TẠO THÓI QUEN PHÂN BIỆT THỰC TẾ VÀ SUY DIỄN

TAKESHI FURUKAWA

Trích: Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi (Nguyên tác: Nine Ways to Stop Thinking Negatively);  TAKESHI FURUKAWA / Như Nữ dịch; NXB Thế Giới, 2018

Tạo thói quen suy nghĩ phân biệt thực tế và suy diễn

Bộ não của chúng ta có xu hướng tạo ra những định kiến và những suy diễn sai lầm. Do đó, cách hiệu quả nhất chính là tạo thói quen suy nghĩ phân biệt thực tế và suy diễn.

Ví dụ “tôi bị cấp trên ghét”, đây là suy diễn.

Vậy bạn hãy thử nghĩ xem thực tế là gì. Đó chính là “sáng nay mình chào hỏi đàng hoàng mà ông ấy không trả lời”, hoặc “mình bị chỉ trích nặng nề”… Tuy nhiên, chỉ cần những dấu hiệu như vậy, các bạn chắc sẽ quả quyết rằng mình bị ghét rồi, đúng không nào?

Thực ra, có thể sếp của bạn chưa nghe thấy lời chào ấy, hoặc tâm trạng của ông ấy đang không tốt…

Kể cả trong các mối quan hệ với người khác hoặc trong việc tự đánh giá bản thân, có rất nhiều trường hợp không giữ nguyên thực trạng mà tự tạo ra những thành kiến riêng cho mình.

Đã bao giờ bạn hiểu nhầm về sự thật chưa?

Nắm bắt chứng cứ

Việc nắm bắt các chứng cứ sẽ giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, nỗi lo lắng mơ hồ. Ví dụ, nếu bạn nghĩ “có lẽ công ty sẽ phá sản”, bạn hãy nhìn vào số liệu tài chính và từ đó nhận biết tình trạng công ty.

Nếu bạn lo lắng “hình như mình đang bị bệnh”, bạn hãy đến bệnh viện để thăm khám cụ thể. Từ đó, bạn sẽ không còn phải lo lắng hay sợ hãi nữa.

Nắm bắt triệt để thực tế và chứng cứ!

– Những việc khiến bạn nghĩ mình bị ghét là gì?

– Chứng cứ cho thấy những việc bạn đang lo lắng là gì?

Cách giải quyết: Định lượng mọi thứ

Tôi nghĩ chắc hẳn có nhiều người đã xem phim Hàm Cá Mập – một bộ phim kể về cuộc tấn công loài người của giống cá mập trắng khổng lồ. Hồi bé, khi xem bộ phim này, tôi đã thực sự sợ hãi và lo lắng rằng “nếu lúc lặn xuống biển mà có cá mập xuất hiện thì làm thế nào”. Thế nhưng mỗi lần ngắm biển Okinawa, tôi lại khao khát được lặn xuống tận đáy. Tôi bèn ngượng ngập nói với thầy dạy lặn trong trường về nỗi bất an của mình.

– Liệu có chuyện bị cá mập ăn thịt người tấn công trong lúc đang lặn biển không ạ?

Ngay lập tức Thầy giáo hỏi lại tôi:

– Furukawa này, nữ diễn viên yêu thích của em là ai?

– Aragaki Yui ạ – Tôi trả lời mà không biết vì sao.

Và thầy nói:

– Xác suất em gặp cá mập ăn thịt người ở biển cũng tương đương với xác suất em gặp được Aragaki Yui trên đường vậy.

Chỉ với một câu nói, thầy đã đánh bay nỗi sợ hãi trong tôi. Sau đó, tôi được cấp giấy phép và giờ tôi còn lặn cả ở những vùng biển nước ngoài.

Lời nói ẩn dụ của thầy giáo chính xác bao nhiêu thì tôi không rõ, nhưng xác suất sợ hãi vì một chuyện mà tỉ lệ 1/1000 cũng hiếm xảy ra thì tôi biết, thế nên nỗi sợ của tôi đã biến mất.

Khi cảm thấy sợ hãi, tầm nhìn của con người sẽ bị thu hẹp lại và chỉ nhìn được sự việc trong phạm vi hạn hẹp mà thôi. Bạn càng cảm thấy lo sợ, càng không muốn chuyện gì đó xảy ra thì nó lại càng có xu hướng biến thành hiện thực.

Những lúc như thế, bạn có thể định lượng cho những cảm giác ấy của mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC TẠI LÀ CÁI ĐANG LÀ
  2. CÂU CHUYỆN VỀ XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG BẢN THÂN
  3. XÁC ĐỊNH RÕ PHƯƠNG HƯỚNG CỦA BẢN THÂN

Bài viết khác của tác giả

  1. TẬP TRUNG VÀO NHỮNG VIỆC CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC
  2. THAY ĐỔI CÁCH NHÌN CHỨ KHÔNG THAY ĐỔI NGƯỜI KHÁC
  3. TRẠNG THÁI DÒNG CHẢY – BẠN CÓ THỂ CHÌM ĐẮM VÀO VIỆC GÌ ĐẾN MỨC QUÊN CẢ THỜI GIAN ?

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH