SỰ TĨNH LẶNG DỊ THƯỜNG (NHẬT KÝ NGÀY 15/09/1961)

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Bút Hoa; Nguyên tác: The The Krishnamurti’s Note Book; Theo bản dịch Pháp ngữ: Carnets De Krishnamurti của Marie Bertrande Maroger; Người dịch: Ẩn Hạc

Một buổi tối đẹp, bầu trời trong sáng và sao đêm lấp lánh, dù ánh sáng lờ mờ từ thành phố; trong khi ngọn tháp chìm trong vùng sáng từ khắp nơi rọi đến, ta có thể thấy đường chân trời từ xa, và thấp hơn, những đốm sáng rớt trên con sông; một buổi tối an bình, dù có tiếng ồn âm thầm của xe cộ lưu thông. Tựa như ngọn sóng bao trùm những hạt cát, thiền định xuất hiện. Không phải là thiền định mà trí óc có thể nắm bắt trong những cạm bẫy ký ức của nó; nhưng ở đây trí óc hoàn toàn buông thả, không một chút đề kháng. Thiền định vượt hẳn lên mọi định thức, mọi phương pháp; mọi thứ này cũng giống như sự lặp đi lặp lại sẽ hủy diệt thiền định.

Chuyển động bao la của thiền định trùm khắp tất cả, các vì sao, tiếng động, cái yên tĩnh và rộng lớn của mặt nước. Nhưng lại không có người thiền định, vì người thiền định, người quán sát, phải không có mặt để cho thiền định hiện hữu. Vắng bóng con người thiền định là thiền định, và chỉ khi nào con người thiền định biến mất thì thiền định mới là một cái gì khác hẳn.

Sáng nay thật sớm, Orion đã xuất hiện ở chân trời, Thất Tinh Quân gần như ngay thiên đỉnh. Tiếng ồn của phố thị đã im bớt, còn điểm sáng nơi cửa sổ, gió đông thật mát lạnh, dễ chịu. Khi có chú tâm toàn vẹn, thì không có kinh nghiệm. Chỉ có kinh nghiệm nếu không chú tâm. Chính không chú tâm gom góp kinh nghiệm, gia tăng ký ức, dựng lên những bức tường đối kháng; cũng chính không chú tâm tạo lập những hoạt động quy ngã. Không chú tâm là tập trung, tức là đào thải, phân chia. Tập trung biết được tán tâm và cũng biết đến mối xung đột triền miên của chế ngự và kỷ luật. Trong trạng thái không chú tâm, mọi phản ứng đối với thách thức không sao chính đáng được. Sự thiếu kém này lập thành kinh nghiệm. Kinh nghiệm sinh ra tính vô cảm, làm cứng ngắc cơ chế của tư tưởng, làm dày đặc thêm bức tường của ký ức; tập quán và thói quen sẽ biến thành tiêu chuẩn. Kinh nghiệm, không chú tâm đều không có tính giải phóng. Thiếu chú tâm là già cỗi từ từ.

Chú tâm toàn vẹn không có kinh nghiệm, vì không còn trung tâm để cho kinh nghiệm lao mình vào, cũng không có phạm vi để cho kinh nghiệm đóng khung. Chú tâm không phải là tập trung thu nhỏ lại, có giới hạn. Chú tâm toàn vẹn trùm khắp không bao giờ loại trừ. Chú tâm một cách phiến diện cạn cợt lại là không chú tâm; chú tâm toàn vẹn bao hàm bề mặt hiện nổi cũng như chỗ thâm cùng sâu kín, quá khứ, ảnh hưởng của quá khứ trên hiện tại, chuyển động của quá khứ đến tương lai. Tất cả tâm ý thức đều từng phần, cục bộ, tù hãm, trong khi chú tâm toàn vẹn bao trùm ý thức với những giới hạn của nó; do đó chú tâm có khả năng xóa bỏ biên cương và giới hạn . Mọi tư tưởng đều bị ước định, và tư tưởng không có năng lực để cởi bỏ ước định. Tư tưởng là thời gian và kinh nghiệm. Tư tưởng là hậu quả chủ yếu của sự không chú tâm.

Cái gì có thể tạo ra chú tâm toàn vẹn? Không một phương thức nào, không một hệ thống nào. Những thứ này hứa hẹn kết quả. Nhưng chú tâm toàn vẹn không phải là một kết quả, tình yêu cũng không phải thế; chúng ta không thể khơi dậy sự chú tâm, không một hành động nào có thể khêu gợi sự chú tâm. Chú tâm toàn vẹn là phủ nhận những kết quả do sự không không chú tâm gây ra, nhưng sự phủ nhận này không phải là hành vi của sự chuyên chú có ý thức. Cái sai phải được loại bỏ, nhưng không phải vì chính cái đúng đã được hiểu biết trước đó, không còn sai khi đã biết đúng. Cái đúng thật không phải là đối nghịch của cái lầm giả; tình yêu không phải là đối nghịch của hận thù. Hiểu biết hận thù không đưa đến hiểu biết tình yêu. Loại bỏ cái lầm giả, loại bỏ cái có quan hệ với sự không chú tâm không phải là kết quả của ý muốn đi đến chú tâm toàn vẹn. Thấy biết cái lầm giả như đang là, cái đúng thật như đang là và cái thật trong cái giả không phải là hậu quả của sự so sánh. Thấy biết cái giả như giả là chú tâm, nhưng cái giả sẽ không được thấy là giả khi còn có ý kiến, phán đoán, lượng giá, trói buộc v.v… Mọi thứ này là hậu quả của sự không chú tâm. Chú tâm toàn vẹn là quán chiếu vào mọi cơ cấu của sự không chú tâm. Tâm có chú tâm là tâm rỗng rang.

Tính thanh tịnh của “bờ bên kia” là ‘cái lớn lao vô hạn, là sức mạnh khôn cùng của nó, nó ở đó sáng nay, trong sự tĩnh lặng dị thường.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH TÂM LINH ĐẾN TỪ BÊN TRONG
  2. QUÁN SÁT NỘI TÂM
  3. ĐI VÀO QUÁN THẤY THẤU SUỐT

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN