV SRI SRI RAVI SHANKAR

Trích: Ngợi Ca Tình Yêu Thương; Bill Hayden & Anne Elixhauser biên tập; Việt dịch: Thảo Trần; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2022

Cơ thể bạn giống như một cái máy giặt, tâm trí bạn là quần áo, mỗi đời người như một lần giặt, nước sạch là tình yêu thương và kiến thức chính là bột giặt. Tâm trí đi vào cơ thể để được làm sạch và thanh lọc.

Nhưng nếu dùng bụi bẩn thay cho bột giặt, bạn sẽ có quần áo bẩn, bẩn hơn cả trước khi giặt. Bạn sẽ phải tiếp tục cho quần áo vào máy để giặt sạch chúng. Và quá trình này cứ lặp đi lặp lại mãi. Giống như vậy, bạn sẽ trải qua nhiều kiếp sống cho đến khi ngừng lặp lại những lỗi lầm mà mình đã mắc phải.

Gyan Mandir, Bangalore, Ấn Độ

Ngày 21/12/1995

Cãi vã chỉ có thể xảy ra giữa những người ngang tầm nhau về một mặt nào đó. Khi cãi nhau với ai đó, bạn xem người ta ngang hàng với mình. Nhưng trong thực tế sẽ không có ai ngang hàng với bạn. Khi bạn xem ai đó ở trên hay dưới mình thì sẽ không có cãi vã. Khi người ta trên mình, bạn kính trọng họ. Khi người ta dưới mình, bạn yêu thương và đồng cảm với họ. Sự phục tùng hay lòng vị tha có thể giúp chấm dứt cãi cọ một cách nhanh chóng. Đây là điều bạn cần cân nhắc khi đã mệt mỏi vì cãi vã. Nhưng khi bạn được nghỉ ngơi thư thái thì cứ cãi nhau và vui đùa.

Tâm trí cũng giống như vậy. Khi tâm trí bị mắc kẹt lại ở các giác quan hoặc nó nghĩ là tự thân nó ngang tầm với các giác quan, sẽ có sự xung đột không ngừng. Nhưng khi tâm trí yếu hơn giác quan, tương tự như ở động vật, sẽ không có xung đột. Và khi tâm trí nhận ra rằng nó mạnh hơn các giác quan thì cũng sẽ không có xung đột. Khi tâm trí vượt qua các giác quan, nó trở về với đúng thực chất của nó, đó là sự trong sáng – “không bị tô vẽ bởi các giác quan”.

Điều này có hợp lý không?

Trung tâm tại Bangalore, Ấn Độ

Ngày 18/08/2000

Sự bất lực của bạn khi làm gì đó, như việc từ bỏ một thói quen, có thể khiến bạn bị dằn vặt. Khi thực sự đau đớn bởi điều gì đó, nó sẽ làm bạn từ bỏ được thói quen ấy. Khi đau khổ vì những khuyết điểm của mình, bạn sẽ là một sadhak – người cầu đạo. Nỗi đau sẽ đưa bạn ra khỏi những thói quen khó bỏ.

Thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ

Ngày 30/01/1997

Nếu tự quan sát hành vi của mình, bạn sẽ thấy rằng bản thân thường chần chừ khi làm việc tốt nhưng vội vã khi làm điều xấu. Ví dụ như khi giận dữ, bạn muốn thể hiện cảm xúc đó ra ngay lập tức.

Tại sao lại như vậy? Bởi đức tính tốt là bản chất tự nhiên và sẽ không bao giờ rời bỏ bạn trong khi tật xấu lại không phải là bản chất và sẽ rời bạn đi. Những xu hướng tiêu cực chỉ mang tính nhất thời và sẽ mất đi nếu như bạn không hành động theo chúng ngay lập tức. Thất vọng và than khóc sẽ không tồn tại lâu, nhất là không mãi ở cùng một mức độ. Có lẽ là bạn sẽ bản khoăn liệu mình có bỏ được các tật xấu nếu không hành động theo chúng.

Sẽ là khôn ngoan nếu bạn trì hoãn làm theo những thói quen xấu vì chúng sẽ không tồn tại lâu và hãy thực hiện những điều tốt ngay lập tức. Nếu không thì bạn sẽ tiếp tục trì hoãn làm việc tốt trong nhiều kiếp sống kế tiếp.

Trung tâm tại Bangalore, Ấn Độ

Ngày 08/02/2002

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔN TRỌNG
  2. ĐỨC TIN VÀ SỰ TỈNH TÁO
  3. SỰ BUÔNG BỎ

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU